Lễ phần vàng của người Dao

(ĐTTCO) - Ngược lên miền Tây Bắc trong những ngày cuối xuân nắng vàng rực rỡ. Con đường đất ngoằn ngoèo gập ghềnh lên, xuống từ Quốc lộ 32 vào xã Nậm Mười, Văn Chấn, Yên Bái khiến chúng tôi mướt mồ hôi. 
Lần này không phải ngắm cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, mà chúng tôi hào hứng đi xem lễ phần vàng tạ ơn tổ tiên của người Dao. Chúng ta vẫn thường nghe nói đến  lễ cấp sắc 12 đèn vô cùng ấn tượng của đồng bào Dao ở vùng Tây Bắc, nhưng lễ phần vàng tạ ơn tổ tiên dường như ít người biết tới.
Điều đó càng kích thích chúng tôi phải tìm bằng được nhà ông Bàn Thừa Phúc, ở thôn Nậm Mười, xã Nậm Mười để một lần mục sở thị cái lễ nghe tên là lạ này. Ông Phúc chính là chủ nhà của buổi lễ cúng phần vàng tạ ơn hôm nay.
Bà Bàn Thị Ton, chị gái của ông Phúc vừa gặp chúng tôi đã cho biết ngay, lễ phần vàng tạ ơn tổ tiên của chúng tôi diễn ra ngay sau khi lễ cấp sắc 12 đèn. Nếu như lễ cấp sắc 12 đèn của người Dao ở đây thường diễn ra suốt 3 ngày, 3 đêm, thì lễ phần vàng tạ ơn này diễn ra từ chiều đến đêm trong ngày tiếp theo. Thường chỉ một số gia đình người Dao có kinh tế khá giả ở các thôn, bản vùng Tây Bắc mới làm được lễ phần vàng tạ ơn. 
Lễ phần vàng của người Dao ảnh 1 Ba cô bé Dao với trang phục lộng lẫy đứng trước ban cúng.
Ngay từ đầu giờ chiều bà con, họ hàng đã kéo đến gia chủ để ăn bữa cơm thân mật vui vẻ. Người Dao ở đây vô cùng mến khách, nên thấy chúng tôi họ đã rất nhiệt tình mời cơm, trò chuyện như thân tình từ lâu. Trong bữa cơm, mọi người trò chuyện rôm rả. Người Dao kể cho chúng tôi nghe về lễ cấp sắc 12 đèn cũng như lễ phần vàng tạ ơn, phải thực hiện đầy đủ phần lễ cấp sắc và lễ phần vàng tạ ơn tổ tiên thì mới được xem là nghi thức đã hoàn thành.
Lễ phần vàng của người Dao ảnh 2 Phụ nữ Dao trong trang phục truyền thống nấu nướng ở khu vực bếp.
Nghi thức gồm phần lễ cấp sắc và phần vàng tạ ơn của người Dao ở Tây Bắc diễn ra trong 3-4 ngày liên tục, được xem là nghi thức quan trọng nhất trong kho tàng văn hóa của người Dao. Một người đàn ông Dao chỉ được coi là trưởng thành khi thực hiện bộ chùm nghi thức này. Sau khi trải qua nghi thức, người chủ nhà như ông Bàn Thừa Phúc mới thực sự đủ tư cách đứng trước cộng đồng để thực hiện và tổ chức các công việc chung của thôn, xã…
Lễ phần vàng của người Dao ảnh 3 Thầy cúng và gia đình chuẩn bị cho khu vực bàn cúng tế .
Lễ phần vàng tạ ơn tổ tiên diễn ra rất nghiêm trang và tuần tự. Trong phần lễ có 6 trẻ em gồm 3 nam và 3 nữ trong trang phục truyền thống luôn luôn đứng trước ban thờ đồ lễ để nghe và làm theo thầy cúng. Các em gái mặc bộ trang phục sặc sỡ, đầu cuốn khăn thêu hoa và cổ đeo những vòng bạc lớn. Còn mấy em trai mặc áo, đội mũ mầu đen với họa tiết viền khá đẹp mắt.
Nhân vật chính của buổi lễ là thầy cúng với trang phục áo dài liền thân nhiều màu sắc, trên đầu đội mũ có hình nộm tượng trưng cho quan thần. Thầy cúng phải đọc những bài cúng lễ bằng ngôn ngữ Dao Nôm đặc trưng, đồng thời trong suốt buổi lễ thầy cúng liên tục cầm chuông rung và nhảy các bài xoay vòng tròn độc đáo, lạ mắt. Những nhạc cụ như: trống của người Dao, chiêng nhỏ, chuông đồng… được sử dụng để tạo âm thanh, không khí cho buổi cúng lễ. 
Sau khi bài cúng lễ kết thúc gia chủ sẽ mời cơm bà con, họ hàng và du khách phương xa ghé thăm. Mâm cơm với những món ăn bình dị, nhưng được nấu theo phong cách rất đặc trưng của người Dao, khiến chúng tôi ăn cảm thấy lạ miệng. Đây được coi như bữa ăn chính của buổi lễ phần vàng tạ ơn tổ tiên. Không chỉ có chúng tôi mà chắc chắn rằng những ai từ nơi xa đến được chứng kiến và hòa mình vào buổi lễ cúng phần vàng tạ ơn của người Dao sẽ ấn tượng, nhớ mãi.

Các tin khác