Long Nhi nuôi dưỡng ước mơ

Trên địa bàn TPHCM có hơn 40 đội lân sư rồng lớn nhỏ, nhưng có một đội đã gây ấn tượng đặc biệt với chúng tôi, đó là đội lân sư rồng Long Nhi Đường (phường 13, quận 8, TPHCM). Ở đây các thành viên đều rất nhỏ tuổi từ 12-17, hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, lang thang, cơ nhỡ không nơi nương tựa. Đội lân giúp các em thỏa niềm đam mê nhảy múa, đồng thời là nơi hướng các em vào con đường lương thiện, tránh xa cạm bẫy xã hội.

Trên địa bàn TPHCM có hơn 40 đội lân sư rồng lớn nhỏ, nhưng có một đội đã gây ấn tượng đặc biệt với chúng tôi, đó là đội lân sư rồng Long Nhi Đường (phường 13, quận 8, TPHCM). Ở đây các thành viên đều rất nhỏ tuổi từ 12-17, hầu hết đều có hoàn cảnh khó khăn, lang thang, cơ nhỡ không nơi nương tựa. Đội lân giúp các em thỏa niềm đam mê nhảy múa, đồng thời là nơi hướng các em vào con đường lương thiện, tránh xa cạm bẫy xã hội.

Gian nan lập đội

Đội trưởng đội lân Long Nhi là em Lê Văn Nam (thường gọi là Hưng), năm nay mới 20 tuổi, trông già so với độ tuổi. Vì hoàn cảnh gia đình khó khăn Hưng phải nghỉ học sớm đi theo đội lân Tinh Võ biểu diễn. Tại đây, Hưng thấy nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, hàng ngày phải phụ giúp gia đình kiếm sống không có thời gian theo đội tập, hoặc có em nhà nghèo không tiền tham gia.

Và ý tưởng thành lập đội lân cho những em nhỏ lang thang, cơ nhỡ không nơi nương tựa xuất phát từ đây. Lúc mới thành lập, đội lân chỉ khoảng 4-5 em, để có kinh phí hoạt động mỗi ngày các thành viên để dành 3.000 đồng, đến cuối tháng hùn lại 100.000 đồng. Gộp tất cả số tiền đó các em tìm chỗ bán đồ rẻ mua về tự làm đầu lân đem bán lấy kinh phí. Tuy nhiên, đội lân Long Nhi lúc đó vẫn chưa có nơi nào mời đi biểu diễn, vì muốn được gọi đi múa phải có đầy đủ lân, sư, rồng.

Long Nhi biểu diễn tại buổi khai trương. Ảnh: YẾN NHI 

Long Nhi biểu diễn tại buổi khai trương. Ảnh: YẾN NHI 

Hưng cười nhớ lại lúc đó do chưa sắm được lân nên các em phải lấy sọt rác giả làm đầu lân tập múa. Trong lúc khó khăn này, Hưng tình cờ gặp bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty TNHH Ba Huân, được biết nhiều qua các chương trình từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn. Sau khi nghe trình bày ý tưởng Long Nhi đã có bước ngoặt lớn nhận được sự giúp đỡ của bà Ba Huân để có kinh phí mua trống, phụ kiện, rồng và tài trợ thêm quần áo, xe cộ. Ngoài ra, bà Ba Huân còn  giới thiệu Long Nhi đến nhiều doanh nghiệp, tập thể để có nơi biểu diễn, tổ chức sự kiện.

Hưng chia sẻ: “Ban đầu một số thành viên dao động trước khó khăn. Nhưng mọi người tâm niệm đội múa lân hoạt động giúp các em nhỏ có việc làm, không lêu lổng, tránh xa những khu vực nhạy cảm, tệ nạn. Đến nay đã có 30 thành viên “nhí”. Long Nhi biểu diễn khắp nơi, dù giá thấp hay diễn không công để phục vụ bà con. Đội lân còn thường xuyên đi múa từ thiện tại làng trẻ em SOS hay trại trẻ mồ côi”.

Niềm tin mảnh đời khó khăn

Đến đại bản doanh nơi Long Nhi sinh hoạt, tập luyện tại đình Vĩnh Hội, 46 đường Đinh Hòa, phường 13, quận 8, TPHCM, ông Lâm Phú Hòa, người trông coi đình Vĩnh Hội, cho biết: “Tôi biết Hưng từ lâu rồi. Sau này thấy Hưng đứng ra thành lập đội lân tập hợp các em nhỏ một số phường xung quanh sống chan hòa, giúp đỡ nhau bà con rất mừng. Nhiều đứa sau khi vào đội lân ngoan hẳn ra, không còn phá làng phá xóm như trước. Vì vậy mọi người ở đây luôn giúp đỡ, tạo điều kiện cho các em. Ở đình cũng tạo điều kiện để các em có chỗ sinh hoạt, tập luyện”.

Em Mã Hành Tính hàng ngày phải phụ sửa xe kiếm sống.

Em Mã Hành Tính hàng ngày phải phụ sửa xe kiếm sống. 

Chúng tôi đến gặp thành viên nhỏ tuổi nhất của đội Mã Hành Tính, ở quận 6. Tính nghỉ học cách đây 1 năm, hiện đang làm phụ sửa xe gắn máy. Mới 12 tuổi, vóc dáng gầy gò nhưng Tính đã thành thạo với công việc khá nặng nhọc so với lứa tuổi. Chủ tiệm sửa xe cho biết hàng ngày tiền công phụ sửa xe Tính không tiêu xài gì mà dành dụm mơ ước sau này đủ tiền đứng ra tự mở tiệm riêng.

Cô Hứa Cẩm Hà, mẹ của một thành viên khác là em Anh Tuấn ở một con hẻm nhỏ quận 8, tự hào: “Hàng ngày sau mỗi giờ học, Tuấn ra phụ dọn dẹp, rửa chén bát quán ăn của gia đình. Mỗi khi đội lân có sinh hoạt tập, biểu diễn thì tham gia, ngoài ra không đi đâu. Cháu còn học thêm kỹ thuật làm đầu lân từ các anh lớn hướng dẫn để kiếm thêm thu nhập, không còn thấy ăn chơi lêu lổng như ngày trước”.

Khi đường phố bắt đầu lên đèn là lúc các thành viên trong đội Long Nhi, sau một ngày vất vả, tụ họp dưới chân cầu Chà Và tập luyện. Các thành viên trong đội tuy tuổi còn nhỏ nhưng tác phong rất chuyên nghiệp, có mặt đúng giờ và phân chia chuẩn bị dụng cụ rõ ràng, nhanh nhẹn. Những mỏi mệt sau ngày dài mưu sinh được xua tan, các em cùng nhau vui đua, tập luyện hăng say.

Đội trưởng Hưng chịu trách nhiệm dạy múa lân cho các thành viên. “Để múa thành thạo những bài lân đơn giải phải mất 5 tháng luyện tập. Người múa lân cần có đức tính kiên nhẫn, nhanh nhẹn, và một điều hết sức quan trọng là niềm đam mê, yêu thích. Người múa giỏi phải nhập được vào tiếng trống, hóa thân thành những con lân, rồng thực sự, với dáng bay thật cao, uốn lượn mềm mại, uyển chuyển”.

Khó khăn của múa lân như bị té, ngã, trật chân, trật tay, ê ẩm mình mẩy, nhưng các thành viên đội Long Nhi lại nói về nguy hiểm một cách nhẹ nhàng. Mỗi người có một ước mơ riêng của mình, nhưng khi nói về tương lai của Long Nhi ai cũng mong muốn đội lân ngày một lớn mạnh, có chỗ tập luyện rộng rãi hơn, có dàn Mai Hoa Thung để tập luyện bài múa lân trên các cây cột.

Các tin khác