Hàng "xôn", hàng dỏm xuống đường

Những ngày cuối năm quần áo, giày dép tồn kho đua nhau xuống lề đường. Tạo nên một thị trường giá rẻ sôi động, thu hút không ít khách hàng là những người thu nhập thấp. Nhưng “tiền nào của nấy”, nhiều người mua về nhà mới biết mình bị hớ, có những chiếc áo mới giặt qua vài lần phải bỏ.

Những ngày cuối năm quần áo, giày dép tồn kho đua nhau xuống lề đường. Tạo nên một thị trường giá rẻ sôi động, thu hút không ít khách hàng là những người thu nhập thấp. Nhưng “tiền nào của nấy”, nhiều người mua về nhà mới biết mình bị hớ, có những chiếc áo mới giặt qua vài lần phải bỏ.

Tiền nào của nấy

Càng cận tết, gần các khu công nghiệp, trường đại học tại TPHCM có nhiều người bày bán hàng cùng tấm bảng gỗ đặt kế bên với dòng chữ: “Áo tồn kho, giá rẻ”, “Áo sơ mi giảm giá - dài tay 20.000 đồng, ngắn tay 15.000 đồng”… bên lề đường.

Rẻ, dễ chọn lựa và thuận tiện trong việc đi lại, nên cứ đến giờ tan tầm các điểm bán quần áo “di động” giá rẻ dọc các con đường như: Tân Kỳ Tân Quý (quận Tân Bình), Điện Biên Phủ (quận Bình Thạnh), Trường Sơn, Quang Trung (quận Gò Vấp), xa lộ Hà Nội, Đỗ Xuân Hợp (quận 9)… thu hút rất đông khách là công nhân, sinh viên.

Hàng dỏm được bày bán tràn lan trên các vỉa hè.

Hàng dỏm được bày bán tràn lan trên các vỉa hè.

Hơn 15 giờ, tại cổng sau của Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật nằm trên đường Lê Văn Chí (quận Thủ Đức), một thanh niên đổ hàng trăm chiếc áo sơ mi xuống tấm ni lông đã được người phu nữ trải sẵn. Bị thu hút bởi tấm bảng “Áo sơ mi giảm giá”, chỉ hơn nửa tiếng sau, đã có hàng chục người xúm lại chọn đồ.

“Sạp” hàng di động này bán những chiếc áo có bao bì, gắn mác nhà xản xuất chẳng khác gì hàng hiệu, nhưng giá chỉ bằng 1/4 so với những chiếc áo bán ở shop. Những người kinh doanh “hàng di động” kiểu này thường bắt đầu bán vào giờ tan tầm đến khuya. Một chủ hàng cho biết, trung bình mỗi buổi bán được khoảng 50-60 chiếc áo, có buổi bán được gần 80 chiếc.

Cùng với quần áo, các mặt hàng giày, dép, túi xách, ba lô… cũng được bày bán tràn lan ven đường. Cũng là giày thể thao Nike, giày thời trang hàng hiệu, nhưng giá chỉ ở mức “lè tè” mấy chục ngàn đồng/đôi. Rất hợp với túi tiền của những sinh viên và người lao động có thu nhập thấp.

Để câu khách, nhiều chủ hàng còn khuyến mại “mua 3 tặng 1”. Dù giá bán mỗi chiếc là 20.000 đồng (áo dài tay) và 15.000 đồng (áo ngắn tay), nhưng người mua trả giá 30.000 đồng cho 2 chiếc áo dài tay,  chủ hàng cũng xuýt xoa tiếc rẻ: “Coi như em bán mở hàng. Giá này không có lời”.

Thấy rẻ, nhiều người mua hối không kịp do chất lượng đã phản ánh đúng với giá. Anh Tuấn, công nhân khu công nghiệp Tân Bình, cho biết: “Thấy áo có hộp sang trọng, lại rẻ nên tôi mua 5 chiếc về làm quà tết. Nhưng khi về mở hộp ra mới biết mình bị hớ, chiếc thì sờn cổ, chiếc đứt chỉ ở hông.

Còn chiếc áo tôi đang mặc đây mới mua được 1 tuần nay đã bạc màu”. Còn anh sinh viên Nguyễn Thái Tùng cho đến giờ vẫn không hiểu được vì sao đôi giày thể thao hiệu Nike mới mua tuần trước đi được 1 tuần đã bung đế.

Cuộc chiến không cân sức

Cứ đến cuối năm các cơ quan chức năng của TPHCM quyết liệt triển khai công tác chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng. TPHCM là một trong hai thị trường có nhu cầu về lượng hàng thực phẩm, hàng tiêu dùng phục vụ dịp tết lớn nhất cả nước. Hiện nay, đa số hàng hóa kém chất lượng, bị làm giả là thực phẩm, bánh mứt...

Theo Chi cục Quản lý thị trường TPHCM, tình trạng buôn bán hàng nhập lậu, hàng giả vào dịp cuối năm đang diễn biến phức tạp. Chỉ trong nửa đầu tháng 12, đơn vị này đã phát hiện và tạm giữ một lượng lớn hàng giả, hàng lậu gồm thuốc lá ngoại, hóa chất, rượu, mỹ phẩm, điện thoại di động, phụ tùng xe máy, quần áo các loại.

Đặc biệt, có tuần cơ quan chức năng tịch thu 28.252 đơn vị sản phẩm, gần 1,7 tấn hàng hóa, trong đó có hơn 1 tấn hóa chất, 12.511 linh kiện máy vi tính, gần 5.000 đồ chơi trẻ em, 1.362 sản phẩm mỹ phẩm.

Mới đây, Đội Quản lý thị trường 3A - TPHCM phát hiện một kho hàng thực phẩm khô nhập lậu do Trung Quốc sản xuất tại địa chỉ 114-116 đường số 2, cư xá Đài Ra Đa, quận 6. Hàng hóa thu giữ gồm gần 21 tấn bột ngọt và rong biển không nhãn mác.

Trước đó, 500 thùng bánh kẹo xuất xứ Trung Quốc tại kho hàng ở số 21 Nguyễn Xuân Phụng do chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ, không có nhãn phụ bằng tiếng Việt đã bị tạm giữ.

Để đối phó với tình trạng gia tăng hàng lậu, nhất là vào dịp tết, Chi cục Quản lý thị trường TPHCM đã có kế hoạch kiểm tra trước và sau tết ở các khu vực chợ, đầu mối phân phối, kho hàng, cửa hàng, nơi trung chuyển. Việc ngăn chặn, xử lý buôn lậu, kinh doanh hàng lậu, hàng giả sẽ được triển khai ráo riết vào thời điểm cận tết.

Các cơ quan chức năng đang phải “chạy” hết công suất để bảo vệ người tiêu dùng và doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo các cơ quan quản lý, để chống hàng giả, hàng nhái hiệu quả cần có sự tham gia chủ động của các doanh nghiệp.

Vừa qua, do sợ mất uy tín khi có thông tin sản phẩm của mình đang bị làm giả, một số doanh nghiệp chọn giải pháp im lặng hoặc thỏa hiệp với những những cơ sở làm hàng giả để mua lại sản phẩm khiến người tiêu dùng sử dụng hàng giả mà lầm tưởng hàng thật.

Trên thực tế, phần thua thiệt trong cuộc chiến chống hàng giả, hàng lậu đang nghiêng về các doanh nghiệp có sản phẩm bị làm giả, hay người tiêu dùng khi lỡ mua phải hàng kém chất lượng, hàng bẩn, bởi công tác hậu kiểm và xử lý hiện vẫn còn rất nhiêu khê.

Hiện nay, dù Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng. Và hiện có đến 5 cơ quan cùng giải quyết vấn đề này, nên “quả bóng” trách nhiệm cứ bị đá đi đá lại, chồng chéo không rõ cơ quan nào sẽ chịu trách nhiệm xử lý cuối cùng.

Lực lượng đã mỏng lại yếu nghiệp vụ khiến doanh nghiệp khi phát hiện hàng của mình bị làm giả, làm nhái nộp đơn lên cơ quan chức năng phải chờ xử lý rất lâu, có khi kéo dài đến vài năm và những thiệt hại do hàng giả gây ra không thể chỉ tính bằng tiền mà còn là uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp.

Các tin khác