Đổi thay cửa ngõ phía Đông

Cách đây 37 năm, cầu Rạch Chiếc, thành phố Sài Gòn là một trong ba mục tiêu quan trọng mà quân giải phóng phải “khơi thông” để đưa đại quân vào đánh chiếm Dinh Độc Lập. 37 năm sau, nơi đây trở thành cửa ngõ quan trọng của TPHCM để kết nối các tỉnh với TP, phát triển kinh tế-xã hội.

Cách đây 37 năm, cầu Rạch Chiếc, thành phố Sài Gòn là một trong ba mục tiêu quan trọng mà quân giải phóng phải “khơi thông” để đưa đại quân vào đánh chiếm Dinh Độc Lập. 37 năm sau, nơi đây trở thành cửa ngõ quan trọng của TPHCM để kết nối các tỉnh với TP, phát triển kinh tế-xã hội.

1.Tháng 4-1975, khi cánh cửa Xuân Lộc đã mở tung, các cánh quân hướng Đông-Đông Nam được vinh dự nhận mục tiêu đánh chiếm Dinh Độc Lập. Vấn đề đặt ra: Phía trước là hệ thống hàng chục chiếc cầu trên các sông rạch bao quanh Sài Gòn, địch quyết tử thủ. Cầu, lực lượng địch trở thành vật cản.

3 cầu quan trọng nhất ở hướng Đông trên Quốc lộ 1 là cầu Đồng Nai (trên sông Đồng Nai), cầu Rạch Chiếc (trên vàm Rạch Chiếc, một nhánh thuộc hạ lưu sông Sài Gòn) và cầu Sài Gòn (trên sông Sài Gòn áp sát nội đô). Việc đánh - chiếm - giữ các cầu là nhiệm vụ hệ trọng, có ý nghĩa quyết định cho việc đưa đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Trận đánh - chiếm - giữ cầu diễn ra từ đêm 27-4.

Suốt các ngày 29 và 30-4-1975, hàng chục đợt phản kích của địch có xe tăng, máy bay, pháo binh và ca nô chiến đấu yểm trợ, hung hãn chống trả. Rốt cuộc chúng đã bị bộ đội ta đánh lui.

Cầu Rạch Chiếc mới đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ảnh: CAO THĂNG

Cầu Rạch Chiếc mới đang trong giai đoạn hoàn thiện. Ảnh: CAO THĂNG

2. Trong một cuộc họp về mở rộng dự án Xa lộ Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Tài tâm sự,  ngày xưa lúc ông còn nhỏ nhìn thấy xa lộ Đại Hàn (tên cũ) rộng thênh thang, ông thầm nghĩ, con người thưa thớt không biết người ta làm đường rộng thế này ai đi?

Ấy vậy mà sau hơn 30 năm đất nước thống nhất xa lộ Hà Nội đã nhiều lần nâng cấp, mở rộng mới có thể đáp ứng nhu cầu phát triển, đi lại của người dân với chiều rộng 120m. Trên tuyến đường ấy nhiều hạng mục công trình giao thông quan trọng được đầu tư nâng cấp, đặc biệt là xây mới cầu Rạch Chiếc và cầu Sài Gòn 2.

Ông Vũ Văn Điệp, Phó Giám đốc Khu quản lý giao thông đô thị số 2, Sở GTVT TPHCM, cho biết việc xây dựng mới cầu Rạch Chiếc sẽ góp phần khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, hạn chế tai nạn giao thông tại khu vực này. Đồng thời, cùng với nút giao ngã ba Cát Lái và tuyến xa lộ Hà Nội sau khi xây dựng xong sẽ tạo nên trục mỹ quan thông thoáng tại cửa ngõ phía Đông Bắc TPHCM.

Theo thiết kế, cầu Rạch Chiếc có tổng chiều dài công trình 735,8m, trong đó phần cầu dài 295m, đường dẫn phía TPHCM dài 225,06m và đường dẫn phía Biên Hòa dài 215,8m. Khi được đưa vào sử dụng sẽ có 10 làn xe chạy gồm 3 nhánh cầu riêng biệt, 2 nhánh biên với chiều rộng mỗi nhánh là 9,8m; nhánh giữa rộng 26,5m.

Tổng mức đầu tư của dự án hơn 1.000 tỷ đồng. Hiện nay dự án đang trong giai đoạn hoàn thành, góp phần tạo cảnh quan cũng như giải quyết ùn tắc giao thông trên toàn tuyến. Ngày 14-4 vừa qua, cầu Sài Gòn 2 cũng được khởi công xây dựng.

Cầu Sài Gòn 2 được xây dựng song song với cầu Sài Gòn hiện hữu (cách nhau 3m), có tổng chiều dài 987,32m, mặt cắt ngang 23,5m, tuổi thọ của cầu là 100 năm… Tổng mức đầu tư của dự án là 1.495,5 tỷ đồng, công trình dự kiến hoàn thành sau 21 tháng thi công.

3. Chủ tịch UBND TPHCM Lê Hoàng Quân cho biết, trong Quy hoạch phát triển giao thông vận tải TPHCM đến năm 2020 và tầm nhìn sau năm 2030 đã được phê duyệt, xa lộ Hà Nội được xem là trục giao thông huyết mạch của TP ở cửa ngõ phía Đông góp phần giải quyết nạn ùn tắc giao thông xảy ra hàng ngày.

Những chiếc cầu, nút giao thông trên toàn xa lộ Hà Nội, sau khi hoàn thành “nhiệm vụ” lịch sử của mình, hôm nay góp phần vào việc phát triển kinh tế- xã hội của TPHCM với mục tiêu trở thành trung tâm kinh tế, tài chính, cửa ngõ giao lưu quốc tế.

Các tin khác