Đìu hiu sàn chứng khoán

Những ngày này, không khí tại các sàn giao dịch chứng khoán đìu hiu đến độ người trong nghề ví von lên sàn như đi …“chùa bà Đanh”.

Những ngày này, không khí tại các sàn giao dịch chứng khoán đìu hiu đến độ người trong nghề ví von lên sàn như đi …“chùa bà Đanh”.

Chợ chiều

Để ghi nhận không khí tại các sàn giao dịch chứng khoán, chúng tôi ghé sàn giao dịch của công ty chứng khoán C. trên đường Nguyễn Thị Minh Khai, TPHCM. Dù chưa hết giờ giao dịch nhưng bầu không khí ở đây lạnh lẽo khác thường.

Toàn bộ bảng điện tử tắt ngấm khiến trong phòng giao dịch chỉ lờ mờ nhờ chút ánh sáng hắt ra từ vài bóng đèn nhỏ ở quầy giao dịch và từ những chiếc màn hình máy tính. Trong các quầy, 4 nữ nhân viên đang nhìn vào máy tính và dường như không hay biết có người vào. Đến khi tôi đánh tiếng thì một nhân viên mới giật mình nhìn lên, hỏi tôi cần gì.

Các sàn giao dịch đang lâm vào cảnh chợ chiều. Ảnh: LÃ ANH

Các sàn giao dịch đang lâm vào cảnh chợ chiều. Ảnh: LÃ ANH

Trước đây chúng tôi thỉnh thoảng đến sàn này, vào thời điểm thị trường sôi động, nhà đầu tư bám sàn rất đông, có những phiên không đủ chỗ để ngồi. Sau khi nghe chúng tôi nói ý định định mở tài khoản mới, cả 4 cô nhân viên đều nhìn thoáng vẻ ngạc nhiên, rồi lấy bộ hồ sơ giao cho khách.

Qua cách nhìn đó, tôi đoán có thể mấy cô cho rằng chúng tôi là những người mới đến với thị trường chứng khoán, không am hiểu tình hình cho lắm, nên mới đi mở tài khoản giao dịch ngay thời điểm nhiều người “tháo chạy”. Khi được hỏi về tình hình thị trường, một cô giải thích do gần đây ít nhà đầu tư đến giao dịch nên công ty tắt hết bảng điện tử để tiết giảm chi phí.

Cô nhân viên ngồi cạnh bên phân trần: “Thị trường èo uột nên nhà đầu tư không hứng thú bám sàn. Nhưng theo các chuyên gia, thế nào thị trường cũng sớm được cứu và sẽ sôi động trở lại. Lúc đó các anh nhớ đến sàn của công ty bọn em nhé”.

Tại khu “Phố Wall của Việt Nam” trên đường Nguyễn Công Trứ, quận 1, sàn của công ty chứng khoán Đ. trong phiên giao dịch có không đầy 10 nhà đầu tư. Trong phòng rộng gần 100m2, chỉ có 2 nhà đầu tư ngồi ở dãy ghế đầu chăm chú theo dõi bảng điện tử, những người còn lại nghe điện thoại, nhắn tin hoặc đọc báo, khiến không khí trong phòng giao dịch thêm ảm đạm.

Bắt chuyện với nhà đầu tư, anh cho biết trước đây từng làm việc tại một công ty bảo hiểm, thấy bạn bè chơi chứng khoán có vẻ “ngon ăn” nên chuyển hẳn sang chứng khoán chơi lướt sóng và tích lũy được một số vốn khá.

Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây thị trường liên tục đi xuống, anh thua lỗ nặng. Đến nay, tài khoản chỉ còn chưa đầy 30 triệu đồng. “Ở nhà buồn nên lên sàn ngồi giết thời gian chứ có lướt sóng lướt siết gì đâu” - anh cười buồn.

Rời sàn Đ., chúng tôi ghé sàn giao dịch của công ty chứng khoán H., một trong những sàn có lượng nhà đầu tư đông nhất TPHCM. Không khí ở đây tuy nhộn nhịp hơn 2 sàn kia, nhưng cũng không khác gì phiên chợ chiều. Đang trong phiên giao dịch, nhưng ở đây chỉ có hơn 20 nhà đầu tư. Mọi người đều trầm ngâm, tư lự theo dõi bảng điện tử. Có lẽ họ tự trách mình không rút khỏi thị trường sớm hơn để không phải rơi vào tình cảnh tiến thoái lưỡng nan hiện nay.

Cũng tại sàn giao dịch này chúng tôi chứng kiến những hình ảnh khá hài hước. Một nhà đầu tư tranh thủ sử dụng mạng internet của công ty chứng khoán để tải… ảnh con gái đang du học nước ngoài mới gửi về. Cách đó không xa, nhà đầu tư khác đứng tuổi đang tranh thủ “tán tỉnh” một nữ nhân viên môi giới. 

“Sinh nghề, tử nghiệp”

Không chỉ nhà đầu tư gặp khó, phần lớn nhân viên môi giới của các công ty chứng khoán cũng rơi vào tình cảnh sống lây lất qua ngày do thu nhập quá kém. Anh T., nhân viên môi giới của công ty S. cho biết, thu nhập chính của nhân viên môi giới là hưởng phần trăm từ các hoạt động mua bán của nhà đầu tư, nhưng vài tháng gần đây khoản thu nhập này sụt giảm đến 80%.

Trong khi lương cứng lại thấp hơn lương công nhân khu công nghiệp, đa phần nhân viên môi giới đều rơi vào tình trạng không đủ sống, phải tiêu xài rất dè sẻn. Nhưng đáng ngại nhất là nhiều nhân viên môi giới lâm vào cảnh nợ nần do chơi chứng khoán thua lỗ. Về phía công ty chứng khoán, do thường ưu tiên nhân viên môi giới sử dụng đòn bẩy tài chính, nên tỷ lệ thua lỗ rất lớn.

Có nhiều trường hợp nhân viên môi giới bỏ trốn, để lại những khoản nợ lớn nhưng công ty chứng khoán không dám làm lớn chuyện. “Đã sống bằng nghề này thì khó ai có thể cưỡng lại những con sóng lên xuống của thị trường. Sinh nghề ắt tử nghiệp thôi” - anh T. than thở.

Hiện nay tại sàn giao dịch của công ty V., câu chuyện một nhà đầu tư (ngụ tại quận Tân Bình, từng là chủ một cơ sở may lớn) phải vào bệnh viên tâm thần được truyền tai nhau. Theo lời kể, nhà đầu tư này cầm cố căn nhà mặt tiền lấy 5 tỷ đồng đầu tư chứng khoán với hy vọng gỡ gạc khoản lỗ hơn chục tỷ đồng từ giữa năm 2010 đến nay.

Với khoản tiền mới và số tiền hỗ trợ 50% từ công ty chứng khoán, nhà đầu tư này đã mua bắt đáy một mã cổ phiếu với giá trị gần 10 tỷ đồng. Thế nhưng, số cổ phiếu bắt đáy này vẫn tiếp tục đi xuống trong vòng 2 tháng gần đây. Việc thua lỗ nặng dẫn đến nguy cơ trắng tay, vỡ nợ khiến nhà đầu tư bệnh trầm cảm nặng.

Còn tại sàn giao dịch A. có câu chuyện về một nhân viên môi giới phất lên nhờ lướt sóng, mua được căn hộ ở khu Phú Mỹ Hưng và chiếc xe hơi Lexus 470. Tuy nhiên, tài sản hơn chục tỷ đồng của anh nhanh chóng đã chuyển sang chủ mới sau vài lần bị “sóng đè”. Số nhà đầu tư không may mắn như vậy ngày càng nhiều và đang là đề tài được bàn tán nhiều tại các sàn giao dịch.

Trên thị trường chứng khoán hiện còn hiện tượng không ít “chuyên gia” bỗng dưng bặt tăm. Giới đầu tư thường nhắc đến một người tự xưng là chuyên gia từng học ở nước ngoài. “Chuyên gia” này đã biến mất sau đợt thua lỗ gần đây.

Hay câu chuyện giám đốc một công ty chứng khoán “chế” ra hình thức đầu tư mới khiến công ty này tốn số tiền lớn đầu tư công nghệ và con người, nhưng bị “tuýt còi” vì phạm luật. Tuy phạm luật, nhưng vị giám đốc này luôn huênh hoang có quen biết nhiều nhà báo lớn nên không “ngán” báo nào, nhưng sau đó, ông ta mất dạng.

Điều dễ nhận thấy khi lên sàn hiện nay là trong bối cảnh thị trường bế tắc, nhà đầu tư thường bị cuốn hút bởi những câu chuyện như vậy hơn việc nhận định ngành nghề hay mã cổ phiếu nào đang “hot” nhất.

Các tin khác