Địa đạo giữa rừng thiêng

(ĐTTCO) - Gió thổi qua cửa biển Mỹ Á, xào xạc trên cánh rừng Sầu Đâu rồi như gặp phải “ngàn quân áo xanh” bỗng đứng lại yên ắng. Từ ba hướng trên đỉnh rừng len lỏi trong lòng đất là hầm địa đạo che chắn bộ đội, bảo vệ dân làng.
 Bao đời nay, rừng Sầu Đâu và hầm địa đạo trong rừng (thuộc thôn Hải Môn, xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi) luôn đứng vững.
Đi tìm địa đạo
Nằm ở phía Nam của tỉnh Quảng Ngãi, phía Đông hướng ra biển, rừng Sầu Đâu án ngữ vị trí quan trọng trên địa bàn thôn Hải Môn. Rừng có diện tích hơn 7ha, bao bọc quanh làng, trải qua hàng trăm năm vẫn giữ được vẻ nguyên sinh. Ông Huỳnh Thanh Mười - Trưởng thôn Hải Môn, dẫn chúng tôi băng rừng tìm địa đạo. Ông Mười kể, tháng 1-1973, sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông lúc này vừa là xã ủy viên vừa là y tá, được phân công cùng với 2 đồng chí du kích lên rừng Hải Môn cắm cờ Tổ quốc.
“Cả 3 người gói theo nắm cơm và ít nước lên rừng. 7 giờ sáng, tôi cùng 2 du kích đã lên tới bìa rừng, vì giặc vẫn còn phòng thủ nên chúng tôi phải núp chờ. Đến 5 giờ chiều, giặc đã rút, tôi cùng 2 du kích lên trên đỉnh núi cắm cờ Việt Nam. Khi bắt đầu xuống núi thì bị phục kích, 2 du kích đi trước hy sinh tại chỗ, tôi quay ngược lại, chạy theo hướng núi về tới xã”. Sau khi trở về, ông Mười cùng với các thanh niên của xã lên rừng tìm cách đưa các đồng chí ở địa đạo xuống. 
Địa đạo giữa rừng thiêng ảnh 1 Hầm địa đạo nằm sâu trong rừng Sầu Đâu (thôn Hải Môn, xã Phổ Minh, huyện Đức Phổ, Quảng Ngãi). 
Ông Mười vừa đi vừa cố nhớ vị trí địa đạo, chúng tôi nhìn xung quanh chỉ thấy cây rừng phủ lối đi. Cuối cùng, chúng tôi đã phát hiện 2 miệng địa đạo nằm gần nhau, đi xa hơn khoảng vài trăm mét thì gặp địa đạo thứ 3. Các địa đạo này đến nay vẫn còn rõ lối dẫn vào trong.
Lịch sử ghi nhận rằng, xã Phổ Minh có nhiều ngọn núi giúp dân chống giặc, như: núi Giàng ở thôn Tân Tự, núi Mồ Côi ở thôn Trường Sanh, núi Sầu Đâu ở thôn Hải Môn… Người dân đào hầm địa đạo kiên cố chống được bom hạng nặng. Hầm được đào sâu vào núi, nóc hầm dày trên 5m, rộng trên 1m, cao trên 1,6m, ra vào thuận tiện, có lỗ thông hơi, trong hầm có nhiều ngách nhỏ thông nhau để đề phòng địch hun khói.
Trăn trở ở Hải Môn
Trải qua thời gian, đến nay địa đạo ở rừng Sầu Đâu đã xuống cấp, một phần miệng hầm bị vùi lấp, một số đoạn bị sập, cây cỏ mọc phủ các lối đi, miệng địa đạo đường kính chỉ còn khoảng 60 - 80cm. Phải có dịp hay đoàn công tác đến thăm địa đạo, ông Mười và ông Võ Đi - Trưởng ban Mặt trận Tổ quốc thôn Hải Môn mới lên lại rừng để kiểm tra địa đạo, tỉa nhánh cây. Bởi lẽ, đường vào địa đạo được che chắn bởi rừng Sầu Đâu, mỗi năm lại càng khó đi, cây cối um tùm.
Ông Đi cho biết: “Gọi là rừng Sâu Đâu, thế nhưng trong rừng không có cây sầu đâu nào, chỉ có sến, bìn nin, cây trâm, bời lời…, thậm chí các cây ăn quả như thị vải, nhãn lồng cũng mọc san sát nhau”. Xưa kia, hàng năm các lão làng chỉ cho phép người dân vào rừng một ngày để thu nhặt củi, lá rụng về đun nấu, không cho chặt cây rừng. Khi chiều đến, người dân mang tất cả “sản phẩm” nhặt từ rừng về cho các lão làng kiểm tra mới được đưa về nhà. 
Người dân thôn Hải Môn có ý thức giữ rừng từ xa xưa và đến nay vẫn vậy. Nếu không có rừng Sầu Đâu, những trận cuồng phong từ cửa biển Mỹ Á, gió lốc kéo theo những cơn bão hàng năm đã cuốn bay nhà dân. Cánh rừng Sầu Đâu được xem như “rừng thiêng”, trải qua bao trận càn quét trong chiến tranh nhưng rừng vẫn đứng vững và trở thành “lá chắn” bao bọc, chở che cho dân làng trước bom đạn, cuồng phong.
Lịch sử Đảng bộ của xã Phổ Minh cũng ghi lại rằng, sau khi hoàn thành công sự địa đạo những năm 1945 - 1950, Bộ Tư lệnh Liên khu 5 gồm các ông Nguyễn Chánh, Chính ủy Liên khu, cùng các đồng chí Nguyễn Chánh Cần, Hồ Văn Điềm đã 2 lần lên kiểm tra trực tiếp hầm địa đạo của thôn Hải Môn. Sau đó, xã Phổ Minh được Bộ Tư lệnh Liên khu 5 tặng bằng khen. Năm 1948, Cục Dân quân Bộ Quốc phòng trực tiếp kiểm tra toàn huyện Đức Phổ về công tác bố phòng, đã công nhận toàn huyện có thành tích xuất sắc trong công tác xây dựng hầm hào chiến đấu và hầm ngầm của huyện vào hàng chất lượng cao nhất. Nhiều hầm địa đạo sau kháng chiến đều bị sập, riêng địa đạo trong rừng Sầu Đâu thôn Hải Môn vẫn còn.
Ông Nguyễn Tấn Phát, Phó Chủ tịch HĐND xã Phổ Minh, cho biết: “Ba năm gần đây, để tiếp tục bảo vệ rừng và địa đạo, xã đã thành lập Ban quản lý rừng Hải Môn gồm có 15 thành viên là cán bộ thôn, xã và người dân. Cắm biển cấm chặt phá rừng. Người dân chấp hành rất tốt trong việc giữ rừng và giữ gìn địa đạo”. 
Khi đời sống kinh tế phát triển, người dân thôn Hải Môn đều có nguyện vọng tôn tạo, giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử rừng Sầu Đâu và hầm địa đạo. Ông Mười nói: “Thôn cũng đề nghị các cấp, chính quyền làm hồ sơ công nhận di tích để có phương án bảo vệ, tôn tạo nơi đây. Đây cũng là trăn trở của các lão thành cách mạng. Tuy nhiên, đến nay vẫn còn nhiều khó khăn...”.

Các tin khác