Du khảo Điện Biên

(ĐTTCO) - Điện Biên là vùng đất thiêng cả nước luôn hướng về với chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử vang động thế giới. Điện Biên còn là một vùng văn hóa đặc sắc với nhiều thắng cảnh, di tích, phong tục vẫn còn nguyên sơ đầy quyến rũ. 
Trong tháng tư nắng nóng, đoàn văn nghệ sĩ TPHCM đã hành hương về vùng đất làm nên “thiên sử vàng”.

Hùng vĩ và độc đáo

Nhìn lên bản đồ Việt Nam, chúng ta thấy tỉnh Điện Biên nằm chót vót phía Tây Bắc. Những bằng chứng khảo cổ học cho thấy từ xa xưa Điện Biên đã có người Việt cổ sinh sống, thể hiện qua những di tích như hang Thẩm Khương, Thẩm Búa ở Tuần Giáo. Tên gọi Điện Biên xuất hiện từ năm 1841, dưới thời vua Thiệu Trị nhà Nguyễn, với hàm nghĩa “Điện” là vững chãi và “Biên” là vùng biên ải. Phủ Điện Biên bấy giờ gồm 3 châu Ninh Biên, Tuần Giáo và Lai Châu.
Trải nhiều biến thiên thời cuộc, đến ngày 26-11-2003, Quốc hội khóa X phê chuẩn việc tách tỉnh Lai Châu thành 2 tỉnh: Lai Châu và Điện Biên. Trong đó, Điện Biên có diện tích tự nhiên gần 9.600km2, là tỉnh duy nhất của Việt Nam có đường biên giới với 2 quốc gia láng giềng là Lào và Trung Quốc, dân số hơn nửa triệu người, với 21 dân tộc anh em cùng sinh sống, đông nhất là người Thái chiếm tỷ lệ hơn 42%, với tỉnh lỵ là TP Điện Biên Phủ.

Bên cạnh núi non hiểm trở, Điện Biên còn là khu vực đầu nguồn của 3 con sông lớn là sông Mê Công, sông Đà và sông Mã. Riêng lưu vực sông Đà rộng lớn chiếm tới 55% diện tích tự nhiên toàn tỉnh. Địa thế ấy đã tạo cho Điện Biên nhiều phong cảnh đẹp, với hang động, sông hồ, đèo núi để du khách tha hồ khám phá, chinh phục.
Khi chúng tôi đến xã Mường Phăng thuộc huyện Điện Biên, cách TP Điện Biên Phủ hơn 40km về phía Bắc, nơi từng đặt Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ do Đại tướng Võ Nguyên Giáp đứng đầu, ai cũng bất ngờ trước vẻ đẹp của thiên nhiên hùng vĩ, không khí mát mẻ trong lành, nhất là hồ Pá Khoáng. Nằm giữa màu xanh núi đồi, hồ có địa hình đa dạng, thảm thực vật phong phú, nhiều loại hoa phong lan, với gần cả trăm loài cá bơi lội, hồ Pá Khoáng tương lai sẽ là nơi nghỉ dưỡng lý tưởng. 

Các cựu chiến sĩ Điện Biên về thăm lại chiến trường xưa. 
Cách hồ Pá Khoáng vài mươi cây số, ở huyện Tuần Giáo có hang Thẩm Báng cũng còn hoang sơ, rộng và sâu, cao gần 100m, có nhiều ngách, trên vách và trần hiện lên nhiều hình thù thạch nhũ kỳ thú như rồng, phượng, voi, sư tử… Giới khảo cổ học còn tìm thấy trong hang Thẩm Báng một số dấu tích của người tiền sử: rìu đá, chày đá, xương hóa thạch…
Và nằm giữa ranh giới 2 tỉnh Sơn La và Điện Biên, đèo Pha Đin trắc trở dài 32km, cao hơn 1.000m so với mặt nước biển. Con đường trên đèo tới nay vẫn mang hình dáng như thuở gánh gạo, kéo pháo vào Điện Biên Phủ, một bên vách núi dựng đứng, một bên vực sâu thăm thẳm, uốn lượn ngoằn ngoèo, chênh vênh gấp khúc. Sự hiểm trở ấy của đèo Pha Đin sẽ là hành trình lý thú cho những ai thích bộ hành chinh phục. 

Ngoài phong cảnh thiên nhiên, Điện Biên còn lưu giữ nhiều phong tục văn hóa độc đáo của người bản địa. Ngay đêm đầu tiên lên đây, chúng tôi đã có cuộc giao lưu văn nghệ, ẩm thực khá thú vị ở bản Cò Mỵ của TP Điện Biên Phủ, mà già làng đầu bản “lĩnh xướng” là chiến sĩ Điện Biên năm xưa Cà Văn Ưng người Thái.
Tất cả phụ nữ gia đình ông, từ con gái tới con dâu hợp thành đội ca vũ rất chuyên nghiệp, bên cạnh là tiếng khèn tiếng trống của con trai và con rể. Món ăn người Thái phong phú, nhất là các loại rau rừng, ngon miệng cả những thực khách khó tính. Cò Mỵ là một trong những bản làng tiêu biểu mà dường như du khách nào cũng tìm đến khi về Điện Biên Phủ.
Lễ hội truyền thống của 21 dân tộc ở Điện Biên cũng khá đa dạng và đặc sắc. Đáng kể nhất là nghi lễ cúng bản của người Cống diễn ra vào tháng 3 âm lịch hàng năm, ngay trước thời vụ gieo hạt. Vào ngày lễ hội, tất cả mọi ngả đường vào bản người Cống đều dựng cổng, trang trí công phu, có trai làng thay nhau canh gác, đặt dấu hiệu kiêng kỵ không cho người lạ vào bản. Từng gia đình đưa nhau lên nương làm lễ cúng, cầu ơn trên phù hộ cho mùa màng tươi tốt, bản làng yên vui.

Vang mãi bản hùng ca

Từ lâu cái tên Điện Biên Phủ gắn liền với chiến công “chấn động địa cầu” có sức thôi thúc mạnh mẽ đối với người Việt Nam, bạn bè yêu chuộng hòa bình thế giới hành hương về miền đất đã làm nên “phép lạ”. 

Với tâm thế ấy, đoàn văn nghệ sĩ TPHCM đã về Điện Biên Phủ “thăm cảnh nhớ người”, nơi đầu tiên đoàn đến dâng hương là Tượng đài Chiến thắng trên đồi D1, nằm ở trung tâm TP Điện Biên Phủ.
Tượng đài đúc bằng đồng này là tác phẩm hoành tráng của nhà điêu khắc tài danh Nguyễn Hải người Nam bộ, dựng lên vào dịp kỷ niệm 50 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, sau khi nhận được ý kiến tán đồng của Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Từ khuôn viên tượng đài có thể phóng tầm mắt bao quát cả một vùng rộng lớn của chiến trường xưa, với trung tâm là cánh đồng Mường Thanh và dòng sông Nậm Rốm uốn lượn, nay đã mọc lên TP hiện đại.

Ở khu vực trung tâm Điện Biên Phủ còn có các đồi và cứ điểm A1, C1, C2, Độc Lập, Hồng Cúm, Him Lam, cầu và sân bay Mường Thanh, hầm chỉ huy tướng De Castries. Nổi bật trong đó là đồi A1, gồm 2 đỉnh Tây Bắc cao hơn 490m và Đông Nam cao hơn 493m.
Đây là cứ điểm quan trọng bậc nhất trong tập đoàn cứ điểm của quân Pháp ở Điện Biên Phủ, qua 3 cuộc tấn công trong 56 ngày đêm ác liệt, với rất nhiều thương vong, quân ta mới chiếm được A1 sau khi cho nổ tung quả bộc phá gần 1.000kg trên đỉnh đồi vào sáng 7-5-1954, cũng là ngày toàn bộ quân Pháp ở Điện Biên Phủ đầu hàng. Đồi A1 gắn liền với chiến công của Trung đoàn 174 thuộc Đại đoàn 316, lúc ấy do Nguyễn Hữu An làm Trung đoàn trưởng, vị danh tướng về sau là Tư lệnh Quân đoàn 2 bằng chiến thuật “tấn công trong hành tiến” tiến vào Dinh Độc Lập ở Sài Gòn năm 1975.

Cách đồi A1 vài trăm mét về phía Nam là Nghĩa trang Độc Lập được xây dựng từ năm 1958, nơi chôn cất 644 liệt sĩ nhưng chỉ có 4 ngôi mộ có tên, cũng là các vị anh hùng: Tô Vĩnh Diện, Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Trần Can. Gần đó là hầm chỉ huy của bại tướng Pháp De Castries, với cấu trúc và cách sắp xếp của căn hầm vẫn còn nguyên vẹn.
Căn hầm kiên cố này dài 20m, rộng 8m, bao gồm 4 gian, ở phía ngoài có đường thông hào và hàng rào phòng thủ với hệ thống dây kẽm gai dày đặc và 4 chiếc xe tăng. Đây là nơi ghi dấu ấn của anh hùng Đại đội trưởng 360 Tạ Quốc Luật, người bắt sống tướng De Castries tại bàn làm việc vào lúc 17h30 ngày 7-5-1954 và đưa về cho Trung đoàn trưởng 209 Hoàng Cầm thẩm vấn.

Không nằm ở trung tâm, nhưng Sở Chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng cũng nằm trong Khu Di tích Chiến thắng Điện Biên Phủ, cách trung tâm TP hơn 1 giờ đi ô tô về hướng Đông Bắc. Nơi Đại tướng Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp chọn đặt đại bản doanh nằm trong khu rừng nguyên sinh, từ đài quan sát trên đỉnh núi cao hơn 1.000m có thể nhìn thấy mọi hoạt động ở thung lũng Mường Thanh.
Hiện nay ở đây đã phục dựng các di tích: chòi canh gác số 1, hầm thông tin liên lạc do ông Hoàng Đạo Thúy chỉ huy, đài quan sát, lán ở và làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, lán ở và làm việc của Thiếu tướng Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, đường hầm xuyên núi dài 96m nối liền lán của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tham mưu trưởng Hoàng Văn Thái, nhà làm việc Cục Tác chiến do Đại tá Trần Văn Quang chỉ huy…

Núi non hùng vĩ - địa thế hiểm yếu - văn hóa phong tục nguyên sơ bí ẩn, Điện Biên còn là miền tâm linh lưu giữ trang sử oanh liệt và bi tráng mà mỗi người Việt Nam khi về đây đều xúc động nghiêng mình, nghe trong tâm khảm vang mãi bản hùng ca hòa bình.

Các tin khác