Danh hài Minh Nhí làm thầy

(ĐTTCO) - Rất nhiều người có giấc mơ được làm nghệ sĩ, song hàng năm số học viên được tuyển vào các trường nghệ thuật, sân khấu - điện ảnh tại TPHCM chỉ có hạn. 

Đáp ứng thực tế này, hiện nay một số nghệ sĩ nổi tiếng ở thành phố đã mở các lớp đào tạo diễn viên, diễn xuất. Sân khấu kịch Minh Nhí đã ra đời trong một không gian như thế.

Thành lập sân khấu để đào tạo học trò

Chúng tôi gặp nghệ sĩ hài Minh Nhí, chủ sân khấu kịch Minh Nhí, cùng các cộng sự của anh như nghệ sĩ Quốc Thảo, nghệ sĩ Thanh Thủy, ca sĩ Long Nhật… vào trung tuần tháng 7, khi sân khấu nhỏ này tổ chức Lễ khai giảng lớp diễn viên chuyên nghiệp kịch - điện ảnh khóa 2. Bên tách cà phê tí tách, anh Minh Nhí cười nói: “Trong lúc sân khấu đang chết dần, chết mòn, biết nhóm nghệ sĩ chúng tôi lập sân khấu riêng, nhiều người cho là vô cùng mạo hiểm và có phần điên rồ”.
Góp tiếng trong câu chuyện thân tình, nghệ sĩ Quốc Thảo cho hay trước đây anh và Minh Nhí từng hợp tác làm sân khấu ở Trần Cao Vân, nhưng vì một số lý do sân khấu đã buộc tạm ngưng. Từ đó đến nay, đôi bạn vẫn ấp ủ và tìm kiếm địa điểm phù hợp để cùng các nghệ sĩ diễn trên sân khấu và truyền nghề lại cho các bạn trẻ. 
Danh hài Minh Nhí làm thầy ảnh 1 Nghệ sĩ Minh Nhí dặn dò các học viên trẻ ngày khai giảng khóa học. 
Giáp Tết Nguyên đán năm 2017, sân khấu Minh Nhí đã ra đời, phục vụ khán giả TPHCM vui Xuân. Tọa lạc sâu trong con hẻm số 26, bên hông đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1 (TPHCM), sân khấu Minh Nhí cũng nhỏ nhắn như hình thể chủ nhân của nó. Nơi đây, ban ngày các học viên khóa 1 và khóa 2 được nghệ sĩ hài Minh Nhí và các cộng sự truyền đạt kinh nghiệm diễn xuất, đến đêm sân khấu kịch lại đỏ đèn để phục vụ khán giả. Theo phân công, các nghệ sĩ Quốc Thảo, Thanh Thủy, Trung Dân sẽ chịu trách nhiệm về nghệ thuật, còn Minh Nhí lo diễn viên. Tranh thủ đón các bậc phụ huynh và các em học viên đến dự lễ khai giảng, nghệ sĩ Minh Nhí hân hoan chia sẻ: “Với sân khấu Minh Nhí, nói là sân khấu cà phê kịch cũng được, nhưng đúng hơn nó là mô hình sân khấu nhỏ. Với địa điểm này, chúng tôi cũng áp dụng hình thức vở nào vắng nghệ sĩ sẽ không diễn, chứ không thế vai, qua đó cũng để tôn trọng khán giả, tôn trọng các diễn viên.Bên cạnh đó, để tạo thêm động lực cho diễn viên, chúng tôi quyết định khi sân khấu sáng đèn là diễn viên sẽ được lãnh cát-xê đầy đủ, chứ không có chuyện vì bán vé ở suất diễn không được nhiều sẽ bớt tiền lương của anh em. Sân khấu sẽ khai thác đa dạng các thể loại kịch như hài, bi, và đều có ý nghĩa nhất định trong từng vở diễn…”.
Danh hài Minh Nhí làm thầy ảnh 2
Trở lại với việc đào tạo diễn viên, đến thời điểm này, sân khấu Minh Nhí đã mở được 2 lớp, với khoảng 70 học viên. Hầu hết các “nghệ sĩ tương lai” này có độ tuổi từ 20-27, cá biệt có một số người trên 30 tuổi, đã từng đi làm nhưng vì đam mê nghệ thuật diễn xuất nên đăng ký làm học trò nghệ sĩ hài Minh Nhí. Đến với khóa học làm diễn viên, các học viên sẽ được đào tạo trong thời gian 10 tháng.
Theo anh Minh Nhí, chính thức mở “trường” đào tạo diễn viên khoảng nửa năm nay, nhưng thực tế anh đã gắn bó với công việc này khá lâu, cùng “chung lưng đấu cật” với nghệ sĩ Hồng Vân. Ý tưởng mở lớp đào tạo diễn viên kịch nói bắt nguồn từ việc lớp học ở sân khấu kịch của nghệ sĩ Hồng Vân khá đông học viên nên Minh Nhí muốn san sẻ và một phần cũng do “nghiệp giảng dạy” của một người từng nhiều năm đứng trên bục giảng đã thôi thúc anh. 

“Quãng thời gian những năm 1990 đến năm 2005, tôi có thời gian dài làm giảng viên khoa Sân khấu - Điện ảnh của Trường Cao đẳng Sân khấu - Điện ảnh TPHCM. Trong thời gian này, tôi cũng đã từng giảng dạy trực tiếp cho các nghệ sĩ hài Thúy Nga, Việt Hương, Tiết Cương... Sau đó, vì một số lý do, tôi chuyển từ nghề dạy diễn sang làm diễn viên, đạo diễn ở nhiều sân khấu và màn ảnh, qua đó cũng được khán giả trong nước biết đến nhiều hơn. Nay mình muốn thành lập sân khấu riêng, trong đó chú trọng đến khâu đào tạo diễn viên, âu cũng là trở lại mái nhà xưa” - nhắc đến chuyện cũ, giọng nói của người nghệ sĩ hài đầy cảm xúc.

Truyền nghề cho bạn trẻ

Người yêu nghệ thuật hài kịch trong nước đều biết “thương hiệu” Minh Nhí trong suốt những năm qua. Nay, Minh Nhí bỗng dưng “rẽ ngang” sang con đường đào tạo tài năng nghệ thuật, khiến chúng tôi - những người yêu mến hài kịch Nam bộ - không khỏi bất ngờ.
Đáp lại sự ngỡ ngàng ấy, nam danh hài chỉ cười, rồi khẽ khàng tâm sự: "Mình sinh ra là người của sân khấu, ăn cơm sân khấu nên phải có bổn phận với nó. Đã đi cùng sân khấu kịch qua những năm tháng vàng son, tôi phải có trách nhiệm với nó khi khó khăn tạm thời như lúc này. Mong mọi người đừng nghĩ Minh Nhí mở sân khấu kịch để kinh doanh, thật sự tôi chỉ muốn có một nơi để “đi - về” mà thôi. Ở đó, Minh Nhí được gặp đồng nghiệp, được sống với niềm đam mê và quan trọng nhất được tiếp lửa cho những bạn trẻ yêu nghề. Ai có tố chất mình mới nhận, còn ai không có khả năng phải lựa lời tâm sự để không lãng phí thời gian, tiền bạc của các em. Mình nhận tiền của các em cũng đồng nghĩa đã "nợ" các em ấy. Mình phải làm sao trả cho các em ấy được vốn sống, bản lĩnh sân khấu và lửa nghề như các em đã mong muốn, khi ghi danh theo học tại sân khấu Minh Nhí".

Hôm chúng tôi được dự lễ khai giảng khóa đào tạo diễn viên khóa 2, mới thấy tâm huyết của danh hài Minh Nhí và các đồng nghiệp thật đáng ghi nhận. Chứng kiến cách anh cầm tay, chỉnh từng ánh mắt, từng hướng nhìn hay lời dặn dò chân tình dành cho các bạn trẻ mới thấy chuyện làm thầy của những nghệ sĩ cũng phải “lao tâm khổ tứ”.
Tại buổi dạy kỹ năng diễn xuất, anh vừa phải diễn xuất, vừa phải giảng dạy, để những học viên thể hiện cho đúng, cho đủ, có hồn và truyền đạt bài học đạo đức mang tính thời sự đến với khán giả. Điều khác biệt ở lớp đào tạo diễn viên của sân khấu Minh Nhí so với các lớp học khác là thầy cô không chỉ dạy kỹ năng nghề nghiệp mà dạy cho các bạn trẻ đạo làm người, làm nghề, thái độ sống.
Các thầy Minh Nhí, Quốc Thảo, cô Thanh Thủy đã nhắn nhủ các em: “Làm gì thì làm, phải biết kính trên nhường dưới. Mình là người hoạt động trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật nên ứng xử sao cho có văn hóa. Khán giả nhìn thấy mình có thể diễn không hay nhưng mình sống có tình, người ta vẫn yêu thích”. 

Không hứa hẹn nhiều nhưng các nghệ sĩ tại sân khấu Minh Nhí vẫn tạo điều kiện tối đa để các em cảm thấy mình “không chọn nhầm” khi đi con đường nghệ thuật. Các bạn được tham gia diễn xuất chung với các thầy, các cô để có cơ hội được làm nghệ sĩ thực thụ. Điều đó sẽ giúp các em thêm sự tự tin, có quyết tâm mạnh mẽ hơn với niềm đam mê sẵn có.
Minh Tú, học viên lớp diễn viên chuyên nghiệp kịch - điện ảnh khóa 1, bộc bạch: “Học ở lớp đào tạo diễn viên của thầy Minh Nhí, em thấy mình được nhiều thứ. Trong quá trình học, nếu mình thể hiện tốt sẽ được các thầy cô cho diễn chung trên sân khấu để trưởng thành, học hỏi. Các thầy các cô rất tận tâm với học trò, chỉ bảo rất nhiệt tình. Sau khi học xong lớp học này, em nghĩ mình có thể sống tốt bằng nghề diễn, có thể tự nuôi sống. Và điều cơ bản, em đã thỏa niềm đam mê làm diễn viên ao ước bao lâu nay”.

Chúng tôi chia tay sân khấu kịch Minh Nhí sau khi thưởng lãm vở kịch ngắn “Cô Thắm về làng”, ông bầu sân khấu còn tiễn đoàn ra tận ngoài với lời nói chân thật: "Mình tin mọi thứ đều có cái duyên. Bao năm rồi, mình đi dạy thuê, nay đã có được một mái trường cho riêng mình.
Sân khấu Minh Nhí không đặt nặng chuyện ăn nên làm ra, cũng không cần hoạt động quy mô, chỉ mong học trò vững tâm, hiểu con đường mình đang đi. Sau này nếu may mắn thành tài, khi người ta hỏi chỉ cần các cháu nói: Con đã từng được học diễn xuất ở lò thầy Minh Nhí, là cảm thấy mãn nguyện lắm rồi”.

Các tin khác