Đoàn Chuẩn - Từ Linh và bản nhạc thất lạc

Nói đến Đoàn Chuẩn, người ta thường nghĩ đến “Tình nghệ sĩ”, họ coi đây là bài hát đầu tiên của ông. Thế nhưng, một năm sau khi ông mất, gia đình đã bất ngờ nhận được món quà tặng đặc biệt của một người bạn, đó là bản “Ánh trăng mùa thu” - bản nhạc đã bị thất lạc nhiều năm. Và gần đây, lại một nhạc phẩm nữa của ông được tìm thấy với tên gọi “Thuở trâm cài”.

Nói đến Đoàn Chuẩn, người ta thường nghĩ đến “Tình nghệ sĩ”, họ coi đây là bài hát đầu tiên của ông. Thế nhưng, một năm sau khi ông mất, gia đình đã bất ngờ nhận được món quà tặng đặc biệt của một người bạn, đó là bản “Ánh trăng mùa thu” - bản nhạc đã bị thất lạc nhiều năm. Và gần đây, lại một nhạc phẩm nữa của ông được tìm thấy với tên gọi “Thuở trâm cài”.

Tình nghệ sĩ

Ngày 14-9 tới đây, những người hâm mộ tình ca lãng mạn của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Từ Linh sẽ có dịp được đắm hồn trong đêm nhạc “Thu về trên phố” tại Hà Nội. Đêm nhạc không chỉ có sự góp mặt của những giọng ca vàng Mỹ Linh, Hồng Nhung, Ánh Tuyết… mà còn là một cơ hội đẹp để các nghệ sĩ, những người yêu mến nhạc sĩ Đoàn Chuẩn - Từ Linh cùng ngồi lại và nhớ về ông, một nghệ sĩ của mùa thu.

Nghệ sĩ Đoàn Đính, con ruột của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn, tâm sự ông hồi hộp và mong chờ đêm nhạc hơn bất cứ người nào hết, bởi lẽ đó là thêm một lần nữa ông được đón nhận những tấm chân tình của các nghệ sĩ, của khán giả dành cho cha mình, nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.

Những kỷ niệm về nhạc sĩ Đoàn Chuẩn còn lưu giữ trong ông, không chỉ là hình ảnh về một người cha vui tính mà còn là một người thầy nghiêm khắc và một nghệ sĩ đầy đam mê. Nghệ sĩ Đoàn Đính tâm sự ngay từ khi còn nhỏ, ông thường tỉnh dậy với tiếng đàn dìu dặt mà du dương của cha. Khi đó, câu hỏi thường trực trong ông là cha chơi đàn hay mở đĩa.

Thủa bấy giờ, khi các gia đình còn khó khăn chạy ăn từng bữa thì may mắn thay, nghệ sĩ Đoàn Chuẩn đã có trong nhà hàng ngàn đĩa nhạc hiếm. Ông không chỉ tự học cách chơi guitar Hawaii - một loại nhạc cụ hiếm thời đó - qua các đĩa nhạc mà còn tự đặt cho mình trách nhiệm phải chép lại cho được những bản nhạc ấy để dạy lại cho học trò và để tự mình phá bỏ quan niệm về nhạc cụ ông theo đuổi chỉ là thứ nhàm chán, đơn điệu.

Học trò đến với thầy Đoàn Chuẩn nhiều, không phải ai ông cũng nhận dạy, nhưng đã dạy luôn dốc hết ruột gan, tâm huyết cho các trò. Ông Đoàn Đính nhớ lại, cha không ép ai phải theo nghiệp mình nhưng nếu đã học phải làm cho đến nơi đến chốn. Có những lần ông Đính bị cha nhốt trong phòng hàng giờ đến lúc trả bằng được bài tập đàn lần trước mới được ra ngoài.

 Nghiêm khắc là vậy, song Đoàn Chuẩn vẫn luôn nổi danh một con người hào hoa phong nhã. Thú “ăn chơi” của ông hiếm ai bì kịp. Tài tử Ngọc Bảo, cùng thời Đoàn Chuẩn, người được coi là hát nhạc Đoàn Chuẩn quyến rũ nhất, đã từng thốt lên: “Tôi là tay chơi có hạng đất Bắc Kỳ nhưng còn thua xa người lịch lãm, hào hoa Đoàn Chuẩn”.

Ngày ấy, cả Việt Nam có 2 “con” Cadillac, Đoàn Chuẩn có 1 trong 6 chiếc để thay đổi. Thế nhưng vì quá mê đàn, ông sẵn sàng đổi ngay 1 chiếc ô tô để lấy cây guitar Hawaii. Chất nghệ sĩ của ông mạnh tới mức người nghe luôn cảm nhận được những bóng hồng đầy diệu ảo trong mỗi nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn.

Để rồi không biết từ lúc nào quanh ông bao câu chuyện thêu dệt về mối tình với cô nàng xinh đẹp nọ, nữ ca sĩ kia… đã xuất hiện, khiến những lời đề ở mỗi nhạc phẩm càng thêm gợi. Bao người khi đọc những dòng ông viết: “Em còn nhớ không? Chiều chia tay cuối cùng lúc tàn thu trên quãng đường Trần Hưng Đạo tỏa hương hoa sữa thơm lừng và lòng chúng ta thì cay đắng vô cùng”… ở tác phẩm “Chiếc lá cuối cùng” đã phải nao lòng?

Cũng chính bởi chất nghệ sĩ ấy đến tận bây giờ, bao câu hỏi xoay quanh câu chuyện Từ Linh là ai? Đoàn Chuẩn có mối quan hệ thế nào với Từ Linh?... vẫn tồn tại và trở thành những giai thoại đẹp. Ngay cả nghệ sĩ Đoàn Đính, con ruột của Đoàn Chuẩn, cũng chưa một lần biết tại sao cái tên Đoàn Chuẩn - Từ Linh lại luôn song hành với cha mình. Vì thế ông cùng gia đình luôn tôn trọng và gìn giữ những giai thoại đẹp về những mối tình âm nhạc, tình nghệ sĩ ấy.

Những bản nhạc bị thất lạc

Chia sẻ kỷ niệm đẹp khi gia đình bất ngờ nhận được bản nhạc “Ánh trăng mùa thu” bị thất lạc nhiều năm, nghệ sĩ Đoàn Đính tâm sự, mùa thu năm 2002, gia đình đã nhận được bản nhạc “Ánh trăng mùa thu” in từ năm 1953 do ca sĩ Nguyễn Ngọc Khôi tặng. Anh Khôi là học trò thanh nhạc của ca sĩ Đoàn Chính đang định cư tại Canada.

Trên bản nhạc còn nguyên nét chữ của Đoàn Chuẩn: “Viết ở Đống - Năm để kỷ niệm những ngày ở Khuốc, Thu 47”. Và đây mới chính là sáng tác đầu tay của nhạc sĩ Đoàn Chuẩn.

Song bất ngờ không chỉ dừng lại ở đó khi gần đây, với nỗ lực đi tìm những di cảo, kỷ vật của nhạc sĩ, gia đình, cháu gái gọi nhạc sĩ Đoàn Chuẩn bằng ông trẻ, may mắn tìm được bản thu âm năm 1960 tại Đài Tiếng nói Việt Nam ca khúc “Hoa thơm bướm lượn” do Đoàn Chuẩn cùng Tạ Tấn hòa tấu và gần đây, lại một nhạc phẩm nữa của ông được tìm thấy với tên gọi “Thuở trâm cài”.

“Thuở trâm cài” được tác giả ký bút danh Việt Tử. Vẫn những ca từ hết sức mộng mơ, hết sức Đoàn Chuẩn như “Cài trâm lên mái tóc nàng đứng soi để những cho gương mờ… Anh ước mơ thầm kín, những cánh hoa trìu mến phủ thắm lối duyên...”.

Tác phẩm “Thuở trâm cài” được Đoàn Chuẩn sáng tác trong thập niên 60 thế kỷ trước, đây có thể coi là sự gạch nối giữa hai giai đoạn 1947 - 1956 và 1988 - 1989 trong sự nghiệp sáng tác của ông. Trong những ngày đầu thu này, bản ghi đầu tiên của nhạc phẩm “Thuở trâm cài’ do ca sĩ Quỳnh Hoa thể hiện đã đến với người yêu mến Đoàn Chuẩn qua Youtube.

“Thuở trâm cài” cũng là tác phẩm duy nhất của Đoàn Chuẩn viết theo thể điệu Bolero. Nhưng trong giai điệu ấy, có nét buồn, sự day dứt lãng mạn. Tác phẩm được viết trên giai điệu của cây đàn guitar Hawaii, một đặc trưng trong những sáng tác của Đoàn Chuẩn. Ca sĩ Quỳnh Hoa, người có cơ duyên được thể hiện nhạc phẩm này tâm sự: "Trong một tuần lễ, vừa nghiên cứu, vừa thu âm, mà thấy hát nhẹ như không. “Thuở trâm cài” như một bài hát đã thấy thân quen lắm rồi. Dường như những giai âm đó đã ngấm vào trong tâm hồn tôi từ rất lâu" - Quỳnh Hoa thổ lộ.

Sự xuất hiện đầy bất ngờ của “Ánh trăng thu”, “Thủa trâm cài” đã nhen lên những hy vọng rằng ở đâu đó vẫn còn những nhạc phẩm diệu ảo khiến người nghe ngây ngất lòng cùng với “Thu quyến rũ”, “Gửi người em gái”, “Vĩnh biệt”, “Chiếc lá cuối cùng”…

Các tin khác