Hạnh phúc là gì?

Nếu như tháng 6 này không ít người trong chúng ta vui mừng khi Việt Nam được Quỹ Kinh tế mới (NEF), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Anh, công bố là quốc gia hạnh phúc thứ 2 trên thế giới thì người dân quốc đảo Sư Tử trước đó cũng hân hoan không kém khi được Liên hiệp quốc (LHQ) đánh giá là quốc gia hạnh phúc nhất châu Á.

Nếu như tháng 6 này không ít người trong chúng ta vui mừng khi Việt Nam được Quỹ Kinh tế mới (NEF), một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Anh, công bố là quốc gia hạnh phúc thứ 2 trên thế giới thì người dân quốc đảo Sư Tử trước đó cũng hân hoan không kém khi được Liên hiệp quốc (LHQ) đánh giá là quốc gia hạnh phúc nhất châu Á.

Lằn ranh hạnh phúc mong manh

Khác với cách đánh giá của NEF chỉ dựa vào mức độ hài lòng cuộc sống, tuổi thọ trung bình và môi trường sinh thái, bảng xếp hạng của LHQ có vẻ đầy đủ và toàn diện hơn với nhiều tiêu chí hạnh phúc liên quan đến thu nhập, giáo dục, y tế, tuổi thọ, kinh tế, bình đẳng giới và phát triển bền vững.

Theo bảng tổng sắp toàn cầu, Singapore đứng thứ 33 còn Việt Nam đứng thứ 46. Và nếu đúng như thế, phải chăng người Việt chúng ta kém hạnh phúc hơn người Singapore?

Trong chương 3 của báo cáo về hạnh phúc dày 170 trang, các chuyên gia của LHQ đã đưa ra các nguyên nhân giúp con người hạnh phúc, trong đó có những yếu tố bên ngoài (external factors) như thu nhập, việc làm, vốn xã hội và tôn giáo, giá trị tinh thần hay tâm linh và những đặc tính cá nhân (personal features) như sức khỏe thể chất và tinh thần, trải nghiệm gia đình, giáo dục, giới tính và tuổi tác.

Những tiêu chí này cũng tương đối dễ hiểu. Thí dụ, những ai kiếm được nhiều tiền thường cảm thấy hạnh phúc hơn người ít tiền. Tuy nhiên, qua một ngưỡng nào đó, thu nhập cao hơn lại không tương xứng với mức độ thỏa mãn của con người trong cuộc sống. Trên thực tế, những người hay so đo thu nhập của mình với người khác lại chẳng mấy hạnh phúc.

Lấy trường hợp cụ thể của Việt Nam, nếu so với cách đây 5-10 năm, thu nhập của một bộ phận người dân tăng cao, có chắc những người này hạnh phúc hơn trước đây không? Việc làm, thất nghiệp cũng ảnh hưởng đến thu nhập và làm cho người ta không hạnh phúc.

Ngay cả ở những quốc gia phát triển có chế độ trợ cấp thất nghiệp, người không có việc làm cũng mất vị trí trong xã hội và lòng tự trọng bị tổn thương. Tuy nhiên, theo các chuyên gia LHQ, có công ăn việc làm cũng chưa chắc làm cho nhiều người hạnh phúc nếu công việc này bấp bênh, thiếu an toàn, môi trường làm việc không tốt, lệ thuộc vào người khác và thiếu tính chủ động sáng tạo, không thỏa mãn trong công việc.

Yếu tố kế tiếp cần phải kể là vốn xã hội, theo đó người ta có thể dựa vào sự hỗ trợ của những người khác như người thân, bạn bè, cộng đồng, xã hội khi gặp hoạn nạn. Về mặt này, báo cáo cũng nhấn mạnh đến tầm quan trọng của lòng tin không những của con người đối với nhau mà còn đối với pháp luật và thể chế.

Xã hội có công bằng không, chênh lệch giàu nghèo có quá lớn không, con người có tôn trọng nhau và cơ hội dành cho tất cả mọi người như nhau hay không để họ cảm thấy tự do và làm chủ được vận mệnh của mình.

Ngoài ra, tôn giáo là những giá trị tâm linh cũng tác động tích cực đối với hạnh phúc vì làm cho con người hướng đến những mục tiêu cao cả, cảm thấy cuộc sống của mình có ý nghĩa. Có những người không theo tôn giáo nào nhưng có ý  nguyện tốt, phục vụ cộng đồng và xã hội cũng cảm thấy tự hào về bản thân và hạnh phúc.

Yếu tố nền tảng nội tại

Nói đến những đặc tính cá nhân, sức khỏe tinh thần có ảnh hưởng rất lớn đến hạnh phúc của con người. Băn khoăn, lo lắng, phiền muộn… là những cảm xúc làm con người kém hạnh phúc. Không kể những người bị bệnh tâm thần, nếu bạn ở trong trạng thái tâm lý tiêu cực thường xuyên sẽ làm giảm sút năng suất lao động và những người xung quanh cảm thấy mệt mỏi, chán chường.

Còn nữa, những người có thể trạng yếu, đau ốm liên miên khó có hạnh phúc. Những bệnh nhân mãn tính như tiểu đường dễ bị trầm cảm và ngược lại thái độ tâm lý tiêu cực cũng ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất. Nhiều nghiên cứu cũng cho thấy những người hạnh phúc thường ít bị cảm cúm và nếu có cũng nhanh chóng vượt qua.

Hạnh phúc gia đình giúp mọi người khỏe mạnh và tuổi thọ cao hơn. 

Hạnh phúc gia đình giúp mọi người khỏe mạnh và tuổi thọ cao hơn. 

Có gia đình, sống độc thân, ly hôn hay góa bụa cũng là những yếu tố liên quan đến hạnh phúc. Nói chung, người có gia đình thường hạnh phúc hơn người độc thân và có tuổi thọ cao hơn. Nhưng cũng không hoàn toàn như thế vì những người đổ vỡ trong cuộc sống hôn nhân lại đau khổ hơn những người sống độc thân.

Người phụ nữ độc thân thường hơn đàn ông độc thân về mức độ hạnh phúc, thăng tiến nghề nghiệp và tuổi thọ. Nghiên cứu cho thấy tỷ lệ phụ nữ đau ốm nhiều hơn nhưng họ luôn chủ động tìm bác sĩ hơn, trong khi đàn ông luôn tìm cách che dấu vấn đề của mình và giải quyết tiêu cực như rượu, bia hay bạo lực.

Một đặc tính cá nhân khác ảnh hưởng gián tiếp đến hạnh phúc là giáo dục. Trình độ học vấn cao với các kỹ năng nghề nghiệp phù hợp sẽ cho con người nhiều cơ hội việc làm và năng động thích ứng với những thay đổi thời cuộc trong xã hội.

Khả năng làm chủ bản thân và xử lý công việc độc lập cũng là những yếu tố bổ sung làm con người hạnh phúc. Một điều lý thú khác là hạnh phúc không giảm khi tuổi càng cao. Nghiên cứu cho thấy mức độ thỏa mãn của con người đi theo đồ thị hình chữ U, với mức thấp nhất trong độ tuổi 40-50 và sau đó lại gia tăng.

Theo các chuyên gia, có thể những người tuổi trung niên lúc này đã ổn định toàn diện về tâm sinh lý và nơi ăn chốn ở, gia đình. Tuy nhiên, đáy của mức độ thỏa mãn cũng là thời điểm họ gặp căng thẳng hơn khi phải xử lý những vấn đề về sự nghiệp, nuôi dạy con cái, tích lũy nhiều hơn và trả tiền nợ thuê mua nhà.

Niềm hạnh phúc và thỏa mãn của những người sau độ tuổi 50 không nhất thiết do thu nhập cao hay gia đình ổn định hơn mà do họ đã khôn ngoan, chín chắn, thực tế và ít khát vọng hơn. Lẽ đương nhiên, độ tuổi 70-80 là chu kỳ sức khỏe khác và người ta thường nói là ai tránh được mệnh trời…

Vài dòng chia sẻ về những tiêu chí hạnh phúc, tôi không rõ các bạn sẽ nghiêng theo “trường phái” hạnh phúc nào để đua tranh với người Singapore hay các quốc gia khác. Nhưng tôi tin rằng người dân của những quốc gia hạnh phúc sẽ chẳng bao giờ quan tâm đến việc so sánh hơn thua xem ai hạnh phúc hơn.

Đó là những quốc gia mà người dân được học hành tử tế, có cơ hội làm việc và thăng tiến nghề nghiệp bình đẳng, môi trường sinh sống lành mạnh, tham nhũng thấp, thể chế chính trị, luật pháp rõ ràng, minh bạch. Lãnh đạo của những quốc gia hạnh phúc là những người có đức, có tài, luôn ưu tư về sự phát triển thịnh vượng và bền vững của đất nước.

Những xếp hạng về hạnh phúc như thế này là cái cớ để họ xem xét và điều chỉnh lại chiến lược phát triển, đặt người dân của họ lên vị trí trung tâm. Và tất cả những mục tiêu kinh tế - xã hội có thành công đến đâu cũng là vô nghĩa nếu người dân cảm thấy không hài lòng, thỏa mãn hay hạnh phúc.

Singapore, tháng 6-2012

Các tin khác