Điệp khúc buồn tênh

Không chỉ tảo hôn, tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã trở thành những vấn nạn ở vùng cao, vùng sâu vùng xa. Điều đó khiến chất lượng cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng và gây ra nhiều nghịch cảnh trớ trêu, hệ lụy đau lòng. Dẫu các ngành đã có nhiều biện pháp giúp đỡ nhưng vì “cái lý” lạc hậu khiến hủ tục vẫn tiếp diễn.

Không chỉ tảo hôn, tình trạng hôn nhân cận huyết thống đã trở thành những vấn nạn ở vùng cao, vùng sâu vùng xa. Điều đó khiến chất lượng cuộc sống của người dân bị ảnh hưởng và gây ra nhiều nghịch cảnh trớ trêu, hệ lụy đau lòng. Dẫu các ngành đã có nhiều biện pháp giúp đỡ nhưng vì “cái lý” lạc hậu khiến hủ tục vẫn tiếp diễn.

1. Đến “thiên đường du lịch” Sa Pa, tôi gặp em gái mặt mũi nhem nhuốc, địu 1 đứa trẻ đằng sau, dắt thêm đứa biết đi khác cũng bẩn thỉu. Cứ ngỡ em đang vất vả, chăm sóc em. Nhưng hỏi ra, tôi thật ngỡ ngàng, không phải chăm em mà là mẹ chăm 2 đứa con.

Người mẹ bé tẹo teo, mặt mũi búng ra sữa, ở cái tuổi hồn nhiên, ngay cả việc chăm sóc cho mình chưa nổi, nhưng đã 2 đứa con. Em tên Mẩy, bản Tả Phìn, ai muốn chụp ảnh cũng đòi tiền công và luôn gọi tôi bằng chú. Em cho biết có nhiều đàn ông ở vùng núi cao này đã lên chức ông ngoại ở tuổi 30.

Những đứa trẻ nhếch nhác.

Những đứa trẻ nhếch nhác. 

Mẩy đi chân đất, đứa con gái lít nhít lẽo đẽo theo mẹ cũng đi chân đất, trên người chỉ khoác mỗi manh áo tả tơi. Thấy khách lạ, thi thoảng nó túm váy mẹ với vẻ mặt lo sợ. Hỏi chuyện, Mẩy hồn nhiên trong cách sống và cách nuôi con. Mẩy bị buộc lấy chồng sớm theo quan niệm của người Mông.

13 tuổi phải có người yêu, phải cưới, sinh con. Rồi cuộc sống chật vật, sự nghèo khó của gia đình, thôn bản cứ bám chặt vào. Sa Pa có nhiều đứa trẻ “hỉ mũi chưa sạch” đã trở thành mẹ như Mẩy. Phong tục lạc hậu đã chất lên vai những đứa trẻ một gánh nặng vừa hữu hình vừa vô hình quá lớn.

Những đứa con được sinh ra bởi ông bố bà mẹ chưa trưởng thành, thiếu kiến thức, nên cũng èo uột, suy dinh dưỡng, đen đúa và sống hoang dã, như cây cỏ để rồi lặp lại cảnh thế hệ trước trải qua. Chúng không được tạo dựng ước mơ, không có cơ hội để mơ ước, rồi sự heo hút của núi rừng cuốn chúng vào vòng đói khổ.

Gặp gỡ người ông trẻ Lý Văn Tán có 4 đứa con dựng vợ gả chồng sớm ở Sa Pa, tôi nhận được tiếng thở dài: “Bà con thế, ai cũng thế. Chúng nó cứ phải thành vợ thành chồng sớm thôi. Dẫu biết khổ, khó khăn lắm, nhưng bao đời vẫn thế. Cán bộ đến tuyên truyền, có phát giấy cam kết, nhưng khó nghe theo”.

Trong lần ngược về huyện Sìn Hồ - tỉnh Lai Châu, tôi cũng bắt gặp những “ông bố bà mẹ trẻ con, dắt con xuống chợ”. Những thanh niên đó chỉ cần 2 bên gia đình “ưng cái bụng” là cưới nhau. Thậm chí, 2 ông bố gặp nhau ngoài chợ, uống với nhau dăm chén rượu, hứa gả con cho nhau.

Hỏi Sùng Thị Dàng, xã Xà Dề Phìn (gần trung tâm thị trấn Sìn Hồ) trong phiên chợ cuối tuần, em cho biết mới học hết lớp 7, chồng em Giàng A Sìn học hết lớp 9. Chẳng quen biết, chẳng yêu nhau, chỉ thấy một hôm 2 bên gia đình gặp nhau nói chuyện, quyết định ngày cưới. Còn ở xã Tả Phìn có Chẻo Mí On cưới chồng năm 15 tuổi. Khi 22 tuổi, em đã 5 con. Khi đứa trước còn đỏ hỏn đứa sau đã chuẩn bị chào đời. “Em gặp anh ấy một lần ở chợ phiên, nói chuyện hợp thì cưới. Ở đây, lớn không có người yêu, không có chồng coi như ế, xấu hổ lắm” - Mí On tâm sự.

Theo thống kê của Chi cục Dân số Kế hoạch hóa Gia đình tỉnh Lai Châu, hơn 35% số cặp vợ chồng kết hôn ở vùng dân tộc thiểu số thuộc tình trạng tảo hôn, không ít người kết hôn cận huyết thống. Số cặp vợ chồng đi đăng ký kết hôn tại UBND xã rất ít. Còn lại chưa đủ tuổi nên cán bộ tư pháp xã không làm đăng ký, vậy là họ cưới theo lệ làng lệ bản.

Bà Tẩn Mý San, Giám đốc Trung tâm Dân số Kế hoạch hóa Gia đình huyện Sìn Hồ, cho biết: “Chúng tôi đã tích cực tuyên truyền vận động, nhưng để thay đổi nhận thức của bà con vô cùng khó khăn. Có khi đến nhà nói chuyện, họ nói đã hiểu, sẽ sửa. Sau khi chúng tôi về, lại đâu vào đấy. Nhiều cặp 7 năm sau mới đi đăng ký kết hôn, nhiều cặp chẳng cần đăng ký và cũng không làm giấy khai sinh cho con”.

2. Nhiều bà con vùng cao Lào Cai, Hà Giang, Lai Châu, Cao Bằng, Đắk Lắk, Kon Tum… coi hôn nhân cận huyết thống là cách giữ gìn của nả, để vợ chồng thương nhau mãi, gìn giữ hạnh phúc hay đôi khi để giấu những bí kíp làm ăn.

Hôn nhân cận huyết thống từ lâu được các cơ quan chức năng cảnh báo. Đứa trẻ sinh ra từ những cuộc hôn nhân này thường còi cọc, sức đề kháng kém, dễ mắc các bệnh di truyền như mù màu, bạch tạng, da vảy cá, tan máu bẩm sinh… Phải đến năm 2010, một số huyện ở Lào Cai, trong đó có Bắc Hà, mới quyết liệt “Chống tảo hôn, hôn nhân cận huyết và bài trừ một số hủ tục”, nhưng hiệu quả chưa cao.

Một cặp tảo hôn. 

Một cặp tảo hôn. 

Điển hình về nỗi đau kết hôn cùng huyết thống là cặp vợ chồng con chú con bác Vi Văn Đông và Nông Thị Nhung ở xã Yên Sơn (huyện Thông Nông - Cao Bằng). Họ Nông giàu có, nhiều ruộng đất, vì không muốn tài sản rơi vào tay người ngoài nên khi Đông 15 tuổi, Nhung 16, họ hàng ghép thành vợ chồng.

Cặp vợ chồng này sinh 5 đứa con, 1 đứa chết, 3 đứa tàn tật, thiểu năng trí tuệ, chỉ 1 đứa lành lặn. Hỏi tại sao anh em lại lấy nhau, đôi vợ chồng trả lời hồn nhiên chẳng biết gì, bố mẹ đặt đâu thì ngồi đó. Vả lại, ở Yên Sơn, người Nùng vẫn làm thế, đẻ con chẳng sao cả.

Trong các bản làng vẫn còn những ngôi nhà gỗ ọp ẹp, gió lùa qua phên nứa. Vẫn có nhiều người tìm thấy những cuộc đời thật đẹp, những bản nhạc tuyệt hay trên đường đi chợ phiên của người vùng cao. Người ta cũng tìm thấy những tấm áo sặc sỡ sắc màu của thiếu nữ gói gém biết bao hy vọng vào tương lai  khi đến tuổi lấy chồng. Nhưng trong màu xanh miên man của đại ngàn vẫn có những nốt nhạc buồn tênh. Những tiếng khóc trẻ thơ đói khổ thiệt thòi vẫn làm nhói lòng khách xuôi lên. Bao giờ cảnh đó mới chấm dứt?

Các tin khác