Vực dậy bài thuốc cho người vùng cao

Kỳ 2: “Bén duyên” với thuốc Nam

(ĐTTCO) - Sau những thành công bước đầu trong việc xác lập mối quan hệ, xây dựng thương hiệu bài thuốc cho các ông lang, bà mế, 2 chàng trai Vietherb bắt đầu dự án xây dựng một khu nhà trình diễn, làm thuốc, chữa bệnh theo các phương pháp thuốc nam ngay tại thị trấn Mẹt, quê hương của mình…

Bỏ phố, lên vùng cao tìm sự khác biệt
Chủ tịch Hội Đông y Lạng Sơn Trần Văn Tuyến bày tỏ lo lắng việc nhiều cây thuốc bị khai thác cạn kiệt, cùng nhiều ông lang, bà mế ngày càng già đi, đang ảnh hưởng không nhỏ tới việc truyền nghề cho thế hệ sau. “Mất cây thuốc, nguy cơ sẽ dần mất những ông lang, bà mế, là những người giỏi chữa bệnh bằng thuốc nam, chỗ dựa của người dân khi ốm đau. Không còn thuốc thì lấy gì để chữa bệnh, còn gì để truyền nghề...” - ông Tuyến chia sẻ.
Tuy nhiên, theo ông Tuyến, với việc Vietherb ra đời và phối hợp với Hội Đông y Lạng Sơn, xây dựng được mạng lưới kết nối các ông lang, bà mế duy trì các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm, thông tin về cây thuốc, bài thuốc, phương pháp điều trị đã góp phần không nhỏ vào bảo tồn và phát triển các tri thức thuốc nam bản địa, thông qua việc sử dụng có hiệu quả các cây thuốc nam và các bài thuốc nam truyền thống.
Kỳ 2: “Bén duyên” với thuốc Nam ảnh 1 Chủ tịch Hội Đông y Lạng Sơn Trần Văn Tuyến trao đổi về việc bảo tồn và phát triển các cây thuốc nam, bài thuốc gia truyền của những ông lang, bà mế. 
Cùng với đó, Vietherb đã đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe của cộng đồng, đồng thời cải thiện thu nhập cho người dân, nhất là với các ông lang, bà mế. Qua đó nâng cao nhận thức quản lý tài nguyên thiên nhiên một cách bền vững, góp phần vào xóa đói giảm nghèo.
Ông Tuyến cho rằng, để bảo tồn bền vững các cây thuốc, bài thuốc nam quý cần khẩn trương di thực những cây thuốc quý về vườn thuốc của gia đình, hoặc các vườn thuốc của trạm y tế xã, hay các mô hình vườn thuốc, rừng bảo tồn cộng đồng để bảo tồn, sau đó có cơ hội nhân rộng.
Bởi mỗi cá nhân phải có ý thức trách nhiệm với nghề nghiệp của chính mình vì sức khỏe của gia đình, cộng đồng xã hội, từ đó tự giác chia sẻ kinh nghiệm nghề nghiệp trao đổi giống cây thuốc. Đồng thời các cơ quan chức năng cần đưa ra những chính sách thiết thực, cơ chế quản lý khai thác, như chỉ được khi thác từng loại dược liệu trong từng mùa nhất định ở mỗi địa phương nhất định.
Kỳ 2: “Bén duyên” với thuốc Nam ảnh 2 “Bà mế” Bàn Thị Liều đang phân loại và bốc các vị thuốc Nam cho bài thuốc chữa đau lưng gia truyền. 
Nếu là loại dược liệu thu hái củ, rễ theo nguyên tắc có 3 khai thác đến 2. Loại thu hái lá cành chỉ được cắt không được nhổ gốc. Loại thu hạt thì phải đập giũ bớt lại để có giống cho mùa sau. Khi sơ chế, phải chế biến tại địa phương, đảm bảo vệ sinh môi trường tránh gây ô nhiễm. Bên cạnh đó, cần tập huấn nâng cao nhận thức của nhân dân và đặc biệt các chương trình tập huấn về chuyên môn y học cổ truyền, về các cây thuốc nam và các bài thuốc nam điều trị các bệnh thông thường tại địa phương.
Bảo tồn để có cơ hội nhân rộng
Sinh ra và lớn lên tại vùng rừng núi Hữu Lũng, Đỗ Hoàng và Nguyễn Công Huân là hai người bạn thân với nhau từ thủa thiếu thời. Lớn lên tốt nghiệp đại học ra trường, cả hai không có chút kiến thức về thuốc nam, nhưng dường như họ lại có duyên với cây cỏ, với rừng xanh, núi đỏ. Những năm đầu đi làm, cả hai đều có những công việc phải “cùng ăn, cùng ở” với đồng bào, bà con dân tộc ở vùng sâu, vùng xa tại nhiều địa phương.
Qua đó, họ may mắn được tiếp xúc với không ít ông lang, bà mế - những người nắm giữ nhiều bài thuốc nam bí truyền vô cùng quý giá và hiệu nghiệm. Nhưng cũng từ đó, họ nhận ra rằng có không ít mối nguy cơ đe dọa tới sự tồn tại của những bài thuốc, cây thuốc nam bản địa, việc truyền nghề cho lớp con cháu sau này của những ông lang, bà mế rất hạn chế và hơn cả là hiệu quả, giá trị kinh tế của những cây thuốc, bài thuốc không được nhiều người biết tới. 
Trăn trở trước nỗi lo thất truyền các bài thuốc, cây thuốc ngày càng lớn, cùng với đó là tình trạng khai thác tràn lan, vô tội vạ tới mức cạn kiệt nhiều cây thuốc quý tại Lạng Sơn, cũng như nhiều tỉnh thành trong cả nước. Năm 2011, Đỗ Hoàng, Nguyễn Công Huân cùng với một người bạn thuở niên thiếu nữa đã quyết định lập ra Vietherb, với mục tiêu nghiên cứu, bảo tồn, ứng dụng và phát triển bền vững cây thuốc, bài thuốc nam quý báu của dân tộc. 
Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu trên lại là cả một chặng đường nỗ lực không biết mệt mỏi của những chàng trai trẻ khởi nghiệp bằng... cỏ cây, núi rừng. Đỗ Hoàng dù là Giám đốc của Vietherb, nhưng công việc của anh không phải là ngồi bàn giấy, máy lạnh để điều hành công việc, mà có khi hàng tháng trời, Hoàng lặn lội khắp các bản làng, ngõ ngách của vùng rừng núi Lạng Sơn và nhiều tỉnh miền núi phía Bắc tìm gặp các ông lang, bà mế để tìm hiểu về các bài thuốc, cây thuốc, đồng thời giúp họ bảo tồn, lưu truyền và phát triển các cây thuốc, bài thuốc rộng rãi ra cộng đồng. Thời gian cứ trôi, 1 năm, 2 năm, rồi 3-4 năm, Đỗ Hoàng ngày càng gắn bó khăng khít với nhiều ông lang, bà mế tới mức mà không ít người lầm tưởng anh là một thầy lang chính hiệu.
Chia sẻ với chúng tôi, Đỗ Hoàng thẳng thắn: “Có bài thuốc hiệu quả, có nhiều người dùng, người chữa bệnh thì mới có người trồng, người thu hái dược thảo. Đó chính là cách bảo tồn, phát triển bền vững và hiệu quả các cây thuốc, bài thuốc nam của đồng bào. Hơn nữa, nếu không liên kết được các ông lang, bà mế thành một mạng lưới thì những kinh nghiệm chữa bệnh lâu đời, cũng như những bài thuốc, cây thuốc quý khó mà gìn giữ, bảo tồn và phát triển được trong cộng đồng, chứ chưa cần nói tới hiệu quả kinh tế”. 
Trong khi đó đối với Nguyễn Công Huân, cùng với việc hỗ trợ đắc lực cho người bạn thân, Huân còn vạch ra được những chiến lược để đưa những cây thuốc, bài thuốc nam quý giá tưởng chừng đã bị “ngủ quên” trên gác bếp, hay góc vườn của một ông lang, bà mế nào đó trong những bản làng xa xôi để trở thành những sản phẩm thương mại có giá trị và hiệu quả được cộng đồng nhiệt tình đón nhận. 
Vượt qua những năm đầu đầy gian khó và thử thách, tới nay Vietherb đã phát triển và đưa ra thị trường hơn 30 sản phẩm có nguồn gốc từ nhiều cây thuốc, bài thuốc nam bản địa của bà con dân tộc. Địa bàn hoạt động, kinh doanh của Vietherb cũng không chỉ còn bó hẹp ở Lạng Sơn, hay vài tỉnh thành phía Bắc, mà hàng chục đại lý đã được phát triển trải dài từ Bắc chí Nam, đem lại nguồn doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Lợi nhuận thu được Hoàng và Huân cũng không đầu tư theo kiểu “mỳ ăn liền”.
Tháng 4 vừa rồi, tại vùng đất nhà ở thị trấn Mẹt, Huân và Hoàng đã chính thức khởi động dự án xây dựng một khu nhà trình tường theo đúng cách thức của người Dao. Dự kiến, khi hoàn thành, nơi đây sẽ là nơi trình diễn, sản xuất thuốc và khám chữa bệnh theo phương pháp thuốc nam của Vietherb.
Huân và Hoàng cho biết, sẽ thường xuyên mời các ông lang, bà mế về ở đây làm việc trực tiếp. Ngoài việc tạo công ăn việc làm, thu nhập cho đồng bào nơi đây, hai chàng trai kỳ vọng mô hình này sẽ góp phần thiết thực bảo tồn cũng như phát triển các loại cây thuốc nam và những bài thuốc gia truyền của các ông lang, bà mế tất cả những vùng miền. 
 Bên cạnh việc đầu tư cho phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và mở rộng thị trường, 2 chàng trai trẻ đã dành những khoản đầu tư, hỗ trợ rất lớn cho nhiều ông lang, bà mế, cũng như không ít hộ đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa để họ nuôi trồng, bảo tồn và phát triển nhiều loại cây thuốc bản địa quý giá, cũng như ghi chép lại thành những bài thuốc để lưu truyền cho các thế hệ sau.

Các tin khác