Sự tích dòng tộc Cơ Tu

Kỳ 1: Những màu sắc huyền bí

(ĐTTCO) - Người Cơ Tu ở miền núi Quảng Nam, Đà Nẵng, Thừa Thiên Huế và tỉnh Sê Kông nước bạn Lào hiện còn lưu giữ rất nhiều nét văn hóa đặc sắc từ ngôn ngữ, chữ viết, trang phục, ẩm thực đến tín ngưỡng và lễ hội…

Những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết về từng dòng họ tuy mang màu sắc thần thoại, huyền bí, song đó lại là sự ra đời, ghi dấu ấn của một dòng tộc, một tộc người Cơ Tu trong cộng đồng các dân tộc trên cả nước.

Zơ Râm: coi chó là vật tổ
Người Cơ Tu có dòng họ Zơ Râm cho mình là dòng họ con chó. Bởi truyền thuyết kể lại rằng, năm đó trời mưa, lũ lụt, nước dâng ngập hết núi rừng, chỉ còn một ngọn núi và trên ấy có một người đàn bà và một con chó sống sót, sau đó họ lấy nhau và sinh ra con cháu như bây giờ.
Nhớ chuyện xa xưa ấy, họ đặt mình là dòng họ Zơ Râm. Song nhiều già làng của dòng họ Zơ Râm ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam lại có cách kể về sự tích của dòng họ mình mang màu sắc huyền bí hơn. Già Zơ Râm Dóp ở thôn Ahur, xã A Tiêng, kể rằng: “Ngày xưa ở một làng nọ có 2 mẹ con Patităng sinh sống với nhau rất hạnh phúc. Đột nhiên Patităng chết đi, người mẹ khóc rất thảm thiết, những người hàng xóm mới lấy một cái quan tài để đựng nước mắt của người mẹ. Người mẹ khóc thương nhớ con, nước mắt chảy đầy cái quan tài. Bỗng nhiên có một con ruồi bay đi bay lại và làm nghiêng cái quan tài, đổ hết nước mắt của mẹ Patităng, gây ra một cơn đại hồng thủy khiến nhiều người chết, chỉ còn lại một cô gái và một con chó còn sống sót. Sau đó họ yêu thương, lấy nhau, sinh con đẻ cái và lấy họ Zơ Râm làm dòng họ chính của mình”.
 Theo truyền thuyết của các già làng các tộc họ Cơ Tu, có khoảng 12 truyền thuyết tộc họ liên quan đến các con vật như: con ong, con vượn, con gấu, con cá, con sóc, con chó…; 7 truyền thuyết tộc họ liên quan đến các loài cây cối và 11 tộc họ liên quan đến sự tích dòng sông, con suối, thần nước hay những cảm giác của người Cơ Tu trước một sự vật hiện tượng thiên nhiên.

Luôn xem con chó là vật tổ của mình, nên bất kỳ một gia đình mang dòng họ Zơ Râm nào cũng đều nuôi từ 1-2 con chó trong nhà. Họ quan tâm, yêu thương, chăm sóc những chú chó cưng như những thành viên thân thuộc trong gia đình. Đặc biệt những người mang dòng họ Zơ Râm đều không bao giờ ăn thịt chó. Đây được coi là quy định bắt buộc của dòng họ được lưu truyền từ đời này qua đời khác. Ông Zơ Râm Danh (thôn Ahur, xã A Tiêng, huyện Tây Giang) vuốt ve chú chó cưng tên Bicky được ông nuôi gần 10 năm nay, cho biết: “Mình rất yêu thương những chú chó. Chúng vừa dễ thương, vừa rất quý chủ. Ngoài ra, nuôi con chó trong nhà để luôn nhắc nhở con cháu nhớ đến sự tích dòng họ”. Bà Hốih Thi Barơ cũng chia sẻ: “Năm nay là năm con chó, càng thương chúng lắm. Chúng tôi không giết, chỉ nuôi thôi, cho chúng ăn nhiều để mạnh khỏe, xinh đẹp hơn thôi”.
Em Zơ Râm Thị Liêu (thôn Ahur, xã A Tiêng, huyện Tây Giang) chia sẻ từ trước tới giờ em không biết rõ về dòng họ mình, từ khi được nghe các già làng kể lại, nên rất tự hào về dòng họ của mình. Thì ra dòng họ Zơ Râm xuất phát từ những chú chó đáng yêu. Và sau này trong thế hệ trẻ của em sẽ mãi lưu truyền, giữ lại truyền thống tốt đẹp này của dòng họ Zơ Râm.
Có điều khá đặc biệt trong dòng họ Cơ Tu là khi dòng họ nhận con vật nào làm vật tổ sẽ không gây hại hay ăn thịt con vật đó. Như dòng họ Avô nhận con vượn làm vật tổ thì kiêng ăn thịt vượn; dòng họ Ta’rương không bao giò săn bắt con sóc…
Kỳ 1: Những màu sắc huyền bí ảnh 1 Những cô gái người Cơ Tu trong sắc phục truyền thống.
Đa dạng truyền thuyết tộc họ
Chúng tôi về làng A Ching (xã A Tiêng, huyện Tây Giang) để tìm hiểu về tộc họ P’Loong. Làng có 60 hộ, trong đó có đến 40 hộ mang họ P’Loong. Cũng như các dòng họ khác, tộc họ P’Loong có một truyền thuyết khá thú vị về tình yêu nam nữ, giữa một cô gái đẹp và chàng trai xấu. Già làng P’Loong Nấp dù năm nay đã ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, song khi nhắc đến sự tích dòng họ P’Loong cũng tỏ ra phấn khích lạ thường. Bởi già Nấp đã lưu giữ những câu chuyện truyền thuyết, cổ tích về dòng họ mình hàng chục năm nay. Mỗi khi đến dịp tết mừng lúa mới, Tết Nguyên đán, già Nấp lại say sưa kể về sự tích ra đời của dòng họ P’Loong cho các thế hệ con cháu được nghe, được hiểu và tự hào hơn về dòng họ.
Già làng P’Loong Nấp kể: Xưa kia có 2 vợ chồng cùng đi qua một con suối lớn, giống như sông A Vương giờ, người vợ không bơi được, người chồng phải bơi qua trước. Ngày xưa, áo của người Cơ Tu bằng vỏ cây, khi bơi ra giữa dòng suối người chồng cởi áo vỏ cây cho trôi theo dòng nước, còn mình lặn xuống nấp vào một bụi cây. Lúc đó người vợ tưởng chồng bị trôi theo dòng nước, mới khóc thương chồng: “Tiếc anh quá chừng, giờ đã bị trôi mất người giàu, người quý như đồng đen của em”. Chàng trai ngồi dưới bụi rậm nghe lời than khóc của vợ, mừng rỡ và bơi về phía cô nói: “Lẽ ra anh chết rồi, nhưng vì chúng mình chưa có con nối dõi tông đường nên hà bá tha về”. 2 người mừng rỡ ôm chầm lấy nhau, sau sinh con đặt họ P’Loong, có nghĩa là trôi.
Già làng Nấp cũng cho hay, những người già thường xuyên nói chuyện với con cháu, nhất là thế hệ trẻ mới sinh ra về tộc họ P’Loong xuất phát từ đâu, cho nên công việc này già vẫn tuyên truyền thường xuyên, để con cháu hiểu hơn về di tích, tên tuổi của họ P’Loong. Mong rằng không riêng họ P’Loong mà các họ khác như Zơ Râm, Alăng phải đoàn kết với nhau, chấp hành tốt chủ trương, pháp luật của Đảng, Nhà nước.
Ngoài P’Loong, Zơ Râm, rất nhiều câu chuyện khác gắn liền với những dòng họ đã làm nên văn hóa người Cơ Tu sinh động, hấp dẫn. Như họ Hiêng kể lại rằng tổ tiên họ vào thời xa xưa bị ong đốt trong một mùa rẫy thất bát phải bỏ chạy vào phương Nam tìm đất mới, sinh cơ lập nghiệp. Nhớ chuyện xưa ấy dân làng tự đặt mình là Ca bhu, Hiêng (nghĩa là dòng họ con ong). Dòng họ Cơ Lâu lại bắt nguồn từ câu chuyện con trâu của mình chết, quá thương tiếc con vật quý giá nên người chủ con trâu đã khóc lóc thảm thiết. Từ chuyện khóc con trâu chết nên có dòng họ Cơ Lâu (nghĩa là khóc). Dòng họ Alăng được ví như cây Chân Chim trên núi; dòng họ Bh’riu kể về sự tích cây Bh’riu trên núi cao có trái cây ăn ngon và bổ…
Với nhiều thanh niên nam nữ dòng họ P’Loong ở làng A Ching khi được nghe kể về sự tích ra đời của dòng họ mình, ai cũng đều rất vui, tự hào, nhiều người còn cẩn thận ghi chép lại tường tận câu chuyện, để sau này truyền lại cho đời con, cháu mình. Chị P’Loong Jríp cho biết: “Lâu nay tôi không biết họ của mình là gì, hôm nay được tập trung tại Gươl, được nghe già làng kể chuyện, tôi đã hiểu ra sự tích của dòng họ mình, tôi sẽ lưu giữ lại để truyền cho con cháu mai sau. Tôi rất mừng khi Đảng, Nhà nước đã ngày càng quan tâm đến người Cơ Tu nói chung và dòng họ P’Loong của chúng tôi nói riêng”.

Các tin khác