Huyền thoại “vua vũ khí” Trần Đại Nghĩa

(ĐTTCO) - Từ bỏ mọi vinh hoa phú quý ở nước ngoài để trở về Tổ quốc thực thi sứ mệnh cứu nước, cuộc đời và sự nghiệp của nhà bác học Trần Đại Nghĩa đã trở nên quen thuộc với mọi người Việt Nam và bạn bè quốc tế. 
Tuy nhiên không phải ai cũng biết những dấu ấn cách đây tròn 70 năm khởi đầu cho huyền thoại “vua vũ khí”, đã trở thành nỗi kinh hoàng của quân Pháp.
Bazooka và trận đánh lịch sử chùa Trầm

Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, Thực dân Pháp vẫn chưa từ bỏ âm mưu xâm chiếm nước ta một lần nữa. Lúc này khí tài của quân đội ta còn thô sơ và thiếu thốn, trong khi quân Pháp được trang bị hiện đại, có cả át chủ bài máy bay, xe tăng, trọng pháo. Chống xe tăng Pháp là bài toán chưa có lời giải của quân ta. Vận mệnh Tổ quốc mỗi ngày càng bị đe dọa nghiêm trọng.
Tướng De Gaulle từng tuyên bố sẽ dùng vũ lực để khôi phục chế độ thực dân, đưa tổng số quân Pháp ở Đông Dương lên 90.000 người. Cuối tháng 11-1946, quân Pháp tấn công, chiếm đóng Hải Phòng. Ngày 16-12, Chỉ huy quân đội Pháp ở miền Bắc Đông Dương là tướng Morliere đã đưa ra liên tiếp hai tối hậu thư buộc Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa phải để cho người Pháp hiện diện một số nơi, giữ quyền duy trì trật tự ở Hà Nội và giải giáp các lực lượng dân quân tự vệ của ta, chậm nhất là sáng 20-12. 

Đứng trước áp lực khiêu khích trắng trợn đó, ngày 5-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho gọi kỹ sư Phạm Quang Lễ mới từ Pháp trở về đến Bắc Bộ phủ trao chức Cục trưởng Quân giới Bộ Quốc phòng, đồng thời đặt thêm tên cho ông là Trần Đại Nghĩa, với mong muốn nhà trí thức trẻ sẽ cống hiến hết mình cho sự nghiệp lớn giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước. Từ đó biệt danh Trần Đại Nghĩa đã trở thành tên thường gọi quen thuộc của ông.
Ngày 19-12-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến. Chính phủ cách mạng bí mật rút vào Hà Đông. Tình hình đó đòi hỏi ngành quân giới do Cục trưởng Trần Đại Nghĩa đứng đầu phải gấp rút sản xuất vũ khí hữu hiệu để tự cung tự cấp cho quân đội. Đầu năm 1947, tại Hội nghị Quân sự tổ chức ở Trúc Sơn thuộc tỉnh Hà Đông, Cục trưởng Trần Đại Nghĩa đã có bài phát biểu thể hiện quyết tâm và niềm tin của ngành quân giới trong việc tự sản xuất vũ khí hiện đại. Ông cũng mở lớp truyền thụ cho cán bộ trẻ những lý thuyết cơ bản về vũ khí, mà trước mắt là nghiên cứu chế tạo súng đạn Bazooka.
Huyền thoại “vua vũ khí” Trần Đại Nghĩa ảnh 1 Cục trưởng Quân giới Trần Đại Nghĩa (ngoài cùng bên phải) hướng dẫn Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thăm xưởng sản xuất vũ khí thời chống Pháp. 
Trước đó, tình báo Hoa Kỳ có hỗ trợ 3 khẩu súng và hơn 20 viên đạn Bazooka để quân ta đánh phát xít Nhật. Bộ Quốc phòng giao số vũ khí đó cho ngành quân giới quản lý. Dựa vào mẫu vũ khí này, Trần Đại Nghĩa chỉ huy nghiên cứu chế tạo đạn Bazooka, với quyết tâm phải làm cho bằng được trong hoàn cảnh khó khăn lúc đó. Đạn nổ tốt nhưng không xuyên qua thép được. Vậy là phải tiếp tục nghiên cứu, sửa chữa và điều chỉnh thật gấp rút, vì thời điểm chiến tranh sắp bùng nổ.
Đích thân Thứ trưởng Quốc phòng lúc bấy giờ là Tạ Quang Bửu cũng trực tiếp lên binh công xưởng để thị sát, góp ý kiến nghiên cứu sản xuất đạn Bazooka. Trong khi đó, ỷ thế mạnh về quân lực, các viên tướng chỉ huy của Pháp lớn tiếng tuyên bố sẽ tiêu diệt quân đội chính quy Việt Nam trong vòng 8 ngày. Điều này Trưởng phái đoàn Pháp tại Hội nghị Fontainebleau cũng đã tuyên bố thẳng với Trưởng đoàn Phạm Văn Đồng của Chính phủ ta. Kẻ mạnh trên chiến trường sẽ thắng thế cả trên bàn đàm phán. 

Đêm 2-3-1947, Trần Đại Nghĩa cùng các nhà lãnh đạo cao cấp được báo tin quân ta không còn khả năng giữ chân quân Pháp. Chúng đang xua quân tấn công hòng chọc thủng mặt trận Cầu Mới - Hà Đông. Nhà nghiên cứu kỹ thuật Cục Quân giới do Cục trưởng Trần Đại Nghĩa kiêm Giám đốc Nha vừa chuyển lên Tuyên Quang, đã nghiên cứu chế tạo được 5 viên đạn Bazooka để bắn thử. Một tiểu đội Bazooka đánh xe tăng được cấp tốc huấn luyện suốt trong đêm ấy…
Ngay sáng hôm sau, 3-3-1947, tại khu vực chùa Trầm ở Sơn Tây, cuộc đụng độ lớn đầu tiên giữa quân ta và quân Pháp diễn ra. Bốn xe tăng dẫn đầu đội hình quân Pháp nghênh ngang tấn công. Bộ binh tràn theo sau. Quân Pháp vẫn nghĩ rằng bộ đội ta chưa thể có nổi vũ khí chống tăng. Xông vào trận địa mà chúng chủ quan như đi vào chỗ không người. Bỗng từ một vị trí bí mật ven đê, tiếng súng của tiểu đội Bazooka nổ… rầm! Viên đạn đầu tiên bắn ra, chiếc xe tăng dẫn đầu bốc cháy. Viên đạn thứ hai bắn cháy thêm một chiếc xe tăng nữa. Bị phản đòn chính xác bất ngờ, đội hình quân Pháp hoảng loạn. Hai chiếc xe tăng còn lại bỏ chạy. Bộ binh cũng chạy thục mạng. Quân ta xung phong tiêu diệt nhiều tên địch.

Chiến thắng ở chùa Trầm, Sơn Tây chứng tỏ việc nghiên cứu tự chế đạn Bazooka của ngành quân giới đã thành công. 

“Dòng họ” SKZ

Giữa lúc Chiến dịch Việt Bắc thu đông năm 1947 diễn ra quyết liệt, Cục trưởng Quân giới Trần Đại Nghĩa nhận lệnh của Tổng chỉ huy Đại tướng Võ Nguyên Giáp khẩn cấp vào Khu 4. Đây là vùng hậu phương tương đối an toàn để nhà bác học Trần Đại Nghĩa cùng đội ngũ khoa học Nha nghiên cứu Kỹ thuật quân giới có thể yên tâm nghiên cứu, sản xuất nhanh các loại vũ khí công đồn, diệt chiến xa, đáp ứng kịp thời cho mặt trận đang ngày càng nóng bỏng.
Khi về nước, Trần Đại Nghĩa mang theo gần một tấn sách tài liệu vũ khí bí mật thu thập được trong hơn 10 năm ở châu Âu. Ông gửi số sách ấy cho một người bạn ở Hà Nội, nhưng chiến tranh bùng nổ, tản cư, sách bị thất lạc hết. May mắn trước đó ông có phân phát cho cán bộ quân giới một số tài liệu cơ bản để học tập, nghiên cứu, tuy nhiên phần lớn công việc vẫn phải làm lại từ đầu. Ông quên ăn mất ngủ làm việc suốt ngày thâu đêm, để bằng trí nhớ siêu việt của mình ông cố gắng “moi” từ trong đầu tất cả kiến thức, kết nối và tính toán trở lại, lập thành những bản vẽ để làm dữ liệu chế tạo vũ khí. 

Sau thất bại trong Chiến dịch Việt Bắc năm 1947, quân Pháp co cụm về phòng thủ trong những boong-ke rất kiên cố, đòi hỏi quân ta phải có vũ khí mới để công phá các phòng tuyến boong-ke ấy. Nhiệm vụ bức thiết ấy được Tổng chỉ huy Đại tướng Võ Nguyên Giáp giao trực tiếp cho Cục trưởng Trần Đại Nghĩa và ông đã truyền đạt lại cho toàn ngành quân giới.
Bấy giờ, nhà khoa học trẻ Nguyễn Trinh Tiếp vốn tốt nghiệp cao đẳng công chính đang là Trưởng phòng Xạ thuật Nha nghiên cứu Kỹ thuật Cục Quân giới, đã có sáng kiến chế tạo súng phóng bom, hay còn gọi súng không giật (SKZ). Đề án chế tạo SKZ 60 được trình lên Giám đốc Trần Đại Nghĩa. Ông xem xét kỹ và hoan nghênh sáng kiến độc đáo này và quyết định đưa vào sản xuất thử nghiệm ngay. 

Trong điều kiện khó khăn thiếu thốn mọi bề, không đúng theo yêu cầu lý thuyết sách vở của nước ngoài, lại phải phù hợp với địa hình nước ta, việc sản xuất thành công SKZ là một điều kỳ diệu nữa của ngành quân giới. Đây là một loại vũ khí nhẹ nhưng dùng để bắn các loại đạn hạng nặng mà không có độ giật cao, mạnh hơn Bazooka, có khả năng chọc thủng dễ dàng các bức tường bê-tông dày 600-1.000mm của lô cốt địch.
Trong quá trình chế tạo và bắn thử, có lúc đạn bay ba bốn trăm mét rồi đâm xuống đất không nổ, có lúc đạn bay xa và nổ nhưng chệch mục tiêu tới mấy mét. Nhưng cuối cùng đã khắc phục thành công. Hiệu quả từ SKZ 60 hoàn toàn do Việt Nam chế tạo đã góp phần quan trọng mang về những chiến công oanh liệt trong các trận đánh Phố Lu, Phố Ràng ở Tây Bắc hay đèo Măng Giang, Komplong tận Khu 5… Cũng từ “anh cả” SKZ 60 đã sản sinh thêm cả “dòng họ” SKZ trang bị phù hợp với điều kiện từng chiến trường…

Khởi đầu từ con số 0, trong hoàn cảnh kháng chiến thiếu thốn mọi bề, nhưng dưới sự lãnh đạo trực tiếp của nhà bác học Trần Đại Nghĩa, ngành quân giới đã đạt nhiều thành tựu to lớn. Những loại vũ khí do ta tự nghiên cứu và chế tạo, tiêu biểu như súng và đạn Bazooka, SKZ, AT, đạn bay, mìn nổ chậm… đã trở thành nỗi kinh hoàng của quân Pháp, góp phần quan trọng làm thay đổi cục diện chiến trường và đi đến thắng lợi hoàn toàn.
Đó cũng là những vũ khí mang đậm dấu ấn Trần Đại Nghĩa, bậc đại trí thức yêu nước làm việc không biết mệt mỏi, quên cả những nhu cầu thiết yếu nhất của bản thân, toàn tâm toàn ý tìm ra những phương thức hiệu quả nhất để đáp ứng kịp thời yêu cầu của mặt trận.

Các tin khác