Làm báo ở nhà tù Côn Đảo

Tôi đang chuẩn bị làm bộ phim tài liệu về những người cựu tù thời chiến tranh ở Côn Đảo. Tôi biết ông nhờ một đồng nghiệp. Tôi gọi điện thoại, xin gặp mặt ông Bùi Văn Toản (ảnh). Và ông đã kể cho chúng tôi nghe chuyện những người tù chính trị  làm báo trong tù ở trại 6B- Côn Đảo gian nan ra sao.

Tôi đang chuẩn bị làm bộ phim tài liệu về những người cựu tù thời chiến tranh ở Côn Đảo. Tôi biết ông nhờ một đồng nghiệp. Tôi gọi điện thoại, xin gặp mặt ông Bùi Văn Toản (ảnh). Và ông đã kể cho chúng tôi nghe chuyện những người tù chính trị  làm báo trong tù ở trại 6B- Côn Đảo gian nan ra sao.

Chiếc radio, nguồn tin

 

Giọng thì thầm, nhỏ nhẹ, ông Bùi Văn Toản kể từ ngày 12-9-1972, ngay sau cuộc khủng bố bằng gậy gộc, dao găm làm trọng thương 35 bệnh nhân ở phòng 6, 763 người tù ở 9 phòng đã lao vào cuộc đấu tranh tuyệt thực ròng rã 19 ngày.

Địch chịu thua, nhưng sức khỏe anh em cũng cạn kiệt. Tiếp đến, đêm 19-12-1972, một cuộc đàn áp đẫm máu trong đêm bằng dùi cui, ma trắc, lựu đạn cay lại diễn ra.

Thế nhưng, sáng sớm hôm sau, đúng ngày 20-12-1972, ngày thành lập Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam, cả trại đã tổ chức công khai lễ kỷ niệm, có chào cờ, hát bài Giải phóng miền Nam và diễn văn nêu lên ý nghĩa của ngày lịch sử này… Bị địch đàn áp đẫm máu như vậy nhưng 1 tháng 20 ngày sau đó ở nhà tù Côn Đảo đã có số báo đầu tiên ra đời.

Thấy tôi băn khoăn, ông Toản kể: "Nguồn tin để làm báo là chiếc radio. Ông Phạm Văn Ba quen 2 người Pháp đã kéo cờ Mặt trận ở Sài Gòn năm 1970 là Andre Menras và Jean Pierre Debris. Khi mãn hạn tù, 2 ông tặng cho ông Ba chiếc radio hiệu Sony 3 băng lớn.

Đó là một chiếc radio được lực lượng thanh niên bảo vệ đem từ Chí Hòa ra Côn Đảo. Có tới 3 chiếc radio, nhưng chiếc của những người bạn Pháp tặng có nguồn pin đại dễ cung cấp nên được sử dụng đắc lực nhất".

Ông Bùi Văn Toản được giao nhiệm vụ theo dõi tin tức trên radio để phổ biến lại. Buổi tối, 9 giờ - hồi đó là 8 giờ - nhà tù đã giới nghiêm.

Đèn trong phòng đã tắt, chỉ còn chiếc đèn dầu treo ngoài cổng trại leo lét... Cả trại đi ngủ. Phòng của ông Toản cũng vậy. Cả phòng ngủ trần, chỉ có 2 người ngủ mùng, là ông Toản và ông Phạm Văn Ba. Và chỉ 2 người còn thức.

Ông Toản cho biết: “Anh Ba và tôi, hai người nằm sát bên nhau. Chúng tôi nghe radio bằng dây ê cút tơ gắn vô tai… rồi nguệch ngoạc ghi chép, tốc ký trong bóng tối, sức tới cỡ nào làm cỡ nấy. Thường thì chúng tôi nghe radio tới 1 giờ sáng. Nghe xong gói radio, ngụy trang để giấu đi.

Lịch kịch, cũng tới 3 giờ sáng. Cho đến năm 1975, trại 6B không bị lạc hậu với tình hình cũng nhờ tin tức trên radio. Tôi còn nhớ, đêm 20-1, tôi nghe bản tin cuối cùng, đó là tin giải phóng Phước Long”.

Ông Toản luôn luôn là người tiếp cận thông tin trước, nhưng không bao giờ được để lộ ra. Có bộ phận lọc tin, coi tin nào chỉ phổ biến cho số ít lãnh đạo đảng ủy, tin nào phổ biến cho số đông cả trại, rồi có bộ phận chép tin, nhân lên 9 bản cho 9 phòng.

Thời gian này trong tù, giặc đàn áp dữ, phong trào đấu tranh cũng lên rất cao. Đi đôi với học chính trị, đảng ủy phát động các sinh hoạt khác, trong đó có việc làm báo viết.

Phòng nào có điều kiện cứ làm trước. Không bao lâu những tên tờ báo, như Rèn luyện, Sinh hoạt, Niềm tin, Đoàn kết, Tiến lên… ra mắt và tù nhân bí mật chuyền cho nhau đọc.

Tờ Sinh hoạt do chính ông Toản thực hiện. Và người phụ trách là ông Lê Văn Ngọc. Những tác giả tham gia số báo Sinh hoạt không phải chỉ ở phòng 8 mà phải đi đặt bài viết các phòng khác. Ở trong tù thì biết nhau hết, ai viết được anh em đều biết nên đặt bài. Sinh viên viết gì, cán bộ viết gì…

Riêng phần trình bày bìa, tựa, chữ viết bìa, tựa của tờ Sinh hoạt, ông Toản trình bày, cho in luôn. Chữ viết cả tờ báo là của những người khác, như anh Trần Thanh Lê, anh Nguyễn Văn Toản… 

Những tờ báo trong tù

Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, đảng ủy chủ trương ra tờ báo Xây dựng chung cho toàn trại. Có ban bệ hẳn hoi. Trưởng ban biên tập là anh Nguyễn Đặng, tức Lê Tú, trưởng ban trị sự là anh Trần Văn Hòa ở Huế. Viết tít là anh Hoàng Văn Quang.

Vẽ bìa là anh Trần Văn Tư và anh Hoàng Văn Nghiên. Lực lượng chép bài thì đông, người chép 2-3 bài, như các ông Lê Minh Sang, Trần Thanh Lê, Hoàng Văn Quang. Ông Toản đảm nhận đến 2/3 bài viết. Nhiều người sẽ hỏi, giấy ở đâu, mực ở đâu, màu ở đâu mà làm được báo? Điều kiện duy trì cuộc sống đã khó vậy làm thế nào để phát hành được một tờ báo bí mật định kỳ? Thông thường, các đề tài được viết là gì.

Ông Toản kể: Giấy bản thảo, thì đụng giấy gì viết giấy nấy, chủ yếu là thùng carton vì giấy có nhiều lớp. Bao thuốc lá cũng được. Riêng giấy viết báo toàn là giấy viết tập học sinh. Phải gởi mua. Giá nào cũng phải mua qua y tá. Mua nhiều xài ít, để dành lại làm báo.

Báo làm đúng kích cỡ khổ 13x19, có tờ làm nhỏ hơn một chút. Để in báo phải có mực. Bước đầu tiên là dùng mực bút bi, nhưng bút bi thì không thể pha trong nước, mà phải tìm dầu, dầu không có. Sau này, ông Toản nghĩ cách tự chế ra mực in.

Ông Toản lại cho biết ông có tính hay mày mò, tìm tòi làm này nọ, cũng được bạn tù đặt là chuyên gia làm mực trong tù. Xin y tế ít glyxêrin. Muốn tạo màu đen thì dùng khói đèn - tìm khói đèn bằng cách đi tìm nylon đốt rồi hứng khói. Trong tù hay mua thuốc nhuộm màu đen để nhuộm quần áo.

Thuốc nhuộm tan trong nước mà không tan trong dầu. Ép, tán, ngâm cho nó phải tan, có khi cả 2 tiếng đồng hồ. Mực chế từ thuốc nhuộm thì in báo đen hơn.

Có được công cụ đắc lực là chiếc radio, Ban biên tập chủ động nguồn tin, mỗi ngày đều cập nhật các bản tin đọc chậm trên Đài Tiếng nói Việt Nam và đài Phát thanh Giải phóng nên thông tin luôn mới.

Đặc biệt là toàn văn bản hiệp định Paris được phổ biến rộng rãi qua số báo Xây dựng đầu tiên làm nức lòng toàn thể gần 900 tù nhân trong trại 6B. Chính anh Tôn Thất Hương tức Nguyễn Nam Lộc, nguyên Tổng biên tập báo Người lao động, là người đã chép toàn văn bản Hiệp định Paris ngay tại phòng 6.

Kích cỡ báo của các phòng cũng không giống nhau. Có tờ cỡ 13x19, có tờ xếp nửa tờ giấy học sinh. Số trang thì có khi là 40-50 trang, tờ đầu tiên chỉ có 32 trang. Dày nhất 100 trang, nhưng khổ nhỏ. Thông  thường cỡ 60-70 trang. Tờ báo Xây dựng dày tới 111 trang.

Trọng tâm của báo trại là tài liệu học tập, có đầy đủ các mục khoa học, sức khỏe, văn hóa, chính trị, có cả nêu gương học tập những điển hình tiên tiến. Mỗi tháng ra 1 số thường kỳ, thường “phát hành” đầu tháng. Có thêm các số đặc biệt vào những dịp lễ, như ngày thành lập Chính phủ Cách mạng Lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, Ngày Quốc tế Lao động 1-5, Ngày Cách mạng Tháng 8… Do điều kiện khó khăn, mỗi số chỉ có 1 tập.

Chiếc radio được xem là công cụ đắc lực thời làm báo ở nhà tù Côn Đảo. 

Chiếc radio được xem là công cụ đắc lực thời làm báo ở nhà tù Côn Đảo. 

Đầu tháng chưa thấy báo thì anh em ai cũng nôn. Nhưng cũng phải có sự sắp xếp, phân công. 10 phòng giam ai cũng muốn có báo nên có quy định. Mỗi phòng chỉ được giữ 3 ngày. Người canh gác, người đọc cho cả phòng nghe. 3 ngày đọc hết thì chuyền cho phòng khác.

Trong phòng sẽ thảo luận, trao đổi trở lại ban biên tập, nhiều ý kiến cũng phê phán ban biên tập gắt lắm. Phòng nào đọc số đầu tiên thì sẽ đọc số mới sau cùng. Như vậy, cứ 10 ngày mỗi phòng sẽ có báo mới.

Số phận của những tờ báo đặc biệt này cũng hết sức lạ kỳ. Sau ngày thống nhất đất nước, các tù nhân tập hợp bằng nhiều nguồn trong đó  có khá nhiều tờ báo được ông Lê Thân chôn ngoài rẫy, để đưa về khu trưng bày di tích lịch sử Côn Đảo. 10 tờ báo Xây dựng anh em đem bỏ vào chai, bọc nylon moi cát chôn ngoài trại.

Trời mưa, cát trôi lòi ra. Đám trật tự lấy, đem về để ở ty công an đảo. Ngày giải phóng tiếp quản, 10 số báo Xây dựng được anh em lấy từ ty công an đem về. Khi có lệnh trao trả, anh Trần Duy ở Quảng Nam mang theo 2 số báo Sinh hoạt của phòng định đem ra ngoài đời nhưng khi tập trung tại trại 3, giặc xét quá anh đục tường giấu lại.

Mãi đến năm 1987, khi ra thăm lại Côn Đảo, anh moi ra 2 số báo Sinh hoạt còn nguyên. 2 số này có đăng trong tập sách về tù nhân Côn Đảo. Điều kỳ diệu nữa là anh em không chỉ bảo vệ an toàn cho chiếc radio mà còn mở ra đường dây bí mật cung cấp pin để radio hoạt động liên tục, giúp cho tù nhân nắm bắt kịp thời diễn biến tình hình bên ngoài mà kẻ địch dù rất cáo già trong việc quản tù cũng không thể lường được

870 người tù như kết vào nhau thành một khối thép vững chắc. Không chỉ là sớt chia, đùm bọc mà còn giúp đỡ nhau vượt qua những hoàn cảnh khó khăn, tồi tệ nhất. Sau ngày hòa bình lập lại, những chiến sĩ của trại 6B trở về từ Côn Đảo đã tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ông Bùi Văn Toản còn kể về sự ấp ủ cho một chuyến đi Côn Đảo vào đầu năm 2012, để ông trao tặng bộ sách của mình cho bảo tàng Côn Đảo. Ông nói, đến lúc đặt được bức tượng của anh hùng liệt sĩ Lưu Chí Hiếu, đặt chiếc bia tưởng niệm tại khu B trại 6 tại Côn Đảo là ông đã hoàn thành nhiệm vụ.

Đó là lần đầu tiên tôi gặp ông Bùi Văn Toản và được ông cho xem công trình ông đã dày công thực hiện hơn 16 năm qua, những bộ sách viết về Côn Đảo. Những cuốn sách dày và nặng hơn thân hình ốm yếu của ông.

Kể nhiều chuyện về làm báo ở trong tù, nhưng ông Bùi Văn Toản lại không hề nói về việc ông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì những công trình nghiên cứu của mình. Ngày 23-12-2011, tôi chứng kiến sự xúc động của ông khi ông được trao tặng danh hiệu cao quý này.

Các tin khác