Gánh “nông thôn xưa” về nhà

(ĐTTCO) - Giữa thành phố Bắc Giang ồn ào, náo nhiệt vẫn còn một góc không gian yên bình của nông thôn thời xa vắng.

 Có ông tuổi ngoài lục tuần, lại thích chơi lạ, ông Nguyễn Quang Mạnh đã không tiếc công sức, thời gian phiêu lưu khắp làng quê Bắc bộ để gồng gánh cả nông thôn về nhà.

Nhiễm hồn quê
Là ông chủ một hiệu ảnh lớn và nổi tiếng nhất, nhì Bắc Giang, nhưng tìm gặp được ông Mạnh rất khó khăn. Bởi một điều đơn giản, ông chẳng mấy khi ở nhà, mà thường xuyên rong ruổi trên khắp các nẻo đường quê Bắc bộ. Cứ một mình cưỡi con ngựa sắt, ông đã đi mòn lốp xe về nhiều vùng quê để sưu tầm những món đồ lặt vặt, cũ kỹ có lẽ chẳng mấy người thành phố nào màng tới. Sinh năm 1955 tại thị xã Bắc Giang (nay là thành phố Bắc Giang), nhưng ông có một quãng tuổi thơ dài sống trong cảnh sơ tán chiến tranh ở huyện Yên Dũng và Tân Yên. Thời thơ ấu, cũng như bao đứa trẻ nông thôn khác, cậu bé Quang Mạnh đi tắm ao sen những buổi trưa hè, thả diều sáo vi vu trên con đê làng chiều gió lộng. Lớn một chút, đi thả ống lươn, kéo vó tôm, mò cua, bắt ốc. Tối về tại sân đình làng, cậu bé lại được những bô lão trong làng kể cho nghe chuyện cười hay thi nói tức (đây là một nét văn hóa dân gian ở vùng Lãng Sơn-Yên Dũng). Rồi Quang Mạnh tiếp thu những câu đồng dao, ca dao dân gian. Chính điều đó cộng với hình ảnh người nông dân ngày ngày trên đồng với cái cuốc, cái cày, con trâu đã đọng trong tâm hồn ông từ thơ ấu.
Gánh “nông thôn xưa” về nhà ảnh 1 Bàn uống nước được thiết kế từ mâm đồng, cối đá, chum vại cổ. 
Sau ngụm nước trà và câu chuyện hồi ức, ông Mạnh thổ lộ một cơ duyên đến với thú sưu tầm của mình: “Cái thú đam mê sưu tập đồ làng quê đã nhiễm vào tôi từ năm 1978. Khi tôi về thăm quê gốc của mình ở vùng Lim (Tiên Du-Bắc Ninh), rồi thăm quê cố Tổng bí thư Nguyễn Văn Cừ ở Phù Khê-Từ Sơn, những công cụ lao động thô sơ, mộc mạc của người nông dân xưa đã hút hồn tôi. Đó là những lưỡi hái, cái thuổng, cái mai, cối xay gạo, khung cửi... Không hiểu sao tôi nhìn thấy những đồ nông cụ xưa ấy lại thích thú đặc biệt và quyết tâm sẽ dần dần vác tất cả chúng về nhà”. Ông bảo mình tin vào thế giới tâm linh, cũng rất mộ đạo, nhưng không bao giờ sợ tà ma, quỷ cốc. “Tôi yêu say đắm cái hồn văn hóa dân tộc, những nét quê trong trẻo. Chính vì vậy, tôi sợ nếu không vác những thứ đó về sẽ không bao giờ được nhìn thấy nó nữa. Hơn thế nữa tôi vác về nhà để làm kỷ niệm chứ có bao giờ toan tính vụ lợi đâu mà sợ bị thần linh, ma quỷ trừng phạt...” - ông Mạnh trần tình. Chỉ vì đã quá đa đoan với đồng quê, ông đã không tiếc thời gian, sức lực lặn lội trong nắng nóng, mưa dầm, gió bấc… Có những đồ vật ông xin được, có thứ người ta đã vứt đi rồi, ông nhặt về. Cũng có món lạ như: nồi đồng, bình vôi hình con kỳ lân ông phải bỏ ra cả chục triệu đồng để mua về.
Gánh “nông thôn xưa” về nhà ảnh 2 Những nông cụ của làng quê Bắc bộ xưa trên sân thượng nhà ông Mạnh. 
Lãnh địa đồ cổ làng quê
Có vô số thú chơi sưu tầm, chơi cổ vật, có người sưu tầm tem, tiền cổ, xe cổ, sách cổ... Nhưng ông Nguyễn Quang Mạnh lại có thú sưu tầm độc, lạ, có người còn nói là gàn dở. Cả căn nhà 5 tầng đồ sộ rộng hàng trăm m2 của ông Mạnh ở phố Quang Trung, trung tâm thành phố Bắc Giang, nhưng những thứ ẩn chứa bên trong mới là điều thú vị.  Sau khi gặp vài phút, ông Mạnh giục chúng tôi dậy để bắt đầu hành trình tham quan lãnh địa đồ cổ làng quê của mình. Ngay cạnh lối đi dẫn đến phòng khách, tôi đã bị thu hút bởi những chiếc chum, bình, lọ đủ các loại để ngổn ngang. Những vật dụng nhà quê này, hơn 20 năm trước khi còn nhỏ xíu theo bố về quê thăm ông bà, tôi cũng đã nhìn thấy. Chum, vại, bình là những thứ người dân quê dùng để đựng nước, đựng gạo, muối dưa, muối cà... bây giờ về các vùng quê chẳng con ai dùng mấy đồ cổ lỗ đó nữa. Thấy tôi chăm chú vào đống chum, vại, sợ mất thời gian không xem hết, ông Mạnh kéo tay tôi nói: “Vào đây, còn nhiều thứ hay ho lắm, phải xem nhanh không sẽ chẳng kịp xem hết lượt đâu”. Ngôi nhà hoành tráng lộng lẫy theo phong cách hiện đại, nhưng ngay ở sàn cầu thang tầng 2 xuất hiện đôi chõng tre mốc meo, chỉ có thể nhìn thấy trong các bộ phim tư liệu cách đây 60-70 năm. Rồi cả khu sân thượng và 2 gian phòng rất rộng đều trở thành nơi bày những đồ thôn quê dân dã, xưa cũ. Trong khu sân thượng, chúng tôi đã thấy cả làng quê Bắc bộ với các hiện vật lao động và sinh hoạt. Nào là nong, nia, dần, sàng, sảo, quang gánh, cày, cuốc, nơm, vó, nồi đồng, bó lúa khô, cây lau khô... Ngay trong một thứ dụng cụ, đồ vật nông thôn của ông lại có rất nhiều loại khác nhau. Ông Mạnh lại có biệt tài nhớ tên các đồ vật, cũng như những giai thoại về nó. Miệng vừa nói, kể về các đồ vật, tay ông liên tiếp cầm những đồ vật, dụng cụ của người nông dân xưa, rồi mô tả động tác lao động, sinh hoạt của họ.  Toàn bộ diện tích sân vườn cũng được ông dành để trưng bày thành tích gần 40 năm chinh chiến săn lùng khắp làng quê. Hiện vật của ông còn có những thứ rất độc đáo như chiếc cột nhà cổ, chùa cổ bằng đá bị gãy. Ông đã không tiếc công, tiếc tiền thuê xe chở về nhà. Có phiến đá nặng cả tấn ông đặt ngay giữa phòng, tưởng chẳng có ý nghĩa gì. Nhưng khi nghe ông kể nó có liên quan đến “Sự tích bãi quan”, thời phong kiến, người dân ở hữu ngạn sông Thương đưa con em mình sang tả ngạn sông để tham gia tuyển lính đi đánh giặc. Ở đây có một cái bãi đất trống rất rộng trên đặt những phiến đá lớn để các quan đứng lên tuyển lính. Phiến đá này chính là gắn với sự tích trên. Hay chiếc dao dài gần 1m các nghĩa sĩ trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế đã dùng cách đây hơn 100 năm cũng được ông sưu tầm. Khi hỏi về số liệu chính xác hiện vật trong bộ sưu tầm, ông Mạnh xoa đầu, vỗ trán, cười nói: “Tôi chịu, không thể nào nhớ chính xác được đâu, chỉ tương đối thôi. Như riêng chó đá với các tư thế mừng chủ, canh cửa, sủa ở ngoài vườn cũng có đến hơn trăm con. Các loại cối xay bột, giã gạo, giã cua... bằng đá đến hơn 400-500 chiếc, có nhiều cái phải đi gửi nhờ bạn bè. Còn riêng về bình vôi các loại, tôi sưu tầm được hơn 1.000 lọ đủ các kích cỡ có niên đại từ thời Lê, Mạc, đến Nguyễn”.  Khác với nhiều người chơi đồ cổ, ông Nguyễn Quang Mạnh không bao giờ kinh doanh, bán đồ của mình. Có nhiều vị khách sau khi tham quan đã trả giá chiếc bình vôi nhỏ xíu thời Lê của ông 15.000USD, hay chiếc nồi đồng 5.000USD nhưng đều bị từ chối. Ông bảo sẽ vẫn tiếp tục cuộc chơi này đến bao giờ sức khỏe còn cho phép. Ông ước mong bảo tồn một thời xa vắng của vùng quê Bắc bộ để thế hệ mai sau sẽ còn được biết. Ông cho biết sau này ông sẵn sàng hiến tặng toàn bộ sản nghiệp sưu tầm của mình cho bảo tàng Bắc Giang để có thêm nhiều người được biết về nông thôn Việt Nam.

Các tin khác