Dỡ chà

Nước đang đứng ròng. Khoảng 2 giờ chiều, trời mưa lắc rắc. Bác Năm quyết định đi dỡ chà, dù biết mưa gió thế này sông động, cá tôm có thể sẽ ít. Thế là chúng tôi cả thảy 8 người dong hai chiếc xuồng tam bản từ bến nhà anh Liêm đến chỗ chất chà cách đó chưa đến 100 mét. Đó là một ngã ba sông thuộc kênh Xáng Xéo (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).

Nước đang đứng ròng. Khoảng 2 giờ chiều, trời mưa lắc rắc. Bác Năm quyết định đi dỡ chà, dù biết mưa gió thế này sông động, cá tôm có thể sẽ ít. Thế là chúng tôi cả thảy 8 người dong hai chiếc xuồng tam bản từ bến nhà anh Liêm đến chỗ chất chà cách đó chưa đến 100 mét. Đó là một ngã ba sông thuộc kênh Xáng Xéo (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long).

Rung chà cá nhảy

Để không phải động chà khiến cá nhảy ra, anh Liêm nhẹ nhàng thả mình xuống nước tiếp cận đống chà. Một lát sau, anh Liêm nổi lên, cười giải thích: “Đó là đi “tiền trạm” để biết độ nước sâu”. Mọi người bắt đầu cởi áo, chỉ mặc quần đùi, ôm cây và lưới, rồi thả mình xuống sông.

Ảnh minh họa: LÃ ANH
Ảnh minh họa: LÃ ANH

Chà thường được làm bằng những loại cây có nhiều cành nhánh như trâm bầu, bần, tre… cắm xuống lòng sông rạch, gần sát mé bờ, tạo thành chỗ cho tôm cá vào ở. Mỗi đống chà có diện tích từ 6-8m2, hoặc 10-15m2. Mỗi tháng người ta dỡ chà 2 lần vào ngày con nước kém (khoảng mùng 10 và 25 âm lịch).

Khi nước đứng ròng, người ta dùng lưới quây đống chà lại (gọi là bao đăng), rồi lấy hết chà bên trong ra, gom dần cho lưới thu nhỏ lại, rồi chỉ việc dùng vợt để xúc cá trong lưới. Trong lúc lặn bao đăng, chà động, vài ba con cá nhảy tung ra giữa tiếng cười nói rộn rã của mọi người, ai cũng hy vọng sẽ có chuyến dỡ chà bội thu.

Chúng tôi thay nhau hì hụp lặn, rồi nổi lên, kéo theo từng nhánh cây rong rêu, từng nhúm cây củi chà đã mục đen xỉn, thảy ra bên ngoài viền lưới. Chà cũ được những người không lặn quăng qua bên kia, xếp lên rồi chằng lại để chà không trôi. Một công đôi việc, đống chà cũ dỡ tới đâu lại được chất lại thành đống chà mới cách đó vài mét.

Lặn hăng nhất là các anh Liêm, Tú và Sơn. Mỗi lần lặn vài ba chục giây. Đến khi lưới được thu lại nhỏ dần, người dỡ chà chỉ ôm lên toàn rác trộn lẫn bùn non, nhưng vẫn cẩn thận săm soi lựa xem có con tôm, con cá nào còn lẫn trong đó.

Khi đã dỡ sạch hết chà, mọi người đã lặn hụp đều thấm lạnh, mắt hoe đỏ, môi tái và da se lại vì đã lặn khá lâu. Lúc đó lưới đã được quây lại nhỏ hơn. Viền trên được nâng lên cao hơn, viền dưới tiếp tục được chèn lại cho chặt hơn để cá không ra được. Hai chiếc tam bản cũng quây lại, để nếu có cá nhảy ra cũng sẽ bay thẳng lên xuồng.

Thất thu

“Cá không có nhiều rồi” - bác Năm thất vọng. Thế nhưng anh Liên vẫn háo hức: “Xem có con cá ngát không? Lúc nãy tôi lặn xuống lấy chà có huơ tay đụng nó nhưng chụp không kịp”. Anh Sơn tỏ vẻ tiếc nuối: “Chắc viền bị hở nên nó ra mất rồi”. Giữa một đụn rác trộn lẫn bùn non chỉ lấp lánh ánh bạc của mấy con cá he trắng, cá sơn, cá chim trắng, vài con tôm càng he, mấy con cá lau kiếng… Chẳng có con cá ngát nào, cũng chẳng có con cá linh rìa nào. Cá mè vinh cũng không có.

Bác Năm trầm ngâm kể, trước đây mỗi khi dỡ chà thế này thường được 2kg tôm và đầy một rổ cá trắng các loại. Bắt được nhiều cá ngát cỡ 500-700gr đến hơn 1kg mỗi con là chuyện bình thường. Vậy mà bây giờ dỡ chà chẳng thu được gì đáng kể. Chúng tôi dong ghe về bến sau 2 giờ trầm mình lặn hụp. Đành để trôi đi hào hứng ban đầu về cảnh “tôm cá đầy khoang”. Cá tôm bây giờ ít quá!

Vì sao ở xứ ngày xưa là “chim trời, cá nước” mà nay thủy sản dưới sông ngày càng cạn kiệt? Không khó để tìm câu trả lời. Chúng tôi quan sát thấy có 2 chiếc xuồng tam bản, chiếc chèo đi 2 người, chiếc chạy máy chân vịt đi 3 người. Họ đang đi xiệc (chích điện) cá tép dọc mé sông. Người ta dùng cây xiệc - một cây có đầu nhọn dẫn nguồn điện từ chiếc bình ắc quy để lộ thiên dưới lòng xuồng - và cây vợt để vớt cá tép khi bị diện giật dạt vào mé bờ. Nghe hỏi xiệc có thu được khá không, họ trả lời với giọng ngán ngẩm: “Có mấy con tép thôi, bữa nay hẻo quá!”.

Khi người ta cư xử nghiệt ngã với thiên nhiên thì phải trả giá. Được biết, mỗi khi nước ròng, cả con kênh Xáng Xéo này và Xáng Ngay (xã Lục Sĩ Thành), thông từ sông Hậu qua sông Cái Côn, đi Cù Lao Dung (Sóc Trăng), Phụng Hiệp (Hậu Giang), kiểu đánh bắt cá tôm tận diệt bằng xiệc điện, thậm chí là thuốc cá diễn ra rất thường xuyên.

Xiệc giữa thanh thiên bạch nhật như thế, còn thuốc cá thì lén lút, chẳng ai biết, chẳng ai nhận. Nhưng khi thuốc rồi, cá tôm trúng độc chết dạt vào hai bên bờ, không chỉ dân bỏ thuốc mà mọi người đều cùng hào hứng bắt.

Các tin khác