Kỳ tích thành nhà Hồ

Có đến thăm thành nhà Hồ mới cảm nhận rõ sự đồ sộ của công trình vô tiền khoáng hậu vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Có đến thăm thành nhà Hồ mới cảm nhận rõ sự đồ sộ của công trình vô tiền khoáng hậu vừa được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới.

Cổng chính thành nhà Hồ.

Cổng chính thành nhà Hồ.

Tôi vừa từ thành nhà Hồ trở về Hà Nội được 2 ngày, thì nghe các phương tiện truyền thông đưa tin ngày 27-6-2011 UNESCO đã công nhận thành nhà Hồ là di sản văn hóa thế giới.

Triều đại nhà Hồ do Hồ Quý Ly sáng lập bị nhà chép sử lỗi lạc Ngô Sĩ Liên gọi là “ngụy” là “thoán nghịch”. Nhưng lịch sử vẫn không thể bỏ qua đã có một triều nhà Hồ tồn tại trong 7 năm (1400-1407) với kinh đô Tây Đô, trung tâm là thành nhà Hồ. Phủi tan bụi thời gian, chúng ta hôm nay thừa nhận Hồ Quý Ly là một người anh hùng, nhà cải cách vĩ đại đã không gặp thời. Và công trình thành bằng đá do ông tạo dựng nên trải hơn 600 năm vẫn “trơ gan cùng tuế nguyệt” để hậu sinh có thể tự hào về một di sản văn hóa thế giới.

Trong “Đại Việt sử ký toàn thư”, Ngô Sĩ Liên viết giai đoạn lịch sử cuối triều Trần khi đó: “Xã tắc lung lay. Vua u mê nhu nhược không làm nổi việc gì”.

Đó chính là lúc xuất hiện Hồ Quý Ly kết thúc triều Trần. Hơn 600 năm trước, những cải cách của Hồ Quý Ly quả là vĩ đại: thay tiền kim loại bằng tiền giấy; thực thi chính sách hạn nô, hạn điền, tước bớt ruộng đất từ tay địa chủ, phú hào; tập trung sức mạnh kinh tế, tập trung quyền lực vào tay Nhà nước trung ương... Những cải cách này đã động chạm đến quyền lợi vật chất của tầng lớp tôn thất, địa chủ, phú hào... của triều Trần.

Tuy nhiên, Hồ Quý Ly đã không thể tạo dựng một triều đại bền vững. Theo nhạc sĩ Nguyễn Đồng Tâm, Chủ tịch Hội Văn nghệ Thanh Hóa, thành nhà Hồ được xây dựng từ mồ hôi, nước mắt và máu của người lao động. Cho đến ngày nay người dân quanh vùng Tây Đô vẫn còn luận bàn về sự kiện nhà Hồ xây thành đắp lũy kiên cố, phu phen tạp dịch nặng nề, khiến lòng dân oán thán.

Hẳn là thế rồi, trong thời phương tiện vận chuyển và khai thác đá còn rất lạc hậu, việc xây dựng cả một tòa thành đá với chu vi 3.514m bằng các khối đá đồ sộ, khối nhỏ nhất cũng nặng trên 10 tấn, khối lớn nhất trên 26 tấn, lại còn thêm một vòng thành đất bên ngoài, là cả một kỳ công, tốn kém rất nhiều sức lao động.

Thành nhà Hồ tọa lạc giữa sông Mã và sông Bưởi, như 2 con rồng khổng lồ quấn quanh vùng đất rộng gần 10.000ha, tạo nên sự biệt lập với các vùng đất xung quanh, như một ốc đảo tự nhiên hiểm trở. Đây là vùng đất phì nhiêu, màu mỡ, lương thảo có thể cung cấp cho hàng chục ngàn quân nếu thành bị vây hãm lâu ngày. Phía Tây, bên trong vùng đất Tây Đô có nhiều rặng núi đá vôi bao bọc chạy mãi đến biên giới Việt - Lào.

Tương truyền để chọn nơi đóng đô, Hồ Quý Ly đã cho người đi khắp nơi tìm long mạch và rồi xác định mảnh đất này có thể dựng xây đế nghiệp lâu dài. Nhưng Hồ Hán Thương - con trai thứ hai của Hồ Quý Ly là người rất am tường về phong thủy - tâu với vua cha: “Thưa cha, con đã xem kỹ đất này đúng là đất rồng chầu, rắn cuốn, nhưng đất còn non nên mới chỉ là long xà ẩm thủy, lục niên ký chủ, chỉ ở được chừng 6 năm thôi”. Quả nhiên sau đúng như lời Hồ Hán Thương, triều nhà Hồ chỉ tồn tại 7 năm.

Đến thăm thành nhà Hồ, đoàn chúng tôi gồm các văn nghệ sĩ của 5 vùng đất đã từng là kinh đô xưa và nay: Hà Nội, Huế, Phú Thọ, Ninh Bình và Thanh Hóa; nhiều người rất am tường lịch sử. Vậy mà đứng trước tòa thành độc đáo, kỳ vĩ trên nhiều bình diện, ai cũng trầm trồ, thán phục. Và những câu hỏi được đặt ra: Đá xây dựng thành lấy ở đâu, vận chuyển thế nào, lắp đặt ra sao, thời gian xây dựng bao lâu? Qua nhiều nguồn tài liệu thu thập cùng những câu chuyện truyền lại của người dân trong vùng, cùng các cán bộ chuyên ngành ở Thanh Hóa, bức màn bí mật bao phủ quá trình hình thành một kỳ tích của dân tộc đã mở hé phần nào.

Cho đến những năm gần đây, có tài liệu nói thành xây dựng chỉ trong 3 tháng, có tài liệu nói xây trong 3 năm. Thư tịch có ghi: Tháng giêng năm Đinh Sửu (1397) vua Trần Thuận Tông sai Hồ Quý Ly vào động An Tôn làm 5 việc lớn: xây thành đắp lũy, xây dựng cung điện, lập nhà miếu, nền xã, mở đường phố. Các công việc này cơ bản hoàn thành trong một thời gian và đến năm Canh Thìn (1400) Hồ Quý Ly lên ngôi ở đây. Theo truyền khẩu của dân trong vùng, chỉ vài năm thành đã dựng gần xong, chỉ còn có 4 cổng thành cứ lắp gần xong lại sập, mỗi ngày nhặt được hàng rổ ngón tay, ngón chân của dân phu bị chẹt đá.

Song, ông Phạm Văn Chấy (Văn Thành Chương), nguyên Phó Chủ tịch huyện Vĩnh Lộc (huyện có thành nhà Hồ), nguyên Phó Ban quản lý các khu di tích lịch sử Lam Kinh, cho rằng nếu nói chỉ trong 3 tháng xây xong một kỳ quan đồ sộ như vậy, chẳng qua người ta muốn thần thánh hóa sức dân và tài chỉ đạo thi công của người thủ lĩnh; hoặc muốn nói đến xây dựng thành đất bên ngoài từ chân núi Đốn Sơn lên Hang Ma - Đồi Cốc, hiện tại thành này nằêm phía Đông Bắc thành đá bên trong.

Có một sự ngẫu nhiên ở vùng núi Tây Đô - Vĩnh Lộc, hầu hết các núi đá vôi là núi đoạn tầng, rất ít thấy ở các vùng trong nước. Núi đá vùng này từng lớp xếp chồng lên nhau như những gói bánh bích quy, rất dễ khai thác các lớp bên ngoài. Phải chăng đây là yếu tố tự nhiên lọt vào nhãn quan làm cho nhà Hồ nảy sinh ý tưởng xây dựng tòa thành bằng đá cực kỳ kiên cố tại đây.

 Chắc chắn lúc bấy giờ việc khai thác đá, vận chuyển, đẽo gọt và xây dựng thành đều được làm hoàn toàn thủ công. Vậy làm thế nào ông cha ta đã tạo tác nên một kỳ tích bằng đá lớn đến như vậy, với chiều dài theo hướng Đông - Tây 883,5m, chiều rộng theo hướng Nam - Bắc 870,5m. Cửa Tiền, của thành nhằm hướng Đông Nam, có 3 vòm cuốn, chiều cao từ chân đến nóc cửa 7,89m. Vòm cuốn chính giữa cao 5,75m, rộng 5,82m, dài 15,04m. Hai vòm cuốn hai bên cao 5,35m và 5,45m. Ngoài cửa Tiền có cửa Hậu hướng Tây Bắc và hai cửa hướng Đông Bắc, Tây Nam.

Theo kể lại, để lắp ghép được các vòm cuốn, các nghệ nhân phải thiết kế và chế tác ra các phiến đá hình múi cam, hình thang cân, hình thang vuông, hình tứ giác bằng giấy hoặc cót lắp ghép lại với nhau cho khớp thành các vòm cuốn; sau đó mới chế tác các phiến đá y hệt. Khi lắp cổâng thành, người xưa phải đắp đất, cát, sỏi làm cốt. Khi lắp ghép xong lại moi đất, cát, sỏi ra. Mỗi bức tường thành được lắp ghép 5 hàng đá phiến ở phần nổi trên mặt đất và 2 hàng chìm làm móng.

Trong 5 lớp đá nổi trên mặt đất, lớp dưới cùng có có chiều cao 1,1m, lớp thứ hai cao từ 0,9-1m, lớp thứ ba cao từ 0,7-0,8m, lớp thứ tư cao 0,5-0,6m, lớp trên cùng cao từ 0,35-0,4m. Bên trên 5 lớp tường thành còn được cơi cao thêm bằng các lớp gạch nung cỡ lớn.

Nhà Hồ lấy đá ở đâu để xây thành? Theo tài liệu chính thống được lưu giữ ở nhà trưng bày hiện vật phía ngoài khuôn viên thành nhà Hồ, nhà Hồ đã chọn cách bóc núi để xây thành, đã lấy hết 3 ngọn núi Kim Ngọ ở phía Tây - Tây Nam, hiện tại chỉ còn lại 2 núi Kim Ngưu cách thành hơn 1km. Các núi Kim Ngọ toàn các lớp đá đoạn tầng chồng xếp lên nhau. Hiện lõi núi và vết tích khai thác vẫn còn ở xã Vĩnh Yên và Vĩnh Tiến.

Làm thế nào mà với những dụng cụ thô sơ cách đây hơn 600 năm, những người thợ, người nông dân lại bóc được những khối đá khổng lồ nặng vài chục tấn từ trên núi xuống? Cứ cho rằng các lớp đá bên ngoài bóc tách có phần dễ dàng, vậy còn bên trong lõi núi thì sao? Bằng cách nào những khối đá ấy được đặt chồng khít lên nhau mà trải qua hơn 6 thế kỷ vẫn không hề suy chuyển, sô lệch? Ông cha ta thật tài ba, kỳ diệu và phi thường, đã tạo dựng nên một công trình thành lũy quân sự với kiến trúc đá để lại cho muôn đời.

Các tin khác