Hội vật cầu bùn

Đây là lễ hội cầu mưa độc đáo, duy nhất tại Việt Nam thể hiện tinh thần thượng võ, đoàn kết trong dân làng. “Ngàn năm để lại tích cầu - Hai năm mới có trận cầu hôm nay” cho dân làng Vân (thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang) và khách thập phương thỏa thích thưởng thức những trận cầu quyết liệt, sôi động, đầy kịch tính.

Đây là lễ hội cầu mưa độc đáo, duy nhất tại Việt Nam thể hiện tinh thần thượng võ, đoàn kết trong dân làng. “Ngàn năm để lại tích cầu - Hai năm mới có trận cầu hôm nay” cho dân làng Vân (thôn Yên Viên, xã Vân Hà, huyện Việt Yên, Bắc Giang) và khách thập phương thỏa thích thưởng thức những trận cầu quyết liệt, sôi động, đầy kịch tính. 

Thánh Tam Giang thu phục quỷ

Sau một thời gian thất truyền, từ năm 2002, lễ hội vật cầu bùn làng Vân được khôi phục và tổ chức định kỳ 2 năm một lần, hội kéo dài 3 ngày (từ 12 đến 14-4 âm lịch). Nổi bật là những trận giao tranh cầu gỗ của 16 thanh niên trai tráng trong làng trên sân bùn lỏng rộng khoảng 200m2. Mỗi người chơi là một quân cầu, tượng trưng cho quỷ đen. Theo các già làng, hội vật cầu mô phỏng lại cuộc giao đấu giữa đức Thánh Tam Giang và bầy quỷ.

Các quân cầu thi đấu quyết liệt đưa quả cầu vào được lỗ.

Các quân cầu thi đấu quyết liệt đưa quả cầu vào được lỗ. 

Tương truyền, bốn anh em Trương Hống, Trương Hát, Trương Lừng, Trương Lẫy theo Triệu Quang Phục đánh giặc Lương. Thắng trận trở về, các ông tới đầm Dạ Trạch thì bị bầy quỷ đen ở đầm phá quấy. Hai bên giao đấu quyết liệt, bọn quỷ thua, phải chịu quy phục theo ước định. Sau này, Nhân dân trong vùng suy tôn các ông làm Thánh Tam Giang, lập Đền Chính ở thôn Yên Viên để thờ tự.

Cũng có một tích khác về lễ hội này, ông Nguyễn Khắc An (quan viên, ban Khánh tiết Đền Chính) cho biết: “Xưa kia khi nhà vua đánh trận qua đây, lũ quỷ dưới đầm đã che chở cho nhà vua. Nên vua mới ban cho lễ hội đánh cầu, trước mỗi trận cầu sẽ có rượu trận gồm rượu và dưa hấu để quỷ ăn cho mát, cho khỏe, đánh được lâu”.

Theo luật, 16 chàng trai đại diện cho 4 xóm chia làm 2 đội Giáp Thượng và Giáp Hạ đấu trong trận vật cầu bùn. Các chàng trai được tuyển chọn thường là con của các quan viên (thành viên ban Khánh tiết) khỏe mạnh, không phạm pháp, đặc biệt họ phải tự ý thức kiêng kỵ, tránh xa những thứ được coi là bẩn thỉu. Ông Diêm Đình Toản (xóm 4, thôn Yên Viên) cho biết: “Các quân cầu phải tránh xa hành, tỏi, chuyện vợ chồng... ít nhất 10 ngày để lễ hội cầu cho 1 năm mưa thuận gió hòa, ấm no sung túc diễn ra thuận lợi. Nếu không kiêng, phạm phải những điều trên sẽ bị Thánh quở”.

Người cầm trịch điều khiển cuộc chơi bằng tiếng trống phải thật am hiểu luật chơi, tinh khôn và khỏe mạnh. Cầu gần ra ngoài vạch thì đánh trống “cắc”, khi đó không ai được tranh  cầu nữa. Tùy thuộc vị trí của cầu trên sân mà tiếng trống khi nhẹ nhàng, khoan thai, khi thúc giục rộn ràng thúc quân đưa cầu vào hố. Cụ Nguyễn Thị Vui (xóm 1, thôn Yên Viên) híp mắt cười nhìn những khán giả nhí bị vấy bùn vì những cú ngã xoành xoạch của quân cầu: “Ngày thường ai dám cho chúng nó ra gần bùn vì sợ bẩn, nhưng nay là lễ, càng lấm bùn càng được nhiều lộc Thánh ban. Nhìn chúng nó kìa, đứa nào cũng như trâu đầm”.

Quả cầu gỗ 20kg

Nếu “linh hồn” của trận đấu cầu là tiếng trống trận da trâu giòn giã, thì “linh vật” chính là quả cầu gỗ mít sơn son nặng chừng 20kg, đường kính 40cm các quân cầu tranh nhau dưới sân bùn. Quả cầu trượng trưng cho mặt trời (dương), hố cầu được đào sâu 80cm dưới đất, đường kính 60cm trượng tưng cho âm, cầu chui vào hố âm dương hòa hợp sẽ mang lại sự bình yên, phát đạt cho con người, mùa màng bội thu. Theo quan niệm, nếu phần lớn những phát cầu rơi vào hố phía trên (thượng) thì đó là điều tốt báo hiệu một năm mưa thuận gió hòa.

Trước mỗi trận vật cầu, các quân cầu sẽ được thiết đãi bằng một bàn tiệc rượu đầy dưa hấu đỏ cùng các loại trái cây khác, tuyệt đối không có thịt vì “quỷ thích ăn hoa quả”. Mỗi quân cầu uống 3 bát rượu, ăn dưa rồi xuống sân đấu. Vừa đi vừa hô vang thể hiện tinh thần thượng võ. Ngay khi quả cầu gỗ được đưa vào sân, trống lệnh vừa nổi lên, các quân cầu đồng loạt đứng chụm lại, nâng cầu qua đầu, tranh cầu trong tiếng reo hò đầy phần khích của khán giả. Chỉ được dùng tay chạm vào cầu, đội nào cũng có gắng dùng tay đẩy cầu về cho đồng đội mình.

Có những pha tranh cầu, cướp cầu gay cấn đến mức “bầy quỷ” 15 người sẵn sàng nâng cả quân cầu đang ôm cầu gỗ trong lòng lên chỉ để quân cầu mất trọng tâm, ngã xuống, cầu văng ra ngoài rồi đi tranh. Sân bùn trơn, các quân cầu thi nhau ngã, bóng rơi ra ngoài, nước bùn bắn tung tóe. Các quân cầu lúc này “trăm người như một”, mình ướt đẫm nước bùn dẻo sánh, nâu óng. Tiếng cười, la hét, huýt sáo, vang rền cả góc sân đền cùng những khuôn mặt khán giả lấm lem bùn.

Các quân cầu đuổi theo quả cầu hăng đến nỗi ngã đè, đổ rạp lên nhau như những quân bài domino, có những quân cầu mất đà “phi” thẳng lên hàng ghế của khán giả... Một người đàn ông trung niên phấn khởi quay sang phía người bạn bên cạnh: “Đi khắp cả nước cũng chưa thấy nơi nào vui như quê mình. Ở đâu có lễ hội vật bùn như ở Bắc Giang ta, tôi đi bằng tay”.

Trong trận đấu dài suốt 3 tiếng các quân cầu vẫn hừng hực khí thế chiến đấu trong tiếng trống rền, còn khán giả vỗ tay, hò hét không ngừng trước những pha đánh bóng đẹp mắt, lối chơi hết mình của các quân cầu. Dưới cái nắng như đổ lửa giữa tháng 5, chẳng ai biết mệt, mắt ai cũng mải miết theo trái cầu bay lên cao rồi rơi bụp xuống đất. Sau khi tìm ra đội thắng trận, cầu được rửa sạch, làm lễ tạ và cất vào hậu cung của Đền. Một mùa lễ hội khép lại.

Các quân cầu xếp hàng tạ Thánh rồi ra sông Cầu tắm gội. Người dân làng Vân tự hào vì có lễ hội vật cầu bùn hàng ngàn năm tuổi độc nhất vô nhị. Cụ bà Nguyễn Thị Thi (84 tuổi, xóm 1) chưa năm nào bỏ sót những trận cầu vui mắt, vui tai, bà ngâm nga khi chia tay mùa hội: “Tục truyền đã có từ lâu - Đánh cầu mở hội cùng là cầu mưa”. Trận cầu năm nay, đội Giáp Thượng thắng lớn, tích cầu hợp thuận báo hiệu một năm vụ mùa no ấm cho làng Vân, sự yên vui cho mọi nhà, nước thịnh dân an.

Các tin khác