Ký ức tướng Phan Khắc Hy

(ĐTTCO) - Phan Khắc Hy là một trong những vị tướng chiến trường tham gia nhiều sự kiện quan trọng thời chiến tranh cứu nước.
 Năm 1975, với tư cách Phó tư lệnh Đoàn 559 - Bộ đội Trường Sơn, ông được cử làm Đặc phái viên để hỗ trợ Bộ Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh đảm bảo các yêu cầu về giao thông của mặt trận. Bây giờ bước vào tuổi 90, những trải nghiệm phong phú từ cuộc đời ông là bài học quý giá, nhất là nỗi đau thầm lặng của các nữ chiến sĩ Trường Sơn…
Xây dựng lực lượng không quân từ buổi đầu

Năm 1964, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng quyết định hợp nhất 2 quân chủng phòng không - không quân. Phan Khắc Hy được cử làm Phó Chủ nhiệm Chính trị, rồi Chủ nhiệm Chính trị Quân chủng Phòng không - Không quân, do ông Phùng Thế Tài làm Tư lệnh, ông Đặng Tính làm Chính ủy, Lê Văn Tri làm Phó Tư lệnh. 3 năm sau - 1967, lực lượng không quân phát triển, Bộ Tư lệnh Không quân được thành lập, Phan Khắc Hy được đề bạt làm Chính ủy, còn Nguyễn Văn Tiên làm Tư lệnh, Hoàng Ngọc Diêu và Đào Đình Luyện là Phó Tư lệnh. Ông đặc trách công tác chính trị và tổ chức của không quân, tuyển chọn người đi học lái, xây dựng đội ngũ cán bộ không quân.
Ông nhớ lại: “Lớp phi công, cán bộ lãnh đạo, cán bộ kỹ thuật đầu tiên được tuyển chọn từ bộ binh còn trẻ đã trải qua chiến đấu, có sức khỏe; tập trung lại bồi dưỡng văn hóa, rồi gửi đi đào tạo huấn luyện tại Trung Quốc, Liên Xô, Tiệp Khắc. Đồng thời từng bước khôi phục, xây dựng các sân bay và cơ sở vật chất kỹ thuật khi quân Pháp rút đã phá hủy và tháo gỡ hầu hết”. Ngày 6-8-1964, Trung đoàn không quân tiêm kích đầu tiên được tổ chức và huấn luyện bên Trung Quốc về nước, giữa lúc Mỹ gây hấn trong sự kiện vịnh Bắc Bộ. Đến ngày 3 và 4-4-1965, trong trận xuất kích đầu tiên của 2 phi đội do Phạm Ngọc Lan và Trần Hanh chỉ huy đã giành thắng lợi: bắn rơi 2 máy bay của hải quân và 2 máy bay của không quân Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng, gây chấn động thế giới. Hãng thông tin Mỹ AP đã phải chua chát thừa nhận: “Ngày 4-4-1965 là ngày đen tối nhất của không quân Mỹ, ngày đánh dấu một sự kiện bi thảm: những máy bay phản lực siêu âm F105 mạnh nhất, nhanh nhất, tốt nhất của không lực Hoa Kỳ đã bị máy bay MIG của Bắc Việt chọc tiết”.
Ký ức tướng Phan Khắc Hy ảnh 1 Thiếu tướng Phan Khắc Hy trở lại thăm đồng bào các dân tộc thiểu số ở Trường Sơn.
Tại sao thành tích nhỏ của không quân ta lại làm cho quân thù hết sức kinh ngạc, bàng hoàng? “Vì chúng không hiểu nổi sức mạnh nào đã khiến lực lượng không quân Việt Nam non trẻ, mà chúng coi là “đàn muỗi mắt”, những "máy bay cổ lổ sĩ" lại hạ được những máy bay hiện đại nhất và những phi công lành nghề nhất của chúng. Phạm Ngọc Lan, Trần Hanh mới chỉ có 200 giờ bay trên những máy bay cũ, lạc hậu đã chọc tiết những “thần sấm”, “chim ưng” của Mỹ do các phi công có trên 2.000 giờ bay trên các máy bay hiện đại điều khiển. Thật phi thường!” - Thiếu tướng Phan Khắc Hy tự hào. Xót xa căn bệnh lạ của nữ chiến sĩ Trường Sơn
Tháng 5-1971, Phan Khắc Hy được điều vào làm Chính ủy Đoàn 470, phụ trách cung đường từ Nam Lào, Đông Bắc Campuchia đến Nam bộ, vận tải chi viện chiến lược cho chiến trường miền Nam. Vào đến Bộ Tư lệnh Đoàn 559 Trường Sơn, ông gặp Đồng Sĩ Nguyên vốn là bạn chiến đấu thân thiết ở quê hương Quảng Bình. Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên vui mừng giữ Phan Khắc Hy lại, rồi điện đề nghị Quân ủy Trung ương để ông làm Phó Tư lệnh Đoàn 559.  Nhận nhiệm vụ xong, Phó Tư lệnh Phan Khắc Hy đi kiểm tra các cửa khẩu chuẩn bị bước vào mùa khô 1971-1972. Sau khi kiểm tra xong cửa khẩu đường 12 - Cổng Trời, ông cùng Binh trạm trưởng Khúc Trường Thành sang Seng Phan, một điểm chết gồm dãy núi đá trọc, bị địch đánh phá ác liệt đến thấp dần, là nơi xe vận tải của quân ta hay qua lại. Khi xe chở họ vừa đến nơi địch cũng bắt đầu ném bom từ trường. Chiếc xe chở họ bị dính bom lật tung. Binh trạm trưởng Khúc Trường Thành hy sinh tại chỗ. Phó Tư lệnh Phan Khắc Hy cùng với Chính trị viên Tiểu đoàn công binh, một vệ binh và tài xế bị thương nặng. Trong tình trạng hôn mê, ông được đưa về Binh trạm 12 để phẫu thuật, rồi ra Bệnh viện Quân y 108 ở Hà Nội điều trị 2 tháng.
 Thiếu tướng Phan Khắc Hy sinh năm 1927 tại quê ngoại ở thị trấn Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình. Ông học trường làng ở Bố Trạch, lấy bằng yếu lược, sau đó được cha đưa về quê nội Đức Thọ, Hà Tĩnh ăn học. Hết tiểu học, đậu primaire, ông ra Vinh học trung học. Năm 1943, nửa năm thứ hai trung học, ông cùng người bạn thân Quách Xuân Kỳ trốn học, dự định xuất dương làm cách mạng nhưng không thành. Sau khi tham gia Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, mới 20 tuổi Phan Khắc Hy đã là Bí thư Huyện uỷ Bố Trạch. Gia nhập quân đội chống Pháp, ông trở thành cán bộ chính trị rồi quân sự cao cấp.
Thời kỳ ở Trường Sơn để lại cho Thiếu tướng Phan Khắc Hy những ký ức khó phai mờ. Đặc biệt những câu chuyện đau xót về nữ chiến sĩ Trường Sơn.
Ông xúc động tâm sự: “Bây giờ, tôi nhìn con gái mình lớn lên mới thấy hết sự phi thường của các cô gái Trường Sơn. Đúng là anh hùng vô song. Họ xứng đáng với tất cả mọi lời ca ngợi. Lực lượng nữ chiếm một phần ba trong số hơn mười vạn quân thuộc Đoàn 559 Trường Sơn. Họ có mặt nhiều nhất ở lực lượng thanh niên xung phong, bảo vệ giao thông, giao liên, hỏa tuyến, quân y và hậu cần. Để bảo đảm giao thông được xuyên suốt, các cô phải túc trực thường xuyên tại các điểm nóng, nơi máy bay Mỹ thường xuyên ném bom tọa độ bằng B52 rải thảm. Trong tích tắc, họ có thể biến mất theo mảnh bom, đất đá nát vụn. Nhiều lần tôi đã chứng kiến tận mắt sự hy sinh anh dũng ấy”. 

Hoàn cảnh chiến trường ác liệt. Điều kiện sống và sinh hoạt của nữ chiến sĩ Trường Sơn hết sức khắc nghiệt. Thiếu thốn trăm bề. Thật thương tâm! Lão tướng bùi ngùi kể: “Có những đơn vị toàn nữ, sống chiến đấu biệt lập, nên mỗi khi gặp được nam giới, họ rất mừng. Do điều kiện sống như thế nhiều người đã mắc bệnh cười. Lạ lắm. Thỉnh thoảng tự nhiên họ cười ngất. Chẳng nói gì, chỉ cười. Cứ thế. Hình như một căn bệnh về sinh lý. Chiến tranh kết thúc, nhiều nữ chiến sĩ vì lớn tuổi, không lập được gia đình. Bệnh cười vẫn không dứt”.
Vậy còn tình yêu lứa đôi của chiến sĩ Trường Sơn thì sao? Lão tướng ngừng hồi lâu rồi hạ thấp giọng: “Hầu hết chiến sĩ nam nữ Trường Sơn là thanh niên, ngoài lý tưởng cao cả hiến dâng tuổi trẻ cho độc lập, thống nhất Tổ quốc, họ còn khao khát tình yêu, hạnh phúc gia đình - khát khao muôn thuở của con người. Mỗi lúc có dịp gặp nhau qua trọng điểm, lúc dừng chân binh trạm giao liên, tiếng chào hỏi, tiếng hát, tiếng cười, những cái liếc mắt đưa tình hoặc câu đùa ghẹo là lúc biểu lộ khát khao đó của họ, để rồi kẻ ở người đi, dấn mình trong đạn lửa, mang theo một kỷ niệm êm đềm. Có khi trở lại chỗ cũ, họ đã khóc thầm cắm bông sim tím lên mộ người yêu mình chưa kịp tỏ tình”. 

Ông uống hớp nước trà rồi nói tiếp bằng sự cảm thông chia sẻ: Con người vẫn là con người, có lúc họ đã “cho nhau” để rồi chịu đựng những búa rìu của dư luận còn ảnh hưởng nặng nề đạo đức phong kiến và sinh nở nuôi con trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn.
Đối với những trường hợp đặc biệt ấy, Bộ Tư lệnh 559 đã chỉ đạo các đơn vị thấm nhuần tính nhân đạo, tìm cách an ủi động viên và tạo điều kiện cho chị em ra tuyến sau, tìm chỗ ở và công ăn việc làm ổn định. Khi chiến tranh đã qua rồi, nhiều người tuy bị thiệt thòi không có được tình yêu hôn nhân, nhưng lại cảm thấy hạnh phúc được làm mẹ, sớm hôm được nghe tiếng con thỏ thẻ bên mình. 

Các tin khác