“Hạt sạn” giao thông

Đường phố Hà Nội, đêm ngày nườm nượp các loại phương tiện giao thông xuôi ngược, dọc ngang như mắc cửi. Chứng kiến biết bao cảnh lộn xộn, chen lấn, xô đẩy, ách tắc… nảy sinh từ những người điều khiển các phương tiện giao thông trên đường, hẳn mỗi người có những suy nghĩ khác nhau. Trong đó có không ít người tỏ nỗi buồn phiền, ngao ngán, bất bình về một số người ý thức văn hóa giao thông quá kém.

Đường phố Hà Nội, đêm ngày nườm nượp các loại phương tiện giao thông xuôi ngược, dọc ngang như mắc cửi. Chứng kiến biết bao cảnh lộn xộn, chen lấn, xô đẩy, ách tắc… nảy sinh từ những người điều khiển các phương tiện giao thông trên đường, hẳn mỗi người có những suy nghĩ khác nhau. Trong đó có không ít người tỏ nỗi buồn phiền, ngao ngán, bất bình về một số người ý thức văn hóa giao thông quá kém.

1. Lâu nay, xe đi ngoài đường ở các thành phố cứ như châu chấu vào mùa gặt. Có ai sắm xe mà không biết đi xe, không những vậy, còn đi thiện nghệ nữa chứ. Nhưng thử hỏi, trong số người có bằng lái xe máy liệu có bao nhiêu phần trăm nắm được - dù chỉ gói gọn trong 100 câu hỏi giải đáp - Luật Giao thông đường bộ?

Không ai trả lời được chính xác. Song, có một điều dám khẳng định: Không ít người cầm bằng lái xe nhưng hiểu còn rất lơ mơ về luật (chỉ là 100 câu hỏi). Nhiều người đặt câu hỏi: Vì sao có những người, khi thi lấy bằng xe máy, dù không thông hiểu họ vẫn cứ đỗ?

Xin quả quyết rằng có không ít người đi thi theo cái lối “học giả, bằng thật”! Không ít người kêu ca cả trăm câu hỏi loằng ngoằng, không ai nhớ nổi… Đến thầy giảng ở lớp mấy buổi liền cũng chỉ “đá” nổi vài chục câu, huống hồ người học?

Bước vào thi thật, có cả trăm đường khó (xét trên góc độ thực chất). Người này trượt lý thuyết, người kia hỏng thực hành. Ở khâu thi lý thuyết mới thật “rôm rả”. Vì không học, không nghiên cứu, không trắc nghiệm nên mỗi người một kiểu quay cóp: “phao”, nhờ thầy, liếc trộm…

Có vị còn mang theo cả cuốn “Các câu hỏi và giải đáp về Luật Giao thông đường bộ” với hy vọng quay cóp được. Cá biệt, có thí sinh dúi vào tay thầy vài trăm nghìn đồng, thầy “giải cứu” bằng cách đọc lần lượt từng câu trả lời đúng, thí sinh chỉ việc điền vào!

Chỉ riêng xe máy chạy trên đường đã như đàn kiến vỡ tổ bò ngang, bò dọc. Giá như, những người điều khiển chúng đều thấy cần thiết phải có giấy phép lái xe bằng con đường thi cử nghiêm túc, họ sẽ nắm và hiểu được luật lệ giao thông.

Có kiến thức, nhận thức đầy đủ về lĩnh vực này, ắt sẽ có suy nghĩ đúng, hành động đúng, hoặc ít ra sẽ hạn chế được rất nhiều hậu quả tai nạn giao thông. Ngoại trừ những kẻ cố tình vi phạm luật lệ giao thông, những người thiếu hiểu biết này cũng dễ vi phạm luật lệ, làm mất an toàn cho chính tính mạng mình và người khác.

Giao thông hỗn loạn trên đường phố Hà Nội. Ảnh: LÃ ANH 

Giao thông hỗn loạn trên đường phố Hà Nội. Ảnh: LÃ ANH

2. Nhiều năm tham gia giao thông trên khắp đường phố Hà Nội, tôi chứng kiến những cảnh đổi thay không ngừng. Đường phố mỗi ngày được tu bổ, sửa sang, mở rộng, làm mới… Thành phố đã có những nỗ lực vượt bậc nhằm mục đích làm đường thông, hè thoáng, giải quyết từng bước tình trạng ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, giảm thiểu tai nạn.

Nhưng, như bao người khác, trong tâm trí tôi luôn thường trực những cảnh tượng thiếu văn minh, thiếu ứng xử văn hóa trong giao thông. Bao giờ văn hóa giao thông mới được thể hiện qua cách ứng xử văn minh, đúng luật từ chính con người, trong đó có những con người đất Thăng Long - Kẻ Chợ - Tràng An - Hà Nội?

Một vị giáo sư đã có những chuyến công tác sang Nhật Bản, nghiên cứu nhiều công trình về lĩnh vực giao thông quốc gia này, kể lại một câu chuyện, đại ý: “Những năm 1960, giao thông tại các thành phố lớn bên đó còn khá lộn xộn. Các phương tiện tham gia giao thông là xe máy chiếm phần lớn nên gây ách tắc, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, tai nạn xảy ra thường xuyên… Bây giờ họ là nước công nghiệp phát triển, giao thông có quy củ, khoa học, hiện đại”.

Vậy sao chúng ta không chiếu theo quy luật đó “gán” cho Việt Nam, chắc cũng mở ra những hy vọng: độ 10-15 năm sau chúng ta sẽ giải quyết căn bản các vấn nạn giao thông?

Tôi đã tận mắt chứng kiến, không phải chỉ ở những vùng ven, những đường phố ít được cảnh sát giao thông “dòm ngó”,  mà ngay cả tuyến đường Phan Đình Phùng - khu vực được coi là “cấm” khá nghiêm ngặt - xe đạp thồ cõng trên lưng hàng núi than tổ ong, nghễu nghến đạp trên đường, len lỏi cùng hàng trăm phương tiện khác, trông khiếp.

Nhưng còn chưa kinh hoàng bằng việc người ta cắp dọc xe “cào cào” một lượng sắt, gỗ, mía cây… rõ dài và nặng, máy cứ nổ phành phạch trên đường, "hiên ngang" qua các ngã tư đèn đang báo đỏ. Có trường hợp, xe chất đống hàng cồng kềnh chẳng khác nào con kiến cõng củ khoai trên lưng, phía trên người lái còn “xếp” thêm một phụ nữ và họ cứ thản nhiên phóng ẩu, bạt mạng trên đường phố.

Không ít trường hợp xe máy chở 3, 4 người đầu không mũ bảo hiểm, rú ga chạy như xé vải trên đường, để lại luồng khói đen kịt phía sau và nỗi hoảng sợ của người tham gia giao thông. Có lắm người lượn lách như xiếc trước mặt cảnh sát giao thông. Cảnh xe máy, nhất là xe đạp đi thong dong hàng đôi, hàng ba trên đường diễn ra thường xuyên.

Tại nhiều ngã tư, ngã năm, ngó trước ngó sau, hễ không thấy bóng dáng cảnh sát giao thông, một số người sẵn sàng lao qua đèn đỏ!

Vì sao có những trường hợp ngang nhiên phạm luật diễn ra sờ sờ trước mắt mọi người, ai cũng thấy, nhưng cảnh sát giao thông lại không? Hay có thấy mà… cho qua?

3. Hàng ngày đến công sở, tôi thường qua lối rẽ đoạn từ đường Hoàng Quốc Việt, qua Nghĩa Đô vòng lên đường Lạc Long Quân, thấy cái biển “cấm họp chợ” rõ to treo trước cổng UBND phường Nghĩa Đô - Trường Mầm non Nghĩa Đô. Nhưng cấm cứ cấm, chợ cứ họp! Việc này diễn ra nhiều năm qua, gây ách tắc giao thông như cơm bữa… Thỉnh thoảng thấy có vài người đeo băng đỏ ra dẹp, nhưng rồi lại… đâu vào đấy!

Trên tuyến đường Hoàng Quốc Việt, đâu đó vẫn xảy ra những biểu hiện tiêu cực hay chống đối. Dưới lòng đường, trên vỉa hè, toàn bộ khu vực tòa nhà cao trọc trời, bên cạnh trụ sở Thời báo Kinh tế Việt Nam, từ lâu đã trở thành bãi đỗ xe các loại, gây cản trở giao thông nghiêm trọng.

Hai bên vỉa hè, mặc dù hàng quán dựng trái phép đã được dỡ bỏ, nhưng nhiều người vẫn không tự giác chấp hành, “trông trước, ngó sau”, hễ không thấy người thi hành pháp luật, lại dựng vội mui bạt bày bán hàng. Trên đường, thi thoảng lại có xe chở cát, sỏi, đất đá rơi vung vãi. Đường rộng, dài, hễ vắng bóng cảnh sát giao thông thì mấy gã “tài tử” phóng xe máy lại “trổ tài” lượn lách, đánh võng ghê người…

Đi trên đường Láng vào các buổi chiều giờ cao điểm, tôi thường xuyên bắt gặp nào là hàng giày dép; nào là hàng ăn uống và nhiều thứ hoa quả khác bày bán la liệt trên vỉa hè. Trớ trêu thay, những hàng quán này lại được bày bán ngay… trước mặt cảnh sát giao thông!

Khó có thể nêu hết những hiện tượng tiêu cực liên quan tới giao thông - đang hàng ngày, hàng giờ diễn ra trên đường phố thủ đô.

Các tin khác