Khát khao “chim sổ lồng”

(ĐTTCO) - Dù bị giam cầm trong nỗi bất hạnh “chim vào lồng, cá cắn câu” của cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc, người phụ nữ vẫn có quyền ôm ấp những giấc mơ tươi đẹp như suối nguồn ban mai...
Trong kho tàng văn hóa dân gian Việt Nam có bài ca dao độc đáo bằng thể song thất lục bát, dưới hình thức đối đáp, thường được gọi tên bằng câu đầu “Trèo lên cây bưởi hái hoa”. Bài ca dao này gắn liền với giai thoại danh nhân Đào Duy Từ ở thế kỷ XVII, được chia làm 3 khổ. Khổ 1:

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà, hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra cánh biếc
Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!


Tương truyền, 4 câu trên là thơ của chúa Trịnh, tức Thanh Đô vương Trịnh Tráng từ Đàng Ngoài bí mật gửi cho Đào Duy Từ ở Đàng Trong.

Sinh ra và lớn lên tại tỉnh Thanh Hóa, Đào Duy Từ (1572-1634) là người thông minh, học rộng, có chí khí. Tuy nhiên, do cha làm nghề xướng ca nên Đào Duy Từ không được vua Lê chúa Trịnh cho ứng thí để đem tài năng ra giúp nước. Bất mãn, ông bỏ Đàng Ngoài vào Bình Định chăn trâu kiếm sống, rồi được chúa Sãi Nguyễn Phúc Nguyên của Đàng Trong thu nạp trọng dụng, phong cho ông làm Nha úy nội tán, tước Lộc Khê hầu.
Bằng tài năng mưu lược hiếm có, Đào Duy Từ đã giúp chúa Nguyễn ổn định nội trị và phát triển xứ Đàng Trong, mở mang bờ cõi về phía Nam, đối phó hữu hiệu với âm mưu xâm chiếm của chúa Trịnh ở phía Bắc. Đặc biệt, ông đã hiến kế dựng nên hệ thống chiến lũy phòng ngự huyền thoại, được dân gian gọi là Lũy Thầy (lũy do thầy Đào Duy Từ xây dựng), gồm các lũy: Trường Dục, Nhật Lệ, Trường Sa chạy từ cửa sông Nhật Lệ đến núi Đâu Mâu thuộc thành phố Đồng Hới và huyện Quảng Ninh của tỉnh Quảng Bình ngày nay.

Luyến tiếc một nhân tài của Đàng Ngoài vào phục vụ Đàng Trong, Thanh Đô vương Trịnh Tráng bí mật sai người mang lễ vật vào chiêu dụ Đào Duy Từ, kèm theo phong thư viết 4 câu thơ trên, với lời lẽ xưng hô anh - em đầy ẩn dụ “Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!”. Em đã có chồng, tức họ Đào đã theo phò chúa Nguyễn… Nhận được thư chúa Trịnh, Lộc Khê hầu Đào Duy Từ cũng phúc đáp bằng thơ, có ý ngầm trách sự thiển cận, thờ ơ của Trịnh Tráng. Đó là khổ thứ 2 bài ca dao:

Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi từ ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?


Đọc thơ, chúa Trịnh thấy Đào Duy Từ lời lẽ khoan hòa nhưng chưa dứt khoát, nên tiếp tục sai người mang thư và đồ vật quý giá hơn vào Đàng Trong với mong ước lôi kéo ông về Đàng Ngoài cho bằng được. Nhận thấy sự bất tiện trong mối quan hệ riêng tư với chúa Trịnh dễ làm chúa Nguyễn biết được sinh nghi, nên lần này Đào Duy Từ trả lời ngắn gọn nhưng quả quyết bằng 2 câu thơ lục bát. Đó cũng là khổ thứ 3, tức khổ cuối bài ca dao: 

Có lòng xin tạ ơn lòng, 
Đừng đi lại nữa mà chồng em ghen!


Qua giai thoại trên có thể thấy hậu trường chính trị trong lịch sử của cha ông ta thật sống động. Ở một ý nghĩa khác, “Trèo lên cây bưởi hái hoa” được xem là bài ca dao tình yêu đầy bi kịch của một mối tình ngang trái. Trong công trình khảo cứu Tục ngữ ca dao dân ca Việt Nam, Giáo sư Vũ Ngọc Phan đã xếp bài này vào mục “Hôn nhân và gia đình”. Nằm trong đề tài tình yêu lứa đôi, bài ca dao thường chỉ được lấy 2 khổ đầu nhập làm một và bỏ hẳn khổ thứ 3:

Trèo lên cây bưởi hái hoa
Bước xuống vườn cà, hái nụ tầm xuân
Nụ tầm xuân nở ra cánh biếc
Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay!
Ba đồng một mớ trầu cay
Sao anh không hỏi từ ngày còn không?
Bây giờ em đã có chồng
Như chim vào lồng, như cá cắn câu.
Cá cắn câu biết đâu mà gỡ,
Chim vào lồng biết thuở nào ra?


Vì chiến tranh loạn lạc, vì xa xứ mưu sinh nhiều đôi lứa yêu thương nhau đã phải chịu cảnh trắc trở, không thành “của nhau” được. Chàng trai cô gái trong bài ca dao cũng có thể lâm vào hoàn cảnh như vậy. Đến khi gặp lại nhau, trước lời tỏ tình muộn màng của chàng trai, cô gái đã “Như chim vào lồng, như cá cắn câu”. Lời trần tình trắc ẩn của cô gái còn hé mở cho thấy cô đang gánh chịu một cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc. 
Tuy nhiên, với 2 câu song thất kết thúc “Cá cắn câu biết đâu mà gỡ/ Chim vào lồng biết thuở nào ra?” lại mở ra cho mối tình tưởng chừng tuyệt vọng của họ một chân trời ước mơ “sổ lồng”. Hỏi trong tuyệt vọng để tự trả lời trong hy vọng. Đó cũng chính là câu hỏi và có thể tự trả lời của nhiều phụ nữ trên thế giới này đã và đang bị trói buộc vào những cuộc hôn nhân không tự nguyện, trong đó có không ít phụ nữ Việt hiện đang cam phận lấy chồng xứ Hàn, xứ Đài nhằm kiếm tiền trả nợ hoặc mong thay đổi đời sống kinh tế nghèo khó của gia đình, để rồi phải gánh chịu nhiều oan khuất, thậm chí đánh đổi cả sinh mệnh của mình ở đất lạ quê người.
 Với cảm hừng từ khát khao “chim sổ lồng”, nghệ sĩ Dương Quốc Định đã dựng nên 3 bức ảnh liên hoàn như câu chuyện sinh động về giấc mơ nữ quyền. Cuộc sống hôn nhân không hạnh phúc như chiếc lồng giữa bầu trời mây đen mờ mịt sấm chớp bao phủ cuộc đời người phụ nữ. Dù bị giam cầm trong nỗi bất hạnh “chim vào lồng” ấy, người phụ nữ vẫn có quyền ôm ấp những giấc mơ tươi đẹp như suối nguồn. Rồi một ngày bình minh hửng nắng, mây mù bị xua tan, người phụ nữ như con chim sổ lồng tung bay giữa ánh sáng bầu trời cao rộng, để làm lại cuộc đời. 
Khát khao “chim sổ lồng” ảnh 1  
Khát khao “chim sổ lồng” ảnh 2  
Khát khao “chim sổ lồng” ảnh 3  

Các tin khác