Gian nan giành lại vỉa hè

(ĐTTCO) - Sau một thời gian ra quân ráo riết, chiến dịch giành lại vỉa hè vẫn được UBND TPHCM ủng hộ và tiếp tục có nhiều chính sách mới cải thiện. 

Tuy nhiên, có vẻ như cách triển khai không còn mạnh tay như trước đây. Liệu cuộc chiến này sẽ kết thúc có hậu như UBND mong muốn hay chỉ là hiện tượng “bắt cóc bỏ đĩa”. 

Lại “nguyễn y vân”

Đi ngang qua khu vực chợ Hoàng Hoa Thám (quận Bình Thạnh), tôi chứng kiến cảnh tượng khá hỗn độn khi người người chạy tán loạn, người bưng rổ rá, người bê từng mớ rau chạy hết nơi này qua nơi khác, người đẩy xe bán thịt vào lánh ở góc hẻm khi nhìn thấy đội dân phòng đi kiểm tra từ phía xa.
Những tưởng ngày hôm nay chợ sẽ ế ẩm và hiu hắt lắm vì không còn người bán người mua. Nhưng chỉ một lúc sau thật bất ngờ bởi mọi thứ đều trở về “đúng quy cũ”. Tiếng rao hàng, mời chào khách quẹo lựa vẫn diễn ra rôm rả. Hàng rau, hàng thịt vẫn ra đường ngồi như chưa có chuyện gì xảy ra. Hỏi một số người dân xung quanh, tôi được biết cảnh tượng này diễn ra hàng ngày, đa phần đội tuần tra dân phòng chỉ đi ngang nhắc nhở nhẹ nhàng, hoặc qua loa đại khái rồi lại ghé nơi khác. 
Gian nan giành lại vỉa hè ảnh 1 Cảnh hỗn độn bán trên buôn dưới trên đường Hoàng Hoa Thám, quận Bình Thạnh. 
Chúng tôi cũng trở lại một vòng nhiều tuyến đường khắp TPHCM, tại trung tâm quận 1 như Đinh Tiên Hoàng, Hai Bà Trưng, Nguyễn Trung Trực, Phó Đức Chính, Pasteur, Ngô Đức Kế, Nguyễn Huệ… nơi cách đây hơn 1 tháng diễn ra rầm rộ các đoàn kiểm tra liên ngành để giành lại vỉa hè cho người đi bộ. Nhưng hình ảnh quán xá lấn chiếm vỉa hè vẫn không thay đổi.
Dọc tuyến đường Phó Đức Chính, Lê Thị Hồng Gấm, Nguyễn Thái Bình (phường Nguyễn Thái Bình), hàng chục người bán giày dép, mũ bảo hiểm ngang nhiên bày biện hàng hóa tràn ra hết vỉa hè để buôn bán. Ngoài ra, dọc 2 bên đường Nguyễn Thái Học (phường Cầu Ông Lãnh), người dân cũng buôn bán, chiếm trọn vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.

Tại khu vực vỉa hè trên đường Pasteur, ngay khúc giao với đường Hàm Nghi, có chiều rộng khoảng 4m bị các chủ quán cà phê, quán ăn gần đó chiếm hết làm điểm bán hàng. Hàng chục sinh viên của một trường đại học kế đó lê la ngồi uống cà phê, ăn sáng và thoải mái nói chuyện, mặc cho mọi người đi bộ phải xuống lòng đường để vượt qua. Các quán cà phê, quán ăn gần đó cũng ngang nhiên giữ xe trên toàn bộ khu vỉa hè xung quanh. Vậy là làn đường giành cho người đi bộ - tài sản công giờ đã thành sở hữu của những quán xá, công ty. Còn người đi bộ hàng ngày phải khổ sở né hết xe trên vỉa hè lại ngơ ngác ngó trước ngó sau để tránh xe cộ dưới lòng đường. 

Đến gần một nhóm sinh viên đang trò chuyện để hỏi thăm, một bạn trong nhóm cho rằng mặc dù biết ngồi lấn chiếm vỉa hè là sai nhưng đây là thói quen và nhiều người thích phong cách dân dã này hơn, thoải mái hơn so với phải vào quán ngồi.  “Tụi em là sinh viên, toàn ra ngồi tranh thủ khoảng 15-30 phút, sau đó lại trở lại lớp học nên ngồi như vầy tiện hơn. Một phần nữa, ngồi ăn uống ở quán xá vỉa hè giá bình dân hơn nhiều, phù hợp với đời sống sinh viên” - bạn này chia sẻ thêm. Không chỉ nhóm sinh viên mà nhiều người có chung quan điểm này.
Ngồi quán xá vỉa hè từ lâu đã như đặc trưng của nhiều người, không chỉ ở TPHCM mà cả Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác bởi đặc điểm thuận tiện, nhanh gọn lẹ và giá bình dân. Còn với quán xá không đủ diện tích có chỗ để xe, đây được xem “vị cứu tinh” để khách hàng tới ăn uống có chỗ để xe, đồng thời giúp quán tiết kiệm được một khoản tiền lớn vì không phải thuê mặt bằng. Như vậy có thể thấy, việc lấn chiếm vỉa hè xuất phát từ thói quen và ý thức thiếu trách nhiệm của nhiều người dân. Do đó, muốn giành lại vỉa hè thông thoáng cần những giải pháp đáp ứng trực tiếp được nhu cầu này. 
Gian nan giành lại vỉa hè ảnh 2 Nhiều xe ô tô dửng dưng đậu ngay trên lòng đường trước một trường Đại học, đường Nguyễn Văn Cừ, quận 5. 
Cần biện pháp quy hoạch bài bản
Thực tế, việc giành lại vỉa hè đã xuất hiện từ rất lâu, tuy nhiên sau khi thực hiện một thời gian  lại im hơi lặng tiếng. Giữa tháng 1-2017, UBND quận 1, TPHCM đã thực hiện kế hoạch rầm rộ ra quân lập lại trật tự đô thị. Trong suốt hơn 3 tháng ra quân, đoàn liên ngành đã phá bỏ nhiều công trình của cơ quan công quyền, xử phạt hàng loạt ô tô biển xanh, biển đỏ vi phạm.
Nhiều địa phương khác trên cả nước cũng đồng loạt làm theo. Sau 2 tháng ra quân của tất cả các địa phương, trật tự vỉa hè, lòng đường có chuyển biến đáng kể so với những năm trước đây. Tuy nhiên, khoảng 3 tuần trở lại đây, có vẻ như cuộc chiến này đã mệt mỏi, mọi thứ trở nên im ắng như những lần trước cho dù mới đây, đại diện UBND TP vẫn cam kết phải giành lại được vỉa hè.

Vậy vì sao giải cứu vỉa hè vẫn như tình trạng “bắt cóc bỏ đĩa”? Ngoài những nguyên nhân xuất phát từ thói quen và sự thiếu ý thức của người dân còn một yếu tố quan trọng nữa khiến chiến dịch này không thành, đó là có hàng trăm, hàng ngàn hộ dân đang sống bằng thu nhập từ việc kinh doanh trên vỉa hè.
Cô Nguyễn Thị T. - chủ xe bán nước trên đường Nguyễn Thị Minh Khai - cho biết mọi sinh hoạt của gia đình cô đều trông cậy vào việc buôn bán này. Bản thân cô cũng muốn mở một quán nước nhỏ để buôn bán ổn định mà không phải lo lắng, chạy hết nơi này qua nơi khác để tránh mỗi lần đoàn kiểm tra đi qua. Tuy nhiên, mọi chi tiêu trong nhà đều dựa vào ba cọc ba đồng này nên không đủ vốn trả mặt bằng hàng tháng. Cũng câu hỏi này, chúng tôi hỏi 10 người có đến 8-9 người có câu trả lời tương tự. Đây là vấn đề không mới nhưng khá nhức nhối, bởi trước nay nếu làm mạnh tay giúp vỉa hè thông thoáng sẽ khiến nhiều hộ kinh doanh buôn bán lâm vào tình cảnh “vô gia cư”.
Do đó, chỉ cần các cơ quan chức năng lơ là, giảm tần suất họ lại lập tức trở lại vỉa hè để kinh doanh mưu sinh qua ngày. Do đó, để có thể thực hiện chiến dịch một cách đồng bộ và xuyên suốt, cần “khoán trách nhiệm công vụ” gắn với từng tuyến đường, từng khu phố cho cán bộ quản lý để làm cơ sở xử lý nếu để xảy ra mất trật tự đô thị, đồng thời kiên quyết dẹp chuyện bảo kê, chống lưng cho hoạt động kinh doanh trên vỉa hè như tinh thần chỉ đạo của Thành ủy TPHCM: “Phường nào không tốt chắc chắn cán bộ sẽ bị xử lý bằng các hình thức điều chuyển, hạ chức và thậm chí là cách chức nếu không hoàn thành nhiệm vụ”.

Dù TPHCM nhìn nhận thực tế này từ lâu và đã đưa ra một số biện pháp như thí điểm điểm bán hàng rong theo giờ ở vỉa hè ở đường Nguyễn Văn Chiêm, công viên Bách Tùng Diệp cho các hộ dân, tuy nhiên đây mới chỉ là hoạt động thí điểm.
Thêm nữa, số lượng hộ bán hàng rong, kinh doanh trên vỉa hè được áp dụng giải pháp này chỉ khoảng 100 hộ, con số rất nhỏ so với con số thực tế. Kỳ vọng TP sẽ có thêm những giải pháp quy hoạch bài bản hơn để có thể giải quyết triệt để thực tế này, đồng thời để cuộc chiến giành lại vỉa hè không còn là hiện tượng “bắt cóc bỏ đĩa”.  

Các tin khác