Du lịch đường sông thiếu sức sống

(ĐTTCO) - Luôn được đánh giá là có nhiều tiềm năng phát triển, nhưng du lịch đường sông tại TPHCM lại đang thiếu đi sức sống cần có của một sản phẩm du lịch đặc trưng. 
 

Lác đác chỉ vài khách

Tại bến thủy nội địa tuyến kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè lúc gần 4 giờ chiều, trên khu vực cà phê có vài nhóm khách đang ngồi trò chuyện, phía dưới khu vực bến thuyền không hề có một bóng khách. Theo như tờ giới thiệu tôi cầm trên tay, có 2 loại thuyền phục vụ khách du ngoạn. Thuyền Phụng (2-4 người/thuyền); thuyền Quy (10-22 người/thuyền) nhưng khi tôi hỏi chỉ một khách có đi không, nhân viên vui vẻ cho biết vẫn đi bình thường. Có 2 khung thời gian để khách lựa chọn: 45 phút hoặc 1 tiếng 30 phút. Tôi chọn 45 phút với giá vé 110.000 đồng/khách, đã bao gồm nước uống, trái cây, thuyết minh và nghe nhạc trên sông. 

Thuyền bắt đầu rời bến, điểm cộng đầu tiên tôi ghi nhận được chính là thái độ rất vui vẻ, nhiệt tình và trân trọng du khách của nhân viên bến thủy.  Nhưng thuyền đi được gần 10 phút mà tôi không hề nghe được một câu thuyết minh nào của nhân viên chèo thuyền. Hỏi ra mới hay trước đây có người thuyết minh, nhưng từ khi bến thủy vắng khách, để giảm lỗ phần thuyết minh cũng phải cắt bớt. Chúng tôi bắt đầu câu chuyện để khỏa lấp đi khoảng thời gian thong dong trên dòng kênh Nhiêu Lộc. Bến thủy được đầu tư số tiền khá lớn, nhưng càng ngày lượng khách càng thưa vắng. Khách nước ngoài cũng ít tới đây, khách trong nước cũng không nhiều, cuối tuần đây trở thành điểm hẹn của nhiều đôi lứa yêu nhau. 

Ngày tôi đi, nước dâng khá cao nên không có nhiều rác, nhưng 2 bên dòng kênh rất buồn tẻ, chỉ có những ngôi nhà cao thấp đan xen, những xe cộ ồn ào. Không có điểm nhấn nào khiến tôi không thực sự cảm nhận được ấn tượng hay thấy thích thú. Thuyền đến cầu Bông thì quay trở lại, lúc này tôi thấy phía bến thuyền có 2 chiếc thuyền khởi hành ra kênh. Theo lời giới thiệu một chiếc thuyền là của 2 nhân viên phục vụ đờn ca tài tử (chỉ phục vụ từ 4 giờ chiều), một chiếc là khách. Đi một đoạn 3 thuyền gặp nhau, anh “ca sĩ” gửi lời chào và hát tặng chúng tôi một bản nhạc nhẹ, một phần trong bài Dạ cổ hoài lang. Họ rất nghiệp dư nhưng cũng nhờ có họ mà chuyến đi bớt buồn tẻ. Đi gần về phía bến thuyền, chúng tôi lại được gặp một thanh niên thổi kèn acmonica, anh gửi tặng tôi 3 bài và đương nhiên phần này cũng nằm trong giá vé. 

Chiều tà đã buông khắp dòng kênh, thuyền cập bến tôi cũng nán lại thêm nơi bến thuyền nhưng tuyệt nhiên không có thêm một người khách nào. Chỉ có tiếng cười nói của người dân khu vực xung quanh đổ ra tập thể dục tại những máy tập công cộng dọc kênh Nhiêu Lộc.

Đi một lần không quay lại 

Có đi mới thấy, bến thủy nội địa kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè thực sự thiếu sức sống, tuy có hát, có kèn đó nhưng đó chỉ là những điểm xuyết, còn cái mà du khách muốn là được ngắm nhìn là những điểm nhấn độc đáo dọc dòng kênh, vì nếu chọn tour 1 tiếng 30 phút thực sự khách sẽ cảm thấy ngán, đặc biệt với khách không biết đi trước 4 giờ chiều sẽ không có đàn ca lại càng buồn chán hơn. Nếu đi một lần cho biết thì nhiều người có thể chọn đi, nhưng nếu bảo có quay lại lần 2, lần 3 hay không thì thật khó. Dù vậy, khu vực bến thủy này vẫn còn có khách, chứ một vài điểm đến khác còn không một bóng người. Và có đến tận nơi mới hiểu vì sao du lịch đường sông khó phát triển ở những nơi này. 

Dọc con đường đến bến thủy trên đường Bến Bình Đông ngay trước chùa Long Hoa, quận 8 cái cảm giác đầu tiên của tôi là cực khó chịu với mùi hôi thối bốc lên từ dòng kênh Tàu Hủ và Lò Gốm. Dòng kênh đen ngòm đến nỗi đi trên đường Bến Bình Đông còn ngán, huống chi chuyện du lịch trên sông. Chạy một đoạn đường khá dài từ chân cầu Chà Và đến bến thủy, nhưng tới nơi bến thủy phục vụ du lịch vắng hoe, không người, không thuyền và cũng không có gì khó hiểu bởi lý do nằm ngay trước mắt. Bến Bình Đông những ngày giáp Tết trên bến dưới thuyền, buôn bán tấp nập bao nhiêu thì hôm nay thưa vắng bấy nhiêu. Một người dân gần đó bật cười khi tôi hỏi chuyện về bến thủy: “Có ai khờ khạo bỏ tiền đi ngửi mùi kênh thối?”. 

Có thể thấy với 30% diện tích là mặt nước, du lịch đường sông vốn được xem như một sản phẩm du lịch đặc trưng nhằm thu hút du khách khi đến với thành phố mang tên Bác. Thế nhưng làm sao biến tiềm năng thành thực tế, làm sao thổi sức sống cho những tuyến du lịch đường thủy nội đô dù được đầu tư con số cả chục tỷ đồng thực sự không dễ. Và một mình ngành du lịch e sẽ làm không xong.

Các tin khác