Kỳ vĩ quà thiên nhiên

Các nhà thám hiểm hang động Hoàng gia Anh vừa công bố bản nghiên cứu chi tiết về hệ thống hang động Phong Nha (Quảng Bình) với chiều dài hơn 79km. Đây là hệ thống hang động khô và nước được đánh giá hùng vĩ và lớn nhất thế giới với sự đồ sộ vĩnh hằng, một món quà vô giá của thiên nhiên dành cho vùng đất khắc nghiệt miền Trung.

Các nhà thám hiểm hang động Hoàng gia Anh vừa công bố bản nghiên cứu chi tiết về hệ thống hang động Phong Nha (Quảng Bình) với chiều dài hơn 79km. Đây là hệ thống hang động khô và nước được đánh giá hùng vĩ và lớn nhất thế giới với sự đồ sộ vĩnh hằng, một món quà vô giá của thiên nhiên dành cho vùng đất khắc nghiệt miền Trung.

Đa dạng và sinh động

Ban đầu, các nhà nghiên cứu cho rằng động Phong Nha chỉ dài 7km, nhưng về sau đoàn thám hiểm của ông Howard Limbert đã chứng minh hệ thống hang Phong Nha dài hơn 79km với các khối núi đá vôi đồ sộ và cổ nhất Đông Nam Á. Tại đây các nhà thám hiểm đã phát hiện ra những chiều kích hang động khổng lồ khiến thế giới phải chú ý.

Đó là một cung đường hang động ngoạn mục, chạy gần như song song với đường 20 Quyết Thắng ở mạn trái. Nơi cao nhất của hệ thống lên đến 250m, thuộc hàng lớn nhất thế giới và rộng nhất cũng hơn 200m. Điều đặc biệt, các hang động dù mới phát hiện sau này nhưng đều đã có tên riêng do người dân địa phương đặt ra trước đây, đồng thời có một điểm chung là nguồn nước đều đổ về động Phong Nha.

Thạch nhũ mọc từ dưới lên, trong hệ thống hang Phong Nha. Các nhà khoa học chưa giải thích được vì sao bãi thạch nhũ này có hình thù búp măng đều đặn như thế. Ảnh: Đoàn thám hiểm cung cấp.

Thạch nhũ mọc từ dưới lên, trong hệ thống hang Phong Nha. Các nhà khoa học chưa giải
thích được vì sao bãi thạch nhũ này có hình thù búp măng đều đặn như thế. 
Ảnh: Đoàn thám hiểm cung cấp.

Hệ thống hang động Phong Nha, tính theo đường chim bay dài khoảng 50km nhưng có hơn 35 hang động lớn nhỏ, dài ngắn khác nhau và tất cả đều kỳ vĩ. Ông Howard Limbert đã phải thốt lên: “Đây là hệ thống hang động kỳ vĩ mà chúng tôi chưa bao giờ thấy được trên thế giới. Trong lòng nó chứa nhiều điều kỳ lạ nhưng đặc biệt nhất là hệ thống thạch nhũ đã mê hoặc tất cả chúng tôi.

Đó là một hệ thống thạch nhũ đa dạng và sinh động bậc nhất thế giới”. Một chuyên gia trong đoàn thám hiểm hang động Hoàng gia Anh cũng nhận xét: “Không nơi đâu của Việt Nam có số lượng hang động nhiều và đồ sộ như ở Phong Nha - Kẻ Bàng. Chúng tôi đã tiến hành khám phá nhiều hang động ở miền Bắc nhưng chúng thường dài vài trăm mét, hy hữu mới có hang động trên vài cây số, nhưng ở đây hang động từ 5-30km chiếm đa số”.

Hang động 15 thác nước

Trong cung đường hang động hùng vĩ này, hang Khe Ry dài hơn 18km, bắt đầu từ mũi đất của vùng Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, giáp với Hin Nậm Nô của nước bạn Lào. Hang chạy dưới lòng dãy núi A Ky đồ sộ. Thạch nhũ trong hang là trầm tích hàng trăm triệu năm của địa mạo địa chất.

Trong hang có những “căn phòng” với cấu trúc nhũ “buông rèm” lả lơi đến kỳ lạ, được đặt tên là phòng “phục hưng”, phòng “gô tích”, hoặc phòng “hổ phách” với những trầm tích lượn sóng xứng đôi với màu thạch nhũ bàng bạc vàng mang màu hổ phách.

Khe Ry được xác định là dòng sông hang vĩ đại dài nhất châu Á. Điều đặc biệt của dòng sông hang khiến nhiều người ngẩn ngơ chính là 15 dòng thác như một kỳ quan của địa mạo tại vùng núi đá vôi này. Các thác nước xếp theo hình bậc thang, từ thác nước thấp nhất đến thác nước thứ 15, có độ cao gần 200m.

Hang động Khe Ry càng chảy về xuôi, càng hạ thấp độ cao và mỗi bước ngoặt hạ thấp đó đã tạo ra các thác nước cuồn cuộn, mạnh mẽ. Tất thảy như những kiệt tác tự nhiên khiến các chuyên gia hang động phải thốt lên chưa bao giờ nhìn thấy hang động nào có đến 15 thác nước đẹp kỳ vĩ như thế.

Một chuyên gia vượt thác nước trong Khe Ry. Ảnh: Đoàn thám hiểm cung cấp.

Một chuyên gia vượt thác nước trong Khe Ry. Ảnh: Đoàn thám hiểm cung cấp. 

Khe Ry còn tiềm ẩn các chứng nhân, trong đó là các loài dơi không mắt, chúng dùng sóng siêu âm từ mũi, chứ không phải từ tai như những loài dơi bình thường, để săn mồi. Người ta cũng tìm thấy loài giáp xác kỳ lạ với chân và râu dài gấp đôi thân hình của chúng.

Kỳ lạ hơn là loài cá bơi ngược các dòng thác, lên vùng nước cao nhất trong hang để sinh sản. Khi đẻ trứng xong, con cái sẽ chết, con đực cũng qua đời khi tưới các vòi tinh trùng vào chùm trứng. Những đàn con của nó khi nở ra, theo các dòng thác xuống hạ nguồn sinh sống, sau đó đến kỳ sinh đẻ lại theo bản năng để trở về nơi cha mẹ đã sinh ra chúng, tiếp tục vòng đời chung thủy bi thương của tự nhiên.

Kết thúc mùa tìm kiếm hang động năm 2012, chuyên gia Howard Limbert cho biết đã thu được kết quả rất khả quan, phát hiện thêm 45 hang động mới, với các độ dài thám hiểm bước đầu ghi nhận gần 50km: “Đó là một kỳ công của chúng tôi vật lộn giữa rừng sâu nhiệt đới.

Đây quả là miền đất hùng vĩ”. Các chuyên gia đến từ Hoa Kỳ, Brazil, Nga, Pháp... cũng đều bị mê hoặc bởi các khối núi đá vôi đồ sộ và liền khối mang trong lòng các hang động dường như bất tận, tạo ra các mê cung lộng lẫy với vô số cấu trúc thạch nhũ kỳ ảo, từ tiểu thạch nhũ đến đại thạch nhũ tráng lệ “không nơi nào trên thế giới có thể sánh được”.

Ông Howard Limbert đánh giá: “Chúng tôi mới biết được 1 phần 10 khối đá vôi này. Mỗi năm chúng tôi trở lại đều phát hiện thêm hàng chục hang động mới. Phía trước là khối lượng công việc khổng lồ cho nhiều khám phá mới mẻ về hang động mà chúng tôi cần phải thực hiện”.

Các tin khác