Giải cứu làng nghề (K1): Lắt lay thương hiệu

Ngày nay, giá trị to lớn và quý báu của làng nghề không chỉ giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động ở nông thôn, mà quan trọng hơn, các làng nghề đã lưu giữ và phát triển những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần làm rạng rỡ bản sắc văn hóa Việt Nam trong khu vực và thế giới. Nhiều làng nghề đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường gay gắt cũng như việc tiêu thụ sản phẩm bấp bênh.

Ngày nay, giá trị to lớn và quý báu của làng nghề không chỉ giải quyết việc làm cho hàng triệu lao động ở nông thôn, mà quan trọng hơn, các làng nghề đã lưu giữ và phát triển những sản phẩm thủ công mỹ nghệ truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, góp phần làm rạng rỡ bản sắc văn hóa Việt Nam trong khu vực và thế giới. Nhiều làng nghề đang đối mặt với tình trạng ô nhiễm môi trường gay gắt cũng như việc tiêu thụ sản phẩm bấp bênh.

Mơ không gian sống trong lành

Làng nghề đồ gỗ thờ cúng mỹ nghệ Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, Hà Nội có truyền thống hơn 1.000 năm, nổi tiếng với nghề điêu khắc đồ gỗ (đồ thờ, tượng Phật...). Đặc biệt kỹ thuật sơn son thếp vàng tinh xảo chỉ có duy nhất tại Sơn Đồng, với nghề truyền thống tạc, chạm, khắc và sơn tô tượng để tạo ra những sản phẩm nổi tiếng trong cả nước như tượng Phật bà ngàn tay, ngàn mắt; tượng ông Thiện, ông Ác, tượng các vị La Hán, kiệu bát cống... Đi vào làng, có thể nhận thấy cửa hàng bày bán sản phẩm dày đặc.

Làm gốm ở làng Phù Lãng, tỉnh Bắc Ninh.

Làm gốm ở làng Phù Lãng, tỉnh Bắc Ninh.

Nghề truyền thống này đã thu hút 5.000 lao động với trên 500 hộ làm nghề, ngoài ra còn thu hút thường xuyên hàng trăm lao động vùng lân cận. Sản phẩm của Sơn Đồng có mặt hầu hết cả nước, chiếm 70% thị phần đồ gỗ-thờ cúng cả nước, xuất khẩu tương đối nhiều. Thu nhập từ nghề gỗ mỹ nghệ-đồ thờ chiếm 60-63% thu nhập toàn xã, thu nhập bình quân của thợ làm nghề 6-8 triệu đồng/tháng. Đây là làng nghề mỹ nghệ truyền thống, tiêu biểu của cả nước.

“Chúng tôi sản xuất sản phẩm tâm linh. Đây là vấn đề quan tâm của mỗi một gia đình, dòng họ. Càng ngày nhiều người càng quan tâm đến vấn đề thờ cúng, đó là một thuận lợi của làng nghề Sơn Đồng” - ông Nguyễn Viết Thạnh, nghệ nhân làng nghề Sơn Đồng, cho biết.

Tuy nhiên, đến với làng nghề Sơn Đồng, nhất là trong những ngày mùa hè nắng nóng, nhiều người không thoát khỏi cảm giác khó chịu. Nằm lẫn trong khu dân cư, làng nghề vừa sản xuất vừa bày bán dày đặc. Tiếng ồn, bụi, hóa chất gần như lẫn với nhịp sống thường nhật của người dân. Làng nghề đang bị ô nhiễm nghiêm trọng khi người dân sản xuất ngay tại nơi ở, chưa hề có quy hoạch để phát triển làng nghề. Thiếu một không gian sống trong lành, đó là cảm nhận của bất cứ ai khi đến đây.

Mạnh ai nấy làm

Nghe tiếng tăm gốm Phù Lãng đã lâu nhưng chúng tôi khá bất ngờ khi tìm về, bởi phải vừa đi vừa hỏi đường. Không có bất cứ biển hiệu, bảng chỉ dẫn nào cho người ta biết hướng đi về Phù Lãng, trong khi làng nằm ở vị trí khá xa xôi, khó tìm.

Tại làng nghề gốm Phù Lãng, huyện Quế Võ, Bắc Ninh, ông Nguyễn Tiến Nên, Chủ tịch UBND xã Phù Lãng, cho biết hiện toàn xã Phù Lãng có 230 hộ sản xuất gốm với khoảng 600 lao động, thu nhập 200.000 đồng/người/ngày công. Mỗi năm tổng doanh thu từ sản xuất gốm ước đạt 45-50 tỷ đồng, chiếm khoảng 32% thu nhập trong toàn xã.

Hiện tại trên địa bàn xã đã thành lập 2 Công ty gốm Nhung và gốm Trí Việt và khoảng 20 xưởng sản xuất gốm mỹ thuật. Huyện cũng thành lập 1 hiệp hội làng nghề gốm với đại diện hơn 30 hộ trong xã để duy trì và phát triển làng nghề một cách bền vững. Nhiều tác phẩm gốm của các nghệ nhân đã được nhiều giải thưởng cao trong các cuộc triển lãm trong nước như tác phẩm “Xay lúa”, “Đèn gốm”, “Gốm nở hoa”... của Vũ Hữu Nhung; tác phẩm “Hồ lô đựng rượu” của Nguyễn Văn Hồng... và nhiều tác phẩm của các nghệ nhân khác đã đạt giải, đem đến sắc thái và diện mạo mới cho gốm Phù Lãng.

Nhân lực sản xuất gốm Phù Lãng từ chỗ đơn thuần cha truyền con nối, giờ đây đã có sự phát triển hơn ở thế hệ trẻ khi họ đem kiến thức học được ở trường đại học mỹ thuật mang về thổi hồn vào làng gốm cổ truyền. Điều này đã làm đa dạng các sản phẩm, tạo sự phát triển cho làng nghề.

Đến Phù Lãng hôm nay, người ta nhắc nhiều đến người đã mang màu sắc mới cho làng nghề là anh Vũ Hữu Nhung. Bằng tâm huyết và kiến thức học Trường Đại học Mỹ thuật, anh đã trở về quê hương, đem lại diện mạo mới cho làng nghề với gốm mỹ nghệ, đem lại sự phong phú và thu nhập cao hơn cho người dân.

Làm gỗ truyền thống ở làng La Xuyên, tỉnh Nam Định.

Làm gỗ truyền thống ở làng La Xuyên, tỉnh Nam Định.

Tuy nhiên, do cơ chế thị trường, các sản phẩm đồ gia dụng sản xuất đa dạng nên sản phẩm gốm Phù Lãng khó cạnh tranh, vì đặc tính của gốm Phù Lãng là sành nên rất nặng và thô. Ông Nguyễn Văn Minh, một nghệ nhân lâu năm gốm làng Phù Lãng, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi Phù Lãng, nhớ lại gốm Phù Lãng đã có thời kỳ phát triển hoàng kim, từng nuôi sống người dân không chỉ trong huyện Quế Võ.

“Cái yếu nhất của gốm Phù Lãng hiện nay là đang phát triển tự phát, mạnh ai nấy làm. Cả làng có gần 200 hộ làm gốm nhưng chỉ mới có chục hộ liên kết làm ăn. Muốn phát triển phải có tổ chức, không thể tự phát như hiện nay được. Phải có tổ chức mới có đường hướng phát triển, mới có đầu ra bền vững được” - ông Minh tâm tư. Theo ông, hiện nay người làm gốm rất khổ, khổ từ đầu vào (mua đất nguyên liệu, bị hét giá bao nhiêu mua bấy nhiêu), đến đầu ra (đại lý mua với giá bao nhiêu phải bán bấy nhiêu).

“Chúng tôi đã từng khảo sát các làng gốm ở miền Bắc, không ở đâu còn làm nhiều gốm như Phù Lãng, các nơi chỉ còn vài hộ làm nhưng ở đây hơn 200 hộ. Tay nghề làm gốm của người dân Phù Lãng cao nhất, vì làm gốm thủ công, vuốt gốm rất giỏi. Nhưng dù trình độ làm gốm cao như vậy nhưng vì không có tổ chức, không tổ chức tiêu thụ được nên giá thành sản phẩm rất rẻ” - nghệ nhân Nguyễn Văn Minh nói.

Ông Phạm Thế Tuệ, 1 hộ làm gốm của làng Phù Lãng, bày tỏ mong muốn được thuận lợi trong vay vốn ngân hàng. “Vì không có tiền không thể phát triển sản xuất một cách bền vững. Vì không có tiền nên nhiều khi ngay cả việc tham gia các hội chợ sản phẩm truyền thống để quảng bá cũng không làm được dù rất muốn” - ông Tuệ tâm sự.

Thực tế của làng nghề gốm Phù Lãng cũng là thực tế chung của nhiều làng nghề hiện nay khi chưa có quy hoạch, phát triển tự phát, mạnh ai nấy làm, không liên kết, không tổ chức, quảng bá… sản phẩm làm ra vì thế trở nên bèo bọt. Sự thật, nhiều đơn hàng xuất khẩu gốm của Phù Lãng phải thông qua sự quảng bá của gốm Bát Tràng.

Các tin khác