“Hồn khí” Phồn Xương

1. Đứng trên đồi cao, bên tượng đài Đề Thám, ngắm nhìn cảnh vật chung quanh, đất trời Yên Thế, sắc xuân tỏa xuống những vườn đồi cây trái bát ngát trải dài.

1. Đứng trên đồi cao, bên tượng đài Đề Thám, ngắm nhìn cảnh vật chung quanh, đất trời Yên Thế, sắc xuân tỏa xuống những vườn đồi cây trái bát ngát trải dài.

Con đường nhựa phía trước tấp nập người, xe qua lại. Thị trấn Cầu Gồ - bức tranh làng quê toát lên cuộc sống ấm no, thanh bình. Dòng sông Thương thơ mộng chan chứa đầy vơi tình đất - tình người... 

Bà con Yên Thế bảo năm nay lại được mùa ngô. Ngô dẫu không là thứ cây lương thực chủ lực, nhưng cứ nghe rộn ràng từng lời tâm sự, những nụ cười trong trẻo nở trên môi mỗi người thấy vui lây. Mùa thu hoạch, bà con đổ cả ra đồng, mang theo quang gánh, xe ba gác, xe cút cít, xe đạp thồ, xe máy… nhộn nhịp, tấp nập đông vui như trẩy hội.

Những đôi bàn tay chai sạm, dãi dầu nắng mưa đưa thoăn thoắt hái tỉa từng bắp ngô vàng đẫy hạt. Thú vị nhất là nhìn cảnh từng đoàn người, đoàn xe hối hả nối đuôi nhau chở ngô về thôn, bản.

Ngược dòng thời gian, mới thấy Yên Thế rộng, nhiều nơi hoang vu, đất bạc màu, đồi núi trọc toàn cát sỏi với cỏ cây hoang dại. Đất đai mênh mông phơi mình qua bao thăng trầm năm tháng. Trong khi, nông dân thiếu đất canh tác, dẫn đến đời sống của đại bộ phận bà con còn gặp nhiều vất vả, khó khăn.

“Phải tự cứu mình trước khi trời cứu”! Câu răn dạy đó có ý nghĩa biết nhường nào đối với bà con các dân tộc của quê hương Đề Thám. Nhận thức rõ điều đó, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Yên Thế sau những cuộc trăn trở luận bàn, đã nhất trí chọn cuộc cách mạng xanh làm mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế.

Theo đó, huyện tập trung đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng hợp lý trên khắp các thôn, bản. Việc làm này tuy có hơi chậm so với một số nơi, nhưng là chậm chắc, trên cơ sở học hỏi được kinh nghiệm của nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh. 

Tượng đài Đề Thám. 

Tượng đài Đề Thám. 

2. Trên đường dẫn chúng tôi tới nhà ông Hòa - một trong những hộ gia đình có diện tích trồng vải nhiều nhất ở xã Phồn Xương, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Triệu Thị Lại, bộc bạch: “Cây vải mấy năm nay bị đốn bớt để nhường chỗ cho những cây khác có giá trị kinh tế cao hơn.

Tuy nhiên, vải trên này vẫn còn bạt ngàn”. Ông Hòa cho biết, năm nhiều bù năm ít, bình quân mỗi vụ gia đình thu hoạch 8 tấn quả vải tươi, cho thu nhập khoảng 65 triệu đồng/vụ. Ông Hòa cho biết: “Theo tiêu chí mới, quy mô trang trại phải từ 2ha trở lên, ứng với tổng thu nhập trên 50 triệu đồng/năm, ở đất núi này chưa phải là nhiều. Còn nếu tính từ 0,5ha trở lên, 30-40 triệu đồng/năm vùng này có tới hàng ngàn hộ”.

Người dân có thu nhập ổn định, mỗi con đường vào làng, rẽ xóm đều khá bằng phẳng, chắc chắn, thoáng đãng. Đâu đó, mọc lên những nhà tầng, nhà mái bằng, mái ngói; điện thắp sáng len lỏi vào từng hộ dân.

Ông Mười - một gương điển hình làm giàu trong xã - “vua vải” ở núi rừng Yên Thế, khoe: “Cây vải, cây nhãn đã “leo” tới tận vùng cao này từ lâu rồi. Bà con hăm hở, phấn chấn lắm. Bà con còn có cái mà người dưới xuôi không có: đất trồng rừng, nên đua nhau trồng cây thông, cây keo, cây quế…”.

Những năm gần đây, Yên Thế còn phát triển mạnh mô hình trang trại chăn nuôi gà bán công nghiệp (gà đồi) với quy mô lớn tại các vườn đồi trồng cây ăn quả, cây lâm nghiệp. Gà đồi đã được địa phương xác định là loại con xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho nông dân. Giờ đây, sản phẩm gà đồi Yên Thế đã có mặt tại nhiều địa phương như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, các tỉnh phía Nam... Nhiều nhà hàng, khách sạn ở các thành phố về tận nơi đặt hàng...

3. Huyện Yên Thế có diện tích đất tự nhiên hơn 30.000ha, trong đó hơn 23.900ha là đất nông nghiệp; có 21 xã, thị trấn với trên 26.000 hộ dân, số hộ nông nghiệp nông thôn chiếm gần 95%.

Chủ tịch Hội Nông dân huyện Triệu Thị Lại gật gù: “Hơn 5 năm qua, Yên Thế đã giảm hàng ngàn ha đất trồng sắn để chuyển sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao. Phong trào trồng cây ăn quả, phong trào lập trang trại vườn đồi phát triển rộng khắp trong nhân dân. Bà con tận dụng đến tối đa diện tích, hễ chỗ nào “hở” dù chỉ là một dúm đất là có thể “cấy” ngay một loại cây thích hợp”.

Đất, cây không phụ công người. Đến nay, toàn huyện có trên 6.000ha diện tích trồng cây ăn quả (phần lớn là giống vải thiều, nhãn, na dai, hồng nhân hậu…). Theo thống kê chưa đầy đủ, Yên Thế hiện có khoảng 4.000 trang trại và vườn cây ăn quả có quy mô từ 0,5ha trở lên, trong đó khoảng 15% số hộ có mức thu nhập từ 60-100 triệu đồng/năm. Những xã có diện tích trồng lớn cây ăn quả là Đông Sơn, Tân Sỏi, Hồng Kỳ, Đồng Kỳ, Đồng Lạc… Hầu hết các chủ trang trại đều trồng vải thiều; ngoài ra, trồng nhãn, na dai, hồng nhân hậu… Nhiều hộ đã tận dụng mọi tiềm năng sẵn có của đất theo phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, bằng việc phát triển chăn nuôi, đào ao thả cá, gây ong lấy mật…; xen canh các loại cây như dứa, đu đủ, đậu, lạc, vừng, khoai, sắn…  ngay tại trang trại.

Đi bên dòng sông Thương giữa mùa xuân Yên Thế, biết rằng địa phương nay dẫu chỉ còn giữ lại chút xưa của “thế Phồn Xương”. Nhưng mà, chất “hồn thiêng” của núi rừng Yên Thế vẫn mãi vọng vang - vững chãi, rộng mở...

Các tin khác