Huyền thoại con tàu “không số”

(ĐTTCO) - Hành trình tàu vận tải quân sự HQ-671 cùng đoàn thủy thủ trong suốt quá trình làm nhiệm vụ “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, đã trở thành biểu tượng của dân tộc ta. Đến nay, HQ-671 là con tàu duy nhất còn lại của đoàn tàu “không số” được đón bằng chứng nhận Báu vật quốc gia.

Mở đường chiến lược Hồ Chí Minh trên biển
Tàu vận tải quân sự HQ- 671 từng có tên gọi khác là C41, 641 hiện đang được lưu giữ tại Bảo tàng Quân chủng Hải quân. Tàu dài 31,5m, rộng 5,8m, cao từ đáy đến đỉnh cột cờ 11,7m, lượng giãn nước 165 tấn, là loại tàu Quảng Châu (trọng tải 50 tấn) do Trung Quốc sản xuất năm 1962, viện trợ cho Hải quân Việt Nam năm 1964. Khi đó, tàu được biên chế về Đoàn 125 (còn gọi là Đoàn tàu “không số”) làm nhiệm vụ vận tải chi viện chiến trường miền Nam theo con đường vận chuyển chiến lược trên biển Đông mang tên Chủ tịch Hồ Chí Minh- đường Hồ Chí Minh trên biển. 
Theo Chuẩn đô đốc Đặng Minh Hải, Phó Chính ủy Quân chủng Hải quân, tàu vận tải quân sự số hiệu HQ-671 là “tàu không số” duy nhất nguyên vẹn còn lại của những con tàu làm nên chiến công đặc biệt xuất sắc, một kỳ công chiến lược của Đảng và nhân dân ta đó là con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển Đông, góp phần quan trọng vào sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Suốt quá trình vận tải chiến lược “Đường Hồ Chí Minh trên biển”, các thế hệ tập thể cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-671 đã tổ chức đi 20 chuyến, vận chuyển gần 400 tấn vũ khí và hàng hóa vào các bến của nhiều tỉnh, như: Quảng Ngãi, Phú Yên, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bạc Liêu, Cà Mau và đưa đón cán bộ cách mạng đến các tỉnh ven biển Nam Trung bộ, góp phần chi viện sức người, sức của từ hậu phương lớn miền Bắc cho chiến trường miền Nam.
Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, tàu 641 chở người, vũ khí, hàng hóa vào chi viện cho chiến dịch Huế - Đà Nẵng giải phóng các tỉnh ven biển miền Trung và chở lực lượng đặc công Hải quân ra tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa. Sau năm 1975, tàu làm nhiệm vụ vận chuyển và trực sẵn sàng chiến đấu bảo vệ chủ quyền quần đảo Trường Sa. 
Giám đốc Bảo tàng Hải quân, trung tá Hoàng Phi Hà cho biết, quá trình tìm hiểu và xác minh, bảo tàng đã tìm gặp những cựu binh từng là thuyền trưởng, máy trưởng, chiến sĩ làm việc trên tàu HQ-671. Các nhân chứng đều khẳng định đây là con tàu C41, 641, là hiện vật có giá trị đặc biệt, bảo vật có ý nghĩa không chỉ đối với Hải quân nhân dân Việt Nam mà còn đối với cả quốc gia, dân tộc.
Huyền thoại con tàu “không số” ảnh 1 Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân (giữa) tới thăm và công bố quyết định công nhận tàu HQ-671 là Bảo vật quốc gia. 
Theo ông Hà, tập thể cán bộ, chiến sĩ trên tàu HQ-671 (C41 và 641) đồng thời cũng là thế hệ cán bộ, chiến sĩ từng công tác trên tàu 41, tham gia vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam. Trong đó, có chuyến đầu tiên mở đường Hồ Chí Minh trên biển tháng 10-1962. Vì vậy, thành tích của đội tàu HQ-671 là sự tổng hợp, tiếp nối và phát huy những chiến công của đội tàu 41.

Gắn bó Trường Sa thân yêu
Sau ngày giải phóng miền Nam năm 1975, tàu vận tải quân sự HQ-671 tiếp tục làm nhiệm vụ vận tải chi viện cho các đơn vị đóng quân ở quần đảo Trường Sa. Tháng 10-1978, tàu nhận lệnh đi tìm kiếm 7 cán bộ, chiến sĩ của đảo Phan Vinh trong khi đang làm nhiệm vụ bị sóng biển làm trôi dạt. Sau 8 ngày đêm kiên trì “cày đi xới lại” trên một vùng biển rộng lớn, vượt qua sóng to, gió lớn, tàu đã tìm cứu được cả 7 chiến sĩ và đưa về đất liền an toàn.
Đầu năm 1988, cán bộ, chiến sĩ tàu HQ-671 tiếp tục vượt qua muôn vàn khó khăn gian khổ, bảo vệ vững chắc đảo Đá Lớn chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Ngày 14-3-1988, khi xảy ra sự kiện ở Gạc Ma, Cô Lin, Len Đao, tập thể cán bộ, chiến sĩ tàu quân sự HQ-671 đã kiên quyết, kiên trì, mưu trí, dũng cảm vượt qua sự ngăn chặn, uy hiếp của đối phương kịp thời có mặt ở vùng nóng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tìm kiếm cứu hộ cán bộ, chiến sĩ ở các tàu của ta bị tàu chiến nước ngoài bắn chìm.
Huyền thoại con tàu “không số” ảnh 2 Tàu HQ-671 được công nhận là Bảo vật quốc gia. 
Năm 2002, tàu HQ-671 được biên chế về Hải đội 384, Cục Hậu cần Hải quân làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hậu cần phục vụ cho các đơn vị trong Quân chủng Hải quân. Trong dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh trên biển (23-10-1961 - 23-10-2011), ngày 20-9-2011, tàu HQ-671 được đưa từ Hải đội 384, Cục Hậu cần Hải quân về Bảo tàng của Quân chủng làm hiện vật trưng bày tuyên truyền chiến công “Đường Hồ Chí Minh trên biển”.
Phát biểu trong lễ công bố quyết định công nhận tàu HQ-671 là  Bảo vật quốc gia tháng 8-2018 vừa qua, Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Thiện Nhân đã bày tỏ lòng khâm phục và biết ơn sâu sắc đến tập thể cán bộ, chiến sĩ Tàu HQ-671 đã dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo lập được những thành tích xuất sắc trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Những tấm gương anh hùng, liệt sĩ sẽ mãi là bài học cao quý cho cán bộ, chiến sĩ Hải quân nhân dân Việt Nam noi theo và các thế hệ người Việt Nam tôn vinh, kính trọng.
Vào dịp kỷ niệm 50 năm Ngày mở đường (10-2011), HQ-671 kết thúc “sứ mệnh” của tàu vận tải, bàn giao Bảo tàng Hải quân quản lý, trưng bày, tuyên truyền chiến công “đường Hồ Chí Minh trên biển”. Đây là hiện vật có giá trị đặc biệt, có ý nghĩa không chỉ đối với Hải quân nhân dân Việt Nam mà còn đối với cả quốc gia, dân tộc.Với những thành tích xuất sắc, tàu HQ-671 đã 2 lần được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu Đơn vị Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
Được tặng thưởng: 4 Huân chương Quân công, 8 Huân chương Chiến công và nhiều phần thưởng cao quý khác. Có 8 cán bộ, chiến sĩ của tàu qua các thời kỳ được tuyên dương Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, gồm: Bông Văn Dĩa, Lê Văn Một, Đặng Văn Thanh, Dương Văn Lộc, Huỳnh Văn Sao, Phan Nhạn, Nguyễn Sơn, Hồ Đắc Thạnh.
Sau gần 50 năm thực hiện nhiệm vụ trên biển, tàu HQ-671 trở về neo bình yên bên dòng sông Lạch Tray nhưng âm hưởng chiến thắng của tàu huyền thoại trên đường huyền thoại thì mãi vang vọng. 

Các tin khác