Không thể giữ mãi tư duy cũ

Sở hữu một trang mạng xã hội từ cách đây 4 năm với hơn 1.000 thành viên, trong đó đa phần là nhà báo, không ngần ngại tham dự một diễn đàn mở dành cho nhà báo với số lượng lên tới 8.000 người, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Đỗ Quý Doãn cho rằng báo chí hiện đại đang có những xu thế phát triển mới, nếu không hòa mình vào sẽ không hiểu được.

Sở hữu một trang mạng xã hội từ cách đây 4 năm với hơn 1.000 thành viên, trong đó đa phần là nhà báo, không ngần ngại tham dự một diễn đàn mở dành cho nhà báo với số lượng lên tới 8.000 người, nguyên Thứ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông (TT-TT) Đỗ Quý Doãn cho rằng báo chí hiện đại đang có những xu thế phát triển mới, nếu không hòa mình vào sẽ không hiểu được.

Phải biến “thù thành bạn”

PHÓNG VIÊN: - Mạng xã hội đang trở thành một thế lực cạnh tranh gay gắt với báo chí chính thống, đồng thời góp phần khai sinh ra khái niệm “nhà báo công dân”. Suy nghĩ của ông về vấn đề này?

Ông ĐỖ QUÝ DOÃN: - Trước hết, phải nói đến những thế mạnh của mạng xã hội như sự liên kết, tính tiện ích và lan tỏa mạnh mẽ. Một thông tin được đưa lên, vài giờ sau đã có hàng ngàn lượt chia sẻ, kèm vào đó là hàng triệu người biết, đã tạo nên hiệu ứng rất lớn.

Bên cạnh đó, nó không phân biệt đối tượng, đẳng cấp, nếu là cộng đồng mạng ai cũng có thể chia sẻ với nhau. Điều này cho thấy truyền thông xã hội là sự tồn tại và phát triển có thật, đang ngày càng chiếm vị trí rất lớn trong đời sống xã hội.

Trên mạng xã hội, ai cũng có thể trở thành nhà báo. Một thành viên bình thường, không phải là tòa soạn hay phóng viên, không phải là tổng biên tập nhưng lại là tất cả. Vừa suy nghĩ, vừa viết bài, vừa xuất bản, mỗi cá thể là một tòa soạn.

Thực tế hiện nay nhiều tờ báo rất bị động, cơ cấu còn khá nặng nề. Có một số liệu rất đáng suy nghĩ: 75% số người 15-45 tuổi tiếp nhận thông tin thông qua các mạng nói chung dành thời gian cho việc đọc thông tin mạng. Vì vậy để cho báo chí truyền thống nhanh và đưa tin kịp thời phải đổi mới trong phương thức cung cấp thông tin. Bởi nếu không thay đổi, báo chí truyền thống sẽ chạy theo, sẽ bị động, tức chỉ đối phó.

Thực tế cho thấy trong thời gian qua có những khủng hoảng truyền thông do báo chí chính thống bị động, để cho truyền thông xã hội chiếm lĩnh, định hình về nhận thức, tư tưởng, thông tin cho người đọc rồi lúc đó báo chí chính thống mới phản công. Thêm nữa, nhiều lãnh đạo các cơ quan báo chí ở nước ta hiện nay chưa quen, chưa hiểu lắm về tác động của mạng xã hội nên có sự ngại ngùng cũng cản trở nhiều đến sự nhanh nhạy của thông tin báo chí.

- Trong cuộc đua này, báo chí truyền thống cần làm gì, thưa ông?

- Có một thực tế gần như nhà báo nào buổi sáng cũng dành thời gian nhất định cho các trang mạng xã hội, vừa để tương tác mang tính cá nhân, vừa để tìm kiếm thông tin, bản thân tôi cũng đã giữ thói quen này từ nhiều năm.

Vì vậy, phương cách khôn ngoan của báo chí là phải biến “thù thành bạn”. Mạng xã hội là nguồn tin rất quan trọng, rất cần thiết. Vấn đề là cách tiếp cận, cơ chế kiểm định nguồn tin của mỗi tòa báo sẽ như thế nào để biến nguồn tin của mạng xã hội thành nguồn tin báo chí. Đó là quy trình xử lý cần thận trọng, nếu không sẽ bị mạng xã hội kéo và đẩy anh vào mê hồn trận và cuối cùng thật giả lẫn lộn.

Đặc biệt, thời điểm hiện nay, việc ghép ảnh, chế tác ảnh, dựng clip như thật không quá khó. Nhiều tờ báo vì muốn đưa thông tin nhanh đã sập bẫy và thất bại. Báo chí có thể chậm hơn mạng xã hội một chút, nhưng thông tin đó phải đúng, chuẩn, phải có cơ chế kiểm tra và xác minh nguồn tin chặt chẽ.

Phải coi trọng danh dự

- Thị trường báo chí nước ta hiện nay rất đông đảo, nhưng cũng nhiều báo đang đi vào con đường giật gân câu khách. Phải chăng cơ chế đào thải của báo chí còn yếu?

- Nói báo chí đông đảo chưa hẳn chính xác. Sự bội thực thông tin đến từ việc các tờ báo không tuân thủ đúng tôn chỉ mục đích, đưa tin chồng chéo, có cảm giác 10 tờ báo đưa tin như một. Bên cạnh đó, phải thừa nhận trong bối cảnh hiện nay có những tờ báo có cũng được không có cũng được, nhiều tờ giật gân câu khách. Thậm chí trên những diễn đàn mở cho báo chí, các nhà báo đã liệt kê ra những cụm từ quen thuộc dùng để giật title như “đắng lòng”, “nghẹn lòng”, “bàng hoàng”, “nghẹt thở”…

Đã có nhiều người hỏi tôi vì sao không đình bản bớt. Thực tế nhiều năm qua, Bộ TT-TT đã rất mạnh tay xử lý, cảnh cáo có, phê bình có, xử phạt hành chính có… Tuy nhiên, mọi thứ đều phải có quy trình. Trên thực tế, phạt nhẹ hay nặng đối với báo chí rất khó để định hình. Vấn đề quan trọng là uy tín, danh dự của tờ báo, của ban biên tập. Uy tín rất quan trọng, làm báo mà bị nhắc nhở là cảm thấy tệ lắm.

- Cũng cần phải thừa nhận rằng độc giả có nhu cầu người ta mới “bán” thông tin kiểu đó và mới bán được báo?

- Không có công chúng, không có độc giả sẽ không có tờ báo. Nhưng sự tồn tại của tờ báo không chạy theo những thị hiếu tầm thường của công chúng. Bởi báo chí không chỉ đáp ứng nhu cầu thông tin mà còn định hướng thông tin, định hướng thẩm mỹ...

Đó là những nguyên tắc rất cơ bản. Đúng là những vụ án như đánh ghen, giết người cướp của… cũng rất cần thiết. Nhưng ngoài chức năng thông tin, anh còn chức năng giáo dục. Anh đưa thông tin đó để giáo dục, định hướng cho công chúng, cái đó mới quan trọng. Tất nhiên, mong muốn tăng độc giả, tăng lượng phát hành là điều cần thiết nhưng nhà báo hay cơ quan báo chí phải xử lý tốt mối quan hệ giữa công cụ tư tưởng và vấn đề kinh doanh, tạo nguồn thu cho tờ báo.

Không nên chạy theo kinh doanh mà quên những nhiệm vụ khác, hay cũng đừng cực đoan suốt ngày chỉ đề cao lý luận, không ai đọc. Phải đi vào cuộc sống, cuộc đời, đi vào những điều mà công chúng quan tâm. Cái đó chắc chắn không ai làm tốt bằng bản thân mỗi nhà báo khi đặt bút viết, bằng bản thân mỗi ban biên tập khi quyết định đưa vấn đề này hay vấn đề khác, mức độ, liều lượng để cân bằng, không ai làm thay được điều đó.

Tôi khẳng định không thể mang tư duy báo chí cũ để quản lý truyền thông bây giờ. Sự xuất hiện của mạng xã hội đã đẩy báo chí vào một tình thế phải cạnh tranh thực sự. Nếu anh không cung cấp thông tin nhanh, chính thức nghiễm nhiên là mạng xã hội sẽ cung cấp. Thậm chí, một khi các trang mạng xã hội đã chiếm lĩnh thông tin, đã định hình tư tưởng, đã định hướng dư luận, nhiều tờ báo rất khó đấu lại. Điều này đòi hỏi mỗi tòa báo phải thay đổi phương thức cung cấp thông tin và thao tác nghiệp vụ.

- Chúng ta phải thừa nhận rằng kinh tế báo chí là một bài toán rất nan giải?

- Báo chí nước ta một thời gian rất dài là công cụ tư tưởng văn hóa, làm nhiệm vụ chính trị là chính. Tuy nhiên trong thời buổi này phải kết hợp, vừa là công cụ chính trị tư tưởng vừa phải kinh doanh. Luật đã cho phép báo chí được kinh doanh dịch vụ phù hợp chức năng nhiệm vụ. Xử lý mối quan hệ giữa 2 nhiệm vụ này là bài toán mà tất cả từ cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí phải xem xét, nghiên cứu rất nghiêm túc.

Có những tờ báo rất đông nhân viên nhưng lương thấp, nhuận bút lẹt đẹt, quảng cáo không có, nợ tiền in báo… làm sao phục vụ chính trị. Muốn làm được việc anh phải mạnh, phải có tiềm lực. Bây giờ nhiều cơ quan chủ quản đầu tư cơ sở vật chất ban đầu nhưng về sau cơ quan báo chí phải tự cân đối hoạt động.

Tòa soạn đa phương tiện

- Cách đây nhiều năm, mô hình tập đoàn báo chí đã được nhắc đến, ông đánh giá như thế nào về hướng phát triển này?

- Đó là một xu thế phát triển nhưng có lẽ chưa phù hợp với tình hình thực tế báo chí nước ta hiện nay. Bởi lẽ không thể cộng 2, 3 cơ quan rời rạc thành tập đoàn, mà muốn hình thành tập đoàn phải hội tụ được những yếu tố nội lực bên trong, không chỉ là phép cộng đơn thuần.

Thay vào đó, mô hình tòa soạn đa phương tiện sẽ phù hợp hơn với xu hướng. Trong tòa soạn sẽ có báo điện tử, có truyền hình, có báo viết và đây đang là mô hình được nhiều tòa soạn báo hướng đến.

- Một câu hỏi lớn khác được đặt ra gần đây là số phận của báo in?

- Tôi lại có niềm tin vào báo in. Lịch sử phát triển báo chí thế giới và nước ta đã qua những giai đoạn thử thách. Khi xuất hiện một loại hình báo chí mới báo in đều có những tiên đoán sẽ chết. Tất nhiên báo in sẽ có khoảng thời gian nhất định lao đao, khó khăn tưởng chừng như không vượt qua được, nhưng sau đó lại tìm được lối đi để tiếp tục phát triển bên cạnh loại hình báo chí khác.

Nhu cầu của con người rất kỳ lạ, có những thời điểm muốn đọc thông tin nhanh, kịp thời nhưng cũng có những thời điểm người ta lại muốn nghiềm ngẫm bằng việc đọc một bản in. Thực ra báo in còn là văn hóa nên sẽ rất khó mất đi. Mô hình tòa soạn đa phương tiện, trong đó báo in là một phần như tôi đã đề cập sẽ trở thành xu thế phát triển tất yếu của loại hình báo chí này.

Hiện nay cả thế giới đang xây dựng nền báo chí hiện đại. Các mô hình tổ hợp tòa soạn đều hướng đến mô hình đa phương tiện đòi hỏi những người biết vận hành các phương tiện kỹ thuật hiện đại, đòi hỏi những kỹ năng làm báo mới. Trước đây chỉ cần ngòi bút, trang giấy là xong nhưng hiện nay không phải, anh cần biết tất cả những công cụ, phương tiện làm báo.

Cả những người quản lý cũng thế, thậm chí có nhiều người quản lý còn không quen sử dụng các phương tiện hiện đại. Không ai tài giỏi trong tất cả lĩnh vực, vấn đề là người ta có muốn học hỏi thêm không, có thực sự cầu thị không.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác