Kiêu hãnh Trường Sa

Tháng 4, biển Trường Sa như dát bạc, đàn cá heo hiền lành đuổi theo và những con sóng hiền hòa êm dịu vỗ dưới mạn tàu. Phó Tư lệnh chỉ huy vùng 4 Hải quân Lê Xuân Thủy cười rất tươi, nói mỗi đảo ở Trường Sa bây giờ đều là một pháo đài kiên trung giữa biển, đang đổi mới và phát triển từng ngày. Ở Trường Sa, những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi đã được nghe những câu chuyện xúc động đến nao lòng.

Tháng 4, biển Trường Sa như dát bạc, đàn cá heo hiền lành đuổi theo và những con sóng hiền hòa êm dịu vỗ dưới mạn tàu. Phó Tư lệnh chỉ huy vùng 4 Hải quân Lê Xuân Thủy cười rất tươi, nói mỗi đảo ở Trường Sa bây giờ đều là một pháo đài kiên trung giữa biển, đang đổi mới và phát triển từng ngày. Ở Trường Sa, những ngày tháng 4 lịch sử, chúng tôi đã được nghe những câu chuyện xúc động đến nao lòng.

Hồi tưởng chiến tích anh hùng 

Kiêu hãnh Trường Sa ảnh 1 

Trên chuyến tàu HQ996 ra Trường Sa những ngày cuối tháng 4, ngoài sự háo hức của người lần đầu tiên ra thăm đảo, ông Phan Quang Ngừng, Trưởng Ban kiểm tra Tỉnh ủy Hưng Yên, trưởng đoàn công tác trên tàu HQ996 không giấu nổi sự bồi hồi.

Là 1 trong 60 chiến sĩ của Đội 1 - đơn vị đặc công được huấn luyện đặc biệt tinh nhuệ của Lữ đoàn 126 - đánh chiếm những cụm cứ điểm khó khăn như cảng Đà Nẵng, kho xăng Liên Chiểu…, cũng là những chiến sĩ đầu tiên của Hải quân Nhân dân Việt Nam tiến ra đảo Trường Sa, giải phóng đảo Song Tử Tây và Sơn Ca vào những ngày tháng 4 lịch sử 38 năm trước, nên chuyến đi này đối với ông thực sự đặc biệt.

Ra Trường Sa khi mới tròn 20 tuổi và trở về chiến trường xưa khi mái tóc đã hoa râm, ông Ngừng không giấu nổi sự bồn chồn.

“38 năm đã trôi qua, tôi vẫn còn nhớ từng địa điểm trên đảo, nhớ những ngày biển động sóng lớn tưởng chừng nuốt chửng con tàu, nhớ giây phút đau đớn tiễn biệt người đồng đội hy sinh, nhớ những lúc phải cắn răng vùi tạm người bị thương vào cát biển để tiếp tục trận đánh, nhớ từng ngày, từng phút, đau đáu về Trường Sa. Thật may tôi có cơ hội quay lại, nơi một phần xương máu của đồng đội tôi đã đổ xuống” - ông tâm sự.

Trong ký ức của người chiến sĩ đặc công năm xưa vẫn in đậm trận hải chiến trên đảo Song Tử Tây và Sơn Ca với hải quân ngụy quyền Sài Gòn. 38 năm trước, khi các cánh quân dồn dập tiến về giải phóng Sài Gòn, Đội 1 đặc công Hải quân lặng lẽ lên một tàu chiến nhỏ, cải trang thành tàu đánh cá của Hồng Công, hướng ra biển trời Trường Sa.

Những chàng trai tuổi mới đôi mươi để lại một bức thư nhờ đồng đội chuyển về cho gia đình nếu như mình mãi mãi nằm lại với biển Đông, dành cho mình quả lựu đạn cuối trong trường hợp bất trắc, đã ra đi với khí thế háo hức quyết tâm giành lại biển trời Tổ quốc.

“Đây thực sự là một chuyến đi đặc biệt, bởi trước đó Hải quân Việt Nam chưa từng ra Trường Sa, cũng không hình dung được đảo như thế nào, mọi thông tin đều rất ít, nguy hơn nữa nếu nhầm sang đảo Song Tử Đông kề đó. Thậm chí, chúng tôi phải dựa vào những cây dừa để nhận ra đâu là mục tiêu cần giải phóng”.

Trận đánh thần tốc vào rạng sáng 14-4-1975 đã giải phóng đảo Song Tử Tây, bắt sống và tiêu diệt toàn bộ 40 tên địch, đồng thời phá tan âm mưu chiếm lại đảo của ngụy quân Sài Gòn. Sau đó 7 ngày, đơn vị của ông tiếp tục giải phóng đảo Sơn Ca.

“Đánh đảo Sơn Ca còn khó hơn vì ta đã bị lộ, địch có sự chuẩn bị kỹ càng và chống trả quyết liệt. Địa hình của đảo với rặng san hô kéo dài, sóng lại lớn, bộ đội phải cõng súng trên vai rồi bơi vào. Giây phút nổ súng đánh đảo cũng ngoài dự kiến vì bất ngờ bị lộ.

Giải phóng xong đảo Sơn Ca, chúng tôi lại gần như “nín thở” vì tàu của các nước kéo đến bao vây, tình thế thực sự căng thẳng, lúc đó cũng không có bộ đàm, thông tin liên lạc thông suốt với đất liền như bây giờ, lực lượng trên đảo, trên tàu rất mỏng, không chắc đã giữ được đảo qua ngày hôm sau. Anh em vừa phải đào hầm chữ A, vừa dùng gỗ lớn trùm kín bạt, giả làm pháo bảo vệ bờ biển.

Cũng may không có sự cố nào xảy ra”- ông Ngừng kể. Đánh đảo đã nhiều hy sinh mất mát, giữ đảo còn cực khổ hơn. Vừa phải căng mình cảnh giác với từng động tĩnh ngoài biển, các chiến sĩ Đội 1 vừa phải đối phó với sự khắc nghiệt trên đảo.

Nắng nóng, không điện, không cây xanh, không nước ngọt, nấu nướng phải đong đếm rất chi li, nước chỉ dùng để uống, thậm chí phải ăn cơm sống vì nấu bằng nước lợ. Thức ăn chủ yếu là lương khô, không có rau xanh, phải dùng rau sam mọc hoang trên đảo thay thế và rồi rau sam cũng hết. Gian khổ nhưng trong lòng ai cũng đầy quyết tâm, cũng vui phơi phới.

38 năm trôi qua, từ một hòn đảo tiêu điều, Song Tử Tây đã thành pháo đài xanh giữa biển. Nhìn từ xa, hòn đảo như một khu rừng thu nhỏ giữa lòng đại dương. Màu xanh của cỏ cây hòa với màu xanh của trời biển thành một bức tranh êm dịu và mát mắt.

Duy những cây dừa hiền hòa trên đảo vẫn tồn tại như 38 năm về trước, là dấu hiệu để những người lính năm xưa như ông Ngừng tìm lại mảnh đất xưa. Âu tầu Song Tử Tây cũng là nơi bình yên trong gió bão của hàng ngàn ngư dân ra khơi đánh cá.

Theo Đại úy Kiều Đức Vinh,  Bác sĩ quân y trên đảo Song Tử Tây, trong năm 2012 và 3 tháng đầu năm 2013, đảo đã khám, chữa bệnh cho 569 ngư dân, trong đó có những trường hợp rất nặng như bị nhồi máu cơ tim, thủng dạ dày… Đặc biệt, tất cả chi phí cho các ngư dân đều hoàn toàn miễn phí.

Những đôi mắt không ngủ

Đến đảo Nam Yết, hỏi tên Bá “đen” không ai không biết. Thượng úy Đào Quang Bá sinh năm 1975, gia nhập hải quân năm 1996 nhưng đã hơn 10 năm gắn bó với quần đảo Trường Sa, từ Nam Yết, Sinh Tồn, Song Tử, Len Đao… Đã có 7 cái Tết anh Bá xa nhà.

Cái Tết đầu tiên trên đảo Nam Yết, không sóng điện thoại, không tivi, trông ra chỉ thấy biển trời xanh ngút mắt, người lính trẻ ra đi từ vùng đất gió Lào cát trắng nhớ nhà, nhớ đất liền đến thắt lòng. Giây phút đêm giao thừa, lính công binh và lính đảo ngồi lại với nhau, một ai đó cất lên bài “Xuân này con vắng nhà”, thế rồi tất cả cùng òa khóc.

Cũng 10 năm, thời gian anh Bá ở nhà chỉ được tính bằng tháng. Làm quen vợ qua những lá thư, tỏ tình với vợ chỉ với câu nói ngắn gọn “nếu em có trái tim thép thì hãy lấy anh”, cuộc tình của anh chị luôn “ở 2 đầu nỗi nhớ”. Và quả thực phải có trái tim thép khi cưới vợ được 2 tháng, người lính trẻ lại nhận nhiệm vụ ra đảo Len Đao và chỉ về nhà khi con gái đã tròn 7 tháng.

Về phép, con gái không chịu nhận bố, phải mất 10 ngày dỗ dành, anh mới có thể bế con, con chưa kịp quen hơi, bố lại trở ra với đảo. Và nay, cô con gái thứ 2 cũng đã tròn 6 tháng nhưng anh cũng chưa một lần được hôn lên má con, chỉ biết mặt con qua những bức ảnh vợ gửi. Mỗi khi nghĩ đến điều này, sống mũi anh Bá vẫn còn cay cay.

Thiếu thốn là thế nhưng anh Bá chưa bao giờ cho rằng mình thiệt thòi. “Lính đảo mà, ai cũng như ai. Lính đảo chìm, lính nhà giàn còn gian khổ hơn. Còn nhiều đồng đội đã hy sinh trong quá trình xây dựng và gìn giữ đảo. Ra đây, thấy đồng đội đong đếm từng lá rau để nấu canh, nâng niu từng ngọn muống, chia nhau từng bức thư nhà mới thấy tình cảm dành cho nhau trân trọng, đáng quý đến mức nào. Gian khổ nhưng chưa bao giờ chúng tôi lơ là nhiệm vụ” - chỉ tay ra phía biển, anh Bá trầm ngâm.

Những người lính như anh Bá trên quần đảo Trường Sa nhiều không kể xiết. Giấu thiếu thốn vào lòng, cười với nắng mưa bão tố, giữ vững tay súng bảo vệ biển trời Tổ quốc. Sự hy sinh thầm lặng không mong chờ được ghi công.

Tháng 4, khi cả nước tưng bừng chào đón ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thì trên sóng nước xanh thẳm Trường Sa, có những vòng hoa lặng lẽ nằm lại. Những vòng hoa thay cho lời tưởng niệm, thay cho lòng biết ơn, thay cho lời chào những chiến sĩ đã anh dũng nằm xuống ở vùng biển thiêng của Tổ quốc.

Lòng biển sâu rộng vẫn còn cất giữ hình hài của nhiều anh hùng liệt sĩ trận chiến Gạc Ma. Và chiến tranh đã đi qua nhưng vẫn tiếp tục có những người lính Trường Sa ngã xuống trong khi làm nhiệm vụ. Tuổi 20 của họ đã hóa thành sóng nước để bờ cõi được yên bình.

Trường Sa, những đảo tiền tiêu, mỗi người dân, mỗi chiến sĩ là một cột mốc sống, mạnh mẽ và vững vàng như cây phong ba, quyết bảo vệ đến cùng từng tấc đất, từng vùng trời nơi phên dậu Tổ quốc. Những đôi mắt Trường Sa suốt 4 mùa không ngủ, thức suốt đêm để giữ cho đất liền một bầu trời xanh bình yên và đầy kiêu hãnh vào mỗi bình minh.

Các tin khác