Phía sau những chuyến đi phượt

Kỳ 1: Muôn kiểu…phượt

(ĐTTCO) - Hiện nay đang là thời đại của mạng xã hội và các phương thức truyền tin, gắn kết nhau bằng công nghệ hiện đại. Chính vì vậy, mọi người chỉ cần ở nhà cũng có thể online hẹn hò nhau đi chơi nói chung và đi phượt hay du lịch bụi nói riêng.

Tham gia đội phượt rất dễ
Chỉ cần vào facebook gõ chữ phượt ở ô tìm kiếm, ngay lập tức tìm thấy hàng ngàn nhóm (fanpage), hội  liên quan đến phượt. Những nhóm lớn có thể kể đến như: Phượt Hà Nội, phượt đêm, phượt luôn, phượt nhé, du lịch - phượt… Ngoài ra, còn có một số trang blog, web nổi tiếng dành cho dân phượt ở Việt Nam mà ai cũng biết tới như: phuot.vn, phuotvivu.com, cuongchan.com, toidi.net, dulichbui.org, yeuphuot.com, khamphadisan.com…
 Đi phượt có muôn hình, muôn vẻ mà ai cũng có thể tự tổ chức được, đồng thời lôi kéo mọi người dù quen biết hay chưa quen biết cùng tham gia. Nhưng kể từ khi trào lưu, phong trào đi phượt du nhập vào Việt Nam đến nay, chưa có bất cứ một định nghĩa tiếng Việt chính xác nào về “phượt”. Mọi người vẫn chỉ hiểu nôm na phượt là một hình thức du lịch bụi bặm, du lịch mạo hiểm tự phát.
Các nhóm phượt, trang phượt tự lập xuất hiện ở khắp mọi nơi từ Bắc tới Nam. Với mấy cái nhấp chuột, comments là chúng ta có thể tham gia, nhập nhóm với bất kỳ một hội phượt nào trên mạng. Chỉ cần một người có hứng, đứng ra chủ động thông báo điểm đến, lịch trình, chi phí đóng góp và kêu gọi các thành viên trong nhóm hưởng ứng là một chuyến đi phượt sẽ hình thành. Thậm chí một nhóm sinh viên có sẵn xe máy ngồi trà đá với nhau, có ai đó nổi hứng rủ rê rồi đồng bọn “ok”, thế là hôm sau xách ba-lô đi luôn. 
Đi phượt bây giờ vô cùng đa dạng về hình thức và cách thức tham gia. Có người thất tình, chán cũng tìm cho mình một chuyến đi phượt để xả stress. Có đôi tình nhân yêu đương say đắm thì dành những chuyến đi phượt đôi để lưu lại các khoảnh khắc đáng nhớ, kỷ niệm đẹp. Tôi quen biết với một cô gái trẻ tên Ng.H, nhưng đã có sở thích đi phượt một mình từ 5 năm nay. Ng.H từng một mình đi xuyên Việt trong gần 3 tháng trời khi cô mới 22 tuổi. Biết là trên những hành trình một mình sẽ đầy chông gai, khó khăn và cả hiểm nguy rình rập, nhưng với mong muốn được trải nghiệm cuộc sống, hương sắc đó đây theo một cách riêng, nên Ng. H vẫn quyết tâm đi những chuyến phượt một mình.
Có nhiều cá nhân hoặc nhóm bạn trẻ ở Hà Nội, Đà Nẵng, TPHCM… mà tôi biết lại có chung sở thích đi phượt đêm. Với họ phượt không cần phải là những chuyến đi xa, mà chỉ đơn giản là lang thang khám phá cảnh vật, cuộc sống trên các cung đường ở thành phố nơi mình sinh sống khi về đêm. Có nhóm hoặc chỉ một vài cá nhân lại kết hợp đi phượt để làm từ thiện, để nhặt rác vệ sinh môi trường, hoặc dạy trẻ em ở nơi đến kỹ năng sống, hay tình nguyện dạy chữ…
Đi phượt không cần phải đặt tour trước, không phải làm các thủ tục, cam kết hành chính, đặc biệt rất thoải mái về mặt thời gian. Người có ít thời gian thì chọn chuyến đi gần, kẻ có nhiều thời gian thì đi xa… Nếu chuyến đi xa, mọi người có thể đi ô tô khách rồi thuê xe máy để lang thang khám phá điểm đến.
Người có điều kiện phượt bằng ô tô cá nhân, hoặc đi máy bay trong và ngoài nước,  người ít điều kiện hơn thì đi tầu hỏa. Với chuyến đi gần thì thậm chí có thể dùng xe đạp. Nhưng phương tiện xe máy vẫn là phổ biến nhất trong giới phượt. Từ cung đường phượt chỉ 40-50km cho đến chuyến xuyên Việt 3.000-4.000km, nhiều người vẫn chọn xe máy làm phương tiện di chuyển.
Kỳ 1: Muôn kiểu…phượt ảnh 1 Hiện nay có hàng ngàn hội, nhóm với các trang, diễn đàn phượt trên mạng. 
Ăn theo, lấy cái tôi, thiếu kiểm soát
Từ một phong trào, trào lưu chưa có cách hiểu thống nhất, rõ ràng và  nó tự phát, tự hình thành trong các cá nhân, hội nhóm cùng chung đam mê thử thách, khám phá. Đến nay cũng chưa có bất kỳ cơ quan chức năng hay tổ chức chính thức nào quản lý được chuyện đi phượt của giới trẻ. Chính vì sự tự phát và không có cấp quản lý nên đi phượt đến nay hầu hết là sự tùy hứng. Sự tùy hứng ấy có thể dẫn đến những câu chuyện hiểm nguy, mất an toàn, đáng báo động trên mỗi chuyến đi phượt. Có nhiều người trẻ hiện vẫn đang là học sinh-sinh viên còn đi xe máy chưa thành thục, chưa có giấy phép lái xe, thế mà chỉ vì hưởng ứng lời kêu gọi của hội nhóm, bạn bè liền phi xe máy lên đường đi phượt. Chỉ vì tính sĩ diện, a dua bốc đồng của tuổi trẻ, nhiều người lên đường khi không lường được những khó khăn, rủi ro có thể xảy.
Kỳ 1: Muôn kiểu…phượt ảnh 2 Nhiều khi phượt thủ vứt xe ngay tại đoạn cua đèo dốc để chụp ảnh. 
Với thời đại mạng xã hội và sự chia sẻ thông tin nhanh đến chóng mặt, bất kỳ một điểm đến mới nào được check in đều sẽ được chia sẻ nhanh chóng. Và trong giới đi phượt luôn luôn diễn ra những cuộc ganh đua, chỉ đơn giản là để chứng minh cái tôi của mình. Mấy năm trước, từng có phượt thủ đã đi xe máy suốt một ngày đêm  từ Hà Nội lên Lũng Cú - Hà Giang, rồi lên mạng khoe chiến tích của mình. Nhưng thành tích đi gần 500km với hầu hết là đường núi ấy nhanh chóng bị phá bởi một phượt thủ tiếp theo. Phượt thủ sau chiến quãng đường ấy chỉ mất gần 10 tiếng đồng hồ.
Cũng như thế, nhiều phượt thủ sau khi chinh phục đủ được Tứ đại đỉnh đèo Tây Bắc về khoe ảnh và chiến tích trên mạng. Sau đó cuộc đua tranh chiến tích bắt đầu, khi có phượt thủ quyết định chinh phục cả 4 con đèo gồm: Ô Quy Hồ, Mã Pí Lèng, Khau Phạ, Pha Đin chỉ trong một chuyến đi, rồi lại chinh phục cả 4 đèo trong một chuyến đi với thời gian ngắn nhất… Cứ như thế các phượt thủ đua tranh nhau về mặt thời gian khi đi xuyên Việt từ 2-3 tháng xuống còn 15-16 ngày bằng xe máy. Rồi đua nhau đi chinh phục 4 cực (cực Bắc Lũng Cú, cực Tây A Pa Chải, cực Đông Mũi Đại Lãnh, cực Nam Mũi Cà Mau), hay còn là 4 cực 1 đỉnh, 4 cực 1 đỉnh, 1 ngã ba ( PV- ý chỉ đỉnh Fansipan và ngã ba Đông Dương)…
Không chỉ đua tranh chiến tích chinh phục các điểm mới về mặt thời gian đi nhanh, đi chậm, mà các phượt thủ còn đua nhau tìm đến các điểm check-in, tự sướng mới độc đáo, lạ lẫm, nguy hiểm. Khi một phượt thủ đi trước chụp được bức ảnh ấn tượng ở những nơi như đỉnh đèo Mã Pí Lèng, Mỏm đầu rùa núi Tà Xùa (Yên Bái), Mỏm rùa Pha Luông (Mộc Châu, Sơn La), hay Núi Đá Chồng ở Quảng Ninh… và khoe trên mạng, là sẽ có rất nhiều phượt thủ kể cả nam lẫn nữ bắt đầu a dua theo cách check-in, tự sướng ấy.
Trong giới phượt qua các cuộc cạnh tranh, đùa đòi nhau mà hình thành nên các hội, các khái niệm kiểu như “hội chai mông”- ý chỉ những kẻ đi nhiều, suốt ngày ngồi trên xe máy; “hội mạo hiểm”- chỉ thích đi những chỗ nguy hiểm, rùng rợn.  

Các tin khác