KỶ NIỆM 72 NĂM NGÀY HỒNG QUÂN LIÊN XÔ CHIẾN THẮNG PHÁT XÍT ĐỨC (30-4-1945 – 30-4-2017)

Kiêu hãnh nước Nga

(ĐTTCO) - Lễ kỷ niệm 24 năm Cách mạng Tháng 10 Nga diễn ra ngày 7-11-1941 trong bối cảnh quân đội phát xít Đức kéo quân xâm chiếm nước Nga, đang nằm sát thủ đô Moskva. 

Tại cuộc diễu binh trên Quảng trường Đỏ, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Losif V. Stalin đã phát biểu: “Các dân tộc châu Âu đang bị nô dịch dưới ách quân xâm lược Đức quốc xã. Sứ mệnh giải phóng các dân tộc được giao cho Hồng quân Liên Xô. Hãy xứng đáng với sứ mệnh vĩ đại đó. Cuộc chiến tranh ta đang tiến hành là cuộc chiến tranh giải phóng, cuộc chiến tranh chính nghĩa”. Sau lời hiệu triệu này, các chiến sĩ từ Quảng trường Đỏ đã tiến thẳng ra mặt trận chiến đấu với quân thù, bảo vệ Tổ quốc và nền hòa bình của nhân loại.

Nhân loại mãi còn khắc ghi Chiến tranh Thế giới II như một cuộc chiến tàn khốc nhất, đẫm máu nhất với quy mô rộng lớn nhất. Khởi sự bằng việc phát xít Đức tấn công Ba Lan (1-9-1939), cuộc chiến kéo dài 6 năm, đã cướp đi sinh mạng 60 triệu người, lan đến hầu hết các châu lục, biến châu Âu thành lò lửa chiến tranh. Và chỉ trong vòng chưa đầy 1 năm, với tham vọng mở ra “kỷ nguyên thống trị của dân tộc thượng đẳng Đức trên trái đất”, quân đội phát xít đã thôn tính phần lớn lục địa châu Âu.

Để đi đến chiến thắng, kết thúc Chiến tranh Thế giới trên chiến trường châu Âu (30-4-1945), là chiến công chung của quân đội đồng minh, song Hồng quân Liên Xô đóng vai trò quan trọng, mang tính quyết định trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại kéo dài 1.418 ngày đêm.

Rạng sáng ngày 22-6-1941, Đức quốc xã đã huy động lực lượng đông nhất, tinh nhuệ nhất gồm 190 sư đoàn (5,5 triệu quân), 4.300 xe tăng, 47.000 quả pháo, 5.000 máy bay, 192 tàu chiến... đánh chiếm Liên Xô. Tại mặt trận này, nhiều cuộc chiến đã diễn ra ác liệt: Đó là trận chiến bảo vệ Moskva kéo dài 7 tháng (từ tháng 9-1941), đập tan kế hoạch ban đầu của Đức quốc xã là đánh chớp nhoáng để tiến vào thủ đô Liên bang Xô Viết và diễu binh trên Quảng trường Đỏ.

Đó là chiến dịch phòng ngự-phản công Kursk - trận đấu xe tăng lớn nhất trong lịch sử các cuộc chiến tranh. Chiến trận ở Stalingrad kéo dài 200 ngày đêm, là trận đọ sức quy mô lớn nhất trong lịch sử nhân loại khi Hồng quân Liên Xô đánh tan hơn 1,2 triệu quân Đức, từ đó tạo ra bước ngoặt cơ bản, làm thay đổi cục diện chiến tranh.

Đánh giá về ý nghĩa và nguyên nhân chiến thắng, Nguyên soái Zhukov viết: “Đạo quân hàng triệu tên lính phát xít tinh nhuệ đã vấp phải tinh thần vững như thép, lòng dũng cảm và khí phách anh hùng của các chiến sĩ Xô Viết có sự hậu thuẫn của Nhân dân và Tổ quốc. Đó là những ngày đặc biệt không bao giờ quên được, những ngày mà hoài bão duy nhất là bảo vệ Tổ quốc và lòng yêu nước vĩ đại của toàn thể Nhân dân Liên Xô, đã thôi thúc mọi người xông lên lập chiến công”.

Thất bại ngay trước cửa ngõ Moskva, Hitler vô cùng tức giận, đã lập tức phế truất Tổng tư lệnh lục quân Đức - Thống chế Walther von Brauchitsch và tự mình giữ chức vụ này; cách chức Tư lệnh Cụm tập đoàn quân Trung tâm; cách chức Tư lệnh Tập đoàn quân Xe tăng 2 cùng hàng chục tướng khác.

Người Đức cũng bắt đầu nghi ngờ vào “thiên tài Hitler”, nhen nhóm sự phản đối dấy lên ngay trong lòng nước Đức. Lần đầu tiên quân đội Đức quốc xã bị thất bại ở một chiến trường có tầm chiến lược, đã hạ thấp uy thế của quân đội Đức từng làm mưa làm gió rộng khắp châu Âu; báo trước sự thất bại của Đức quốc xã.

Khi quân đội Liên Xô phản chiến ở cửa ngõ Moskva, khối đồng minh toàn thế giới chống phát xít ra đời, Liên Xô và 23 nước khác đã ký thỏa ước tham gia Hiến chương Đại Tây Dương, mở đường cho việc toàn cầu hóa chống chủ nghĩa phát xít.

Các quốc gia, các vùng đất đang bị Đức chiếm đóng bắt đầu hy vọng tương lai được giải phóng; làm bùng phát các tổ chức, các lực lượng kháng chiến ngay tại các nước bị chiếm đóng. Thắng lợi của Hồng quân Liên Xô đã góp phần đẩy mạnh các lực lượng đồng minh tiêu diệt quân phát xít ở nhiều mặt trận; đỉnh điểm là cuộc đổ bộ của quân đội đồng minh lên bãi biển Normandy ở Pháp.

Mùa hè năm 1944, sau khi đẩy lùi toàn bộ quân phát xít ra khỏi Liên Xô, Hồng quân bắt đầu các trận đánh giải phóng các nước châu Âu; tiến hành chiến dịch tiến công chiến lược vào sào huyệt cuối cùng của phát xít Đức.

Cuộc chiến tranh giữ nước vĩ đại của Liên bang Xô Viết đã sản sinh ra rất nhiều danh tướng nổi danh thế giới, trong đó nổi bật là Nguyên soái Georgi K. Zhukov – vị tướng được xếp đầu trong các trận thắng lớn, được cả thế giới công nhận về tài năng chỉ đạo chiến lược chiến tranh. Trong Chiến tranh Thế giới II, ông giữ các chức vụ Tư lệnh phương diện quân dự bị, Tư lệnh Phương diện quân phía Tây, Tư lệnh Phương diện quân Belorussia, Tổng tham mưu trưởng quân đội Liên Xô, Phó Tổng tư lệnh tối cao quân đội Liên Xô... và gắn liền với chiến thắng ở các trận chiến quyết định: Trận Moskva, trận Stalingrad, Kursk, Chiến dịch Visla-Oder...

Trận đánh thủ đô Berlin, Đức quốc xã được nguyên soái Zhukov phát lệnh vào lúc 5 giờ sáng ngày 16-4-1945. Đây là chiến dịch quân sự cuối cùng trong cuộc đời binh nghiệp của ông. Sau gần 1 giờ đấu pháo và tên lửa Kachiusa, xe tăng và bộ binh Liên Xô đã vượt qua hai tuyến phòng thủ của quân địch. Sau 1 tuần tấn công, ba phương diện quân Liên Xô đã hợp khối với quân đội đồng minh Anh, Hoa Kỳ trên bờ sông Elbe. Để giải phóng Berlin, 8 vạn Hồng quân đã hy sinh trong trận đánh đẫm máu này. Ngày 30-4-1945, lá cờ chiến thắng được Hồng quân cắm lên nóc nhà quốc hội Đức. Hitler và Goebbels tự sát.

0 giờ ngày 9-5, đại diện nước Đức đã ký biên bản đầu hàng vô điều kiện trước quân đội đồng minh Liên Xô, Hoa Kỳ, Anh, Pháp. Thay mặt nhà nước, quân đội và nhân dân Liên Xô, Nguyên soái Zhukov đã ký biên bản này. Do có công đánh chiếm Berlin, Zhukov được phong tặng Huân chương Sao vàng – Anh hùng Liên Xô lần thứ 3.

Nguyên soái Zhukov đã làm rạng danh nước Nga trong Chiến tranh Thế giới II. Hầu hết các nhà quân sự nổi tiếng thế giới cùng thời với ông, như Thống chế Anh Sir Bernard Montgomery, Thống tướng Hoa Kỳ Dwight Eisenhower, Thống chế Pháp Jean de Tassigny đều công nhận tài năng của Zhukov gắn với các trận đánh quyết định cục diện chiến tranh; cho rằng ông đã đóng góp lớn vào kho tàng di sản kiến thức quân sự nhân loại và lý luận quốc phòng thế giới.

Không chỉ dẹp họa diệt chủng tại châu Âu, tại châu Á Hồng quân Liên Xô đã tiến hành thắng lợi chiến dịch Mãn Châu (1945), góp phần quyết định buộc quân phiệt Nhật đầu hàng; khép lại cuộc Chiến tranh Thế giới II. Nhân dân Liên Xô đã tôn vinh Ngày Chiến thắng 9-5 như một kỳ tích lịch sử cuộc  chiến tranh vệ quốc vĩ đại.

Những ngày tháng đau thương chiến tranh đã lùi xa, nhưng nhân loại không bao giờ quên những hy sinh to lớn của Nhân dân Liên Xô trong cuộc đấu tranh vì hòa bình cho thế giới. Cuộc chiến tranh thế giới lần hai đã cướp đi sinh mạng của 27 triệu người Liên Xô; trong đó 9 triệu chiến sĩ Hồng quân đã vĩnh viễn ra đi để tạo nên Ngày Chiến thắng.

Không chỉ chấm dứt chiến tranh, thắng lợi lịch sử trong cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại, Liên Xô đã tiếp sức cho phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở nhiều nước trên thế giới đang chịu ách áp bức, xâm lược của chủ nghĩa đế quốc; mở ra một chương sử mới các dân tộc đứng lên giành độc lập-tự do; trong đó có Nhân dân Việt Nam.

Năm nay, kỷ niệm 72 năm Ngày Chiến thắng phát xít (1945-2017), các lực lượng vũ trang Liên bang với 10.000 binh sĩ, 100 đơn vị khí tài chủ lực của quân đội Nga đang chuẩn bị tập luyện cho cuộc diễu hành tại Quảng trường Đỏ, thủ đô Moskva vào ngày lễ lớn 9-5.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết trong cuộc diễu hành, lần đầu tiên Nga sẽ giới thiệu tới công chúng các thiết bị quân sự mới nhất. Và năm nay các cuộc diễu hành kỷ niệm Ngày Chiến thắng, ngoài Moskva còn được tổ chức tại 28 thành phố khác ở Nga.

Sở dĩ nước Nga vẫn kiêu hãnh bởi lẽ thực tế cho thấy hình như họ “miễn nhiễm” với lệnh trừng phạt kinh tế của Hoa Kỳ và phương Tây thời gian qua. Sau khi bị cú sốc kinh tế-dầu mỏ làm sụt giảm giá trị đồng rúp, lạm phát tăng, nước Nga đang dần lấy lại sự ổn định do sản xuất trong nước không ngừng phát triển và sự bùng nổ của ngành nông nghiệp, làm lệnh cấm xuất khẩu của các nước phương Tây trở nên vô tác dụng.

Tờ Financial Times nhận định các quy định ràng buộc mà Nga phải hứng chịu dường như có phản ứng ngược: Trở thành chất xúc tác để chính phủ và doanh nghiệp, nông dân nước này tập trung nỗ lực phát triển với mục tiêu trở thành nước xuất khẩu mạnh mẽ thay vì phải phụ thuộc nhập khẩu. Không những thế, Nga còn đầu tư vào các sản phẩm mới mà trước đây họ ít quan tâm như các loại nấm cao cấp, cây ăn trái, vườn nho và rượu vang...

Theo số liệu ước tính, biện pháp cấm vận đã gây thiệt hại 65 tỷ USD cho các nhà sản xuất nông nghiệp châu Âu năm 2016. Với xu hướng ngược lại, năm 2015 GDP nước Nga giảm 3,8% thì khu vực nông nghiệp lại tăng 2,2%; năm 2016 nước Nga đã vượt thoát khủng hoảng, GDP tăng 0,3% thì nông nghiệp tăng mạnh đến 4,8%.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, nước Nga phải sản xuất máy kéo và máy thu hoạch tăng 35% so với cùng kỳ năm trước để thỏa mãn yêu cầu nông dân. Và mới đây, Chính phủ Nga đã cam kết hỗ trợ nông dân đầu tư hiện đại hóa sản xuất. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Nga A. Tkachev mới đây có đề nghị ngược ngạo: Chính phủ cần mở rộng lệnh trừng phạt và cấm vận thực phẩm từ phương Tây thêm 1 thập niên nữa, khi ấy Nga có thể trở thành siêu cường xuất khẩu thực phẩm.

... Nước Nga vẫn tỏ rõ tiềm năng và thế mạnh trên nhiều lĩnh vực. Nước Nga thiếu thốn, dân Nga đói khổ hầu như chỉ xảy ra trong Thế chiến II. Nước Nga vẫn vươn lên kiêu hãnh, tự lực trên đôi chân của mình.

 
Kiêu hãnh nước Nga ảnh 1

Tượng Nguyên soái Zhukov tại Bảo tàng lịch sử nước Nga.

 
Kiêu hãnh nước Nga ảnh 2 Chiến hạm Rạng Đông và Cung điện Mùa Đông - đánh dấu sự sụp đổ chế độ Sa hoàng, đưa lịch sử nước Nga sang trang mới. 
 
Kiêu hãnh nước Nga ảnh 3 Các Lãnh tụ nước Nga được khắc họa trên búp bê truyền thống, món quà lưu niệm nước Nga. 
 
Kiêu hãnh nước Nga ảnh 4

Di sản lịch sử nước Nga thu hút khách du lịch thế giới.

 
Kiêu hãnh nước Nga ảnh 5

Đông đảo du khách tham quan nước Nga kiêu hãnh và lộng lẫy.

 
Kiêu hãnh nước Nga ảnh 6

Ngọn lửa không bao giờ tắt ở Đài tưởng niệm chiến sĩ vô danh tại Quảng trường Đỏ.

Các tin khác