Công nghệ nhái

Vừa gặp tôi, Quân khoe mới đi Thâm Quyến về và mời sang cửa hàng chơi. Quân nói: “Anh ghé xem, lô hàng mới về toàn thứ độc, giá đẹp”. Cửa hàng bán máy tính và thiết bị số của anh tại cư xá Lữ Gia, quận 10, TPHCM. Tôi vốn là khách mối, nên Quân không ngại dẫn vào tận kho hàng. Căn phòng được lấy làm kho tuy nhỏ, nhưng chứa đủ loại hàng điện tử còn mới nguyên hộp xuất xứ từ Trung Quốc.

Vừa gặp tôi, Quân khoe mới đi Thâm Quyến về và mời sang cửa hàng chơi. Quân nói: “Anh ghé xem, lô hàng mới về toàn thứ độc, giá đẹp”. Cửa hàng bán máy tính và thiết bị số của anh tại cư xá Lữ Gia, quận 10, TPHCM. Tôi vốn là khách mối, nên Quân không ngại dẫn vào tận kho hàng. Căn phòng được lấy làm kho tuy nhỏ, nhưng chứa đủ loại hàng điện tử còn mới nguyên hộp xuất xứ từ Trung Quốc.

Máy tính bảng “trăm đô”

Mở chiếc hộp giấy bên ngoài in màu lòe loẹt, lấy ra chiếc máy tính bảng hiệu MID, hình thức giống chiếc iPad của hãng Apple nhưng nhỏ hơn, Quân nói một tràng về cấu hình kỹ thuật của máy: “Con này màn hình 7inch, ổ cứng flash dung lượng 8GB và hỗ trợ nâng lên 32GB. Tuy cảm ứng điện trở nhưng thao tác vuốt, chạm rất mượt, không thua iPad đâu nhé! Ngoài wifi, nó có hỗ trợ thiết bị mạng di động 3G qua cổng USB”.

Nói xong, Quân ra sức “chọt”, vuốt lên màn hình ứng dụng để kích thích cơn “nghiện” công nghệ của tôi. Tôi cầm thử trên tay, chiếc máy nhẹ tênh như món đồ chơi nhựa, nhìn kỹ màn hình và vỏ máy không sắc sảo như hàng cao cấp.

Lưng máy, trên hộp và tài liệu hướng dẫn sử dụng chỉ in nhãn hiệu MID, không có thông tin gì thêm về nơi sản xuất ra nó. Riêng tài liệu hướng dẫn rất sơ sài, chỉ có 4 trang gồm tiếng Hoa và Anh, in trên giấy ngà ngà vàng và nhỏ như tờ bướm. 

Kiểm tra máy tính bảng nhái trước khi giao cho khách tại một cửa hàng ở TPHCM. Ảnh: T.NGHỊ

Kiểm tra máy tính bảng nhái trước khi giao cho khách tại
một cửa hàng ở TPHCM. Ảnh: T.NGHỊ

Tôi tìm trên internet thông tin nhà sản xuất, nhưng tuyệt nhiên không thấy trang web nào của “hãng” MID, mà chỉ có nhan nhản những tin rao bán hàng máy tính bảng MID từ Việt Nam. Thấy tôi phân vân, Quân thuyết phục: “Con MID này quan trọng nhất là giá, chỉ có 100USD, trong khi máy tính bảng loại xịn giá cũng từ chục triệu trở lên”.

Tôi hỏi về chế độ bảo hành, Quân cho biết hàng này bên cung cấp (Trung Quốc) không bảo hành, nhưng các cửa hàng tại TPHCM bảo hành 3 tháng cho khách.

Ngại xài hàng “tiền nào của đó” như Quân phân bua, tôi tìm đến địa chỉ khác chuyên bán các loại máy tính bảng xuất xứ Trung Quốc trên đường Huỳnh Thiện Lộc, phường Hòa Thạnh, quận Tân Phú. Có lẽ buôn bán được nên Vi - chủ cửa hàng - mở thêm một cơ sở  khác tại đường Phan Văn Khỏe, phường 2, quận 6. Vi bày la liệt trên bàn những mẫu máy tính bảng hình thức và cả thương hiệu cũng na ná chiếc iPad nổi tiếng: aPad, ePad, Padnet, TiTi…

Sau khi nghe nhu cầu của tôi,  Vi giới thiệu chiếc ePad màn hình 10inch. “Con này độc lắm anh, nó chạy hệ điều hành Windows 7 nên cài ứng dụng và làm việc thoải mái. Màn hình cảm ứng điện dung đa điểm, chạy bộ vi xử lý Intel nên mạnh hơn iPad nữa. Giá của nó nếu giao hàng tận nơi trong TP là 6 triệu đồng, còn khách đến tận nơi em tính 5,9 triệu đồng”.

Vi cho biết thêm, pin của máy chỉ xài được hơn 2 giờ phải nạp lại, còn bảo hành chỉ 6 tháng và cũng như các máy tính bảng Trung Quốc khác, chỉ cửa hàng bảo hành chứ không phải nơi sản xuất. Thấy tôi  tỏ vẻ lo vì  thời hạn được bảo hành quá ngắn, Vi hứa hẹn: “Hư hỏng gì anh cứ mang đến, ở đây tụi em có đủ phụ kiện thay”.  

 Bát nháo thị trường linh kiện, phụ kiện

Cùng làn sóng hàng nhái, giả, các loại linh kiện, phụ kiện (dân buôn bán gọi là “đồ chơi”) phục vụ dòng máy này tràn ngập thị trường. Có lẽ do máy tính bảng Trung Quốc sản xuất không đạt tiêu chuẩn chất lượng thông thường, hay hư hỏng, nên linh kiện thay thế cho máy tính bảng được sản xuất và bán sang Việt Nam nhiều và đủ loại. Nếu ai chịu khó bỏ tiền và công sức ra, có thể mua linh kiện về tự ráp được chiếc máy tính bảng giống như việc ráp máy tính để bàn trước đây.

Huy, nhân viên một công ty sản xuất hàng mỹ nghệ ở khu công nghiệp Sóng Thần, Bình Dương - mê máy tính bảng nhưng chỉ đủ tiền mua chiếc máy “trăm đô”, cho biết: “Sau khi đem về vọc khoảng 2 tháng, pin của nó hư luôn. Em mang đi bảo hành, họ tháo máy, lấy pin ra thay ruột. Hỏi thợ mới biết, hầu hết máy tính bảng Trung Quốc đều hư pin trước, rồi đến bộ phận khác. Cho nên ruột pin (gọi là cell) được nhập về rất nhiều. Cửa hàng còn dặn khi cần có thể mang máy ra thay màn hình, bo mạch chủ”.

Tại một cửa hàng chuyên sửa chữa, thay ruột pin của cô chủ tên Oanh trên đường 3 Tháng 2, quận 10, khách hàng đến thay cell cho các loại máy khá đông. Oanh cho biết cửa hàng có đủ loại cell để thay từ điện thoại di động, máy tính bảng đến máy tính xách tay. Hàng loại 1, giá bình quân 50.000 đồng/cell, loại 2 khoảng 45.000 đồng/cell. Loại 1 cũng là hàng sản xuất từ Trung Quốc, nhưng bên cung cấp có bảo hành 6 tháng, loại 2 bảo hành 3 tháng và cửa hàng không chịu trách nhiệm nếu có sự cố như pin cháy, nổ gây hỏng hóc máy.

Tại TPHCM hiện nay xuất hiện ngày càng nhiều cơ sở sửa chữa máy tính, thay cell. Trên đường Lý Thường Kiệt, quận Tân Bình có hẳn một công ty ngoài thay cell còn nhận thay cả bo mạch chủ máy tính bảng Trung Quốc và máy tính xách tay của những thương hiệu nổi tiếng như HP, Dell, Sony… Và dĩ nhiên những bo mạch chủ này đều là hàng trôi nổi, không có thông tin cơ sở sản xuất.        

Do máy tính bảng - kể cả máy hàng hiệu - có nhiều hạn chế trong việc sử dụng, đồng thời được dùng như món hàng thời trang nên nhu cầu “đồ chơi” rất lớn. Tại TPHCM có vô số nơi bán các loại “đồ chơi” máy tính bảng, trong đó chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc. Nhiều nhất là các loại bao da dành cho iPad, GalaxyTab - những chiếc máy thời thượng. Có những loại giá đắt gấp đôi so với hàng chính hãng. Kế đến là các loại cáp chuyển đổi tính hiệu.

Do máy tính bảng nghèo nàn về cổng kết nối nên nhu cầu của người dùng về cáp truy xuất dữ liệu phục vụ công việc và giải trí khá lớn. Thí dụ cáp chuyển tín hiệu từ máy ra tivi, máy chiếu. Ngoài ra còn có các loại nguồn sạc pin, loa, tai nghe có dây và không dây…  Hầu hết cửa hàng bán phụ kiện máy tính tại TPHCM, nhất là trên đường Bùi Thị Xuân, Tôn Thất Tùng, quận 1 đều có bán các loại phụ kiện này.

Nền kinh tế đất nước đang “nóng” về chuyện nhập siêu. Nhìn con số chính thức đã thấy lo. Nhưng nếu liên hệ tới hiện trạng thị trường hàng tiêu dùng nội địa, ai cũng phải giật mình khi nghĩ đến lượng hàng trôi nổi đủ loại (trong đó có hàng công nghệ cao) nhập lậu về Việt Nam với lượng ngoại tệ chắc chắn không nhỏ.

Tuy nhiên, cũng phải thừa nhận các cơ sở sản xuất hàng “chui” Trung Quốc đã làm chủ được công nghệ cao, giá rẻ và nhạy bén thị trường. Trong khi các doanh nghiệp trong nước hầu như bỏ ngỏ sân chơi này.

Các tin khác