Gác cu vùng ngoại ô

(ĐTTCO) - Trên những cánh đồng hoang hiếm hoi còn sót lại ở ngoại thành Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, những hình ảnh về một vài người ngồi lặng lẽ gác chim cu, một hình thức bẫy chim khá độc đáo, khiến cho trời đất như dịu lại.
 Lẫn trong âm thanh còi xe vang vọng xa xa là những tiếng gáy gù gù độc đáo của loài chim này vang lên, như từ đâu đây quá khứ của vùng đất này.
Theo chân người gác cu

Ban đầu, tôi khá bất ngờ khi biết ở vùng ngoại ô TPHCM hiện nay vẫn còn rất nhiều chim cu gáy đang sinh sống. Ngoài những cánh đồng hoang, những khu rừng đặc dụng hiếm hoi ở Bình Chánh, Củ Chi là thế giới sinh trưởng không thể tốt hơn dành cho loài chim này. Càng đặc biệt hơn, hiện nay còn nhiều người đi gác chim cu bởi giống chim này càng ngày càng có giá trị cao. Chúng được nhiều người mua về nuôi cảnh, bởi dù vẻ bề ngoài không đẹp, tiếng hót không cao vút, thanh mảnh nhưng lại rất đặc trưng, trầm trầm gợi nhiều hoài niệm cho người nuôi.

Gác chim cu là một nghề vất vả và rất công phu. Thậm chí, nhiều người còn gọi nghề gác cu là 1 trong 4 cái ngu "làm mai, lãnh nợ, gác cu, cầm chầu" vì nó tốn quá nhiều công sức, bấp bênh và khó khăn trong khi thành quả đạt được lại vô cùng ít ỏi. Theo các cụ xưa, trong lúc rình rập chim cu, người gác cu có thể bị cọp vồ, beo bắt hay rắn độc cắn…
Thời nay, gác cu cũng phải dãi nắng dầm mưa, bị muỗi mòng, bù mắt cắn, lâu ngày sinh bệnh. Lại nữa, có khi bắt được chim cu đem về nuôi, nó lớn lên, gáy hay, đủ lông đủ cánh nhưng thấy sơ hở là nó bay liền. Gác cu chẳng cho được mấy cái lợi. Nhưng ai đã trót mê gác cu thì khó lòng bỏ được.
Gác cu vùng ngoại ô ảnh 1 Đi gác chim cu ở Hóc Môn 
Ông Nguyễn Văn Giỏi, 58 tuổi, một người thường xuyên đi gác cu ở xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn, TPHCM, cười vui bảo: “Đi gác chim cu còn bấp bênh hơn cả người đi câu cá sông. Vì có khi ngồi đợi cả ngày mới gặp vài con, mà gặp cũng chưa chắc đã bắt được. Hay bắt được nhưng lại không phải con chim cu ưng ý, giọng yếu cũng chẳng nhiều giá trị. Có khi chúng tôi còn thả ra cho chúng sống, sinh sản nữa”. Theo ông Giỏi, bình thường ông hay chạy xe tới những cánh đồng hoang vắng, những khu vực ít người qua lại hay thậm chí cả khu rừng lâm trường Tam Tân, huyện Củ Chi, rộng lớn để đặt bẫy chim cu.
“Mùa gác chim cu tốt nhất là từ sau tết cho tới tháng 8 (âm lịch) vì khi ấy trời nắng đẹp, không mưa, chim cu thường xuyên đi kiếm mồi, tìm bạn tình. Khi mùa mưa tới, chim cu rất ít khi di chuyển ra khỏi nơi ẩn nấp vì bộ lông vũ ướt mưa khiến chim khó bay xa. Ban đầu mình phải tìm được một con chim cu thật tốt, khỏe mạnh gáy giỏi để làm chim mồi. Chim mồi được nhốt vào lồng, bên ngoài có tấm lưới nhỏ để cu gáy bay tới sẽ mắc bẫy. Trong thời gian đó, mình chỉ ngồi đợi (gác) chứ không làm gì cả” - ông tiếp tục kể. Trước kia, chim cu nhiều vô số kể, nhất là khi mưa đầu mùa bắt đầu nặng hạt. Vào những ngày hè, từng đàn chim cu rủ nhau bay đi tìm những hạt lúa còn sót lại trên những cánh đồng. Buổi trưa hè, chúng vào vườn trú mát trên cây và gáy vang một góc vườn.
Gác cu vùng ngoại ô ảnh 2 Một chú chim bị sa bẫy.
Khi ngồi dưới tán những cây tràm già bên bờ kênh Thầy Cai ở ngay rìa nông trường Tam Tân rộng lớn để đợi chim cu sa bẫy, tôi hỏi vì sao người ta gọi những người gác chim cu gáy là ngu. Ông Lắm, một người khác trong nhóm đi gác chim cu cười hồ hởi, chả giấu diếm gì bảo: “Đó là ngày xưa thôi chú ơi. Vì gác chim cu khó khăn, mà nó lại nhỏ xíu, bé tí tẹo không có giá trị nhiều. Hầu hết thành quả, chỉ đem về nuôi hoặc nhậu chơi.
Bây giờ khác rồi, nếu không muốn nói là ngược lại bởi chim cu rất có giá trị. Như tháng vừa rồi, tôi gác được 4 con chim cu đến 3 con có giá 1,2 triệu đồng/con, một con còn lại dáng đẹp, có viền lông mơ ở cổ, gáy giọng đồng êm trầm nên bán được 2,3 triệu đồng cho chủ vựa chim bên Gò Vấp. Cu gáy nhìn bên ngoài không đẹp, rực rỡ vì chúng có màu nâu nhưng lại dễ nuôi, tiếng gáy đặc trưng, nghe một lần là nhớ mãi nên giờ nhiều người sành chim rất ưa chuộng”.

Có lẽ vì giá trị như vậy nên hiện nay ở vùng ngoại ô, ngoài nhóm mấy người ông Giỏi, ông Lắm đang đi gác cu, tôi còn gặp ở đây khá nhiều người theo nghề này bởi nếu may mắn, họ có thể kiếm được dăm triệu đồng mỗi tháng một cách khá nhàn nhã, nếu biết kiên nhẫn. 


Lặng lẽ trên đồng vắng

Theo những người đi gác cu lâu năm, bây giờ nhiều người sử dụng các phương pháp bẫy chim tinh vi theo kiểu tận diệt chứ không coi gác cu như một thú vui lành mạnh như trước. Ông Lắm chia sẻ: “Cùng mục đích bẫy chim, nhưng anh em chúng tôi gác cu theo kiểu truyền thống. Ngoài chú chim cu gáy mồi nhốt trong lồng, chỉ thêm vài cành cây, lá và mảnh lưới để chú chim cu nào nghe tiếng bạn gù tìm tới mắc bẫy mà thôi.
Nó khác với những người săn chim cu gáy chuyên nghiệp bởi họ sử dụng thêm cả lưới tơ, dây thòng lọng hay keo siêu dính. Khi ấy, cả đàn chim sà xuống, dù là cu hay hay sẻ đất, sẻ nâu đều dính hết. Nếu dính bẫy này cu gáy vùng vẫy mệt lử họ mới gỡ ra, đem bán nên có khi chỉ vài hôm sau kiệt sức là chết. Đó là săn bắt tận diệt, không phải thú vui bẫy chim cu của người trong vùng”. 

Được biết, không chỉ ở vùng ngoại ô ven thành phố, nghề gác chim cu còn dẫn những người này đi tới nhiều vùng lân cận như ở Trảng Bàng, Gò Dầu (Tây Ninh) hay xuống tới vùng Đức Hòa, Đức Huệ (Long An) với những cánh đồng hoang mênh mông và rừng tràm xen kẽ, là thế giới sinh sống ưa thích của loài cu gáy. Sau khi có được thành phẩm của mình, họ đem về bán lại cho những vựa buôn bán chim kiểng, hoặc những mối quen biết chơi chim cu.
Tuy nhiên, không phải bất kỳ chú cu gáy nào cũng được mua với giá tốt bởi yêu cầu quan trọng nhất giọng cu gáy phải trầm, êm, dày như tiếng vang của những dây đồng chìm vậy. Đây cũng là nét khác lạ của cu gáy so với các loài chim khác bởi nhiều người thường nghĩ chim hót vang, tiếng hót bay xa, ríu rít mới được ưa chuộng. Nhưng tiếng gù của cu gáy lại hoàn toàn ngược lại với đặc điểm trên. Đó cũng chính là điều làm nên thú vui nuôi cu gáy của nhiều người.

Tôi chia tay những người gác cu khi họ vẫn ngồi lặng lẽ, nhìn ra mông lung những khoảnh rừng trồng phía xa xa, đợi những tiếng gù hối hả vang lên bởi đó là lúc một chú cu gáy đã sa bẫy. Giữa hoang vắng êm đềm của một góc nông trường, ánh mặt trời thẳng đứng kéo bóng những người gác cu nhỏ bé lại, im lìm trong gốc cây bởi dường như, họ chính là những người gác cu (không phải đi săn chim cu) cuối cùng của thành phố này.

Các tin khác