Làng lá buông

Nằm ở ấp Lộc Hòa, xã Lộc Thạnh, Lộc Ninh, Bình Phước, làng nghề phơi lá buông đã có từ hàng chục năm nhưng lại chủ yếu thu hút những người dân nơi khác đến hành nghề. Đây thực sự là một làng nghề độc đáo ở vùng biên giới Lộc Ninh hẻo lánh bởi lá buông không có ở trên lãnh thổ Việt Nam. Trong một ngày ở cùng những người dân làng lá buông, chúng tôi chứng kiến không ít buồn vui, những giọt mồ hôi và cả tiếng cười trẻ thơ bên đọt lá nhìn như những cánh hoa khổng lồ màu vàng mỡ gà óng ả.

Nằm ở ấp Lộc Hòa, xã Lộc Thạnh, Lộc Ninh, Bình Phước, làng nghề phơi lá buông đã có từ hàng chục năm nhưng lại chủ yếu thu hút những người dân nơi khác đến hành nghề. Đây thực sự là một làng nghề độc đáo ở vùng biên giới Lộc Ninh hẻo lánh bởi lá buông không có ở trên lãnh thổ Việt Nam. Trong một ngày ở cùng những người dân làng lá buông, chúng tôi chứng kiến không ít buồn vui, những giọt mồ hôi và cả tiếng cười trẻ thơ bên đọt lá nhìn như những cánh hoa khổng lồ màu vàng mỡ gà óng ả.

Hạnh phúc giản đơn

Nằm gần cửa khẩu Hoa Lư nổi tiếng, làng phơi lá buông khá biệt lập với những khu dân cư khác trong vùng, liền kề với tuyến Quốc lộ 13 chạy thẳng từ TPHCM lên. Chỉ chừng gần hai chục nóc nhà cùng mấy chục cư dân nhưng nơi đây luôn nhộn nhịp bởi một hoạt động duy nhất, phơi lá buông. Lá buông được phơi trên những giàn cao chừng 2m là những hàng cọc bằng cừ tràm, có tre chống và dây căng dài để buộc lá. Những hàng cọc có khi dài cả trăm mét song song cùng nhau.

Anh Bình đang phơi lá. 

Anh Bình đang phơi lá. 

Chúng tôi ghé vào thăm gia đình anh Phạm Văn Bình, 41 tuổi, một cư dân ở đây trong lúc anh đang bó lá. Anh Bình quê ở Hàm Thuận Nam (tỉnh Bình Thuận), hồi trẻ lưu lạc lên Dĩ An (tỉnh Bình Dương) làm công nhân may rồi thợ hồ, chạy xe ôm. Rồi anh gặp chị Dân làm công nhân giày da ở dưới Vĩnh Long lên, 2 hoàn cảnh tương đồng nên thành vợ chồng.

Nhưng chỉ làm bằng sức lao động chân tay gia đình anh Bình sống vất vả nên anh đưa vợ con lên cửa khẩu này theo sự giới thiệu của người bà con cùng quê. Không ngờ đất lành chim đậu. Ở vùng biên giới xa xôi này, cuộc sống gia đình đỡ bấp bênh hơn, rồi cậu con trai thứ 2 của gia đình chào đời cách đây 2 năm. Kể về hoàn cảnh hiện nay, anh Bình cười: “Công việc của vợ chồng chỉ phơi, sơ chế lá buông rồi bán lại cho các tư thương dưới Phù Cát (tỉnh Bình Định) lên mua.

Cứ vài ngày lại có xe tải chở lá buông tươi, mới chặt ở bên Miên (Campuchia) sang đây. Sau đó, mọi người tước lá buông tươi thành từng phiến nhỏ, cột lạt từng lớp túm một đầu, tõe ra để buộc lên giàn. Mỗi lần phơi, nếu nắng to khoảng 3 ngày là khô. Lá khô buộc thành từng cột tròn hai vòng tay ôm đợi xe dưới xuôi lên lấy. Mỗi tấn lá khô có giá khoảng 900.000 đồng. Mùa mưa giá có cao hơn chút đỉnh, khoảng hơn 1 triệu đồng một tấn. Trừ chi phí tất cả, mỗi tháng 2 vợ chồng để ra được 3-4 triệu đồng. Đấy là số tiền khá lớn, đủ để chi trả cuộc sống sinh hoạt ở vùng quê xa xôi này”.

Nhìn ra phía sau nhà, những dãy lá buông dài hun hút được hong trên những hàng cọc đang đón ánh nắng chói chang của vùng biên giới này, chúng tôi không khỏi mừng vui cho hạnh phúc gia đình họ. Mỗi ngày nắng như thế, với họ là cả một niềm vui lớn lao.

Niềm vui gắn liền với những áo cơm đời thường rất giản dị nhưng thiết thực. Nhưng ở làng phơi lá buông này không chỉ gia đình anh Bình mà còn rất nhiều gia đình khác cũng có hoàn cảnh tương tự. Họ là những người dân nghèo, lang thang kiếm sống nhiều nơi nhưng cuối cùng lại chọn mảnh đất đầy nắng gió hoang hoải này để mưu sinh, với một nghề khá lạ lùng.

Tiếng cười miền biên ải

Ánh hoàng hôn đang dần lặn tắt phía những dãy núi xa xa cũng là lúc những người dân làng lá buông hối hả bước vào công việc quan trọng nhất của mình, thu lá. Thành quả của những giọt mồ hôi đã hiển hiện trên đôi tay những người nông dân bằng màu trắng phớt vàng của những đọt lá buông đã khô. Mọi người miệt mài với công việc của mình, giữa lồng lộng gió trời của vùng biên ải xa xôi này.

Kể về công việc của mình, chị Thúy, 29 tuổi, cho biết: “Nhìn vậy chứ nghề phơi lá buông cũng cực nhọc lắm, nhất là lúc tước lá tươi đưa lên giàn. Những phiến lá buông sắc cạnh như những chiếc dao lam khổng lồ có thể cứa đứt tay bất cứ lúc nào nếu sơ ý. Mặc dù đã đeo găng tay nhưng sau nhiều năm làm nghề này, 2 vợ chồng tôi cũng bị chi chít các vết thương ở bàn tay, chân và trên mặt nữa. Mặc dù cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn nhưng do nhu cầu lá buông ở các làng nghề dưới xuôi khá dồi dào, cộng thêm việc hiện nay lá buông chỉ còn ở một số vùng núi hẻo lánh bên phía Campuchia giáp ranh với Bình Phước nên dân làng phơi lá vẫn có công việc ổn định”.

Nghề phơi lá buông không chỉ mang lại hạnh phúc cho những cư dân ở ngôi làng nhỏ bé này mà còn cả những thương lái dưới miền xuôi lên. Tâm sự về chuyện này, chị Tám, một người thường xuyên lên đây thu mua lá, nói: “Tôi làm nghề buôn lá đã nhiều năm. Hồi trước khi chưa có làng phơi lá buông này, mọi việc rất khó khăn bởi lá từ bên Campuchia về không có chỗ tập kết, phải mang đi xa nên chi phí rất cao. Tuy nhiên, từ chục năm nay, khi lá được sơ chế phơi khô, công việc vận chuyển đơn giản hơn rất nhiều. Bởi một xe tải lá khô bằng 6 xe tải lá tươi nên chi phí vận chuyển cũng giảm rõ rệt mà lại nhẹ nhàng hơn”.

Chia tay người dân ở đây khi ánh chiều tắt hẳn, chúng tôi khởi hành về lại TPHCM trong tiếng nô đùa vui vẻ của những đứa trẻ vùng biên. Những bước chạy rộn ràng trên những phiến lá khô vang lên giòn giã như báo hiệu một tương lai đẹp đẽ của những con người nơi đây.

Các tin khác