Giải cứu làng nghề (K3): Giữ lại văn hóa làng nghề

Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, nếu không có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng và nỗ lực vươn lên của những người làm nghề, nguy cơ mai một làng nghề đang nhãn tiền. Sản phẩm văn hóa truyền thống của người Việt rất dễ bị các sản phẩm truyền thống nước ngoài chiếm lĩnh. Điều đó có nghĩa, cạnh tranh hàng truyền thống đã đến cạnh sân làng…

Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng, nếu không có sự hỗ trợ của các cấp, các ngành chức năng và nỗ lực vươn lên của những người làm nghề, nguy cơ mai một làng nghề đang nhãn tiền. Sản phẩm văn hóa truyền thống của người Việt rất dễ bị các sản phẩm truyền thống nước ngoài chiếm lĩnh. Điều đó có nghĩa, cạnh tranh hàng truyền thống đã đến cạnh sân làng…

Giải cứu làng nghề (K2): Hồi sinh bằng du lịch

Giải cứu làng nghề (K1): Lắt lay thương hiệu

10 triệu lao động làng nghề

Làng nghề truyền thống là tài sản vô giá của quốc gia, nhưng hiện nay nhiều làng nghề đang trong tình trạng “thoi thóp”. Tính đến hết năm 2014, số làng nghề và làng có nghề nước ta lên tới 5.096. Số làng nghề truyền thống được công nhận theo tiêu chí làng nghề hiện nay của Chính phủ là 1.748. Các làng nghề thu hút khoảng 10 triệu lao động.

Có nhiều làng tồn tại từ 500 đến 1.000 năm lại đây, trở thành những làng nghề tiêu biểu, được cả nước và thế giới biết đến như lụa Vạn Phúc, tranh Đông Hồ, gốm sứ Bát Tràng, Chu Đậu, gốm Bầu Trúc, gỗ Sơn Đồng, Ý Yên, mây tre đan Phú Vinh, bạc mỹ nghệ Đồng Xâm, đồng Đại Bái, gỗ Đồng Kỵ, Vân Hà, đá Non Nước, đóng tàu thuyền Trung Kiên, thêu Quất Động, thổ cẩm Mai Châu, khảm trai Chuôn Ngọ, sơn mài Hạ Thái…

Việc gìn giữ giá trị của văn hóa làng nghề là giữ lại những giá trị văn hóa của cả dân tộc. Cần nhận thức lại về giá trị của các làng nghề, nếu chỉ đơn thuần là tạo công ăn việc làm chỉ cần địa phương lo, nhưng đây là cả giá trị văn hóa dân tộc cần các cấp, các ngành chung tay gìn giữ.  Mặt khác, làng nghề còn là cơ hội để hội nhập quốc tế, để thế giới hiểu hơn về văn hóa Việt. Do vậy, các làng nghề cần sáng tạo để hội nhập, đáp ứng nhu cầu văn hóa không chỉ của cộng đồng ASEAN mà còn lan tỏa ra toàn thế giới.

Ông Nguyễn Thiện Nhân,
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN

 Làng nghề tạo việc làm và cải thiện đời sống cho đông đảo cư dân nông thôn. Về kinh tế, làng nghề là nơi thu hút nhiều lao động nhất trong giai đoạn 2004-2005 với khoảng 13 triệu lao động, trong đó 35% lao động thường xuyên, còn lại lao động thời vụ và nông nhàn, tạo việc làm và cải thiện đời sống cho đông đảo cư dân nông thôn. Thu nhập bình quân của lao động làng nghề thường cao hơn lao động nông nghiệp 2-3 lần, khoảng 20-25 triệu đồng/năm.

Từ năm 2007 đến nay, Hiệp hội Làng nghề Việt Nam đã vinh danh được 57 làng nghề tiêu biểu, 331 nghệ nhân làng nghề Việt Nam, 94 đơn vị kinh tế làng nghề tiêu biểu, 89 sản phẩm thủ công mỹ nghệ làng nghề tiêu biểu, 35 thợ giỏi làng nghề Việt Nam. Trong số 37 nghệ nhân quốc gia đã được Nhà nước phong tặng, có 2/3 là nghệ nhân làng nghề Việt Nam được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, Nghệ nhân Nhân dân.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch Hội Làng nghề Việt Nam Lưu Duy Dần, các làng nghề hiện nay đối mặt nhiều khó khăn, yếu kém, có thể nói là yếu kém nhất so với các khu vực khác. Đơn cử chất lượng, mẫu mã sản phẩm còn thấp, thị trường hạn hẹp, đội ngũ nghệ nhân, thợ giỏi làng nghề chưa được quan tâm phát huy đúng mức, tình trạng ô nhiễm tại làng nghề nghiêm trọng, nhiều làng nghề phải sống chung với ô nhiễm, chịu nhiều bệnh tật, tuổi thọ người làm nghề giảm sút.

Đặc biệt, việc liên kết giữa các cơ sở, các làng nghề còn rất nhiều hạn chế, chủ yếu kinh doanh hộ nhỏ lẻ, ít mô hình doanh nghiệp và hợp tác xã. Đây là nhược điểm rất lớn của làng nghề. Nhiều hộ gia đình rất ít trao đổi kinh nghiệm, giúp đỡ nhau trong các hoạt động sản xuất cũng như tiêu thụ, do đó, sản phẩm chậm được cải tiến, sức cạnh tranh kém, thu nhập thấp kéo dài.

 Liên kết làm ăn

Cuối năm 2015, Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ ra đời. Việt Nam sẽ trở thành công dân khối ASEAN với các quyền lợi và nghĩa vụ đặt ra cho một công dân trong khối. Cơ hội sẽ nhiều hơn khi hàng rào thuế quan được gỡ bỏ, thuế xuất còn 0%, nguồn nguyên, phụ liệu dễ kiếm… Nhưng chắc chắn thách thức cũng sẽ lớn hơn khi sự cạnh tranh trong thế giới phẳng ngày càng khốc liệt với những hàng hóa, sản phẩm chất lượng cao, có uy tín tràn vào nước ta một cách hợp pháp. Lúc đó, tương tự như nền kinh tế vốn đã chịu nhiều thăng trầm, những sản phẩm làng nghề truyền thống càng chịu nhiều tác động bất lợi nếu không sớm có những bước chuyển mình tích cực.

Các làng nghề gắn với chiều dài lịch sử, tạo ra nhiều sản phẩm, tạo nhiều công ăn việc làm. Nhưng giá trị làng nghề không chỉ ở việc tạo ra việc làm, những giá trị kinh tế mà cao hơn là sản phẩm làng nghề gắn với những giá trị của người Việt từ văn hóa (ăn, mặc...), tâm linh (thờ cúng), sản xuất (dụng cụ sản xuất), nhà ở (giường, tủ, bàn ghế...), văn hóa nghệ thuật (trưng bày...)

Giữ giá trị của văn hóa làng nghề là giữ lại những giá trị văn hóa của cả dân tộc. Người làm nghề truyền thống đều có mong muốn thiết tha được giữ lại nghề của Tổ nghiệp. Thế nhưng, trong bối cảnh làng nghề đứng trước nguy cơ bị mai một như hiện nay, tự bản thân họ không thể vực dậy nghề truyền thống nếu không có sự hỗ trợ từ Nhà nước, hội nghề nghiệp. Thiếu thốn lớn nhất của nhiều làng nghề khác là vốn, mặt bằng sản xuất cũng như diện tích trưng bày sản phẩm.

Như làng Sơn Đồng ở Hà Nội, tuy đang là nghề làm giàu cho bà con, lượng lao động làm nghề truyền thống lớn, hạn chế được tình trạng ly nông ly hương, nhưng người dân chưa được hưởng cơ chế hỗ trợ nào. Các hộ gia đình ở Sơn Đồng muốn làm ăn lớn phải có vốn, việc vay vốn ngân hàng rất khó. “Hộ sản xuất cá thể rất khó lập dự án để được vay vốn ngân hàng. Vì vậy, kiến nghị Nhà nước phải có cơ chế để làng nghề truyền thống được vay vốn ngân hàng sản xuất” - nghệ nhân Nguyễn Viết Thạnh, làng nghề Sơn Đồng, chia sẻ.

Khảo sát cơ sở đúc đồng tại huyện Ý Yên, Nam Định.

Khảo sát cơ sở đúc đồng tại huyện Ý Yên, Nam Định.

Ông Lưu Duy Dần cho biết, tình trạng làng nghề hiện nay là rất giống nhau: thiếu vốn, ô nhiễm, đầu ra hạn chế, manh mún, tự phát. Trong khi đó, với kinh tế thị trường hiện nay, muốn bán được hàng phải có sự liên kết, phải mở rộng giao lưu, quảng bá.

Hay nói cách khác, làng nghề truyền thống muốn sống được, phải tiếp cận, phù hợp với cuộc sống hiện đại; muốn phát triển bền vững, mạnh lên phải liên kết lại. Ngoài ra, vấn đề sống còn khác hiện nay của các làng nghề là truyền thông, quảng bá qua mạng. Thực tế, đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu chúng ta bị lỡ cơ hội vì chậm cập nhật thông tin, mẫu mã, nên đối tác chuyển sang đặt hàng nước khác.

Thực trạng làng nghề đã được chỉ rõ. Đã đến lúc phải tìm ra lối thoát cho các làng nghề. Và không có con đường nào khác là phải liên kết, thành lập hợp tác xã cho các làng nghề để đưa làng nghề phát triển. Cùng với đó, bên cạnh các sản phẩm truyền thống, cần nghĩ đến các sản phẩm hiện đại.

Thí dụ ngoài gỗ truyền thống cần nghĩ đến sản xuất gỗ công nghiệp để đáp ứng nhu cầu thị trường. Muốn làm được những việc đó, từng hộ gia đình không thể làm nổi, phải có sự liên kết lại để làm ăn. Buôn có bạn, bán có phường-điều này rất cần được áp dụng ở các làng nghề truyền thống. Và hơn bao giờ hết, họ rất cần chính sách hỗ trợ, làm “bà đỡ” của Nhà nước.

Các tin khác