Hội chứng smart...

Thuật ngữ smart (thông minh) đang tạo nên một cơn sốt khi nó được gắn liền với rất nhiều thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, tivi thông minh, máy điều hòa thông minh, máy giặt thông minh…

Thuật ngữ smart (thông minh) đang tạo nên một cơn sốt khi nó được gắn liền với rất nhiều thiết bị điện tử như điện thoại thông minh, tivi thông minh, máy điều hòa thông minh, máy giặt thông minh…

1. Anh bạn tôi, một doanh nhân đã ở tuổi ngoài 50, đùa rằng có lẽ mình là một trong số ít những người tụt hậu vì sở hữu ít thiết bị thông minh. Anh hiện đang sử dụng chiếc điện thoại Nokia thuộc hàng “cùi bắp”, máy tính xách tay tầm trung, chiếc xe hơi đủ để làm phương tiện đi lại, giao dịch.

Cũng may, anh còn có vợ làm chủ một trung tâm chăm sóc sắc đẹp “cứu” lại cái phần diện mạo nhờ những sản phẩm thông minh. Điện thoại thông minh hàng cao cấp chị sử dụng tạm không nói đến vì nó là của riêng chị. Trong nhà anh tràn ngập các sản phẩm thông minh từ tivi, máy giặt, lò vi sóng, máy điều hòa…

Thậm chí chiếc máy tính nhỏ nhỏ, hồng hồng dành cho đứa cháu ngoại của anh chị làm quen với chữ, số cũng là dòng máy tính thông minh. Anh bảo, không phải ngẫu nhiên mà dùng từ “cứu” lại diện mạo vì trong các buổi gặp gỡ, tiếp khách nếu chị không đi cùng anh tưởng như bị lạc vào thế giới khác.

Những doanh nhân như anh có khi có tới mấy chiếc điện thoại thông minh, máy tính bảng cũng trở nên quá tầm thường. Rồi câu chuyện của những nữ doanh nhân một hồi thế nào cũng bàn chuyện mua sắm, ngoài quần áo, nữ trang thì những thiết bị thông minh trong nhà cũng được các chị hết sức lưu tâm.

“Thôi thì có tiền, để cho công nghệ nó phục vụ mình là điều tất yếu. Nhưng sự thật đôi khi không hẳn như vậy” - giọng anh đôi chút mỉa mai. Anh cho biết, vợ anh có điện thoại thông minh nhưng cũng chỉ để nghe, gọi, nhắn tin, cao hơn là xem thời tiết chứ mấy chức năng khác chẳng mấy khi dùng.

Thử hỏi hệ điều hành Android cũng không biết. Rồi hôm vợ anh xăng xái mua lò vi sóng bảo là dòng thông minh, điều khiển bằng điện thoại có nhiều chức năng trong đó có cả chức năng nướng. Nhưng rồi nướng thử không ngon, anh lại phải mua thêm cái lò nướng.

Rồi anh đúc kết, dù không sở hữu nhiều sản phẩm thông minh nhưng gần 20 năm trên thương trường vẫn “sống khỏe”, nhất là lúc kinh tế khó khăn doanh nghiệp nhỏ và vừa của anh vẫn chạy tốt. Tất nhiên, anh không bảo thủ đến mức phủ nhận những tiện ích các sản phẩm thông minh mang lại cho cuộc sống, cho những doanh nhân bận rộn, nhất là những doanh nhân trẻ am hiểu công nghệ. “Đâu riêng gì thế giới, ngay tại Việt Nam, những tín đồ công nghệ, hoặc chỉ là một người thích được sở hữu công nghệ mới cũng sẵn sàng ăn chực, nằm chờ vài ngày để có trong tay chiếc iPhone 5 mới ra với giá khá đắt”.

2. Câu chuyện của anh khiến tôi nhớ về một ý trong bài phỏng vấn của Lê Hoàng trên cuốn tạp chí cuối tháng “Phỏng vấn chiếc điện thoại”.

Đại ý khi người phỏng vấn hỏi chiếc điện thoại: Anh là điện thoại của hãng nào? Hãng nào có quan trọng không, cứ gọi tôi là điện thoại thông minh - chiếc điện thoại trả lời. Đó chính là câu trả lời cho cuộc đua thông minh đang hết sức khốc liệt giữa các doanh nghiệp ngoại. Còn các doanh nghiệp Việt Nam thì sao?

Những dòng sản phẩm thông minh giúp gia tăng tiện ích cho người tiêu dùng. 

Những dòng sản phẩm thông minh giúp gia tăng tiện ích cho người tiêu dùng. 

Quay trở lại với anh bạn doanh nhân, trong những lý lẽ tưởng như mâu thuẫn ấy tôi thấy được cái điều anh muốn nói tại sao Việt Nam có rất nhiều doanh nhân “thông minh” nhưng chưa tạo ra được những sản phẩm “thông minh” có thể hình thành những cơn sốt tương tự.

Thực ra, hội chứng thông minh đâu chỉ có trong giới doanh nhân mà ngay cả từ những người tiêu dùng bình thường, học sinh, sinh viên, giáo viên. Gần đây, báo chí đăng thông tin “Tồn kho tăng cao vì… smartphone mùa tết”. Các nhà sản xuất smartphone nhận định Việt Nam vẫn là một thị trường rất tiềm năng cho dòng điện thoại này.

Dòng suy nghĩ miên man của tôi bị cắt ngang khi chợt nhớ, doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tung ra dòng sản phẩm thông minh đấy chứ. Đó là nhà vệ sinh thông minh của kỹ sư Phan Trí Dũng. Được truyền thông ca ngợi, bộ này, ngành nọ cấp bằng sáng chế nhưng chỉ “ăn tiền” ở thị trường nước ngoài (xuất khẩu sản phẩm đi một số quốc gia và rất được ưa chuộng vì giá rẻ), còn ở trong nước lại chưa mấy phổ biến.

Có ý kiến cho rằng, do tính đặc thù của sản phẩm và giá thành nên chỉ phù hợp với các công trình công cộng. Nhưng đến nay chẳng ai giải thích được vì sao nhiều địa phương chưa trích ngân sách đầu tư sản phẩm hữu ích này. Vậy là chất xám của Việt Nam đành để người nước ngoài sử dụng. Còn kỹ sư Dũng, anh cũng không còn lựa chọn nào khác khi ưu tiên cho xuất khẩu vì là chủ doanh nghiệp, anh cần có vốn để nuôi “đứa con” của mình.

3. “Hãy thử tưởng tượng một xã hội thông minh với toàn các sản phẩm của doanh nghiệp Việt Nam xem sao nhỉ” - anh bạn doanh nhân kéo tôi khỏi dòng suy nghĩ. Nào là vải áo quần thông minh Thái Tuấn có thể thay đổi nhiệt độ cơ thể theo thời tiết, kềm cắt móng thông minh Kềm Nghĩa có phần báo động cho người hay lơ đãng, chén bát thông minh Minh Long giúp phát hiện các chất độc trong thực phẩm… Nếu có thật có lẽ những sản phẩm ấy cũng sẽ tạo nên một cơn sốt thông minh “made in Vietnam”.

Sao không có sản phẩm của doanh nghiệp anh? - tôi hỏi lại. Tôi già rồi chắc không nghĩ nổi yếu tố thông minh cho sản phẩm của mình. Nếu thế những chủ doanh nghiệp mà anh nói đến ở trên cũng đâu còn trẻ. Phải chăng ý anh là mong đợi ở những thế hệ doanh nhân 8X, 9X những người được học tập trong điều kiện tốt hơn, được hỗ trợ nhiều hơn bởi chính những sản phẩm công nghệ hiện đại.

“Mà nói vui thôi, thời điểm này giữ cho doanh nghiệp không giải thể đã là giỏi lắm rồi” - anh cười hào sảng. Cái hội chứng smart kia vẫn cứ lan truyền, và sẽ còn là đề tài nóng cho nhiều câu chuyện. Riêng tôi chẳng có ý chê bai cái hội chứng này vì tôi cũng đồng tình các doanh nghiệp ngoại đã rất thành công khi tung ra các dòng sản phẩm thông minh phục vụ tốt hơn cho cuộc sống. Có chăng chỉ là gợi thêm một vài suy nghĩ mà thôi.

Các tin khác