Kỳ duyên đại hùng sơn (K3): Những nhân duyên tiếp nối

“Thực lòng tôi cũng không muốn giữ giống cây độc nhất vô nhị ở Việt Nam này làm lợi cho riêng mình, nhưng trước khi các nhà khoa học tìm được cách bảo vệ và phát triển nó một cách thực sự nghiêm túc, tôi vẫn phải âm thầm chăm sóc nó thôi. Như thế là tốt hơn cho cả cây và tôi. Cây hết thì tôi cũng chết” - ông Trần Ngọc Lâm trải lòng về cây thuốc ngũ trảo long.

“Thực lòng tôi cũng không muốn giữ giống cây độc nhất vô nhị ở Việt Nam này làm lợi cho riêng mình, nhưng trước khi các nhà khoa học tìm được cách bảo vệ và phát triển nó một cách thực sự nghiêm túc, tôi vẫn phải âm thầm chăm sóc nó thôi. Như thế là tốt hơn cho cả cây và tôi. Cây hết thì tôi cũng chết” - ông Trần Ngọc Lâm trải lòng về cây thuốc ngũ trảo long.

Đau đáu bảo tồn cây thuốc quý

Năm 2001, Sa Pa bắt đầu phát triển các dự án phục vụ du lịch. Người ta thấy ông Lâm dựng nhà sàn và ở được nơi hẻm núi này, bèn dựng trụ sở Vườn Quốc gia ở đó. Khi tuyến đường du lịch lên đỉnh Phanxipăng chính thức hoạt động thì nghề hướng dẫn viên du lịch kiêm “Sơn Đông mãi võ” của ông Lâm buộc phải “giải nghệ”.

Ông lại sang bên Trung Quốc làm nghề sửa ô tô, tháo súng đạn đồng nát… kiếm tiền về dựng lại căn nhà cũ ở thành phố Lào Cai. Bây giờ ông đã về ở Lào Cai, tiếp tục nghề sửa ô tô dạo cho các xe hàng từ Nam ra Bắc để xuất khẩu qua cửa khẩu Hà Khẩu, chuyên trị những ca khó.

Thỉnh thoảng ông Lâm vẫn một mình lên Phanxipăng chăm sóc, thu hạt và tìm cách nhân giống hơn 10m2 ngũ trảo long của ông xuống vườn nhà, là một khu vườn rộng ngay tại thị trấn Sa Pa.

Ông Trần Ngọc Lâm trong những chuyến đi rừng. 

Ông Trần Ngọc Lâm trong những chuyến đi rừng. 

Điều làm ông Lâm quan tâm, lo lắng hơn cả cho Phanxipăng không phải vì ông vẫn hay bị một số nhà báo trẻ, không đủ sức leo núi nhưng lại muốn chụp ảnh mình đang phất cờ, nhảy nhót hú hét trên đỉnh đại hùng sơn, thường nhờ ông lên bê chiếc cột mốc i nốc nặng 9 kg xuống thấp cho họ chụp.

Cũng không to tát như chuyện đường lên Phanxipăng bị làm thành con đường bê tông theo một hướng khác, tốn kém nhiều mà du khách không ai đi, vẫn đi theo con đường đất mà ông vạch ra. Điều mà ông lo lắng nhất chính là những cây thuốc quý của Phanxipăng đang có nguy cơ mất dần đi.

Dù rằng chỉ 1 ngày lên núi, ông có thể lấy được ngay đơn thuốc cho bất cứ bài thuốc thảo dược nào đăng trên báo, kể cả phục linh, hay nhân sâm (loại sâm người ta bảo chỉ có ở núi Ngọc Linh).

Ông Lâm nói: “Ban đêm tôi cũng có thể lấy được những loại cây ấy, vì tôi đã lấy rất nhiều lần để trị bệnh nên biết tường tận nó mọc ở đâu, bên sườn núi nào, đặc điểm ra sao. Tôi cũng chẳng giấu diếm làm gì, nhưng phải giữ bí mật, bởi chúng là những loài thuốc rất quý hiếm, nếu công bố ra có khi lại sớm tuyệt chủng. Mà ngũ trảo long tuyệt chủng, có lẽ tôi lại lên hang núi, chờ khối u trong phổi giết chết mình”.

Ông Lâm kể cách đây mấy năm, tình cờ gặp một vị GS.TS dược học từ Hà Nội lên Sa Pa nghiên cứu về dược liệu, ông bảo: “Tôi biết có một loại cây rất quý mà bên Tàu chỉ bậc đại gia lắm tiền nhiều của mới dám bỏ tiền ra mua, uống vào rất tốt cho sức khỏe, trị nhiều bệnh và đặc biệt rất bổ thận”.

Vị giáo sư không tin, ông Lâm lập tức lên núi lấy xuống một nắm. Thì ra đó là cây giảo cổ lam, một trong những loại cây mà vị lão tăng Tây Tạng tưởng như không thể có ở Việt Nam. Chẳng biết thông tin rơi rụng thế nào, các thương lái bên Trung Quốc biết được Phanxipăng có loại cây đó. Họ tìm sang tận nơi, bỏ nhiều tiền để thuê người Mông đeo gùi lên tận nơi hái trụi.

Đây cũng là 1 trong 7 dược liệu của “Mỹ nhân thang” ông Lâm vẫn thường phải dùng để trị bệnh. Khi ông Lâm lên hái thì thấy còn thưa thớt mấy cây, xót ruột lắm nhưng chẳng biết làm sao. Thỉnh thoảng ông Lâm cũng san sẻ cho mọi người ít “Mỹ nhân thang”, ai cũng ca ngợi rằng người Tàu đặt tên cho nó như vậy cũng không lấy gì làm quá. Nhưng rút kinh nghiệm, ông Lâm quyết không chỉ cho ai thấy 6 loại thảo dược quý và vườn ngũ trảo long nữa.

Tôi đề nghị ông Lâm cho theo lên núi, để tận mắt chiêm ngưỡng loài linh dược quý báu mà ông kỳ công đem về cao nguyên Tây Tạng, nhưng ông từ chối. Ông Trần Ngọc Lâm tâm sự: “Tôi từng hái ngũ trảo long đem cho một số là người bị bệnh ưng thư, thấy bệnh được kiềm chế, không phát triển mạnh nữa, còn bệnh thông thường thì công dụng của nó là không phải bàn”.

Truyền lửa

Nhưng ông Trần Ngọc Lâm hăm hở đề nghị dẫn đường cho tôi đi du ngoạn trên nóc nhà Đông Dương. Chúng tôi tự mình khoác lên vai chiếc ba lô trĩu nặng túi ngủ, áo rét, lương khô cùng một ít đồ uống bằng thảo dược. Mấy đêm ngủ lại trên ngọn hùng sơn ào ào gió lạnh, thăm những hang núi, hốc cây ông Lâm từng sinh sống, tôi cũng phần nào cảm nhận được sức chịu đựng và ý chí phi thường của người bạn đồng hành.

Ông Lâm chỉ cho tôi nhiều loại hoa, quả, lá cây và dây leo có thể ăn, uống được, thứ rôn rốt chua, thứ thơm phức ngọt ngào, thứ giòn tan mát dịu…, “phòng khi đã ăn hết lương khô mà vẫn chưa tìm được lối về”. Ngoài những dược liệu quý như nấm phục linh, nhân sâm…, nhiều loại kỳ hoa dị thảo được ông Lâm chỉ và nêu rõ công dụng chữa bệnh, quả thật chưa từng có sách nào đề cập.

Gặp nhóm khách đi ngược đường, ông Lâm gọi, hỏi xin thực phẩm thừa. Chẳng thân quen chúng tôi, họ vẫn vui vẻ để lại một túi gạo, 6 quả trứng gà, nửa cái bắp cải, dăm quả cà chua. Con người quá bé nhỏ trước thiên nhiên nên bữa cơm trong rừng sâu núi thẳm nhiều khi đáng giá hơn cả mâm cao cỗ đầy nơi phố thị. Vậy nên, hỏi xin thực phẩm trên tuyến khám phá Phanxipăng là chuyện rất bình thường.

Trước đây, cả khách du lịch Tây và ta khi đi xuống núi, dẫu thừa chút ít thực phẩm cũng treo lên cây gần lối đi và ghi lại lời nhắn cho người đi sau. Có đoàn khách Tây đi rừng nhiều ngày còn cẩn thận để lại mảnh giấy lớn ghi nhiều thứ tiếng: “Nếu bạn còn thừa thực phẩm, hãy treo lên cây và xin ghi rõ: còn sử dụng được”.

Người đi du lịch Phanxipăng thường đi và về theo 2 đường khác nhau để có thể nhìn ngắm được nhiều hơn. Hiện có 3 con đường cho khách du lịch lựa chọn. Duy nhất ông Lâm biết 1 con đường cũ (cũng của người Pháp mở) xuyên qua các thung lũng, khe suối, eo núi và rừng nguyên sinh đầy muông thú, nhưng chưa công bố vì đắn đo du khách có gìn giữ được rừng không khi đã phát hiện lối đi này.

Ông Lâm chỉ hé lộ, con đường này xuất phát từ Bản Bo (Tam Đường, Lai Châu), lên đến đỉnh Phanxipăng chỉ dài chừng 8km, khá thuận tiện, còn nguyên dấu vết từ hơn 100 năm trước. Không có nhiều thời gian, và chỉ để tôi mục sở thị những trải nghiệm của ông Lâm trên Phanxipăng nên chúng tôi đi theo con đường dễ đi nhất, “chỉ” hơn 12km đồi núi, ngắn và thuận tiện hơn nhiều so với những con đường còn lại.

Ông Lâm có công khôi phục từ con đường bị lãng quên từ thời Pháp thuộc. Con đường này vốn được người Pháp khai phá từ xưa, rất thuận lợi, có thể đi ngựa đến độ cao 2.600m.

Nhớ lại hành trình mở con đường này, Trần Ngọc Long, con trai ông Trần Ngọc Lâm, cứ cám cảnh mãi. Anh Long biết ông Lâm khi đó từng phải ăn rau dại cả tuần vì hết gạo. Đường lên núi lúc đó mịt mờ, phải ăn rừng ngủ núi hàng tháng, thân lại mang trọng bệnh mà chỉ lủi thủi một mình. Thương cha và lo xa, Trần Ngọc Long quyết định bỏ công việc có thu nhập khá tốt ở tỉnh để theo cha đi rừng.

Bỏ luôn tấm bằng công nghệ thông tin hao tổn 4 năm theo học đại học chính quy ở Hà Nội, Long đến với ngành y học cổ truyền, lao tâm lao lực với người bệnh. Trong chuyến lẽo đẽo theo chân đi rừng với cha con ông Trần Ngọc Lâm, nhìn cha con họ háo hức với gốc cây ngọn cỏ, tôi vẫn không ngớt cảm khái chuyện nhân duyên nơi cõi đời bề bộn này.

Các tin khác