Khói bếp thành tranh nghệ thuật

Không chỉ người chơi tranh mà nhiều họa sĩ cũng phải trầm trồ thán phục về biệt tài “vẽ” tranh bằng khói bếp độc nhất vô nhị. Nhưng còn ngạc nhiên hơn khi biết anh chưa từng học qua một lớp hội họa nào và dụng cụ vẽ tranh lại rất giản dị. Anh là nông dân Vũ Quốc Sự, ngụ ở phường Xuân An, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Không chỉ người chơi tranh mà nhiều họa sĩ cũng phải trầm trồ thán phục về biệt tài “vẽ” tranh bằng khói bếp độc nhất vô nhị. Nhưng còn ngạc nhiên hơn khi biết anh chưa từng học qua một lớp hội họa nào và dụng cụ vẽ tranh lại rất giản dị. Anh là nông dân Vũ Quốc Sự, ngụ ở phường Xuân An, thị xã Long Khánh, tỉnh Đồng Nai.

Cạo khói bếp thành tranh

Tác phẩm của anh “hút hồn” người chơi tranh và giới họa sĩ bởi độ tinh xảo và nét vẽ có hồn với 2 chất liệu chính là tre và khói bếp, 2 gam màu chủ đạo sáng - tối. Nhìn những bức tranh của anh Sự ít người ngờ rằng chúng được tạo từ chất liệu tre và khói. Người xem tranh bị chinh phục bởi vẻ đẹp khác lạ từ chất liệu làm tranh đến họa tiết và cả cái cách anh làm ra nó. Những bức tranh này được anh Sự gọi là “tranh gác bếp”.

Chỉ tay lên bức vừa hoàn thành, anh Sự giải thích tranh gác bếp đơn giản làm từ những thanh tre, nứa đem gác lên bếp củi, khoảng 100 ngày sẽ được phủ một lớp khói có độ dày, đen nhất định. Từ lớp khói đó, bằng đôi tay khéo léo và sự tỉ mỉ của mình, anh Sự đã tạo ra những bức tranh. Khác với các loại tranh thường dùng màu, sơn để vẽ hoặc đắp, anh làm hoàn toàn ngược lại, đó là cạo những lớp bồ hóng bám vào thanh tre để cho ra đời tác phẩm nghệ thuật. Mỗi bức tranh đều thể hiện được những mảng màu sáng - tối, bóng mờ, chiều sâu làm sinh động. 

 
 

Chất liệu để tạo ra những bức tranh này hoàn toàn bằng tre, một chất liệu mang đậm truyền thống dân tộc từ bao đời nay. Để ra đời một tác phẩm tranh gác bếp, anh Sự cho biết phải thực hiện các bước như chuẩn bị tre, lựa tre thẳng, lóng dài, cưa từng lóng nhẹ nhàng, tránh làm trầy xước, rồi chẻ theo kích thước. Phơi tre: Phơi nắng, đảo mỗi ngày cho khô hẳn, đem ngâm nước chống mối, mọt rồi lại đem phơi khô, sau đó mài phẳng, kết lại ép keo mặt sau. Gác lên bếp để hun khói phải đốt củi 24/24 giờ trong 60 ngày. Cứ 2 ngày lại đảo quay đầu để khói bám đều, không bị chỗ dày, chỗ mỏng. Sau khi hoàn tất khâu chuẩn bị mới đến cạo tranh. Lúc đầu phải dùng đầu mũi kim nhỏ phác họa hình dạng trước, rồi cạo nhẹ bằng dao nhỏ làm bằng thép đặc biệt, cứng, rất bén để cạo không bị trầy cho đến khi hoàn thành bức tranh.

Anh Sự chia sẻ: ''Quá trình cạo tranh không thể gượng ép mà tùy vào cảm xúc người làm. Có thể mất đến cả tháng để cạo xong một bức tranh, nhưng cũng có khi chỉ cần vài giờ đã hoàn thành. Khi cạo tranh phải tuân thủ nguyên tắc vàng: tỉ mỉ, chính xác, đam mê bởi tre sau khi hun khói khô, rất dễ gãy vỡ. Không giống như vẽ tranh dầu hay sơn mài, “vẽ” tranh khói bắt buộc phải liên tục vì để lâu khói khô sẽ dễ vỡ vụn khi cạo”.

Tranh được cạo xong, anh Sự phủ lên lớp PU bóng tạo nên độ bền. Tranh anh vẽ phong phú nhiều kiểu dáng như hình cánh sen, trái tim, cánh quạt, cánh buồm… Trải qua 4 năm tìm tòi và thể hiện, anh Sự đã hoàn thành hơn 30 bức tranh, trong đó có nhiều bức rất tâm đắc như Bác Hồ đọc sách, chân dung 5 thành viên trong gia đình, đồng 1.000 đôla, sóng thần Nhật Bản…

Đến phòng tranh Gác bếp

Anh nông dân Vũ Quốc Sự (1960) sinh ra và lớn lên tại Nam Định, xuất ngũ trở về lập nghiệp tại Long Khánh bằng nghề nông. Vốn là người yêu thích nghệ thuật, hội họa, yêu tranh, đặc biệt là tranh thủy mặc. Từ nhỏ điều làm anh đặc biệt ấn tượng là những hoa văn được khắc trổ rồng, phụng quanh ống điếu thuốc lào. Chính những dấu ấn ấy đã tạo động lực để anh tìm tòi, thực nghiệm sáng tác những bức tranh ngày hôm nay.

Cơ duyên đến với nghề của anh thật tình cờ. Anh kể: “Trong một lần tháo dỡ nhà bếp, tôi tình cờ nhìn thấy những cây tre nhuộm khói bị trầy xước, hiện những hình thù lạ mắt. Tôi tự nhủ tại sao không vẽ tranh bằng khói bếp. Tranh thủ giờ nghỉ trưa lúc đó tôi lấy dao cạo thử luôn”.

Anh bắt đầu thực hiện ước mơ với tác phẩm đầu tiên bằng những cây tre trong rẫy của mình. Bước đầu gặp rất nhiều khó khăn, cạo khói không được đẹp, nét vẽ còn thô sơ, chưa sắc nét. Dày công luyện tập, mỗi ngày sự sáng tạo mới đường nét họa tiết dần hoàn thiện, làm những bức tranh trở nên sống động hơn, chân thật hơn, đặc biệt là những bức tranh phong cảnh, tranh chân dung rất có hồn. Đến giờ anh vẫn nhớ y nguyên cảm giác sung sướng khi đem bức tranh tre cạo khói đầu tiên chạy khắp xóm làng khoe với mọi người. Anh kể: “Bức tranh đầu tay tôi mô tả làng chài ven sông với cảnh làng quê, rặng tre ngả bóng. Mất đúng 1 tháng mới hoàn thành”. Giờ đây anh Sự đã tự tin mỗi bức tranh chỉ mất 7 ngày hoàn thành “tất tần tật”.

Những bức tranh khói của anh Sự có người đã trả tới 1.000USD (tương đương 20 triệu đồng). Bức tranh đắt nhất anh từng bán có giá 80 triệu đồng. Tâm sự với chúng tôi: “Tôi mong muốn tác phẩm của mình được nhiều người biết đến, những tác phẩm nghệ thuật bằng tre đậm chất Việt Nam. Hy vọng những tác phẩm của tôi sẽ đến được thế giới, để họ hiểu hơn về loại hình tranh nghệ thuật mới chỉ có ở Việt Nam”. Hiện tranh gác bếp của anh Sự đã đăng ký thương hiệu với Cục Sở hữu Trí tuệ.

Các tin khác