Làng cổ Đông Hòa Hiệp

(ĐTTCO) - Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch vừa công nhận nhà cổ Đông Hòa Hiệp của huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang được xếp hạng quốc gia cùng 5 di tích khác ở trên địa bàn các tỉnh Hải Dương, Bến Tre, Quảng Nam, Quảng Ninh, Nghệ An. 

Đây là cơ hội quý giá để tỉnh Tiền Giang bảo tồn di sản văn hóa kiến trúc nghệ thuật làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp, cũng như góp phần phát triển du lịch sinh thái ở địa phương.

Bảo tồn kiến trúc truyền thống

Việt Nam hiện có 4 làng cổ được Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tiến hành bảo tồn. Miền Bắc có làng cổ Đường Lâm, có lịch sử từ thế kỷ thứ 16, với diện tích khuôn viên mỗi ngôi nhà khoảng 300m2 được ngăn cách với nhau bởi bức tường đá ong. Miền Trung có làng cổ Phước Tích, có lịch sử từ thế kỷ thứ 17, với diện tích mỗi ngôi nhà khoảng 1.000m2, bao quanh bởi những hàng giậu được chăm chút cẩn thận. Miền Nam có làng Phú Hội, có lịch sử từ cuối thế kỷ thứ 18, với diện tích khuôn viên mỗi ngôi nhà khoảng 2.000m2, xung quanh là không gian cây xanh tự nhiên. Và làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp (Cái Bè) có lịch sử từ đầu thế kỷ thứ 19, có những nơi khuôn viên rộng đến 2ha. 

Làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp thuộc huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang cách trung tâm thành phố Mỹ Tho 46km và nằm ở vùng hạ lưu sông Mê Công. Vào thế kỷ thứ 18 (năm 1832), chúa Nguyễn đã cho thiết lập ở dinh Phiên Trấn một đơn vị mới là dinh Long Hồ và chọn thôn An Bình Đông, thuộc xã Đông Hòa Hiệp nay, làm lỵ sở của dinh Long Hồ. Đến năm 1857, lỵ sở mới dời về thôn Long Hồ (là thành phố Vĩnh Long thuộc tỉnh Vĩnh Long ngày nay). Trong suốt 25 năm là lỵ sở dinh Long Hồ, làng Đông Hòa Hiệp đã quy tụ nhiều vị quan lại và đại địa chủ đến sinh sống, làm cho vùng đất này trù phú. Từ cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, nhiều ngôi nhà đuợc xây cất bằng các loại gỗ quý, có mái lợp ngói, cao và rộng, kiến trúc theo lối kết hợp giữa phương Đông lẫn phương Tây góp phần tạo ra diện mạo kiến trúc và cảnh quan nổi trội của làng so với các địa phương khác. 
Làng cổ Đông Hòa Hiệp ảnh 1 Nhà cổ ông Xoát.  
Kết quả nghiên cứu cho thấy kiến trúc truyền thống của nhà cổ Đông Hòa Hiệp có niên đại hàng trăm năm nằm rải rác trong phạm vi rộng lớn. Dù đã trải qua nhiều thời gian và những biến cố của chiến tranh, nhưng các ngôi nhà ở đây vẫn giữ được nhiều giá trị kiến trúc truyền thống của người Việt. Một số ngôi nhà cổ có kiến trúc theo kiểu phương Tây với vẻ đa dạng vừa cổ kính vừa mang chút hiện đại. Những ngôi nhà cổ nằm dọc theo những dòng sông, kinh, rạch đều có mặt bằng mở, phóng khoáng và rộng, trước nhà thường là hàng giậu hoặc hàng rào thấp bằng các loại hoa kiểng, xung quanh và phía sau nhà được bao bọc nhẹ nhàng bởi những vườn cây ăn trái, những con mương nhỏ để tưới nước vào mùa khô và thoát nước vào mùa mưa, mùa nước nổi. Trong những ngôi nhà cổ, gian nhà chính dùng để thờ cúng ông bà tổ tiên và là chỗ nghỉ ngơi, gian bếp biệt lập nằm ở phía sau hoặc bên hông của gian nhà chính.Nền tảng phát triển du dịch sinh thái
2 ngôi nhà đầu tiên của làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp được tổ chức JICA trùng tu và bảo tồn là nhà cổ của ông Trần Tuấn Kiệt (ấp Phú Hòa) và nhà cổ của ông Phan Văn Đức (ấp An Lợi). Nhà cổ của ông Kiệt được dựng vào năm 1838 trên diện tích 1.000m², bao gồm 5 gian với kiến trúc kiểu chữ Đinh. Các vĩ kèo, ô cửa, bao lam bằng gỗ có chạm khắc tinh xảo các hoa văn như tùng, cúc, trúc, mai… và nhiều họa tiết mang đặc trưng văn hóa Nam bộ. Trong nhà còn lưu giữ nhiều đồ cổ quý như: bộ liễng đối khảm xà cừ, bộ bàn ghế với các hoa văn tinh tế, vật dụng bằng sứ. Đặc biệt 108 cây cột bằng gỗ căm xe quý hiếm được các nhà khảo cổ Nhật Bản xếp vào loại “Cửu đại mỹ gia” ở Việt Nam. Nhà ông Đức mang lối kiến trúc kết hợp hài hòa giữa văn hóa Nam bộ và phương Tây, được dựng vào năm 1850 gồm 2 trước và nhà sau. Bên trong nhà còn lưu giữ các cổ vật quý hiếm như: 4 cây cột bằng gỗ căm xe, 3 bộ tủ thờ khảm xà cừ, bộ liễng khảm xà cừ, chiếc hộp gỗ khảm hình rồng, bên trong là bản “Sắc phong thần” do vua Tự Đức ban vào khoảng thời gian từ năm 1848 đến năm 1860… 2 ngôi nhà này hiện là điểm du lịch theo mô hình “home-stay” thu hút đông du khách quốc tế. 
Làng cổ Đông Hòa Hiệp ảnh 2 Nội thất bên trong nhà cổ ông Đức.  
Ngoài ra, tổ chức JICA vừa công nhận thêm một số nhà khác trong làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp. Đó là nhà cổ ông Lê Văn Xoát (số 620, tổ 18, ấp An Thạnh, xã Đông Hòa Hiệp) có kiến trúc nghệ thuật độc đáo, kiểu nhà rường của Huế nhưng mang đậm sắc thái Nam bộ. Theo gia phả dòng họ, ngôi nhà được xây dựng vào nửa đầu thế kỷ thứ 19 (1818 - 1821) sau hơn 3 năm mới hoàn thành. Vợ chồng ông Lê Văn Ký và bà Phạm Thị Lầu đã rước thợ từ Huế vào xây cất. Ngôi nhà được xây dựng theo kiểu nhà rường xiên trính, 3 gian 2 chái đôi toàn bằng gỗ quý, mái ngói âm dương. Ngôi nhà còn lưu giữ rất nhiều vật dụng kiến trúc rất đặc sắc, tinh xảo có từ thời mới bắt đầu xây cất như các bức vách, hoành phi, liễn đối, các bộ bàn ghế, tủ thờ… Đặc biệt, tại gian ngoài của ngôi nhà còn đặt một bộ bàn dài cẩm thạch vân trắng, chân quỳ dài 1,59m và bộ ván ngựa đôi bằng đá cẩm thạch do 2 miếng ghép lại, dài 2,2m. Theo chủ nhà, bộ ván cẩm thạch này có tính năng đặc biệt mát về mùa hè nhưng lại ấm về mùa đông… Còn nhà cổ ông Liêm, nằm bên rạch bà Hợp, cũng có giá trị kiến trúc truyền thống lâu đời. Mặt tiền ngôi nhà cùng không gian bên trong theo kiến trúc phương Tây. Trong ngôi nhà chính có không gian rộng để thờ cúng tổ tiên và dùng tiếp khách. Hiện nay, ngôi nhà được tận dụng không gian rộng để làm nơi tổ chức các hoạt động như hội họp, trưng bày các sản phẩm lưu niệm, đón khách tham quan, nghiên cứu. Ông Nguyễn Quốc Thanh, Chủ tịch UBND huyện Cái Bè khẳng định làng cổ Đông Hòa Hiệp được xếp hạng di tích cấp quốc gia là vinh dự lớn không những cho huyện Cái Bè nói riêng mà còn là của tỉnh nhà nói chung. Đây là nhờ sự hỗ trợ của nhiều hoạt động trong dự án bảo tồn làng cổ Đông Hòa Hiệp do tổ chức JICA và Trường Đại học Nữ Chiêu Hòa của Nhật Bản phối hợp với Sở Văn hóa-Thể thao-Du lịch và UBND huyện Cái Bè triển khai thực hiện thời gian qua. “Việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa làng nhà cổ Đông Hòa Hiệp với những nét đặc trưng về cảnh quan, kiến trúc và những sinh hoạt văn hóa, ẩm thực gắn với vùng đất này là một trong những nỗ lực để mọi người có thể chiêm ngưỡng và hiểu thêm về vùng đất cổ của Việt Nam. Đây sẽ là nền tảng vững chắc cho phát triển du dịch sinh thái huyện Cái Bè, là một trong những vấn đề trọng tâm được lãnh đạo tỉnh, huyện và các nhà chuyên môn quan tâm”  - ông Nguyễn Quốc Thanh cho biết.

Các tin khác