Kỳ duyên đại hùng sơn (k1) - Trên dãy Tuyết Sơn

Đại hùng sơn Phanxipăng cao 3.143m thuộc dãy Hoàng Liên Sơn là khát khao chinh phục của những người ưa mạo hiểm. Nhưng đối với một người đàn ông sinh ra và lớn lên ở Lào Cai, ông Trần Ngọc Lâm, nó thân thuộc như… vườn nhà. Cuộc đời và “mối tình” của ông với Phanxipăng tựa một pho tiểu thuyết đầy vẻ lãng mạn. Nhưng thực tế thường nghiệt ngã, ông Lâm gắn bó máu thịt với Hoàng Liên Sơn để chống chọi với căn bệnh ung thư phổi.

Đại hùng sơn Phanxipăng cao 3.143m thuộc dãy Hoàng Liên Sơn là khát khao chinh phục của những người ưa mạo hiểm. Nhưng đối với một người đàn ông sinh ra và lớn lên ở Lào Cai, ông Trần Ngọc Lâm, nó thân thuộc như… vườn nhà. Cuộc đời và “mối tình” của ông với Phanxipăng tựa một pho tiểu thuyết đầy vẻ lãng mạn. Nhưng thực tế thường nghiệt ngã, ông Lâm gắn bó máu thịt với Hoàng Liên Sơn để chống chọi với căn bệnh ung thư phổi.

KỲ 1 - Trên dãy Tuyết Sơn

Ấn tượng đầu tiên về ông là đôi mắt sáng đầy nghị lực và dáng người gầy mảnh lụng thụng trong bộ quân phục nhàu cũ. Dăm ba câu chuyện thăm hỏi khiến người đàn ông đứng tuổi có vẻ kiệm lời, khép mình, dần mặn chuyện. Hỏi chuyện rừng núi, thấy chuyện gì ông cũng biết. Ở vùng Tây Bắc này, không đỉnh núi nào cao quá 2.000m mà ông chưa đặt chân.

Câu chuyện về cuộc đời ông bình dị như nhiều cựu chiến binh khác. Sinh năm Nhâm Thìn (1952), đến năm 1972 ông Lâm cùng em trai vào bộ đội, vượt Trường Sơn đi chiến trường B thử lửa. Học trong quân đội nghề sửa và bảo dưỡng ô tô, rồi lái xe Trường Sơn. Phục viên, ông về làm lái xe cho một đơn vị sản xuất tại địa phương.

Năm 1991, các bác sĩ Bệnh viện 103 phát hiện trong phổi ông có khối u, nếu không chữa trị kịp thời khó qua khỏi. Sinh thiết bên Bệnh viện K cũng cho kết quả như vậy.

“Chi phí cho điều trị tại bệnh viện hồi đó chừng mấy triệu đồng/tháng, bán cả ngôi nhà cũng chẳng được 1 triệu. Sớm hay muộn mình cũng chết, chỉ thương vợ và mấy đứa con nhỏ biết bấu víu vào ai. Tôi ra cửa khẩu, sang cả Trung Quốc để làm cửu vạn. Sáng đi kiếm tiền, tối về ôm ngực rên la, ngồi tựa lưng vợ, rồi tự vặn lưng cho dịch phổi tràn ra mới đỡ đau” - ông Lâm tâm sự.

Khu vực ông làm thuê vốn là địa bàn làm ăn của một tay giang hồ, nổi tiếng võ nghệ cao cường người Trung Quốc tên là Lìu Cắm Xìn. Lìu xưng hùng xung bá, cùng đám tay chân tổ chức thu tiền bảo kê từ chủ hiệu lớn đến đám ăn mày, bốc vác, làm thuê.

“Ban đầu, vì muốn yên thân kiếm miếng cơm, tôi cũng nộp. Sau rồi nghĩ, mình sắp chết đến nơi rồi còn phải làm cửu vạn kiếm ăn. Nó khỏe như vâm, ăn trên ngồi trốc lại còn lột tiền của mình, bất công quá, tôi không nộp nữa. Bọn đàn em của Lìu kéo đến hăm dọa, nhưng tôi đi đây đi đó nhiều, đã rèn luyện trong quân ngũ, lại học được ít món võ bụi phòng thân nên chúng chẳng làm gì được.

Lìu bắn tin sẽ đích thân dẫn đệ tử mang theo gậy gộc kéo đến, quyết dạy cho tôi một bài học. Thân cô thế cô nơi đất khách quê người, ai cũng bảo tôi nên trốn về nước đi, nhưng tôi chẳng sợ. Dù bị đánh gẫy xương sườn, tôi cũng kịp hạ gục 3 tên đệ tử và bẻ gãy cổ Lìu. Tôi về nước cùng anh bạn lấy các đồ thải của xe ô tô cũ lắp ráp chiếc công nông đầu ngang, chạy chở hàng quanh chợ Cốc Lếu kiếm sống” - ông Lâm kể.

Hang đá trên dãy Phanxipăng nơi ông Trần Ngọc Lâm ở những ngày tự chữa bệnh.

Hang đá trên dãy Phanxipăng nơi ông Trần Ngọc Lâm ở những ngày tự chữa bệnh. 

Một thời gian sau, 2 thanh niên Trung Quốc sang Lào Cai, tìm đến nhà ông Lâm, tự xưng là đệ tử của Lìu Cắm Xìn và chuyển lời ông chủ mời ông sang Trung Quốc chơi. Lúc đầu ông từ chối nhưng họ cứ sang mời, ông Lâm quyết định qua Trung Quốc gặp Lìu.

Không ngờ Lìu bày hương rượu kết nghĩa anh em với ông. Thấy ông biết sửa và lái ô tô, Lìu dẫn ông đến gặp Voòng Lù Pao xin cho một chân trong đoàn xe chở hàng thuê tuyến đường xuyên Á. Ban đầu ông Lâm làm thợ sửa chữa, rồi thấy ông lái cứng, họ cho ông cầm lái.

Ông Lâm bắt đầu những tháng ngày phiêu bạt, vượt Myanmar, sang Thái Lan chở gạo, về Việt Nam chở thảo quả, cá khô, rồi sang Afganistan chở khí đốt, sang cả Campuchia, Lào, Nepan, Mông Cổ, Nga… Ông bôn ba trên những con đường cao chót vót hơn 5.000m lên Tây Tạng, lạnh tới âm 20C, nhiều lần dừng chân bên dãy Hymalaya hùng vĩ, ngắm nhìn đỉnh Everest chọc trời…

Năm 1992, trong lần đoàn xe phải nằm lại cả tháng trời ở thị trấn nhỏ La Tư thuộc tỉnh Thanh Hải (Trung Quốc) do núi băng đổ, cả đoàn nghỉ ngơi và đi lang thang thăm thú khắp nơi.

Ông Lâm đi chơi cùng với một người Hán, biết nhiều ngôn ngữ địa phương. Thấy có một vị sư già mặt mũi nhăn nheo, gầy khô đang ngồi xin ăn trước cửa một ngôi chùa. Ông Lâm tiến lại thả vào chiếc bát tộ mấy đồng lẻ. Bất ngờ nhà sư đưa cho ông Lâm viên gạch và ra hiệu hãy đập vào đầu ông.

Thì ra đây là nhà sư theo dòng thiền khổ hạnh, ép xác, khi nhận bố thí của ai cũng phải đổi một thứ khác, nếu không phải cho người ta hành xác. Nhìn vị sư già đã ngót nghét 100 tuổi, ông Lâm ái ngại: “Tôi là người rất khỏe, sợ nhà sư không chịu được đâu”.

Nhà sư nhắm mắt lại, ý bảo cứ giúp ông ấy. Ông Lâm đập thử, viên gạch vỡ tan. Đập thêm viên nữa vẫn vậy. Chưa hết bàng hoàng, ông chợt nghe vị lão tăng nói: “Anh đang mắc bệnh nặng về đường hô hấp, nếu không chữa ngay nguy lắm”. Như cảm thấy duyên ngộ, ông Lâm xin theo vị lão tăng về chùa ở và xin được chữa bệnh.

“Nhà sư đưa tôi về nơi người tu luyện, có lẽ phải cao đến 6.000m, bốn bề chỉ thấy băng và rêu đá, lạnh lẽo u tịch. Có một ngôi chùa nửa nổi nửa chìm trong hang đá nông, là nơi thầy trò tôi cùng với một số bệnh nhân khác ở. Nhà sư lấy nhiều loại cây cỏ quý của Tây Tạng chữa cho tôi, còn dạy cách lên núi tìm dược liệu, rồi phơi sắc pha chế ra sao.

Tuần đầu tiên tôi sống khổ sở lắm, đi bộ không nổi vì chân đang quen đạp ga. Không khí rất loãng, lúc nào cũng tức ngực khó thở, vì nhiệt độ chỉ khoảng âm 5-60C. Hàng ngày chúng tôi đi đến một vách băng cách hang đá chừng 10km lấy băng vác lên núi nấu nước uống.

Chúng tôi cứ ròng rã chân đi giày cỏ ô la, vai vác đá lạnh như thế suốt một thời gian dài. Nhiều người không chịu nổi gian khổ phải bỏ cuộc, nhưng tôi vốn dân lao động nên chịu đựng được. Lúc đó tôi chưa biết rằng thầy đang chữa bệnh cho mình bằng cách kiên trì rèn luyện trong điều kiện khắc khổ để tự điều chỉnh cơ thể” - ông Lâm nhớ lại.

Thực đơn cho những bữa ăn cũng rất nghiêm ngặt, kham khổ. Mỗi ngày 2 tô chia làm 2 bữa, chỉ có hạt đậu răng ngựa cùng ít hạt kê, hạt đại mạch, rêu đá cho vào nấu thành bát cháo lõng bõng nước. Dần dần, khẩu phần rút dần còn 2 nửa bát, rồi chỉ còn nửa bát vào bữa trưa.

Ăn uống như vậy, nhưng công việc vẫn không thay đổi, ngày ngày đi bộ vác băng đá. Đêm xuống, nhà sư dạy ông Lâm ngồi thiền. Thầy trò cùng tận tâm tận lực, nên chỉ chừng 1 tháng ông Lâm đã lĩnh hội được rất nhiều bí quyết. Ông còn được nhà sư già cho dùng 2 bài thuốc.

Một bài gồm 3 loại quả, 4 loại hoa (sau này ông Lâm gọi là “Mỹ nhân thang”) giúp cơ thể tiêu độc, trừ chướng khí, dùng xong da dẻ hồng hào đẹp đẽ như da của mỹ nhân. Bài thuốc thứ hai dùng sắc uống để kiềm chế các khối u phát triển, rất thiết thực với bệnh u phổi của ông. Dược liệu là một loại cây lá dài, đầu có 5 cái móng cong như vuốt rồng, ông Lâm gọi là “ngũ trảo long”.

Chừng 4 tháng sống trong chùa, rèn luyện khí công, lên núi hái thuốc, tự pha chế để chữa bệnh, ông Lâm phải theo đoàn xe đưa hàng đi tiếp. Lúc chia tay, vị sư già bảo: “Ta chẳng giấu gì anh bí quyết pha chế cùng dược liệu của các bài thuốc này, chỉ tiếc loại thuốc này rất quý hiếm, chỉ có ở Tây Tạng, ngoài ra không đâu có được. Bệnh anh mới chỉ được kiềm chế không phát thôi, chưa khỏi hẳn”.

Ông Lâm bái biệt nhà sư rồi xuống núi. Những ngày tháng tiếp theo, ông tiếp tục nghề lái xe thuê, mỗi lần dừng chân ở đây lại tìm lên núi gặp thầy, có khi ở lại vài tuần, có khi cả tháng. Từ năm 2002, ông lên núi ở hẳn với nhà sư suốt hơn 4 năm ròng rã. Năm 2006, ông trở về nhà.

----------

Kỳ 2: Trên đỉnh Đông Dương

Các tin khác