Lũ dữ hoành hành

(ĐTTCO) - Theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, dù chỉ là áp thấp nhiệt đới nhưng khi đổ bộ vào các tỉnh miền Trung nước ta gây ra mưa lớn suốt từ đêm 9-10 làm xuất hiện lũ quét, vỡ đê, sạt lở đất vùi lấp, cuốn trôi hàng chục ngàn căn nhà ở khắp các tỉnh miền núi Tây Bắc và Bắc Trung bộ.
 Chỉ trong vài ngày, mưa lũ đã làm 60 người chết, 37 người mất tích, 31 người bị thương. Trong đó, Hòa Bình là địa phương thiệt hại nặng nề về người, với 20 người chết, 13 người mất tích, 189 nhà bị sập, 30.827 nhà bị ngập, 1.948 nhà phải di dời khẩn cấp. 
Lũ lớn đã gây ra 60 sự cố trên các tuyến đê tại các tỉnh Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam, Nam Định. Nhiều tuyến đường giao thông vẫn chưa thông tuyến. Các xã Mường Bang, Sập Xa, huyện Phù Yên; Chiềng Yên, Song Khủa, Suối Bàng, Mường Men, Liên Hòa, Mường Tè, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La); các xã vùng cao Đồng Nghê, Suối Nánh, Mường Tuổng, Đồng Chum, Mường Chiềng, Hưng Thi, An Bình... thuộc huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình) hiện vẫn bị cô lập do chưa khắc phục được giao thông.
Áp thấp nhiệt đới kết hợp 2 hoàn lưu kép tạo nên diện mưa rất rộng từ các tỉnh Bắc Trung bộ trở ra các tỉnh miền núi phía Bắc. Đặc biệt, vì thông thường tháng 10 rất ít mưa tại khu vực này, đây là dấu hiệu cho thấy biến đổi khí hậu rất khôn lường. Lịch sử 10 năm nay chưa bao giờ hứng chịu mưa lớn dồn dập như vậy, hồ Hòa Bình chỉ 2 ngày nước về tới 15.000m3, đe dọa đến an toàn hồ đập và tính mạng người dân. Lần đầu tiên, hồ Hòa Bình liên tục phải mở 8 cửa xả đáy.
Tang thương nhất là vụ sạt lở đất vùi lấp 4 hộ dân với 18 người tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình, sau 3 ngày tìm kiếm lực lượng cứu hộ mới tìm được 11 thi thể nạn nhân. Ngày 13-10, toàn bộ 2km đoạn đê bao sông Bùi 2 khiến nhiều hộ dân xã Hoàng Văn Thụ, Nam Phương Tiến, huyện Chương Mỹ, Hà Nội ngập trong biển nước mênh mông, không phân biệt được đâu là đồng, đâu là đê. Nước ngập trắng đến nóc nhà, chạm gần đến ngọn hàng cây mọc ven đê. Thống kê của huyện Chương Mỹ đến nay mưa lũ đã làm ngập 92ha lúa, hư hỏng gần 850ha cây vụ đông, ngập 125ha thủy sản, làm chết gần 200 con lợn và gần 10.000 con gà. Huyện cùng các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn đã huy động trên 1.800 người tham gia hộ đê, sơ tán cứu dân.
Huyện miền núi Thạch Thành (Thanh Hóa) những ngày qua là rốn lũ của Thanh Hóa. Khắp các con đường, gia súc gia cầm chết la liệt, người dân bì bõm trong nước lũ. Theo người dân địa phương, từ năm 2007 đến nay mới có trận lũ lớn khiến nước tràn qua đê.  Những ngày qua, hàng trăm hộ dân phải căng lều bạt sống, sinh hoạt trên mặt đê hữu sông Bưởi để tránh lũ lụt. Cuộc sống của người dân vùng lũ đã khó khăn, nay càng khó khăn hơn khi lũ về cuốn đi nhiều tài sản.
Tại xã Phúc Sơn, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái trận lũ quét kinh hoàng khiến 4 người (trong số 5 thành viên) của 1 gia đình bị lũ cuốn trôi. Công tác khắc phục hậu quả sau lũ trên địa bàn Thị xã Nghĩa Lộ đang được tiến hành khẩn trương với sự tham gia tích cực của mọi lực lượng nhằm giúp người dân nhanh chóng vượt qua khó khăn, sớm ổn định cuộc sống. Sư đoàn 316 Quân khu II  đã điều hơn 400 cán bộ chiến sĩ tham gia giúp dân khắc phục hậu quả sau lũ.
Ông Ngô Thành Kiên, Phó Chủ nhiệm chính trị Sư đoàn 316, cho biết Đối với hơn 500 nhà bị sập và ngập úng lực lượng sư đoàn 316 phối hợp cùng với lực lượng chức năng của địa phương  chủ động thu dọn bùn đất, vệ sinh đồ đạc, nhà cửa, phơi phóng để sớm sắp xếp ổn định đời sống. Khối lượng bùn đất đổ vào nhà dân nhiều nên công tác khắc phục còn nhiều khó khăn, song tinh thần của bà con và các lực lượng diễn ra hết sức khẩn trương.
Hiện nay, Sư đoàn 316 vẫn tiếp tục phối hợp với thị xã Nghĩa Lộ các lực lượng chức năng của tỉnh Yên Bái tham gia tích cực công tác cứu hộ cứu nạn giảm thiệt hại tối đa về người và tài sản cũng như sản xuất nông nghiệp. Đồng thời tham gia lực lượng ứng trực 24/24h, canh gác, cảnh báo tập trung tại các điểm sung yếu như các ta luy ven đồi khu vực Ả Hạ xã Nghĩa Phúc, ven bờ suối Thia, suối Nung, suối Nậm Tộc. 
Trong khi mưa lũ vẫn chưa chấm dứt, cơn bão số 11 được dự báo có thể giật lên cấp 16 đang tiến nhanh và đe dọa các tỉnh từ miền Trung đến Bắc Bộ. Theo dự báo, cơn bão này có khả năng đổ bộ vào các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An khoảng ngày 16 hoặc 17-10. Sau đó là bão số 12 và đợt lũ mới. Đáng lo ngại là cơn bão số 11 sẽ gây mưa lớn ở Bắc Trung bộ và lan rộng ra phía Đông Bắc bộ. Nghĩa là khả năng các tỉnh đang chịu thiệt hại đợt lũ trên khả năng sẽ tiếp tục xuất hiện đợt lũ mới, nguy cơ ngập lụt, sạt lở đất ở mức cao.
Lũ dữ hoành hành ảnh 1 Chỉ trong vài giờ ngày 9-10, toàn bộ nhà dân khu vực Phú Thượng, bãi giữa sông Hồng thuộc địa phận Hà Nội bị ngập nặng. 
Lũ dữ hoành hành ảnh 2 Người dân huyện Chương Mỹ, Hà Nội di chuyển trên đường làng bằng xuồng. 
Lũ dữ hoành hành ảnh 3 Nhà dân ở huyện Gia Viễn, tỉnh Ninh Bình bị ngập sâu trong nước lũ. 
Lũ dữ hoành hành ảnh 4 Nỗ lực tìm kiếm nạn nhân vụ sạt lở đất tại xóm Khanh, xã Phú Cường, huyện Tân Lạc, tỉnh Hòa Bình.
Lũ dữ hoành hành ảnh 5 Gặt lúa chạy lũ ở huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. 
Lũ dữ hoành hành ảnh 6 Nguy cơ ô nhiễm khi nước rút. 
Lũ dữ hoành hành ảnh 7 Bộ đội tham gia dọn dẹp bùn đất ở thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái. 
Lũ dữ hoành hành ảnh 8 Nước ngập mênh mông tại huyện miền núi Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa. 
Lũ dữ hoành hành ảnh 9 Người dân xã Lạc Lương, huyện Yên Thủy, Hòa Bình di dời tài sản trong nước lũ. 

Các tin khác