Lồng chim xứ Huế

(ĐTTCO) - “Phải đam mê và yêu nghề thì mới mang lại sức sống cho mỗi tác phẩm của mình được” là lời tâm sự của nghệ nhân Đoàn Minh Căn ở làng Dương Nỗ (xã Phú Dương, Phú Vang, Thừa Thiên - Huế). 
Ông được mệnh danh là “Đệ nhất lồng chim xứ Huế” với những chiếc lồng chim đẹp, cầu kỳ và tinh xảo tới mức hoàn hảo.
Theo đuổi ước mơ
Sinh ra trong một gia đình nghèo khó, thuần nông, nhưng từ nhỏ ông Đoàn Minh Căn đã có niềm đam mêm với nghề điêu khắc và hội họa. Đặc biệt ông rất dễ bị cuốn hút bởi những tác phẩm nghệ thuật đẹp mắt và cầu kỳ. Năm 1982 sau khi học xong phổ thông, ông Căn quyết định không tiếp tục theo con đường đại học mà học nghề theo niềm đam mê điêu khắc và hội họa. Ông theo học tại một xưởng điêu khắc của nghệ nhân nổi tiếng lúc bấy giờ là ông Lê Đăng Duân. Sau một thời gian học việc, ông xin vào làm việc ở một xưởng mộc mỹ nghệ.  
Lồng chim xứ Huế ảnh 1 Nghệ nhân Đoàn Minh Căn đang hoàn thành những công đoạn cuối cùng của chiếc lồng chim. 
Đến năm 1987, để nâng cao tay nghề, ông xin học thêm tại xưởng chạm khắc mỹ nghệ của ông Phan Thế Huề, một người thợ nổi tiếng trong chạm khắc các công trình trong Hoàng cung thời Nguyễn. Sau hơn 2 năm học tại đây, ông trở về làng Dương Nỗ tự mở xưởng. Những sản phẩm đầu tay của ông chủ yếu là những đồ dùng gia đình như bàn, ghế, tủ, giường hoặc những sản phẩm nhỏ xinh như hộp đựng đồ, gạt tàn thuốc lá, chiếc đĩa đựng nho nhỏ. 
Lồng chim xứ Huế ảnh 2 Chạm khắc rất đẹp mắt, cầu kỳ và tinh xảo đến từng chi tiết. 
Tuy nhiên, những năm gần đây nguồn gỗ ngày càng hiếm khiến công việc điêu khắc cũng bị ảnh hưởng theo. Trong một lần đến nhà bạn chơi, thấy hình ông Bụt được chạm trên một gốc tre già, ông đã nảy sinh ý tưởng làm lồng chim bằng tre. Loại tre ông chọn thường là tre già mọc trong rừng vì chúng rất bền, dẻo, có màu sắc đẹp, sáng, rất thích hợp để chế tác cũng như tạo dáng nhiều kiểu cho lồng chim. Nhưng tre trong rừng cũng rất hiếm, vì vậy ông phải đặt tiền trước cho người dân để họ đi lấy. Ngoài ra để phong phú thêm nguồn nguyên liệu, ông phải liên lạc với nhiều mối ở Tây nguyên và cả ở ngoài Bắc.
Ông cho biết: “Vì đặc tính của tre rất dễ nứt nên việc thử nghiệm với loại nguyên liệu mới này gặp nhiều khó khăn, nhiều lúc tính bỏ cuộc. Nhưng sau nhiều lần thất bại, tôi phát hiện chạm trổ tre phải theo thớ của nó, dụng cụ chạm cũng phải nhỏ, nếu không sẽ bị hỏng”. Người thợ đã trải qua một thời gian với biết bao lần thất bại mới đúc rút được nhiều kinh nghiệm cho bản thân. “Muốn có được một sản phẩm hoặc một lồng chim đẹp trước tiên phải chọn tre thật già. Các đường cong của sản phẩm phải dùng lửa để uốn với độ lửa vừa phải, nhiệt độ cao quá tre sẽ cháy, thấp quá không đủ độ nóng để uốn cong. Xong các công đoạn thô, người thợ phải dùng bút vẽ những họa tiết mình muốn làm, sau cùng mới đến phần đục đẽo bằng tay tỉ mỉ từng chi tiết. Cái sướng của nghề chạm khắc tre là ít đụng hàng nên không bao giờ hết việc” - ông Căn chia sẻ thêm.  Những chiếc lồng độc đáo ông Căn tạo ra đã nhanh chóng lan rộng khắp trong giới chơi chim trên cả nước. Biệt danh “Căn lồng chim” của ông từ đó được nhiều người biết đến. Mỗi lồng chim ông Căn tạo ra là một tác phẩm nghệ thuật độc đáo, với những nét chạm trổ tinh xảo bởi bàn tay tài hoa và sự cần cù, nỗ lực.
Lồng chim xứ Huế ảnh 3 Những chi tiết trên chiếc lồng chim tạo nên giá trị thẩm mỹ cao. 
Làm giàu từ chế tạo lồng chim
Hầu hết khách hàng của ông là những người rất đam mê thú chơi chim cảnh. Ngoài sưu tầm những loài chim đẹp, quý hiếm, họ còn rất thích lựa chọn những ngôi nhà cho chim phải vừa đẹp, vừa độc đáo. Nhiều người sẵn sàng bỏ ra tiền triệu, thậm chí chục triệu để mua chiếc lồng sao cho xứng tầm với con chim quý. Nắm bắt được tâm lý đó, ông Căn luôn tìm tòi để đổi mới kiểu dáng lồng chim nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng. Nhiều sản phẩm của ông có giá rất cao, một chiếc lồng có giá dao động 5-20 triệu đồng. Còn những chiếc đặc biệt do khách hàng đến tận nơi đặt phải làm trong thời gian dài vì độ công phu cũng như phải mất công tìm đúng nguyên liệu, nên có giá lên đến 40-50 triệu đồng, đôi khi giá lên tới cả trăm triệu đồng. "Để có được một lồng chim đẹp, cầu kỳ và tinh xảo đến từng chi tiết tôi phải mất thời gian rất lâu. Có chiếc lồng chim tôi phải mất 2-3 tháng mới hoàn thành. Đầu tiên phải thiết kế hình dáng chiếc lồng theo đúng yêu cầu của khách, nhiều khi phải mất cả tuần lễ cho công đoạn này. Sau đó phải tỉ mỉ chế tác từng chi tiết nhỏ cho đến khi sản phẩm hoàn thành” - ông Căn chia sẻ. Đến nay, ông Căn đã nhận được rất nhiều giải thưởng như giải Nhất tại Festival Huế năm 2010. Ông còn là người trẻ tuổi nhất trong số 11 người được UBND tỉnh Thừa Thiên-Huế phong tặng danh hiệu nghệ nhân năm 2007. Năm 2009, Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn đã trao giải nhất với sản phẩm lồng chim cảnh “Thập nhị hoa giáp tiên” tại Hội thi sản phẩm thủ công Việt Nam lần thứ VI; giải ba tại hội thi sản phẩm thủ công lần thứ IV năm 2004 với sản phẩm “Hũ trà và song bình”.
Ông còn được Bộ Nông nghiệp-Phát triển nông thôn tặng bằng khen vì đã có thành tích xuất sắc tham gia Hội chợ triển lãm làng nghề Việt Nam năm 2009... Bên cạnh đó, là nhiều giải thưởng như giải Nhất của Cục Mỹ thuật, giải nhất của Bộ Văn hóa-Thể Thao-Du lịch. 

Các tin khác