Công chúa Bàn Tranh ở đảo Phú Quý

Trước khi ra viếng thăm đảo Phú Quý, tôi đã đi một vòng thăm các đảo ở quần đảo Nam Du, thăm Côn Đảo. Nhưng ra Côn Đảo là đi máy bay, ra quần đảo Nam Du tuy đi tàu, nhưng tàu chạy men theo vành đai các đảo (21 đảo), coi như đi trong vùng vịnh tương đối yên gió. Còn đi ra đảo Phú Quý là đâm thẳng ra biển khơi, gần 6 tiếng đồng hồ tàu chạy trên sóng gió cấp 7, “quân lính” say sóng nằm vật ra trên sàn tàu nhưng ai cũng thấy ấm áp, vui vẻ.

Trước khi ra viếng thăm đảo Phú Quý, tôi đã đi một vòng thăm các đảo ở quần đảo Nam Du, thăm Côn Đảo. Nhưng ra Côn Đảo là đi máy bay, ra quần đảo Nam Du tuy đi tàu, nhưng tàu chạy men theo vành đai các đảo (21 đảo), coi như đi trong vùng vịnh tương đối yên gió. Còn đi ra đảo Phú Quý là đâm thẳng ra biển khơi, gần 6 tiếng đồng hồ tàu chạy trên sóng gió cấp 7, “quân lính” say sóng nằm vật ra trên sàn tàu nhưng ai cũng thấy ấm áp, vui vẻ.

1. Một chuyến đi “bão táp”. Nhưng chuyến ra cũng như chuyến về tàu đều chật người, hơn 300 người nằm ngồi chen chúc. Và mỗi ngày cả 4 chuyến như vậy.

Và hàng tháng hàng năm đều như vậy. Cái gì đã hấp dẫn mọi người ra đó, tuy đảo không lớn, chỉ chừng 17km2, dân số chỉ hơn 2 vạn?

Đảo Phú Quý, tên trong bản đồ là cù lao Thu, do nhìn từ xa giống hình con cá thu, một trong 4 loại cá quý hiếm của vùng biển miền Nam: chim, thu, nhụ, đé. Còn nó đổi tên thành Phú Quý từ khi nào không rõ. Nhưng cũng có thể hiểu đây là đảo của sự giàu sang.

Và gần đây nó còn có ý nghĩa khác lớn hơn: Đó là vấn đề biển đảo, chủ quyền đất nước. Nhưng chuyện đó ta hãy nói sau. Đầu tiên đập vào mắt chúng tôi là những ngôi chùa. Chùa ở đảo Phú Quý nhiều vô số kể, có tới 7 ngôi chùa lớn, nguy nga đường bệ hơn cả những ngôi chùa lớn ở TPHCM.

Trong lúc dân số chỉ hơn 2 vạn. Lấy người đâu đi viếng chùa? Tôi không hiểu điều đó. Và thực sự cảnh chùa cũng rất vắng vẻ. Nhưng tôi không bận tâm. Chùa chiền là vấn đề tâm linh, không phải vấn đề lợi ích.

Các ngôi chùa ở đảo do nhân dân tự nguyện đóng góp, không có bóng dáng “đại gia” ở đây. Càng không giống chút nào kiểu dáng dấp “chùa công nghiệp”, như gần đây có ở nhiều nơi.

Tôi đã 3 lần đến thành phố Suzdal của Nga, bị thu hút bởi vẻ đẹp khác thường ở đó. Thành phố chỉ toàn nhà thờ, hầu như không có nhà dân, càng không có nhà hàng khách sạn. Khách viếng tối đến phải qua ngủ ở thành phố Vladimir kế cận. Sau này Phú Quý có biến thành đảo của chùa, giống như vậy, cũng là điều hay.

Việt Nam sẽ có thêm một thắng cảnh tuyệt vời. Nhưng đó là điều không thể. Nghề cá của Phú Quý phát triển thật rầm rộ. Chúng tôi tới đảo vào lúc chiều tối, ngủ ở nhà trọ cạnh cảng. Sáng ra trời mưa tầm tã, vẫn thấy những chiếc xe đạp chở những con cá thu dài cả thước phóng đi như bay, cho kịp đưa đi ướp lạnh để xuất khẩu.

Buổi sáng trên đường đi quanh đảo, chúng tôi dừng lại ngắm cảnh tuyệt đẹp ở Hòn Tranh, bất ngờ chứng kiến cảnh đội dân quân tập bắn. Lâu rồi tôi mới gặp lại chuyện súng đạn. Cũng gần 40 năm rồi.

Tôi, người già đời trong chiến tranh, trải qua không thiếu cảnh bom rơi đạn nổ, giờ đứng nhìn thanh niên trai gái tuổi đôi mươi lăn lê bò toài, những người cách tôi ít nhứt 2 thế hệ. Lại là vấn đề độc lập, chủ quyền đất nước. Sao đất nước mỏng manh hình chữ S này cứ luôn đối mặt với binh đao khói lửa?

2. Chúng tôi có được sự tình cờ quý giá. Ngày viếng đảo nhằm ngày lễ khánh thành Đại Môn đền thờ Công chúa Bàn Tranh. Đây là ngôi miếu cổ ngày xưa tọa lạc tại làng Thoại Hải, nay là Long Hải, Phú Quý. Lịch sử ghi lại như thế này: Công chúa Bàn Tranh bước chân lên đảo này vào thế kỷ 16, thời Vua Lê Kinh Tôn.

Năm 1630, bà là Công chúa nước Chăm Pa, vào khoảng năm 1653, thời Nguyễn Phúc Ánh cử vị quan cai cơ là Hùng Lộc sang đánh Chiêm Thành, nước này thất thủ phải dâng thư xin hàng. Chúa Nguyễn bèn phân chia ranh giới đất đai. Việt Nam từ  Thái Ninh Phủ - nay là Phan Rang, Tháp Chàm - trở ra.

Do nước mất nhà tan, trên dưới bất hòa, triều đình có sự bất đồng. Bà đã phạm luật triều đình, luật nước nghiêm minh, vua cha đành cắt ruột ra lịnh lưu đày, đưa người con gái yêu thương ra nơi hoang đảo.

Hùm dữ không ăn thịt con, vì phép nước vua phải xuống chiếu chỉ, cấp cho 2 tùy tùng lo việc hầu hạ sớm hôm, cùng đội quân man di khai hoang phục hóa, tạo lập cơ ngơi sinh sống lâu dài. Tiễn con đi mà lòng vua đau vô tận.

Lễ khánh thành Đại Môn đền thờ Công chúa Bàn Tranh. 

Lễ khánh thành Đại Môn đền thờ Công chúa Bàn Tranh. 

Tiền hung hậu kiết. Trong cái khó ló cái khôn. Từ gian truân bùn lầy lại nở ra những đóa hoa thơm ngát. Con thuyền lênh đênh bao ngày, vượt qua bao trùng dương sóng nước. Cuối cùng cập bến này đây, một đảo hoang, cây cối thưa thớt không thuyền ghe qua lại.

Bà cùng đoàn tùy tùng đi tới lui, tìm được nơi vừa ý, đúng ra là Thánh Địa, bên Đông là địa thế Long Chầu, bên Tây là hình dạng Hổ Phục, cảnh sơn thủy hữu tình, đất đai màu mỡ. Bà quyết định an trụ, bắt đầu công cuộc khai hoang phục hóa, trồng trọt mưu sinh. Thời gian trôi qua, những cánh buồm xuôi ngược, từ Nam Nghĩa, Bình Phú, cù lao Dé (nay là đảo Lý Sơn), ngư dân đi biển tránh bão tố ghé đây ẩn nấp, thấy đất lành người ở lại làm ăn.

Người Việt, người Chăm, người Miên, người Hoa cùng nhau sinh sống, khai hoang trồng bắp trồng khoai, trồng bông dệt vải, nuôi tằm, đan gùi, đan võng. Bà đã hòa nhập với người dân đảo, đặt tên đảo là cù lao Khoai Sứ. Tuổi già sức yếu, bà mãn phần vào ngày 3-3 (âm lịch). Nhân dân thấy nhiều việc hiển linh của bà, như việc hộ trì dân chúng, lập miếu tôn thờ.

Đầu tiên, xây dựng vách bùn, mái tranh thô sơ. Năm 1878, Mậu Dần, xây tường đá quánh vữa vôi, lợp ngói âm dương màu đỏ. Đến năm 1910, Canh Tuất, ngói đỏ không chịu nổi nước mặn, phải thay ngói âm dương đúc vữa xi măng.

Năm 1990, Canh Ngọ, sau giải phóng, Phiên Phần làng Hội An họp 9 làng bàn việc trùng tu tôn tạo, vách vữa xi măng, mái lợp tôn xi măng. Năm 2007, được cấp bằng Di tích lịch sử, được cấp kinh phí xây dựng 3 hạng mục: Chánh Điện, Vỏ Ca, Nhà Khói. Năm nay làm tiếp những việc còn lại: vòng thành, nội ngoại thất Đại Môn, Nhà Khách.

3. Truyền thuyết về sự linh hiển của bà, hộ trì dân đi biển tai qua nạn khỏi trong nhiều trận bão tố, đã được 6 vị Đại Đế phong tặng 13 Sắc Điệu: vua Minh Mạng 2 Điệu, vua Thiệu Trị 4 Điệu, vua Tự Đức 3 Điệu, vua Đồng Khánh 1 Điệu, vua Duy Tân 1 Điệu, vua Khải Định 2 Điệu.

Tổng cộng cả 13 Điệu sắc phong cho cả Vị Thầy và Bà Chúa, cho nên gọi là Sắc Thầy Chúa, 9 làng chia nhau luân phiên lưu giữ cho đến ngày nay. Cái gì lưu truyền trong ký ức nhân dân, cái đó là điều đáng quý, đáng trân trọng.

Rời ngôi đền của truyền thuyết tâm linh, chúng tôi tiếp tục đi tham quan, tìm hiểu công việc làm ăn sinh sống hiện tại của đảo. Đảo nhỏ người thưa, nhưng có hẳn một đại lộ 2 làn xe bề thế, 2 bên có những tòa biệt thự nguy nga nối tiếp nhau. Chúng tôi cũng ghé thăm đài truyền hình huyện ở đảo.

Ấn tượng nhứt là 3 cây phong điện cao ngất trời, chưa từng thấy ở đâu có, lớn gấp 10 lần các cây phong điện khác. 3 cây phong điện đang chuẩn bị phát điện, sản lượng điện đủ dùng cho cả đảo.

Chúng tôi chỉ có 3 ngày ở đảo nhưng thăm thú cũng đã đủ hết: chợ búa, trường học, cơ sở nuôi cá, đền chùa để hiểu thêm một vùng đất, một bộ phận dân chúng sinh sống nơi đảo xa.

Nhưng quan trọng hơn cả, như hôm rồi ở quần đảo Nam Du, đó là cảm giác xa xôi mà gần gũi: Lần đầu tiên tôi ở cách xa đất liền như thế này, giữa trùng khơi sóng nước, nhưng lại đang ở trên đất nước mình. Bao nhiêu tình cảm lẫn lộn. Thương ông cha mình ngày xưa gian nan vất vả.

Chúng tôi ra đây trên chiếc tàu to đùng nổ máy ầm ầm, vậy mà ai nấy nằm dật dựa. Còn ngày xưa ông cha chỉ với chiếc thuyền con với lá buồm tay chèo… Nhìn lên cây phong điện cao ngất trời, tôi lại thấy tự hào về cương thổ quốc gia, chủ quyền đất nước. 3 chiếc cột trụ không chỉ để làm ra điện, mà còn là cột mốc của Tổ quốc với trùng khơi.

Các tin khác