Làm chủ công nghệ tỷ đô

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (tại KKT Dung Quất, Quảng Ngãi) đang bước vào những ngày cao điểm bảo dưỡng tổng thể lần 2. Say sưa với công việc nên dường như cái nắng nóng kèm gió phơn Tây Nam khô khốc của miền Trung không làm ảnh hưởng đến các kỹ sư, công nhân và các chuyên gia trên công trường.

Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (tại KKT Dung Quất, Quảng Ngãi) đang bước vào những ngày cao điểm bảo dưỡng tổng thể lần 2. Say sưa với công việc nên dường như cái nắng nóng kèm gió phơn Tây Nam khô khốc của miền Trung không làm ảnh hưởng đến các kỹ sư, công nhân và các chuyên gia trên công trường.

6.700 đầu việc bảo dưỡng

Từ dưới mặt đất nhìn lên cụm tháp chưng cất xăng dầu cao sừng sững, các kỹ sư, công nhân đang đu người như… người tí hon cần mẫn với công việc. Quay qua hướng khác, lại như những chú ong thợ chăm chỉ, đung đưa theo sợi dây bảo hiểm, miệt mài quên thời gian khẩn trương góp sức mình vào đợt bảo dưỡng để nỗ lực về đích trước thời hạn. Những ốc, vít, bulông, nắp đậy khổng lồ của tháp chưng cất được tháo dời cột chặt bởi những sợi xích “khủng” nằm ngổn ngang phần lan can của các tháp đang được làm vệ sinh sạch sẽ để chờ lắp ráp lại vào cỗ máy khổng lồ và phức tạp. Những ánh lửa phát ra từ máy hàn, cắt loang loáng. Tiếng âm thanh từ những nồi hơi chưng cất vang lên xình xịch, tiếng búa gõ tán vào những đinh vít, lách cách của cờ lê, tiếng máy nổ từ phân xưởng thu hồi lưu huỳnh, chưng cất đều đặn vang lên… tạo nên cái gấp gáp của một “bản nhạc giao hưởng” sắp kết thúc, như nhắc nhở đích thời hạn bảo dưỡng đang cận kề.

Tại phân xưởng tái tạo, gia tăng chỉ số Octan cao (gói thầu số 1) cho sản phẩm xăng, hơn 700 chuyên gia, kỹ sư đang hăng say làm việc. Kỹ sư Lê Nguyễn Quốc Vinh (38 tuổi), Phó Phòng bảo dưỡng và sửa chữa Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR), bận rộn chỉ đạo từ xa từ chiếc bộ đàm. Vừa đàm thoại xong, anh lại quay qua trao đổi với các chuyên gia nước ngoài tham gia bảo dưỡng trực tiếp bằng tiếng Anh. Cuộc trao đổi ngắn của chúng tôi và kỹ sư Vinh luôn bị ngắt quãng bởi những công việc đồng nghiệp cần anh cho ý kiến để xử lý. Vinh cho biết, đợt bảo dưỡng lần này nhà máy được chia làm 3 gói thầu, các kỹ sư Việt Nam đã phụ trách gói 2 và một phần gói 1. Đó là 2 gói thầu với nhiều phân xưởng phụ trợ có công nghệ, kỹ thuật phức tạp nhất vì rơi vào phân xưởng cracking xúc tác (RFCC-phân xưởng chưng cất và cho ra các chủng loại sản phẩm) và các phân xưởng chế biến, thu hồi lưu huỳnh…

Các kỹ sư trẻ Việt Nam kiểm tra quá trình bảo dưỡng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất.

Các kỹ sư trẻ Việt Nam kiểm tra quá trình bảo dưỡng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất. 

“Các đơn vị của BSR sẽ thực hiện 700 đầu việc để bảo dưỡng thiết bị tĩnh và 2.000 đầu việc bảo dưỡng các chuyên ngành, hạng mục nhỏ khác. Chúng tôi cùng các nhà thầu tháo mở toàn bộ các thiết bị lớn quan trọng và thực hiện công tác vệ sinh làm sạch, kiểm tra, đánh giá tình trạng, lắp ráp chạy thử để đảm bảo khả năng hoạt động đạt hiệu suất cao nhất của nhà máy ở 110% công suất” - kỹ sư Vinh cho biết. Tại 15 phân xưởng công nghệ, 10 phân xưởng phụ trợ và 10 hạng mục ngoại vi của BSR đảm nhiệm, qua kiểm tra, các chuyên gia, kỹ sư đã nhận diện các lỗi kỹ thuật gây ảnh hưởng đến quá trình vận hành và đang tiến hành khắc phục, sửa chữa.

Đợt bảo dưỡng lần 2 Nhà máy Lọc dầu Dung Quất được chia làm 3 gói thầu chính. 3 nhà thầu trúng thầu là Heap Seng (Singapore), Dea Chang và Ubec từ Hàn Quốc cùng BSR và các nhà thầu có kinh nghiệm ở Việt Nam như PTSC Quảng Ngãi, Công ty Bảo dưỡng các công trình Dầu khí (PMS)… Có gần 4.000 người tham gia, trong đó nhân lực của BSR trên công trường 1.300-1.500 người. Có 6.700 đầu mục công việc phải thực hiện. Theo dự toán, tổng kinh phí thực hiện việc bảo dưỡng tổng thể đợt này khoảng 64-65 triệu USD. Thời hạn bảo dưỡng 57 ngày.

Căng mình cùng tiến độ

Nếu như lần bảo dưỡng 1, các nhà thầu Việt Nam thực hiện dưới sự hướng dẫn của các nhà thầu và chuyên gia nước ngoài, đến lần này gần như các nhà thầu và kỹ sư Việt Nam làm chủ tổng thể kế hoạch bảo dưỡng. Tại vị trí sửa chữa đường ống khu RFCC, kỹ sư Nguyễn Tiến Hùng, Đội trưởng LILAMA 69-1 của khoảng 80 nhân lực đang thi công, cho biết: “Dù đã chuẩn bị rất kỹ các tình huống cho đợt bảo dưỡng lần này nhưng trong quá trình thi công vẫn có những chi tiết kỹ thuật lần đầu tiên các công nhân, kỹ sư bắt gặp. Tuy nhiên, không bị bất ngờ, bị động chúng tôi đã họp bàn, đánh giá để xử lý. Bên cạnh đó, làm việc trong không gian chật hẹp, đòi hỏi các phương án đưa ra phải chính xác và tuyệt đối an toàn”. Kỹ sư Hùng còn cho biết LILAMA 69-1 vừa hoàn thành bảo dưỡng khớp nối giãn nở nhiệt bằng việc thay thế hoàn toàn mới sớm hơn 3 ngày so với kế hoạch. Ở hạng mục này, lần bảo dưỡng trước do nhà thầu Technip (Pháp) đảm nhiệm.

Theo ông Đinh Văn Ngọc, Tổng giám đốc BSR, để tiến hành bảo dưỡng lần 2, BSR và các nhà thầu đã chuẩn bị 18 tháng đấu thầu, lựa chọn nhà thầu quốc tế trong và ngoài nước có kinh nghiệm, chuyên môn vững vàng; đặt mua và nhập các thiết bị đặc chủng từ các nhà thầu bản quyền công nghệ nước ngoài về thay thế. Với các thiết bị trong nước (phần lớn là xe, cẩu) cũng phải loại đặc biệt, có những cẩu tải trọng 500 tấn được đưa về công trường đều phải được đánh giá kỹ càng, khảo sát thực tế và chặt chẽ. Vì vậy, khi bước vào thực hiện công việc, BSR cũng như các nhà thầu rất tự tin. Ông Ngọc phân tích thêm: “Trong đợt bảo dưỡng lần 1, chúng tôi đã chuẩn bị trước, ghi chép đầy đủ, chi tiết, rút kinh nghiệm bằng những phân tích, đánh giá mặt được, chưa được. Vì vậy, bước vào đợt 2, BSR có đầy đủ dữ liệu, hồ sơ của từng thiết bị máy móc để cán bộ của BSR nắm rõ tình hình, đưa ra các phương án sửa chữa, bảo dưỡng và nhiều phương án dự phòng. Đây là những kinh nghiệm quý báu được đúc rút ra, khiến cho quá trình chuẩn bị của BSR được thực hiện dễ dàng, dựa trên cơ sở khoa học về số liệu”.

“Đến thời điểm hiện tại, tiến độ bảo dưỡng hoàn toàn nằm trong kiểm soát. Các gói thầu đã xong đang được tiến hành bàn giao cho chủ đầu tư, tiến hành các thao tác để tái khởi động như lò hơi thứ nhất, máy phát điện… Gói số 1 đã cơ bản bàn giao cuốn chiếu, ở một số hạng mục quan trọng và phức tạp hơn vẫn đang được các đơn vị thi công khẩn trương để bàn giao sớm. Như vậy, BSR tự tin về đích đúng hoặc có thể sớm hơn kế hoạch dự kiến. Chúng tôi rất tự hào đợt bảo dưỡng lần 2 này do BSR làm tổng chỉ huy, tham gia sâu, rộng vào các hạng mục bảo dưỡng. Chứng tỏ trong thời gian qua các kỹ sư, công nhân của BSR đã trưởng thành về kinh nghiệm, chuyên môn để đảm nhận và chịu trách nhiệm triển khai bảo dưỡng tổng thể dự án kỹ thuật hiện đại nhưng vô cùng phức tạp” - ông Ngọc hồ hởi khẳng định.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Hoài Giang, Chủ tịch HĐTV BSR, cho biết nếu nói công tác vận hành Nhà máy Lọc dầu Dung Quất là một quá trình quản lý - kỹ thuật tích hợp hàm lượng chất xám rất lớn và kỹ năng phức tạp, thì việc bảo dưỡng định kỳ nhà máy lại là tâm điểm quan trọng nhất của quá trình đó. “Theo tính toán, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất dừng 1 ngày, chi phí tốn kém hàng triệu USD, nhà máy mất doanh thu, lợi nhuận, đồng thời phải trả lãi vay, phí tài chính và nhiều chi phí khác. Đưa nhà máy vào vận hành sớm làm lợi cho ngân sách trên 80 tỷ đồng/ngày. Vậy nên, tất cả các nhà thầu, đơn vị tham gia thi công căng mình để hoàn thành sớm, đảm bảo chất lượng các đầu mục công việc, tái khởi động nhà máy càng sớm càng tốt” - ông Giang nói.

Các tin khác