Hoa hậu đâu chỉ cần nhan sắc

Hoa hậu Diễm Hương.
Hoa hậu Diễm Hương. 

Hoa hậu Diễm Hương. 

Với chiếc vương miện từ cuộc thi Hoa hậu Thế giới Người Việt 2010, Diễm Hương được cử làm đại diện Việt Nam tham dự Hoa hậu Hoàn Vũ 2012 cũng không có gì đáng băn khoăn. Tuy nhiên, sau thất bại của Á hậu Hoàng Anh tại cuộc thi Hoa hậu Trái Đất 2012, ít ai dám hy vọng Diễm Hương gặt hái gì từ sân chơi quá sức này.

Các người đẹp Việt Nam không còn mặc cảm về thước tấc nữa. Chiều cao của các Hoa hậu như Thanh Hằng, Ngô Phương Lan hoặc Ngọc Hân đều xứng danh chân dài miên man. Thế nhưng khi ứng thí cùng thiên hạ ngay lập tức nhiều hoa hậu đại diện cho Việt Nam đã bộc lộ sự vụng về và ngây ngô. Điểm yếu ấy phần nhiều do nền tảng đào tạo. Nếu tạm vượt qua được rào cản ngoại ngữ, hầu hết người đẹp của chúng ta đều lơ ngơ khi thể hiện bản thân ở các phần thi năng khiếu và ứng xử. Nói đến năng khiếu, có thể biện minh do… Thượng Đế bất công, đành gác sang một bên. Còn phần thi ứng xử luôn có ý nghĩa phơi bày kiến thức và bản lĩnh của mỗi thí sinh, không thể đổ thừa cho ai được. Nếu so với các câu trả lời của những thí sinh khác, sẽ thấy hàm lượng thông tin cũng như hàm lượng chất xám của người đẹp nước ta khá thấp (đấy là chưa nói một câu trả lời muốn chinh phục ban giám khảo phải bộc lộ sự thông minh và hóm hỉnh).

Trong clip phỏng vấn ngắn cho cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ, khi được hỏi: "Nếu mai là ngày tận thế, bạn sẽ làm điều gì điên khùng?". Hoa hậu Diễm Hương trả lời: "Một ngày trước khi tận thế, tôi muốn trở thành tên cướp, đến ngân hàng vơ vét sạch tiền rồi cho người nghèo, để họ có thể thành người giàu dù chỉ trong một ngày". Mới nghe qua, ngỡ đấy là câu trả lời có cá tính, nhưng thực ra Diễm Hương lại hoàn toàn lạc đề. Đã làm điều điên khùng thì không thể giải thích và không cần giải thích. Đằng này, người đẹp tranh thủ phô diễn cảm hứng giúp đỡ người nghèo một cách hồn nhiên. Mục đích của câu hỏi này nhằm khai thác khả năng hài hước ở thí sinh, nhưng Diễm Hương lại tỏ ra cực kỳ nghiêm túc giãi bày ước mong nghĩa hiệp kiểu… Lương Sơn Bạc. Không thể đánh lận điều điên khùng và điều phạm pháp, bởi nếu tận thế xảy ra thật, chẳng ngân hàng nào còn mở cửa cho mỹ nhân trổ tài đạo tặc và cũng chẳng người nghèo nào cần tấm lòng hỉ xả ban phát tiền bạc nữa.

Từ trường hợp của Diễm Hương ở cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ 2012, càng khiến những người tha thiết với việc xây dựng hình ảnh người Việt Nam hiện đại có đẳng cấp “công dân toàn cầu” phải ưu tư nhiều hơn. Phương pháp giáo dục áp đặt khô cứng của chúng ta ngay trong các bậc học phổ thông đã triệt tiêu mọi tiềm chất thăng hoa sáng tạo cá nhân. Thông qua những phần thi ứng xử luôn khiến giám khảo và khán giả hồi hộp đứng tim tại các cuộc thi nhan sắc diễn ra khắp nước ta hàng chục năm nay, ít nhiều phản ánh người Việt đang rất hạn chế khả năng phát biểu trước đám đông. Chúng ta quen thói nói gì cũng cầm giấy và cúi gằm mặt xuống đọc từng chữ. Các hoa hậu chính là minh chứng cụ thể nhất cho quá trình thiếu khả năng suy nghĩ độc lập. Suy nghĩ nương dựa vào người khác thì nói năng phải ngập ngừng thôi. Tuy hơi cay nghiệt nhưng phải sòng phẳng nhắc nhau rằng: các người đẹp Việt Nam chỉ diễn đạt tương đối trôi chảy khi được “mớm” trước câu trả lời để học thuộc lòng.

Chúng ta không trách Diễm Hương hay các hoa hậu khác. Lỗi chia đều cho mọi người trong chúng ta. Nếu muốn Hoa hậu Việt Nam có vị trí cao hơn nữa, thì trang bị ngoại ngữ vẫn chưa đủ. Tương lai Hoa hậu Việt Nam phải có bản lĩnh của một người thanh lịch, biết chơi một loại nhạc cụ nào đó, múa một vũ điệu truyền thống của dân tộc, biết kể một câu chuyện duyên dáng… Những điều đó ở đâu ra? Tất nhiên, không thể trông cậy vào những khóa đào tạo cấp tốc dăm bữa nửa tháng. Cái đẹp phải được bồi đắp một cách bền bỉ mới có sức lay động và cảm hóa người khác.

Trong thời hội nhập, Việt Nam cử đại diện đi ứng thí các cuộc thi nhan sắc quốc tế như một lời cam kết mạnh mẽ ủng hộ những cô gái có vẻ đẹp hiện đại. Không thể “van em, em hãy giữ nguyên quê mùa” để bước ra thế giới. Tuy nhiên, ngoài chiếc áo dài nền nã để mỗi bước đi toát ra cốt cách người Việt, các hoa hậu chúng ta có gì để tỏa sáng với thế giới? Một cái đẹp trơn tuột cảm giác thẩm mỹ đã đáng lo, mà một cái đẹp không đồng hành với trí tuệ còn đáng lo hơn.

Đôi khi danh hiệu giúp con người tỏa sáng, như một sản phẩm gắn thêm một thương hiệu đắt giá. Có thể bình thường chúng ta không chủ tâm chiêm ngưỡng cô gái đứng trước mặt, nhưng khi biết cô ấy là Hoa hậu hoặc Á hậu buộc chúng ta huy động tất cả cảm xúc để tiếp cận một vẻ đẹp. Và từ sự chăm chú ấy, từ sự ngưỡng mộ ấy rất dễ phát hiện ra vài điều chưa ổn lắm ở các mỹ nhân nước nhà. Thực tế cho thấy một sự thật bẽ bàng, nhiều cô gái vừa đăng quang Hoa hậu đã để lộ học bạ với điểm số không lấy gì làm hãnh diện.

Sẽ hơi lạc quan tếu, nếu chúng ta cho rằng nhan sắc Việt Nam đã có tên trên bản đồ thế giới dựa vào vài thành tích nho nhỏ của Nguyễn Thị Huyền hay Mai Phương Thúy. Phải nói thẳng rằng chúng ta đang phí phạm danh hiệu Hoa hậu như phí phạm nhiều thứ tài sản khác của đất nước. Chúng ta phải nghiêm túc đặt câu hỏi về hoa hậu tương đương những thắc mắc khác, như chúng ta có nhiều học sinh đoạt giải quốc tế đi đâu cả rồi, có nhiều di sản văn hóa sao cứ để mai một dần, có nhiều danh lam thắng cảnh sao chưa thành thiên đường du lịch?

Chúng ta đã có quy chế về tổ chức thi hoa hậu một cách bài bản, nhưng vẫn phập phồng khi có thêm một gương mặt đăng quang và tham dự các cuộc thi cùng bè bạn 5 châu. Đành rằng, mỗi cuộc thi Hoa hậu tôn vinh một vài cô gái có dung mạo vượt trội, đưa nhan sắc thầm lặng ra ánh sáng, giúp con phố bất chợt nào đó hiện diện thêm một nét lung linh, nhưng cái đẹp không có phép thuật cứu rỗi bất kỳ ai nếu chỉ có giá trị bề ngoài.

Các tin khác