Lý Sơn Bức tranh vẽ vội

(ĐTTCO) - Thiên đường Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi) đang trở nên xấu xí trong mắt du khách khi những năm gần đây, tình trạng xây dựng tràn lan khách sạn, nhà nghỉ, quán ăn theo kiểu “ăn xổi, ở thì” để khai thác du lịch. 

Điều này đã phá vỡ bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp của gần 400 năm trước, sau khi trái đất “rùng mình” đã tạo nên 5 ngọn núi lửa là đảo Lý Sơn ngày nay.

Nham nhở xây dựng

Đi dọc những con đường mòn bao quanh đảo, dễ bắt gặp những “vết thương” nham nhở đang xé toạc hòn đảo thơ mộng này thành những mảnh ghép nhiều màu sắc u ám khác nhau. Ngay tuyến đường trung tâm từ cảng Lý Sơn đến trụ sở UBND huyện đã thấy những nhếch nhác cho một thiên đường du lịch.
Hạ tầng mở rộng đường trung tâm đã mấy năm nay nhưng vẫn chưa hoàn thiện nên người dân tranh thủ dựng nhà cửa, xây công trình không theo quy hoạch nào. Hay đi theo tuyến đường cơ động ven biển bao quanh đảo, những nhà nghỉ, khách sạn lố nhố mọc lên không theo quy chuẩn, những ai đến trước, làm trước, ai đến sau làm sau như những cục u bám vào Lý Sơn.

Không ít người trở lại Lý Sơn sau nhiều năm tỏ ra thất vọng với những gì đang diễn ra trên hòn đảo tiền tiêu này. Việc tăng trưởng “nóng” đang tiềm ẩn nguy cơ bê tông hóa đảo Lý Sơn. Một số bãi đá nhẵn bóng quanh đảo đã biến mất, nhường chỗ cho bê tông, cốt thép. “Từ biển nhìn vào đảo toàn thấy bê tông, gạch đá, xi măng và những mảng đất bazan lộ thiên được xúc đem đến các ruộng tỏi và chân công trình” - anh Tấn An, một du khách từ Quảng Ngãi ngao ngán.

Bước chân lên đảo, đi theo tuyến cơ động, Lý Sơn nhìn ra vẻ bề thế nhưng để có công trình này, những rặng san hô triệu năm, bãi Kiều Kiều, hang Cò và các rặng đá từ hòn Mù Cu đến hang Câu đã bị san bằng không còn dấu tích. Riêng cổng Tò Vò có nguy cơ gãy đổ bất cứ lúc nào vì đường cơ động và đê chắn sóng làm thay đổi hướng sóng.
“Lý Sơn như một đại công trường, lổn nhổn gạch đá, bê tông đè lên cảm xúc thơ mộng biển khơi. Nếu cứ giữ quan điểm xây dựng Lý Sơn thành đô thị biển, e rằng nhịp sống hối hả và những tòa nhà cao tầng sẽ là huyệt mộ chôn lấp di sản triệu năm và giá trị lịch sử của hòn đảo này” - ông Nguyễn Đăng Vũ, Giám đốc Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch Quảng Ngãi, lo lắng.
Tại thắng cảnh hang Câu, nằm trong quần thể Danh thắng cấp Quốc gia Chùa Hang, nơi được ví như “bồng lai tiên cảnh” người dân lấy cát trắng để sản xuất nông nghiệp đã đe dọa đến địa tầng địa mao. Ông Trương Tiễn, ở thôn Đông xã An Hải, xót xa: “Có ngày, hàng trăm mét khối cát được lấy đi chỉ để lại những hố sâu nguy hiểm, xác san hô, rác thải bừa bãi gây ô nhiễm môi trường”. Bên cạnh tác động từ chính người dân, những dự án từ bên ngoài “xâm nhập” vào Lý Sơn xây dựng nhưng chưa có giấy phép hoặc chưa có quy hoạch chi tiết cũng gây ra những hệ quả khôn lường. Như dự án phân khu phức hợp Sài Gòn - Lý Sơn, Khu kinh doanh cà phê, ăn uống giải trí trưng bày đặc sản Lý Sơn… Hầu hết công trình trên đã xây dựng phần thô, nhưng do vi phạm khi chưa có giấy phép xây dựng, chưa đảm bảo tính chất pháp lý về đất đai, nên bị huyện Lý Sơn đình chỉ xây dựng và dự án treo đến nay.
Lý Sơn Bức tranh vẽ vội ảnh 1 Bê tông hóa xung quanh đảo Lý Sơn. 
Chưa xong quy hoạch, xây dựng đã lấp đầy
“Thiên đường nơi hạ giới” hay “Tuyệt tác giữa đại dương”, “Hòn ngọc giữa biển xanh”... là những mỹ từ du khách thập phương phóng khoáng dành tặng cho đảo Lý Sơn. Và quả thật, nếu ai đã từng đặt chân lên hòn đảo đặc biệt này, được lang thang qua những đường mòn len lỏi qua những ô hành tỏi, được đứng dưới cột cờ trên đỉnh núi Thới Lới, chót vót trên cổng tò vò... và hít hà không khí trong lành, mặn mà từ biển, dẫu có khó tính vô cùng cũng sẽ ngả nón thốt lên: Đẹp quá, Lý Sơn!
Lý Sơn Bức tranh vẽ vội ảnh 2 Thắng cảnh hang Câu luôn bị đe dọa bởi tình trạng khai thác cát và phá vỡ quy hoạch từ dự án du lịch. Ảnh: Hà Minh 
Tháng 11-2015, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Ngọc Căng đã có văn bản chỉ đạo về việc lập đồ án quy hoạch xây dựng tỷ lệ 1/2.000 cho huyện đảo Lý Sơn đến năm 2025 với khoản kinh phí gần 18 tỷ đồng. Đồng thời, giao CTCP Đầu tư xây dựng Thiên Tân làm chủ đầu tư phối hợp với Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering Ltd (Nhật Bản) lập quy hoạch huyện đảo theo hướng vừa bảo tồn di sản thiên nhiên hoang sơ, vừa  ứng phó với biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp trong tương lai.
Kế hoạch đến tháng 5-2016 đồ án trên phải được hoàn thành. Tuy nhiên, đang làm nửa chừng do nhiều nguyên nhân khác nhau, liên doanh này lẳng lặng rút lui. Và sau đó UBND tỉnh giao việc quy hoạch đảo Lý Sơn cho Sở Xây dựng thực hiện và yêu cầu phải hoàn thành việc quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 trước ngày 31-7-2017. Gần 2 năm qua, việc khảo sát, đo đạc, phân tích để đưa ra một quy hoạch tổng thể vẫn chưa thể thực hiện xong, trong khi các dự án, công trình đã rầm rộ khởi công, xây dựng.
“Kiểu này, quy hoạch chưa làm xong, xây dựng đã lấp đầy hòn đảo rồi” - ông Đoàn Sung, Giám đốc Công ty Đoàn Ánh Dương, đơn vị đang thực hiện đề án giữ nguyên hiện trạng Lý Sơn để khai thác du lịch theo kiểu homestay, không khỏi chạnh lòng khi nói về Lý Sơn.

Và có lẽ không ở đâu như Lý Sơn cụm từ quản lý quy hoạch và tuân thủ quy hoạch lại mờ nhạt như vậy. Mặc dù tỉnh Quảng Ngãi đã công bố quy hoạch 150ha vùng lõi đô thị thị trấn Lý Sơn để tránh tình trạng xây dựng công trình vật kiến trúc trái phép, nhưng ngay chính trong vùng quy hoạch lại xảy ra tình trạng xây dựng tràn lan nhiều nhất và việc tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xây dựng trái phép cũng nhiều nhất.
Hệ quả mới đây, sau 7 tháng thanh tra tình trạng quản lý và sử đụng đất đai, ông Trần Ngọc Căng, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi đã phải “hạ” bút ký kết luận thanh tra và đề nghị kỷ luật một số lãnh đạo huyện Lý Sơn.
Động thái này có hạn chế được tình trạng phá vỡ quy hoạch Lý Sơn hay không vẫn còn chờ thời gian trả lời. Bởi không phải bây giờ mới có những trăn trở ấy, trước đây, khi quyết nghị xây dựng Lý Sơn thành đô thị biển, nhiều người băn khoăn. Bởi, biến Lý Sơn thành đô thị biển đồng nghĩa với việc bê tông hóa luôn cả hòn đảo xinh đẹp này.

Các tin khác