Hoang sơ cực Đông

Nếu như cực Nam Tổ quốc tại mũi Cà Mau, cực Tây tại xã Apachai, tỉnh Điện Biên, cực Bắc tại xã Lũng Cú, tỉnh Hà Giang đã quen thuộc thì cực Đông (trên đất liền) vẫn là một địa danh khá xa lạ. Và đây cũng là điểm cực gây ra nhiều tranh cãi nhất. Mũi Đại Lãnh (tỉnh Phú Yên) được chính thức công nhận cực Đông trên đất liền, điểm đón bình minh sớm nhất của nước ta. Nhưng đối với dân “phượt”, cực Đông mũi Đôi (thuộc bán đảo Hòn Gốm, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) mới là điểm đến đáng mơ ước.

Nếu như cực Nam Tổ quốc tại mũi Cà Mau, cực Tây tại xã Apachai, tỉnh Điện Biên, cực Bắc tại xã Lũng Cú, tỉnh Hà Giang đã quen thuộc thì cực Đông (trên đất liền) vẫn là một địa danh khá xa lạ. Và đây cũng là điểm cực gây ra nhiều tranh cãi nhất. Mũi Đại Lãnh (tỉnh Phú Yên) được chính thức công nhận cực Đông trên đất liền, điểm đón bình minh sớm nhất của nước ta. Nhưng đối với dân “phượt”, cực Đông mũi Đôi (thuộc bán đảo Hòn Gốm, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa) mới là điểm đến đáng mơ ước.

Nơi đón ánh nắng đầu tiên

Theo tư liệu, mũi Điện (hay còn gọi mũi Đại Lãnh, nơi có ngọn hải đăng Đại Lãnh nổi tiếng) do một người Pháp tên là Varella phát hiện vào thế kỷ 19, nên mang tên Cap Varella (mũi Varella). Đây được công nhận là nơi đầu tiên của nước ta đón ánh bình minh. Trong khi mũi Đôi - nơi những người mê chinh phục đã đặt dấu mốc tọa độ cực Đông trên đất liền, xác nhận đây mới là điểm đón ánh nắng đầu tiên của Tổ quốc.

Theo máy định vị cá nhân của những nhà “thám hiểm” không chuyên, mũi Đôi nằm ở kinh độ 109027’42” Đông, vĩ độ 12038’51” Bắc, còn mũi Điện có kinh độ 109027’06’’ Đông và 12053’48’’ Bắc. Như vậy, mũi Đôi đón ánh bình minh sớm hơn mũi Điện chừng 36 giây. Qua nhiều lần kiểm nghiệm và được xác nhận, mặc dù chưa được công nhận, nhưng với những người mê chinh phục khám phá, mũi Đôi là cực Đông mà họ muốn tới.

Ngôi nhà của vợ chồng ông Hai Châu đã trở thành điểm dừng chân của hàng trăm bạn trẻ. 

Ngôi nhà của vợ chồng ông Hai Châu đã trở thành điểm dừng chân của hàng trăm bạn trẻ. 

Không dễ dàng như đường đến mũi Điện hay 3 điểm cực còn lại của Tổ quốc, đến được mũi Đôi phải trải qua hành trình cam go, cực nhọc, với bao mồ hôi, nước mắt, thậm chí là câu chuyện buồn về một cô gái mãi mãi nằm lại trên hành trình chinh phục. Lúc trước, để đi vào mũi Đôi, du khách chỉ có lựa chọn duy nhất là đi bộ từ ngã ba Đầm Môn.

Vài năm gần đây, từ Đầm Môn đã có một con đường mòn có thể đi xe máy được. Nhưng việc đi lại vất vả vô cùng vì đường chìm dưới cát, vừa đi xe, vừa lội bộ, vừa phải khênh xe vượt qua những đồi cát dài bất tận. Nếu đi vào mùa hè đoạn đường này không khác một chảo lửa khổng lồ, trên mặt trời, dưới cát bỏng, không một bóng cây, thách thức sức bền bất cứ ai, chưa kể những đợt “sóng cát” quất thẳng vào mặt.

Từ đây bắt đầu 8km đi bộ xuyên rừng trên những con đường mòn đầy lá mục, vượt qua những con dốc cao, những trảng cát bỏng rát và cuối cùng lần theo những tảng đá sừng sững dọc biển, cảnh giác với từng con sóng đập ầm ầm vào vách đá để chạm đến điểm cực đã được đánh dấu bằng một chóp inox nhỏ bé nằm kiêu hãnh giữa bao la biển trời.

Chóp inox đặt tại điểm cực Đông mũi Đôi vào ngày 4-8-2012 được gắn vào nền đá granit do các bạn trẻ thuộc Hội Leo Núi chung tay. Biển cả sẽ tiếp tục thách thức những ai kiên gan muốn đặt nụ hôn lên điểm mốc này bởi không thể trèo lên tảng đá nằm chơ vơ giữa bốn bề sóng vỗ những ngày biển động. Với những ai ưa chinh phục, có thể chọn đường khác đi vòng ra bờ biển, trèo qua vách đá cheo leo lần đường ra mũi Đôi.

Cung đường này cực kỳ vất vả, đòi hỏi người đi phải có sức bền và kinh nghiệm leo núi. Cũng có một cách khác, nhẹ nhàng hơn là thuê thuyền từ làng chài Đầm Môn với giá 3 triệu đồng/chuyến nhưng cũng không thể thực hiện vào những ngày biển động, sóng to.

Robinson ở cực Đông

Những ai đã từng đặt chân đến Cực Đông không thể không nhắc đến 2 cái tên quen thuộc: ông Hai Châu và ông Ba Thanh, mà các bạn trẻ vẫn trìu mến gọi “chú Hai” và “chú Ba”. Từ nhiều năm nay, họ đã trở thành một phần không thể tách rời của cực Đông. Đằng sau gương mặt xạm đen vì nắng gió là những câu chuyện cuộc đời chìm nổi.

Ông Ba Thanh là người đầu tiên dẫn người đi bằng đường bộ ra đến cực Đông. Từng là chủ đàn bò hơn 70 con, rồi làm nghề tìm trầm, chặt gỗ phá rừng đốt than mang bán, ông Ba lui vào đây sinh sống đánh cá, câu mực đêm, bẫy dông và bảo vệ rừng như một cách trả nợ những năm tháng tàn phá thiên nhiên. Còn nghề dẫn đường ông mới chỉ kiêm nhiệm vài ba năm lại đây.

Những chuyến đi đầu tiên vừa phải băng rừng mở đường, vừa lần mò tìm hướng, đi cả ngày mới đến nơi. Đến giờ, ông Thanh không nhớ mình đã dẫn bao nhiêu đoàn, chỉ biết ngôi nhà bé nhỏ nằm cạnh bãi Cỏ Ống đã tiếp đón rất nhiều bàn chân đến từ mọi miền Tổ quốc.

Không có thâm niên như ông Ba, ông Hai Châu chỉ mới định cư ở cực Đông 9 năm. Từng là chủ tàu chở khách du lịch ở Phú Yên, vỡ nợ, ông vác ba lô đi biệt xứ, bỏ mặc vợ với đàn con thơ. Thế rồi duyên trời run rủi ông dừng chân ở mảnh đất tận cùng này, dựng lều, ăn ngủ cùng sóng biển.

Và biển đã không phụ người có tâm. Những đợt sóng vỗ ngày đêm vào bờ cát, ngoài mang đến nguồn hải sản dồi dào còn mang theo những đồ vật từ đại dương mà mỗi vụ “đi lượm không những đủ sống mà còn có tiền nuôi con ăn học”.

Thế rồi vợ chồng ông quyết dựng lều ở lại. “Ở đây khổ cực lắm, nắng nóng, mỗi lần có bão lại thót tim vì gió mạnh khủng khiếp, mỗi lần muốn ăn thịt, phải điện ra ngoài Đầm Môn” - ông Hai Châu tâm sự. 9 năm ở cực Đông, từ một vùng cát bỏng, khu vườn của ông bà đã trở thành một ốc đảo xanh tươi với sum suê cây trái.

Những cây chanh, mãng cầu, cam… ra trái như trả ơn cho những tháng ngày miệt mài đổ mồ hôi của đôi vợ chồng già. Nhưng phần thưởng lớn nhất đối với ông bà là những bức ảnh của các đoàn ông đã dẫn dự định sẽ “phóng to rồi treo khắp nhà”, là những bạn trẻ sau một lần đi lạc được ông không quản ngại khó khăn cứu giúp, khi về tuần nào cũng gọi điện hỏi thăm, gửi thuốc men hay mỗi kỳ nghỉ lại về thăm ông bà như người thân trong gia đình.

Ông Hai mơ ước gây dựng ngôi nhà của mình thành một nơi nghỉ chân thoải mái để những người đi khám phá cực Đông đỡ khổ. Vào mùa đông sẽ có trái cây ăn, mùa hè đi lặn biển ngắm san hô, bắt mực, bắt nhum về nướng ăn. Đối với ông Ba, ông Hai, mảnh đất này không chỉ là nơi ở, mà còn là ân tình, là nghĩa nặng mà họ muốn gắn bó cả cuộc đời để giữ gìn và khiến nó thêm tốt tươi.

Các tin khác