Học lý thuyết, thi thực tế

Sau nhiều năm bị dư luận kêu ca về cách ra đề thi khô cứng và nặng nề, ngành giáo dục đã có những thay đổi đáng kể. Bắt đầu từ đề thi tốt nghiệp phổ thông trung học đến thi vào lớp 10 đều đòi hỏi học sinh những tư duy làm bài theo hướng mở. Kỳ thi tuyển sinh đại học - cao đẳng năm nay chắc chắn cũng cổ vũ sự chọn lựa này. Thế nhưng, khi giáo trình chỉ toàn lý thuyết nhưng bài thi lại đòi hỏi thực tế, liệu có gì chênh vênh?

Sau nhiều năm bị dư luận kêu ca về cách ra đề thi khô cứng và nặng nề, ngành giáo dục đã có những thay đổi đáng kể. Bắt đầu từ đề thi tốt nghiệp phổ thông trung học đến thi vào lớp 10 đều đòi hỏi học sinh những tư duy làm bài theo hướng mở. Kỳ thi tuyển sinh đại học - cao đẳng năm nay chắc chắn cũng cổ vũ sự chọn lựa này. Thế nhưng, khi giáo trình chỉ toàn lý thuyết nhưng bài thi lại đòi hỏi thực tế, liệu có gì chênh vênh?

Từ đề văn xúc động…

Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông niên khóa 2012-2013, thí sinh tỏ ra thích thú với đề thi môn văn, bởi lẽ một câu hỏi đã đề cập trực tiếp đến một tấm gương học sinh hy sinh vì người khác. Câu 2 ở phần thi chung cho tất cả thí sinh, yêu cầu: “Viết một đoạn văn ngắn (khoảng 400 từ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về hành động dũng cảm cứu người của học sinh Nguyễn Văn Nam”.

Những ai quan tâm đến thời sự xã hội đều biết chiều ngày 30-4, Nguyễn Văn Nam học sinh lớp 12 T7 Trường THPT Đô Lương 1, Nghệ An đã lao mình xuống dòng sông Lam để cứu 5 em học sinh lớp 9 và lớp 6 bị đuối nước. Khi đưa được em học sinh thứ năm lên bờ, Nguyễn Văn Nam kiệt sức và bị cuốn trôi.

Hành động cao thượng và nhân ái của Nguyễn Văn Nam đã khiến hàng triệu trái tim Việt Nam xúc động. Nếu may mắn vượt qua sự tàn độc của thủy thần, Nguyễn Văn Nam cũng tham dự kỳ thi hết cấp 3 lần này. Thế nhưng, em đã chia biệt mọi người thật âm thầm và thật lớn lao.

Đưa câu chuyện của Nguyễn Văn Nam vào đề thi, Bộ Giáo dục-Đào tạo đã góp phần nâng cao ý thức sống đẹp cho những bạn trẻ đang đứng trước ngưỡng cửa cuộc đời. Trong phòng thi ngỡ chừng rất căng thẳng và ngột ngạt, nhiều sĩ tử đã rưng rưng khi đặt bút viết về người bạn không còn nữa của mình. Hình ảnh nghĩa hiệp của Nguyễn Văn Nam chiều hôm ấy không chỉ được tái hiện trên giấy trắng bài thi mà còn len sâu vào tâm hồn những cô cậu tú tài tương lai.

Nhà trường cần tạo điều kiện cho các em tiếp xúc với thực tế hơn để làm được đề thi mở.

Nhà trường cần tạo điều kiện cho các em tiếp xúc với thực tế hơn để làm được đề thi mở. 

Ông Nguyễn Văn Điều, bố của Nguyễn Văn Nam, kể rằng sau buổi thi môn văn đã có rất nhiều cuộc điện thoại gọi đến cho ông để chia sẻ. "Sáng nay thi môn văn tốt nghiệp có câu hỏi nói đến Nam nhà mình”, câu nói ấy ngoài giá trị thông tin còn biểu lộ sự đền đáp và tri ân.

Khoảnh khắc đó, ông Nguyễn Văn Điều đã khóc “nén nỗi đau, tôi nghĩ đó là niềm tự hào về con trai, đó cũng là niềm an ủi lớn với gia đình khi được xã hội nhớ đến". Chúng ta không ai mong bất kỳ tai nạn thương tâm nào xảy ra với các em học sinh. Không ai có quyền nhẫn tâm mong thêm trường hợp Nguyễn Văn Nam khác. Mạng sống vô giá, mọi ngôn từ tôn vinh đều không có ý nghĩa gì để bù đắp được.

Đề thi môn văn năm nay tô thắm thêm hình tượng của Nguyễn Văn Nam, đồng thời như một lời nhắc nhở cộng đồng chung tay bảo vệ lứa tuổi học trò trước những hiểm họa luôn rình rập xung quanh. Tuy nhiên, hầu hết bài thi đạt điểm cao đều của các em học sinh vùng nông thôn. Lý do rất đơn giản: các em học sinh đô thị vốn chỉ quen thuộc con đường ồn ào xe cộ từ nhà đến trường, không thể nào hình dung được sóng nước của con sông khủng khiếp như thế nào để hiểu sâu sắc hành động phi thường của Nguyễn Văn Nam.

… Đến nhu cầu đào tạo

Đề mở có phải giải pháp tích cực để đổi mới phương pháp dạy và học? Đề mở cộng với đáp án mở có thể dễ dàng cho giáo viên chấm điểm, nhưng không hẳn đã hoàn toàn có ích cho học sinh. Thí dụ, đề môn văn kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 tại TPHCM, câu 3 (nghị luận xã hội) yêu cầu học sinh thông qua một câu chuyện để bày tỏ suy tư và sự cảm thông trước hoàn cảnh vượt khó của học sinh nghèo ở Quảng Ngãi.

Không ai bảo, đây là một đề thi không hay, nhưng hình như hơi mang tính đánh đố với học sinh. Thử hỏi, bao nhiêu em học sinh trung học cơ sở tại TPHCM đã có cơ hội đặt chân đến Quảng Ngãi? Khoảng cách địa lý 838km giữa TPHCM và Quảng Ngãi không chỉ tạo ra sự khác biệt về phong thổ, khí hậu mà còn khác biệt về tính cách con người, tập quán và thói quen sống. Muốn viết hay thì phải hiểu, chứ không thể thông qua trí tưởng tượng.

Với đề thi trên, không khó khăn để các em học sinh đưa ra cách làm bài kiểu khuôn sáo chung chung: “Từ câu chuyện của các bạn ở Quảng Ngãi, em đã rút ra bài học cho riêng mình, đó là trong mọi hoàn cảnh, dù khó khăn đến đâu cũng phải cố gắng vươn lên, cố gắng đi học và học thật tốt cho ba mẹ vui lòng. Ngoài ra, em tự thấy mình may mắn hơn các bạn ấy rất nhiều, em không được phép tiêu xài phung phí mà phải tiết kiệm, ít nhất tiết kiệm để tự mua đồ dùng học tập cho mình”.

Theo một vị tiến sĩ chuyên ngành, cách ra đề này khá khó vì: “Thí sinh có thể trình bày suy nghĩ về nhiều vấn đề, nhiều phương diện: cảm thông với hoàn cảnh lam lũ nghèo khổ của các học trò nghèo ở Quảng Ngãi, cảm phục trước tinh thần vượt khó, ham học của các bạn, cảm động trước tình yêu thương con và đức hy sinh của những người mẹ nghèo... Nhưng vì đề chỉ giới hạn trong khoảng một trang giấy thi nên thí sinh chỉ có thể trình bày được 1 hoặc 2 vấn đề. Như vậy, liệu có đáp ứng được yêu cầu của đề thi. Về câu hỏi này, thí sinh cũng rất băn khoăn sau khi ra khỏi phòng thi”.

Học phải đi đôi với hành, sự đúc kết ấy có từ ngàn xưa. Học một đằng thi một nẻo đã ít thu hoạch, học lý thuyết thi thực tế e rằng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Muốn có đề thi mở, đầu tiên phải có cách học mở. Nhà trường phải tạo điều kiện cho các em tiếp xúc với thực tế nhiều hơn nữa mới đáp ứng được sự tiến bộ từng ngày của xã hội hôm nay. Nếu từ thực trạng học lý thuyết - thi thực tế vẫn đạt điểm cao, mai kia chính các em học sinh sẽ xấu hổ khi bước vào đời.

Các tin khác