Đá mồ côi suối Giàng

(ĐTTCO) - Xã Suối Giàng, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái diện tích khoảng 15km2 có trữ lượng khoáng sản đá vôi lớn.
 Theo đánh giá của các nhà khoa học, đá vôi ở đây có cấu tạo vân dải, màu sắc sặc sỡ, chất lượng tốt. Nhiều hòn đá nằm giữa núi rừng có đủ loại màu sắc tự nhiên: lục xanh, ánh ngọc, vàng lục được những người mê đá cảnh thích thú, săn lùng. Chính vì vậy, người dân ở đây gọi là đá mồ côi hay đá cảnh Suối Giàng.
 Cả làng làm giàu
Phong trào khai thác đá cảnh bắt đầu sốt từ đầu năm 2007. Hơn chục năm về trước, từ thú chơi dân dã xếp đá hòn non bộ, hay tạo cảnh không gian trong nhà của người dân ở huyện Văn Chấn, thị xã Nghĩa Lộ đã lan rộng thành cơn sốt chơi đá cảnh Suối Giàng. Sau đó, nhiều người mê đá cảnh ở các thành phố lớn trên cả nước như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh... có người tận TPHCM cũng lên Suối Giàng săn lùng những hòn đá cảnh. Chính vì vậy, một làng nghề chế tác đá cảnh hình thành tự phát dọc con đường đi lên Suối Giàng. Đó là thôn Văn Thi, xã Sơn Thịnh, huyện Văn Chấn với 45 hộ dân đã tập hợp thành làng nghề chế tác đá cảnh.  
Đá mồ côi suối Giàng ảnh 1 Một cơ sở chế tác đá ở làng Văn Thi. 
Anh Nguyễn Văn Tiến, một thợ chế tác đá cảnh ở thôn Văn Thi, cho biết những phiến đá to bằng nửa gian nhà được các “cửu đá” người H’Mông săn lùng hàng tuần trên đỉnh mây mù Suối Giàng dùng búa, choòng đục thủ công tách ra thành những phiến mỏng vận chuyển xuống Sơn Thịnh. Thường thì khi đào được hòn đẹp, phải chằng dây rồi dùng đòn khiêng xuống. Cứ theo dốc núi mà đi. Sau đó, dưới bàn tay tài hoa và trí tưởng tượng của các thợ đá, hàng ngàn tác phẩm nghệ thuật được chế tác từ đá thành bàn uống nước, những bộ sập đá với hoa văn rồng bay, phượng múa, muôn hình vạn trạng miêu tả cảnh trí thiên nhiên và cuộc sống con người.
Có những sản phẩm đá lên đến cả trăm triệu đồng. Làng đá Văn Thi giàu lên. Hàng chục hộ đã mở xưởng tại nhà, mở cửa hàng bên đường Quốc lộ 32 để bán đá cảnh. Anh Tú Hải, chủ cơ sở chuyên sản xuất đá cảnh Suối Giàng cũng là người đầu tiên chế tác đá, cho biết Suối Giàng là chốn cao xanh nơi mây ngàn hội tụ, qua hàng ngàn năm biến động địa chất đã tạo ra sự phối màu tài hoa của thiên nhiên khiến cho đá có màu sắc rực rỡ, mỗi viên đá có hình khối và màu sắc, vân màu khác nhau như mây vờn, rồng lượn. Đặc biệt hơn, khi cọ rửa những viên đá đó sẽ phát lộ vân đủ màu sắc với rất nhiều hình thù khác nhau. 
Đá mồ côi suối Giàng ảnh 2 Các sản phẩm làm từ đá mồ côi Suối Giàng. 
Theo quan niệm của dân chơi nghệ thuật, một viên đá đẹp phải có những tiêu chí: Nhất nhân, nhị vật, tam vân, tứ cảnh (quý nhất hình người, thứ hai đến con vật, sau đó mới đến đường nét, phong cảnh hiện lên trên phiến đá). Ngoài ra, còn phải xét đến màu sắc và độ cứng của đá. Dân sành chơi bao giờ cũng tìm đến những viên đá nguyên khối. Đó là những phiến đá mồ côi hàng triệu năm được thiên nhiên mài giũa, đẽo gọt mà nên.
Theo những thợ đào đá, Suối Giàng có 2 mỏ đá cảnh ở thôn Giàng Cao và suối Lóp. Đá ở Suối Lóp có màu xanh hồng và nhiều vân, còn đá ở Giàng Cao không đẹp bằng. Nhưng mỏ ở Suối Lóp đã khai thác hết đá trên mặt, giờ các thợ đá đổ dồn về mỏ Giàng Cao. Anh Hoàng Văn Hương, một người chơi đá cảnh ở Hà Nội, đã lên đây 2 ngày nay mê mẩn trước những bức tranh đá Suối Giàng, hồn đá Suối Giàng.
Anh Hương cho biết đứng trước đá như lạc vào cõi bồng lai, tiên cảnh của sông suối, núi rừng. Mỗi phiến đá qua bàn tay khéo léo của người thợ như trao gửi người chơi một tâm sự. Tùy theo trí tưởng tượng của từng người trên mỗi phiến đá, mỗi bức tranh đều trở nên lung linh huyền ảo với cuộc sống riêng của nó. Chính vì vậy những người chơi đá cảnh ở khắp nơi trên cả nước đều tìm về đây để mua đá. 

Loạn khai thác
Trên đường đến thôn suối Lóp chúng tôi gặp người dân chở bằng xe máy những khối đá ước chừng 1-2 tạ, bất kể đường trơn trượt và nguy hiểm, một bên là núi, một bên là vực sâu để chuyển ra điểm tập kết hoặc mang xuống xã Sơn Thịnh bán cho các xưởng chế tác đá cảnh. Mỏ đá Suối Lóp nằm ngay bên cạnh khu vực sinh sống, canh tác của người dân. Cả thôn có 60 hộ người H’Mông sinh sống chủ yếu dựa vào hơn 40ha đất sản xuất. Thế nhưng, từ khi phong trào khai thác đá cảnh nổi lên, người dân ở đây đang bán dần đất sản xuất của mình cho những chủ thầu khai thác đá. 
Khi chúng tôi đến Mỏ Suối Lóp còn rất ít người dân khai thác. Người dân ở đây cho biết toàn bộ các mảnh nương ở ven đường có đá cảnh đều đã được các chủ khai thác đá mua lại hết cả. Sau khi tận thu khai thác, họ để lại những vết thương lở loét đang ngày một ăn sâu vào lòng núi làm lộ ra những tảng đá cỡ lớn nham nhở và kỳ quái, trở thành mối nguy hiểm thường trực với người dân Suối Lóp khi đi lại qua con đường này. Đặc biệt, trong mùa mưa bão, nước trên núi đổ về mang theo đất, đá sạt lở đe dọa tính mạng người dân, làm ách tắc giao thông và hư hỏng các công trình thủy lợi trong thôn. Đặc biệt là nguồn nước sinh hoạt chủ yếu của người dân lấy từ đầu nguồn Suối Lóp đang bị đe dọa nghiêm trọng.
Việc khai thác đá mồ côi ở Suối Giàng đã diễn ra nhiều năm qua. Được biết các mỏ đá ở Suối Giàng chưa được Nhà nước cấp phép cho bất kỳ doanh nghiệp nào khai thác, nhưng tình trạng khai thác tràn lan, bừa bãi diễn ra công khai. Để xử lý nạn khai thác đá cảnh, huyện Văn Chấn đã thành lập đoàn công tác liên ngành thường xuyên kiểm tra và xử lý các vụ vi phạm. Các tuyến đường chính dẫn vào các điểm khai thác đá đã được lập barie để kiểm soát, hạn chế phương tiện cơ giới vào khai thác, vận chuyển đá cảnh.
Từ đầu năm đến nay, huyện đã phát hiện 6 vụ khai thác đá cảnh trái phép, tạm giữ trên 60 tấn đá các loại. Cơ quan chức năng cũng rà soát, thống kê và quản lý chặt các hộ kinh doanh, chế tác đá cảnh trên địa bàn, vận động các hộ không thu mua sử dụng đá cảnh khai thác trái phép. Tuy nhiên, sau mỗi đợt kiểm tra, mọi hoạt động khai thác lại trở về bình thường. Để bảo đảm an toàn tính mạng, đời sống, người dân  nơi đây mong muốn các cơ quan chức năng cần vào cuộc quyết liệt và đồng bộ hơn để chấm dứt tình trạng khai thác đá cảnh, trả lại môi trường sinh thái cho khu du lịch Suối Giàng.

Các tin khác